dimanche 15 août 2021

Nguyen Khan - Những người khốn khổ

 

Việc những người lao động phải ly hương tìm đến những nơi có việc làm để mưu sinh không chỉ là sự đương nhiên mà còn là xu thế của thời đại (toàn cầu hóa). Song bất ngờ là đại dịch cúm Vũ Hán xuất hiện làm rối tung tất cả, đảo lộn tất cả việc ly hương kiếm sống của những người lao động.

Đầu năm 2019 thế giới đã chứng kiến dòng người lao động nông thôn Trung Cộng tại các khu công nghiệp trọng điểm Quảng Châu, Thâm Quyến...Gồng gánh rồng rắn quay về quê nhà vì mất việc do thương chiến Trung Mỹ, làm không ít người xót xa cho cuộc sống bấp bênh của những người lao động nông thôn.

Dù lúc ấy báo chí Trung Cộng lèo lái sang hướng tích cực là người lao động về quê khởi nghiệp, thì cũng không vì đó làm giảm bớt sự thê thảm của những người khốn khổ bán sức lao động nuôi thân ở những thành phố công nghiệp.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thương chiến không là gì so với ảnh hưởng dịch cúm Vũ Hán. Và dòng người lao động Trung Cộng mất việc vì thương chiến phải rồng rắn về quê cũng không là gì so với cuộc tháo chạy của người lao động khỏi Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía nam về quê vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa rồi.

Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ ra lệnh ai ở đâu ở yên tại chỗ, thì những người chưa kịp tháo chạy về quê bị giữ chân lại. Nhưng quả thật, phải lo an sinh xã hội cho một số lượng quá đông người lao động các tỉnh thành ở lại là nhiệm vụ quá khó đối với chính quyền sở tại, khi phải dồn hết sức người sức của vào việc phòng chống dịch.

Người lao động đành phải tự xoay sở ở lại chờ ngày chính quyền địa phương nơi họ ngụ cư hết hạn giãn cách để hồi hương. Song vừa có tin TPHCM gia hạn giãn cách thêm một tháng nữa, các tỉnh trong cụm kinh tế sát nách TPHCM cũng gia hạn thêm giãn cách, khiến không ít người khốn khổ không còn tiền ăn, tiền nhà trọ, điện nước... Buộc phải tháo chạy lần hai.

Báo Tuổi Trẻ cho biết các chốt chặn trên quốc lộ 1 khu vực Suối Tiên hôm nay đã chặn dòng người tháo chạy, yêu cầu họ quay lại. Nhưng nếu họ quay lại hoặc bị bắt buộc phải quay lại thì tiền đâu họ thuê nhà trọ, tiền đâu họ sinh sống là một vấn đề nan giải cho cả chính quyền sở tại lẫn những người khốn khổ.

Trong lúc tại quê nhà, tỉnh Ninh Thuận chẳng hạn, không thể kham nổi lượng người hồi hương quá lớn, mang theo tỉ lệ dịch bệnh khá cao (theo Tuổi Trẻ 400 người nhiễm / 2.000 người về quê đợt đầu). Nếu phải đón nhận thêm số công dân Ninh Thuận tại TPHCM tháo chạy đợt này thì không biết nhà chức trách phải xoay sở ra sao ?

Nghĩa là những người khốn khổ đang lâm cảnh bơ vơ nơi xứ người, cùng cực biết là dường nào, khi có nhà, có quê hương xứ sở mà không về được, ở lại xứ người thì không có chỗ cư trú vì không còn tiền thuê nhà trọ, không còn gì ăn, không có việc làm.

Những người khốn khổ về nhà không được, ở lại cũng không được, còn khổ nào khổ hơn, rất cần một giải pháp thỏa đáng, thực chất và chóng vánh của chính quyền sở tại và chính quyền quê nhà để giúp họ sớm vượt qua nghịch cảnh khóc dở mếu dở này.

NGUYEN KHAN 15.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.