Dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, phải được kiểm soát và đẩy lùi. Trong khi các tỉnh thành ở phía Bắc chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng thì Chính phủ phải tập trung mọi nguồn lực để dập dịch ở TP HCM và các tỉnh lân cận.
Nếu để dịch ở TP HCM rơi vào trạng thái không kiểm soát thì tác hại khôn lường. Khi chưa đẩy lùi được dịch ở phía Nam mà các tỉnh phía Bắc bị lây dịch nghiêm trọng thì đó là thảm họatoàn quốc. Nên phải dồn toàn lực để dập dịch ở TP HCM. Chính phủ phải coi TP HCM là mặt trận chính của dập dịch trên toàn quốc.
I. DỒN TÀI CHÍNH VÀ LƯƠNG THỰC HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO TP HCM
1. CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN. NHƯNG CHO ĐẾN NAY VIỆC CỨU TRỢ DIỄN RA VẪN RẤT CHẬM CHẠP.
Để cho dân không hoảng loạn, ai ở đâu thì ở đấy – muốn vậy, phải có cái để sống, an sinh là số 1. Ai cũng được cứu trợ tiền sinh sống. Ai cũng được tiêm chủng. Ai cũng được cứu chữa - Không phân biệt tạm trú hay thường trú; Không phân biệt có hộ khẩu hay không hộ khẩu; Không phân biệt có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động; Không phân biệt đóng bảo hiểm hay không đóng bảo hiểm; Không phân biệt nộp thuế hay không nộp thuế; Không yêu cầu phải đi xin xác minh bất cứ điều gì ở đâu.
Để cứu trợ không bị trùng lặp, không bị gian dối, là việc của người cấp phát cứu trợ. Công nghệ cho phép làm việc này mà không bắt người được cứu trợ phải phiền hà, không phải kê khai với cán bộ phường và công an khu vực. Chỉ việc ngồi ở nhà mà có tiền trong tài khoản. Chỉ ngồi nhà mà có lương thực thực phầm thiết yếu để sống.
Tất cả những người lao động kiếm ăn, có điện thoại di động, đều có thể kiểm soát qua công nghệ. Họ nhân được tiền cứu trợ tức thì mà không cần qua chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương thực thi việc cứu trợ vật chất. Chính quyền địa phương… rà soát các trường hợp bệnh tật, già yếu, thương tật cô đơn, không có khả năng sử dụng công nghệ.
Việc nhận tiền cứu trợ mà phải đi qua chính quyền địa phương có hai nhược điểm rất trầm trọng: Một là tốn nhiều thời gian, không kịp thời; Hai là tạo ra tình cảnh xin – cho, biến chính quyền địa phương thành người có quyền ban phát. Từ đó dẫn đến gây phiền hà, gian lận, trục lợi, ban phát không đúng đối tượng và bỏ sót. Thực tế cách cứu trợ của Bộ LĐ&TBXH đã minh chứng hai điều vừa nêu. Rất nhiều trường hợp cần cứu trợ, suốt 3 tháng qua chưa được cứu trợ. Không ít cán bộ địa phương trở thành cửa quyền.
2. ĐÔI LỜI VỀ CÁCH ĐỀ NGHỊ CỨU TRỢ CỦA TP HCM.
UBND TP HCM vừa có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho 4.749.330 người nghèo từ 1.580.000 hộ, do gặp khó khăn trong đại dịch, với tổng số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.
Khẳng định là phải cứu trợ khẩn cấp vô điều kiện cho toàn bộ người dân TP HCM mất việc làm vì dịch covid. Nhưng cách tiếp cận, khác với đề nghị của TP HCM.
Chính quyền TP HCM xin cứu trợ trong đại dịch Covid theo con đường cũ: xét hộ nghèo đói. Đây là con đường tạo nền quyền xét duyệt, cho và không cho, và mất nhiều thời gian xét duyệt. Nó đi ngược với tính khẩn cấp và mục đích cứu trợ vô điều kiện vì đại dịch.
Việc xác định ai là hộ nghèo để được cứu trợ sẽ phụ thuộc vào chính quyền phường, công an khu vực, tổ dân phố..Từ đó lại xẩy ra trường hợp xin –cho. Và việc quyết định ai được nhận cứu trợ phụ thuộc vào chính quyền địa phương chứ không thuộc vào chính phủ.
Tiếp đến, là mục đích cứu trợ chưa đúng. Cứu trợ là cho người dân mất việc làm trong đại dịch, chứ không cứu trợ cào bằng cho mọi thành viên trong hộ.
Đó là điều các nước khác không làm. Không nước nào cứu trợ trong đại dịch theo hộ, phụ thuộc vào thước đo của phường xã, mà phụ thuộc vào chính sách của quốc gia. Cho nên tất cả mọi người lao động đều được hưởng trợ cấp mất việc làm.
Kết quả cho thấy, UBND TP HCM yêu cầu cứu trợ 4.740.330 người nghèo gặp khó khăn – chiếm 52,71% dân số toàn TP HCM (8 993 000 ngày 01/4/2019, theo world population thì dân số TP HCM là 8 827 544 người). Trong khi đó, toàn bộ số người lao động ở TP HCM là 4.492.268 người ( chiếm 49,95% dân số toàn thành phố). Như vậy con số người nghèo đói cần trợ cấp 4.740.330 là con số lớn hơn toàn bộ số người lao động ở TP HCM.
Có nghĩa là, Chính phủ trợ cấp cho tất cả những người lao động ở TP HCM - thì vẫn ít hơn con số TP HCM yêu cầu. Vậy Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đang trợ cấp ở đâu? cho ai?
Phải cứu trợ tức thì cho toàn bộ người lao động ở TP HCM vô điều kiện. Nhưng không phải theo cách đánh giá của cán bộ phường, không theo hộ gia đình, mà theo chính sách của Chính phủ.
Việc cứu trợ của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội trong thời gian qua diễn ra rất chậm chạp, với nhiều thủ tục phiền toái, với nhiều khiếm khuyết, không đáp ứng được tính khẩn cấp trong dịch bệnh.
3. CẦN TRẢ LỜI NGAY CHO UBND TP HCM VỀ GÓI CỨU TRỢ
Việc hỗ trợ cho TP HCM bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo, và hình thức cấp phát như thế nào, phải xuất phát từ Chính phủ, và cần trả lời ngay vì tình trạng khẩn cấp. Việc chậm trễ của Chính phủ về số lượng hỗ trợ và hình thức cấp phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp to lớn đến hiệu quả dập dịch ở TP HCM.
Khi Thủ tướng đã ra lệnh "Khi đã phong tỏa thì không để người dân nào thiếu ăn" thì Chính phủ phải trả lời cho UBND TP HCM biết là họ nhận được bao nhiêu tiền , bao nhiêu gạo?
Khi Thủ tướng yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã phường cách ly với xã phường” mà không có trợ cấp tài chính từ Chính phủ thì sẽ kém hiệu quả.
Khi Thủ tướng tuyên bố "Hỗ trợ TPHCM là chuyện cháy nhà chết người, đừng chần chừ nữa!"(https://dantri.com.vn/.../ho-tro-tphcm-la-chuyen-chay-nha...) thì Chính phủ phải tức thì chuyển tiền, chuyển gạo, chuyển nhân lực, thiết bị, thuốc men. Nếu không vẫn chi là ý chí chính trị!
II. DỒN NHÂN LỰC, THIẾT BỊ, VACCIN VÀ THUỐC MEN CHO TP HCM
An sinh tốt thì mới tạo điều kiện cần cho giãn cách tốt. Khi Chính phủ hỗ trợ tài chính và lương thực cho TP HCM thì đó là điều cần cho giãn cách. Điều kiện đủ cho giãn cách tốt là lãnh đạo TP HCM phải giỏi. Có giỏi thì mới đưa ra các biện pháp đúng. Có giỏi thì mới triển khai được giãn cách tốt.
Vấn đề hệ trọng song song với an sinh và giãn cách là cứu trợ cho người bị lây nhiễm Covid. Phải giảm tỉ lệ tử vong. Tử vong là họa cuối cùng của dịch. Để tỉ lệ tử vong cao là thất bại toàn diện trong dập dịch. Con số tử vong cao sẽ gây hoảng loạn trong toàn quốc.
Cho nên, phải dồn vaccie, thiết bị và nhân lực cho TP HCM và các tỉnh bị dịch bệnh nặng để giảm tỉ lệ tử vong và hạn chế lây lan. Trên phương diện này, hành động của Chính phủ chưa tương ứng với đòi hỏi của thực tế.
III. DẬP DỊCH PHẢI THEO KHOA HỌC. DỰA VÀO CHUYÊN MÔN. KHÔNG DỰA VÀO Ý CHÍ CHÍNH TRỊ.
Dịch virus corona là đại họa. Diệt virus corona phải theo khoa học. Phải dựa vào chuyên môn.
Không thấy bên cạnh Thủ tướng thường xuyên có một bác sĩ trưởng giỏi, một nhóm bác sĩ giỏi. Không thấy bên cạnh người đứng đầu các tỉnh thành thường xuyên có một bác sĩ trưởng giỏi, một nhóm bác sĩ giỏi. Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở y tế là các nhà quản lý, thăng tiến theo ngạch quản lý, không phải là các chuyên gia giỏi nhất về dịch.
Chính sách dập dịch phải xuất phát từ các nhà chuyên môn. Không đi từ những người lấy ý chí chính trị làm đầu, lấy tuyên truyền làm phương tiện. Nghe lời khuyên từ 3 nhà chuyên môn giỏi trong 1 giờ, lợi muôn lần hơn suốt ngày họp với mấy chục lãnh đạo chỉ ngồi nghe, không nói khác.
Dập dịch ở Việt Nam hiện nay, khác với nhiều nước, các nhà chính trị đang áp đảo các nhà chuyên môn. Tình trạng Việt Nam thiếu vaccin, tỉ lệ tiêm vaccin thấp, là vì ý chí chính trị áp đảo kiến thức chuyên môn. Các tỉnh thành chưa rơi vào hoàn cảnh lâm nguy hãy nhanh chóng mà thay đổi.
NGUYỄN NGỌC CHU 20.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.