dimanche 1 août 2021

Nguyễn Gia Việt - Cuộc tháo chạy từ thành phố nghĩa tình, thân thiện nhứt nước


Hình ảnh của công nhân, sinh viên tứ xứ rời bỏ thành phố Hồ Chí Minh bằng mọi cách, từ xe gắn máy, đi bộ đã làm xúc động, rơi nước mắt bao người có lương tri.

Nhiều công nhân ra về "quê hương"mà trong túi chỉ còn đúng 100.000 đồng cho một quãng đường xa mút mùa lệ thủy.

Trên báo Thanh Niên có viết về một gia đình chạy từ Đồng Nai về Cần Thơ bị dính chốt Bình Chánh, người phụ nữ hồn nhiên "Chị làm hồ, giờ về". Hỏi còn nhiêu tiền trong túi chị trả lời "Còn 300.000 ngàn, đủ đổ xăng về Cần Thơ mà".

Hai anh em người Phú Yên cũng "về quê" dính chốt bị cảnh sát giao thông yêu cầu quay đầu về phòng trọ hồn nhiên trả lời "Thiếu tiền phòng trọ mấy tháng, giờ đâu còn chổ về, trong túi còn đúng 200.000 ngàn".

Nhiều người Thanh Hóa, Nghệ An cũng ôm con lên xe gắn máy ,phải rời TPHCM càng sớm càng tốt thôi.

Nước mắt, lời than thấu Trời xanh !

Tôi có người bạn, hỏi về quê không thì nó trả lời chắc như đinh đóng cột "Em ở lại". Nó chịu đựng đã hơn 2 tháng nay rồi, ăn cơm chùa,ăn cơm từ thiện, nay cấm ra đường thì tự nấu, may mắn là chỗ làm vẫn rót tiền vào tài khoản của nó .

Thất nghiệp, không có tiền trả nhà trọ, không có tiền mua lương thực, họ đuối hoàn toàn giữa đất Sài Gòn hoa lệ.

Nhiều bạn "thượng đẳng" thiếu lương tâm cà khịa trên FB "Sao lúc làm không biết tích lũy?"

Xin thưa! Làm công nhân mà tích lũy được giữa đất Sài Gòn là "siêu nhân" á.

Lương thì chút xíu nhưng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn, đóng nhà trọ, điện nước, xăng cộ, xe hư, tiền chi xài, ai có con nhỏ thì nín thở chi phí, nó sẽ hút hết tiền lương của công nhân. Rồi mỗi công nhân lại có trách nhiệm "nuôi" gia đình ở quê, hàng tháng gửi về vài triệu.

Nuôi gia đình.Tính ra hàng tháng công nhân ở Sài Gòn gửi về các tỉnh tiền cũng bạc tỉ à, các tỉnh hưởng nguồn này cũng là một nguồn sống. Tuy nhiên khi nghe các tỉnh công bố kế hoạch đón công dân của mình về thì lại thấy bảng kê "tính" chi phí cách ly, xét nghiệm, yêu cầu công dân mình "tự trả" không thiếu một cắc.

Công nhân Việt Nam ai mà "giàu" thì chỉ có trong tưởng tượng. Thuế phí khá cứng sẽ "thò" vô túi hầu hết người lao động.

Người bình dân đâu biết rằng rồi thì nước, điện, internet, cọng rau, con cá, hột gạo, miếng nước mắm...tới miếng băng vệ sinh, viên thuốc trị bịnh lên giá âm thầm, cạo thêm cái túi vốn đã xẹp lép của họ, con cái sẽ đói thêm, ốm thêm, còi xương hơn vì cơm vơi bớt trong chén.

Mọi thứ như một người bịnh mà uống thuốc sơ sài nay đã bịnh nặng thiệt.

Chánh sách ”khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” là bài học xưa rày trong cai trị. Dân còn sức thì mới nuôi chánh quyền nổi, là vì chánh quyền tồn tại là nhờ dân nuôi. Dân mà ngã quỵ, sụm bà chè, lét mo bò mủng thì ...

TPHCM còn có nhiều người ngoài đường, lấy hè phố làm nhà, những người không có khái niệm "hạn chết ra khỏi nhà" trong những ngày "16" này. Cơm từ thiện, cơm bố thí mà "cấm ra đường" thì những người này sẽ khó chắc.

TPHCM đang chứng kiến những ngày phải gọi là thê thảm, biến động nhân tâm, cái ngày mà dân không biết sống chết ra làm sao, cơn bão đã tới.

Bức tranh nặng mùi, không khéo là cùng đường người dân.

"Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè tôi nghèo

Nghèo tanh, nghèo hôi

Nghèo lồi mắt cá

Nghèo sạt xương hông

Nghèo không gạo nấu

Nghèo thấu Ngọc Hoàng

Nghèo tàn, nghèo mạt

Nghèo khạc ra tro

Nghèo ho ra máu

Nghèo lủi vô bờ

Nghèo lờ con mắt

Nghèo thắt ống chân

Nghèo sưng cần cổ

Nghèo lỗ máu đầu

Nghèo cực như trâu"

Nhìn buồn lắm ai ơi!

NGUYỄNGIA VIỆT 01.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.