samedi 7 août 2021

Lê Học Lãnh Vân - Hãy thương kinh tế Sài Gòn

 

Nhìn những tấm hình trên mạng về cảnh đời “Dòng người lầm lũi rời Sài Gòn. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau. Có bốn mẹ con đạp xe về Nghệ An. Có gia đình chạy xe ra tận ngoài miền núi phía Bắc. Có người đi bộ xuống miền Tây” (Nguyễn Tiến Tường), lòng người bình thường nào không xót?

Bài viết này dừng lại rất lâu trên tấm hình chụp đoàn xe hai bánh đông đảo, trên xe những gương mặt cam chịu, mà nghe quá xót xa. Đúng như có người kêu lên: “Hãy Thương Bước Chân Viễn Xứ…”

Nhưng, nào chỉ xót cho từng phận người mà xót cho cả một cộng đồng! Từ góc độ công thương nghiệp, tôi nhìn tấm ảnh mà tiếc đứt ruột! Bài viết này kêu lên: “Hãy Thương Sài Gòn…”.

Người công nhân từ tỉnh xa tới Sài Gòn tìm cơ hội đổi đời. Nhiều người trong họ thành công, thành manager trong các công ty lớn, thậm chí các công ty đa quốc gia Âu, Mỹ… Cái đa số đông đảo hơn, dù còn lam lũ, cũng đã mở một lối đi cho tương lai gia đình, con cái học tại Sài Gòn, đồng lương dù ít cũng có thể tiện tặn một tháng gởi vài trăm ngàn một triệu về quê giúp cha mẹ.

Những người đó là thành phần quan trọng của nền công nghiệp, nền kinh tế Sài Gòn. Lương một trưởng phòng (manager) có thể là hai lăm, ba chục, bốn chục triệu, lương một người thợ là tám, mười triệu. Nhưng số thợ rất đông đảo, gấp ba bốn chục lần số manager cho nên nhìn từ góc độ kinh tế, tầm quan trọng của giới đông đảo này hơn gấp nhiều lần giới manager! Đó là chưa kể giới buôn bán rong như bán bánh mì, bán hàng vặt, vé số, phụ cửa hàng, phụ quán… Những kiểu buôn bán này vẫn còn đem lại giá trị cho cuộc sống Sài Gòn.

Trong cơn dịch, thành phố giãn cách, các xí nghiệp đóng cửa, Sài Gòn không thể cưu mang nữa, họ ồ ạt tuôn khỏi Sài Gòn nơi cách đây không lâu hấp dẫn họ như một vùng đất hứa!

- Không sao đâu anh, hết dịch, họ lại quay về! Người bạn thân an ủi khi thấy tôi lo lắng.

- Anh nghĩ họ sẽ dễ dàng quay lại sao? Họ dễ dàng quay lại khi nhận ra Sài Gòn đã thành vùng đất dữ chỉ sau một cơn gió Covid? Ít nhất là dữ đối với họ, với gia đình họ? Khi còn thấy Sài Gòn đất hứa, có ngăn cản người ta vẫn tới. Khi đã thấy Sài Gòn đất dữ, có mời gọi người ta vẫn không thèm.

Tuy nhiên, trong hơn chín mươi triệu người Việt Nam, lớp này nối tiếp lớp khác, tôi không chỉ nói về những người ra đi. Sự ra đi chỉ là hệ quả…

Tôi muốn nói tới nguyên nhân gần của sự việc: nền công nghiệp, nền kinh tế của Sài Gòn đã gãy đổ. Không biết Sài Gòn còn giữ bao nhiêu của chìm của nổi, nhưng đồng vốn quay vòng của Sài Gòn để tạo ra đồng lời nuôi người lao động đã không còn chỗ quay nữa! Khung quay đã gãy, nhiều cấu trúc đã rơi rụng.

Khâu lưu thông hàng hóa tổn thất rất nghiêm trọng. Tỉ trọng “hàng thiết yếu” trong các mặt hàng công nghiệp ít hơn nhiều so với các mặt hàng nông nghiệp. Hàng không thuộc “thiết yếu” này bị giới hạn tiêu thụ nghiệt ngã, nếu không nói là gần như cấm.

Các công ty lớn năm sáu trăm, vài ngàn công nhân không trụ nổi vì không đủ điều kiện thực hiện Ba Tại Chỗ. “Có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày - túi xách, gỗ mỹ nghệ tại phía Nam đã phải dừng hoạt động vì nhiều doanh nghiệp có các ca nhiễm F0 tăng mạnh” (Tuổi Trẻ Online, 30/7/2021). Các công ty này là nguồn tiêu thụ của nhiều công ty cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm. Những công ty đó đóng cửa là hàng loạt công ty lao đao, các công ty dệt, vải, nhựa, da, bao bì, mực in, keo, hóa chất, dung môi… rồi cũng đóng cửa theo!

Xin cùng nhau hình dung nền công nghiệp Sài Gòn như một chung cư hoàn chỉnh cho bao người dung thân. Bây giờ chung cư đó bị phá vỡ vụn, cửa cái, cửa sổ tháo ra, tường đập bỏ, gạch đào lên, thang máy dỡ đi, vườn hoa bỏ hoang, đường dẫn vào bị bít kín… Chung cư chỉ còn trơ khung! Mai một dịch được kiểm soát rồi, xây lại chung cư có dễ không, có nhanh chóng không?

Đó là chỉ nói tới phần cứng của công ty. Còn phần mềm, là con người nữa. Phải xây dựng lại bộ máy quản lý chung cư và con người sống trong đó. Khi chung cư không còn là nơi ở, người trong chung cư phải bỏ đi nơi khác cách xa hàng trăm cây số. Khi chung cư được xây dựng lại rồi, phải mời người từng biết sống trong thành phố, biết vận hành thang máy, có văn hóa sống trong chung cư, biết tôn trọng người chung quanh. Có dễ không?

Phải mất bao năm mới xây dựng lại nền công nghiệp, nền kinh tế của Sài Gòn như trước đây? Đầu năm nay, dù dịch đã bùng phát, dù có những hạn chế hoạt động, Sài Gòn chỉ mới cảm mạo, ấm đầu. Nay thì Sài Gòn đã bị một cú đánh mạnh đa chấn thương và trọng thương!

Tôi, người Sài Gòn liên tục từ thủa mới sinh ra, nhìn đoàn xe mà thấy thấp thoáng niềm đau sụp đổ. Mấy trăm năm nay Sài Gòn là vùng đất hứa, nơi mở rộng vòng tay ôm hết đồng bào. Đồng bào ơi, các bạn đã tới đây, cùng thở, cùng làm việc dưới bầu trời Sài Gòn mà sao không thể bén rễ xanh cây?

Sài Gòn trọng nghĩa trọng tình. Cơn cớ nào khiến Sài Gòn mấy trăm năm mạnh mẽ bây giờ không đủ sức cưu mang bà con?

Sài Gòn bị trọng thương là hậu quả của dịch covid-19 hay còn nguyên nhân nào khác không? Bài viết này muốn đặt câu hỏi có nên làm một cuộc điều tra, tìm hiểu một cách độc lập những nguyên nhân khiến Sài Gòn bị trọng thương. Trong những nguyên nhân đó, bao nhiêu phần nguyên nhân do covid-19, bao nhiêu phần nguyên nhân do quản trị xã hội? Giới quản trị hiện nay đã có phương pháp và công cụ đo lường!

Chỉ khi biết những điều đó, Việt Nam mới rút những bài học then chốt (key learnings) cho sự phát triển quốc gia trong tương lai, không chỉ cho Sài Gòn mà cho cả Việt Nam!

LÊ HỌC LÃNH VÂN 07.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.