Giữa tình hình đại dịch đang diễn biến phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh và chưa có dấu hiệu giảm, thì tôi nghe được tin là lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định triển khai xét nghiệm trên địa bàn thành phố, dựa trên 2 loại xét nghiệm đó là: xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên và xét nghiệm RT-PCR.
Theo nội dung của văn bản thông báo thì mục đích của chiến dịch này nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 để điều trị hiệu quả, thu hẹp “vùng đỏ”, vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh”.
Tuy nhiên đứng ở góc độ người làm khoa học, dựa trên các kết quả thực tế ở nhiều nước trên thế giới và kết quả của chính Việt Nam trong một chiến dịch tương tự hồi đầu tháng Bảy thì tôi thấy đây là một việc không nên làm vì “lợi bất cập hại”. Nhất là trong tình hình dịch ngày càng phức tạp, thiếu nhân viên y tế, thiếu vaccin tốt, thiếu tiền như hiện nay!
Để có được kết quả “mong đợi” như trong văn bản của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra cho chiến dịch toàn thành phố (khoảng gần 9 triệu dân), thì công tác xét nghiệm của chiến dịch này phải đạt được hai mục tiêu, đó là “chính xác” và “nhanh”. Tuy nhiên, dựa trên các “dữ liệu khoa học” và “tình hình thực tế” thì thực sự 2 mục tiêu này đều rất khó đạt được!
Chúng ta cần biết rằng khi virus SARS-CoV-2 lây nhiễm lên người và gây bệnh Covid-19 là một “tiến trình”, trong đó có sự “thay đổi liên tục” về số lượng virus, vị trí phân bố của virus và sự thay đổi của kháng thể trong cơ thể người bệnh (Hình trong bài viết). Do vậy, thậm chí những xét nghiệm có độ nhạy cao và độ đặc hiệu cao hiện nay như RT-PCR dựa lên việc phát hiện bộ gene của virus (được xem là tiêu chuẩn vàng) vẫn có những thời điểm cho kết quả “âm tính giả” cao, nhất là trong những ngày đầu mới nhiễm virus. Tỉ lệ âm tính giả này có thể lên đến gần 100% trong thời gian sớm sau khi nhiễm virus (ngày 1 hoặc 2).
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành “Annals of Internal Medicine” tổng hợp kết quả của 7 nghiên cứu trước đó sử dụng phương pháp RT-PCR để phát hiện người nhiễm Covid cho thấy rằng sau khi nhiễm virus, trong 4 ngày đầu trước thời điểm khởi phát triệu chứng (ngày xuất hiện triệu chứng đầu tiên thường là ngày thứ 5), xác suất kết quả âm tính giả giảm dần từ 100% vào ngày thứ 1 đến 67 % vào ngày thứ 4. Tỉ lệ âm tính giả thấp nhất (độ tin cậy cao nhất) là sau 3-4 ngày bắt đầu từ ngày có triệu chứng với tỉ lệ 20% và tăng dần trở lại khi virus bị tiêu diệt, người bệnh từ từ hồi phục (Hình trong bài viết).
Đây cũng là lý do vì sao trong các hướng dẫn của những tổ chức y tế trên thế giới như CDC của Mỹ họ nói rằng “Kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh sau đó” vì có thể thời gian lấy mẫu quá sớm đã tạo hiện tượng âm tính giả! Cũng vì thế mà chúng ta thấy rằng trong thời gian qua đôi khi chúng ta phải test vài lần cách vài ngày để cho kết quả thật sự tin cậy.
Xét nghiệm RT-PCR được xem là tiêu chuẩn vàng hiện nay, nhưng cũng có nhiều hạn chế như đã phân tích ở trên Vậy thì xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên (antigen) được nhìn nhận ra sao? Các kháng nguyên trong xét nghiệm này chính là các protein của virus được tạo ra trong quá trình sống của chúng. Do vậy, các protein này chỉ được bắt đầu tạo ra nhiều (đủ để đạt độ nhạy của xét nghiệm) khi virus xâm nhập vào trong tế bào và bắt đầu sinh sản, nhân lên. Vì thế, thời gian tốt nhất để xét nghiệm kháng nguyên ở người nhiễm virus là trong khoảng thời gian 1-2 ngày trước khi có triệu chứng, và trong 1 tuần sau khi triệu chứng xuất hiện.
Ngoài ra, do bản chất của xét nghiệm này là dựa trên sự nhận biết protein và sự thay đổi màu sắc được thấy bằng mắt thường, nên độ nhạy của nó thấp hơn xét nghiệm bằng RT-PCR, dẫn đến khả năng cho kết quả “âm tính giả” cao hơn. Vì thế, hầu hết các tổ chức y tế trên thế giới đều không chấp nhận kết quả của xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà phải kết hợp với kết quả của test RT-PCR.
Những thông tin dựa trên dữ liệu khoa học trên cho ta thấy rằng chính bản thân từng loại xét nghiệm, RT-PCR hoặc kháng nguyên, đều có khả năng tạo ra những tỉ lệ âm tính giả ít/nhiều trong suốt quá trình người mắc virus và bị bệnh. Ngoài ra, tỉ lệ âm tính giả sẽ còn cao hơn khi kết hợp với những sai số kỹ thuật do con người hoặc do máy móc như:
• Người lấy mẫu không chuyên nghiệp không chạm được vào nơi cần lấy mẫu (nên không thu được lượng virus cần).
• Bảo quản mẫu không đạt tiêu chuẩn (ví dụ như nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể làm hư mẫu).
• Thao tác của nhân viên xử lý mẫu không chuyên nghiệp không thu được mRNA của virus.
• Các sai số do máy móc (ví dụ do sử dụng một thời gian nhưng chưa được chuẩn lại các thông số).
Mặt khác, dựa vào tình hình thực tế ở Việt Nam thì chúng ta đang thiếu nhân viên y tế trầm trọng. Nên để việc lấy mẫu này trên diện rộng hàng triệu người trong thời gian ngắn, thì áp lực cho những nhân viên y tế còn lại này sẽ là quá lớn, và thậm chí phải sử dụng những người không có chuyên môn. Tất cả những việc này sẽ càng làm sai số tăng cao hơn nữa.
Việc thiếu nhân lực, áp lực thời gian và áp lực chỉ tiêu đặt ra có thể dẫn đến việc lấy mẫu vội, không đảm bảo được kỹ thuật, khó đảm bảo được việc giữ khoảng cách giữa những người được lấy mẫu, và khó thực hiện tốt các công tác vô trùng giữa những lần lấy mẫu! Hậu quả dẫn đến “lây nhiễm chéo” giữa những người đến test và thậm chí cả nhân viên đi lấy mẫu!
Tất cả các phân tích trên cho thấy rằng việc có được một bức tranh toàn cảnh “chính xác về tình trạng nhiễm virus” cho khoảng gần 9 triệu người ở TPHCM là một điều không tưởng! Việc xác định để quy hoạch “vùng đỏ”, vùng cam”, “vùng vàng” & “vùng xanh” một cách rõ ràng là điều không thể, vì bức tranh này sẽ luôn thay đổi, do kết quả “âm tính giả” luôn có trong các kết quả xét nghiệm với tỉ lệ không nhỏ! Ngoài ra, việc xác định “vùng xanh” nhưng có những người “âm tính giả” trong đó lại càng nguy hiểm hơn, khi những người trong vùng này ỷ y vào sự “an toàn giả tạo”!
Tóm lại, dựa trên các dữ liệu khoa học và các kết quả thực tế trong thời gian qua, tôi không ủng hộ cho việc xét nghiệm Covid trên diện rộng toàn TPHCM vì nó là việc làm quá sức cho nhân viên y tế lúc này, quá phí tiền, phí sức cho một việc như “công dã tràng” và “lợi bất cập hại”!
Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, TPHCM nên tập trung vào việc xét nghiệm những người có nguy cơ cao bị nhiễm, những người trực tiếp tiếp xúc F0, những nhân viên y tế tuyến đầu, những người làm công việc tiếp xúc với nhiều người. Để nâng cao chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai số, giảm rủi ro lây nhiễm chéo, giảm sức ép cho nhân viên y tế và giảm chi phí tốn kém, sử dụng những chi phí đó vào việc có ích hơn như mua vaccin tốt, điều trị F0, hỗ trợ kinh tế cho người dân…
Tôi không nghĩ là ai đó lại muốn đi lên vết xe đổ của chính mình!
TS NGUYỄN HỒNG VŨ 20.08.2021
Tài liệu tham khảo:
Testing at scale during the COVID-19 pandemic
Performance of an Antigen-Based Test for Asymptomatic and Symptomatic SARS-CoV-2 Testing at Two University Campuses — Wisconsin, September–October 2020
Kế hoạch số 2716/KH-UBND ngày 15/8/2021 của UBND TPHCM về triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TPHCM (Từ ngày 15/8 đến ngày 15/9/2021)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.