Không nói ra thì ai cũng biết rằng dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chánh sách kiểm soát dịch. Thế nhưng, đó lại là khía cạnh yếu nhứt ở Việt Nam.
Hôm qua, khi tò mò làm vài thao tác phân tích dữ liệu tôi mới biết rằng ở Việt Nam rất thiếu dữ liệu mà tôi gọi là 'actionable' về dịch. Giới chức y tế và các tổ cố vấn có cung cấp dữ liệu, nhưng ở dưới dạng tóm tắt (summary) và do đó không thể xem là actionable data được. Những dữ liệu đó chỉ có ích cho giới báo chí, chớ không có ích cho giới khoa học.
Chẳng hạn như biểu đồ về số ca nhiễm của Việt Nam (xem hình) nó không có ý nghĩa gì cả, nhưng hình bên phải thì cung cấp thông tin có nội dung hơn. Chẳng hạn như cung cấp con số tử vong theo từng độ tuổi, mà không biết bao nhiêu ca nhiễm theo từng độ tuổi thì ... cũng như không. 'Actionable data' là những dữ liệu giúp cho các chuyên gia có thể phân tích chuyên sâu để hiểu tình hình dịch bệnh, để dự báo chính xác hơn, và để cố vấn cho giới lãnh đạo.
Ở Việt Nam, chúng ta thiếu rất nhiều dữ liệu actionable, và từ đó kiến thức của chúng ta rất ư hạn hẹp. Chúng ta không biết bao nhiêu người bị nhiễm virus Vũ Hán. Chúng ta không biết số người được xét nghiệm theo nhóm tuổi. Chúng ta không biết số ca nhập viện, số ca nhập ICU và cần thở máy cho từng nhóm tuổi. Thậm chí, con số tử vong dù rất đơn giản cũng không biết có chính xác hay không. Rất nhiều thông tin quan trọng đều không có, hay có thì chất lượng thông tin đều là một câu hỏi.
Cần dữ liệu gì?
Theo tôi, ngay từ bây giờ, TPHCM và các tỉnh (kể cả những nơi dịch chưa lây lan mạnh) nên thành lập một nhóm chuyên về dữ liệu covid. Nhóm này phải có các chuyên gia về dịch tễ học, thống kê, và IT. Các chuyên gia dịch tễ học biết dữ liệu nào cần thiết cần phải thu thập. Các chuyên gia thống kê biết dữ liệu nên thu thập theo dạng nào và mô thức nào. Các chuyên gia IT biết cách thiết lập các cơ sở dữ liệu trực tuyến để các tỉnh thành nhập dữ liệu.
Cơ sở dữ liệu phải có thông tin CHO MỖI CA. Không phải thông tin thống kê như cách Bộ Y tế công bố, vì những thông tin đó không thể hay rất khó dùng cho phân tích và mô hình dịch bệnh. Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm độ mật (confidentiality) tuyệt đối cho người bị nhiễm.
Vậy thì cụ thể chúng ta cần gì? Theo tôi, cơ sở dữ liệu cần phải có, ngoài những thông tin về nơi cách ly, những thông tin căn bản nhứt về cá nhân cần phải có là như sau:
• Thông tin về nhân trắc: Giới tính, tuổi (không phải độ tuổi, mà là tuổi chính xác), chiều cao, cân nặng.
• Thông tin về gia đình: Nghề nghiệp, bao nhiêu anh em trong nhà, diện tích xấp xỉ của nhà ở, địa điểm (phường, xã, huyện, v.v. nhưng không cần tên đường).
• Thông tin về xét nghiệm: Ngày xét nghiệm, lẫy mẫu ở đâu (cổ họng, mũi, v.v…) phương pháp xét nghiệm, kết quả cụ thể (ví dụ như PCR thì kết quả không phải yes/no mà là con số cycle threshold).
• Thông tin về tiền sử: Có mắc các bệnh nền hay không. Liệt kê những bệnh phổ biến có liên quan như cao huyết áp, CVD, tiểu đường, ung thư, COPD, v.v...
• Thông tin về triệu chứng: Sốt, ho, mệt mỏi, đau cổ họng, tiêu chảy, mất vị giác, mất giọng nói, khó thở, v.v…
• Thông tin về thuốc sử dụng: Liệt kê những thuốc mà cá nhân đang sử dụng trong lúc hay trước khi có triệu chứng.
• Thông tin về outcome: Cá nhân được cách ly tại nhà, khu tập trung, hay nhập viện, hay tử vong.
• Thông tin về vaccin: Ngày được tiêm vaccin và loại vaccin.
Thành lập đội 'đặc nhiệm dữ liệu'
Tôi hiểu rõ rằng trong lúc các nhân viên y tế bận chống dịch (xét nghiệm, điều trị) thì họ không thể có thì giờ để thu thập những thông tin trên. Do đó, cần phải có các đội 'đặc nhiệm' về dữ liệu và họ được Nhà nước trao quyền để thu thập dữ liệu. Có lẽ đội này sẽ đi bên cạnh các nhóm chống dịch.
Chúng ta (người Việt) có xu hướng chê và không tin vào dữ liệu về dịch tễ từ Tàu. Điều đó cũng có cơ sở, nhưng ít ai biết rằng những dữ liệu của họ đã cung cấp rất nhiều thông tin về dịch Vũ Hán lần này cho cả thế giới. Trong lúc các nước khác (như Mỹ, Âu châu, Úc) chưa có dữ liệu thì Vũ Hán là trung tâm của các nghiên cứu khoa học về dịch bệnh, tôi cho rằng nhiều dữ liệu đó là vô giá.
Chúng ta cũng có thể làm như họ (bên Vũ Hán). Tôi nghĩ chúng ta thừa có những chuyên gia về dịch tễ học, thống kê học và IT; vấn đề là tổ chức họ thành nhóm để kiến tạo, quản lý và tư vấn về dữ liệu cho Nhà nước.
Nhà hoạch định chánh sách cần dữ liệu. Không có dữ liệu thì các chuyên gia dịch tễ học không thể mô hình dịch bệnh được. Không có dữ liệu thì các nhà hoạch định chánh sách chẳng khác gì người mù đi đêm. Hậu quả là người dân không tin các chánh sách của Nhà nước, thành ra bất cứ con số nào được công bố cũng đều bị 'phán' một câu là 'không đáng tin'! Thiếu dữ liệu dẫn đến việc phong tỏa bị kéo dài và cộng đồng phải chịu khổ, thậm chí tử vong. Nhu cầu về dữ liệu rất cấp bách hiện nay.
Nhà nước cần phải hành động ngay.
_____
Các bạn có thể vào các trang ở nước ngoài, như Úc, và thấy họ thu thập dữ liệu khá chi tiết, những dữ liệu giúp cho các chuyên gia Viện Doherty phân tích và tư vấn cho chánh phủ:
[1] www.covid19data.com.au
[2] Coronavirus (COVID-19) case numbers and statistics
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 07.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.