Chỉ trong ngày 2/8, TP HCM có thêm 170 ca tử vong vì Covid-19, trong tổng số 1.400 ca tử vong được công bố đến sáng 3/8.
Thật sự, tôi câm lặng trước những con số tang thương, khốc liệt. Một Sài Gòn giăng kín, rào chắn bấy lâu, tôi vẫn nghĩ thôi thì phong thành đành phải vậy. Nhưng khi từng mạng người bắt đầu gục xuống, mất mát hiện lên trên từng con số tử thì một Sài Gòn đã thật sự tang thương.
Rồi chiều tối nay, Trâm chuyển cho tôi hình ảnh của một shipper đang giao hũ cốt của một người chị Trâm quen. Điểm nhận ngay trước cổng chùa. Còn 3 hộp được tiếp tục giao.
Tôi chết lặng trước hình ảnh “giao dịch” tang tóc, khủng khiếp.
Trong mỗi chiếc hộp giấy carton kia là một hũ cốt, lưu cữu một cuộc đời, một con người với bao danh phận làm con, làm vợ, làm mẹ, làm chị, làm bạn bè, thân hữu. Vậy mà, trong phút chốc, tan tác. Ra đi không một lời thưa gửi, giã từ. Biến mất không một ký thác, di nguyện. Người ở lại còn không biết đang cầm cự nổi hay không, có qua cơn sống sót…
Cậu shipper kia trong cuộc mưu sinh, hẳn cũng không mường tượng một ngày lại chở cả cuộc đời còn lại cho người. Người giao kẻ nhận cứ lầm lũi trong đau đớn. Bởi chỉ cần ngoảnh lại, cúi xuống, là ai đang “vùi thân tro bụi” ấy cũng cần ít nhất một lần gọi tên, đưa tiễn.
25 năm sống và làm việc tại đất này, mỗi ngày qua và những ngày này, tôi lại nghiến ngấu đọc lại về nó. Chưa từng một trang sách, dù là giả tưởng, có thể có một hình dung khốc liệt, tang tóc như thế này với Sài Gòn.
Nhìn những dòng người hồi hương, họ rời Sài Gòn để đi tìm nơi trú ẩn an toàn. Như họ đã từng tìm đến, tìm một nơi mưu sinh lành lặn, an hòa. Họ về lại quê, rồi mai này bình yên, họ trở vô, gầy dựng lại, gom góp lại. Sài Gòn vẫn nguyên vẹn đó.
Nhưng có những người, ít nhất trong 1.400 con người xấu số kia, Sài Gòn đã mất họ. Ai kịp để tang cho Sài Gòn khi một phần hồn của nó, là những con người đã ra đi trong tai ương dịch bệnh. Mọi nỗ lực cứu chữa bất thành. Một hệ quả khắc nghiệt, khốc liệt của bất kỳ cơn đại dịch nào càn quét qua, chỉ là con người có dự báo trước mà trú tránh, mà bớt đi những trả giá sinh tử hay không mà thôi.
Bỗng dưng, giữa chấp chóa, xác xơ ấy, tôi bắt gặp cái bản tin “Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM khởi động Cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng”. Ban tổ chức đặc biệt kêu gọi các thí sinh gửi những tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác tôn vinh sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, nêu bật sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng chống Covid-19.
Không có chiến thắng nào trong một cơn đại dịch cả, nó là cuộc chiến để cầm cự, để sinh tồn, để còn được sống. Thất bại là chết, là đối diện thảm họa diệt vong. Nhưng còn sống không có nghĩa là vinh quang.
Trong cuộc chiến ấy, con người với thiên chức, với ý chí sinh tồn, với trách nhiệm cộng đồng, họ là minh chứng cho phần đẹp đẽ nhất trong phần còn lại đầy ngạo nghễ có phần ngạo mạn và yếu ớt, thậm chí ngu dốt của con người. Mãi mãi, chúng ta không thể, không có bất cứ một chiến thắng nào trước vi sinh vật, trước nguồn sinh sản và biến hóa khủng khiếp của virus, nhất là virus cúm. Chẳng qua, chúng ta rượt đuổi theo nó mà sống sót, mà khỏe mạnh, mà tìm thấy sự an toàn.
Mọi sự nỗ lực, gắng sức, hy sinh của những người áo trắng, áo xanh và bao con người thầm lặng khác, ở mọi tuyến phòng chống dịch đều cần được ghi nhớ, ghi ơn. Nó chính là minh chứng cho niềm tin vào sự tốt đẹp của con người. Và hẳn nhiên, khi càng có nhiều sự tốt đẹp ấy, xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn lên. Thành quả của một thể chế sẽ được ghi lại một cách công bằng, khách quan.
Nhưng, đặt nó trong mọi góc cạnh đã, đang và còn sẽ diễn ra một cách khốc liệt và ám ảnh nhất trong những ngày tới nữa, thì liệu một cuộc thi thố ngợi ca chiến thắng, kèm theo giải thưởng có là một hành động “tôn vinh” người này và ít nhiều gợi lại những mất mát, đau thương ở những người kia.
Hoặc vẫn là chính những người dân - như nhân chứng sống - ghi lại câu chuyện của năm 2020-2021 này, với tất cả những gì họ đã trải qua, không chỉ “niềm tin chiến thắng”, mà cả mất mát, tang thương; trong tang thương, mất mát họ vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp, cả những trả giá của chính con người.
Đó là tiếng nói để gửi vào cho mai sau, về một Sài Gòn của những ngày dịch bệnh, có mất mát, có hy sinh, có tận hiến. Như hôm nay, chúng ta vẫn lật từng trang sách cũ. Một thời cũng chìm trong thương hải tang điền nhưng là bao thời đi qua để có được một Sài Gòn của hôm nay…
Đừng cổ vũ thi thố sau những tang thương.
LÊHUYỀN ÁI MỸ 03.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.