Nhật báo uy tín Le Figaro ngày 05/06/2021 đã dành hai trang lớn cho nghi vấn đại dịch đang hoành hành trên thế giới là do virus corona thoát ra khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán của Trung Quốc. Thụy My xin giới thiệu một trong số các bài viết.
( Adrien Jaulmes, Le Figaro 05/06/2021) Hơn một năm sau khi khởi đầu đại dịch đã làm đảo lộn cả hành tinh, lây nhiễm cho ít nhất 170 triệu người và làm trên 3,5 triệu người chết trên thế giới, bí ẩn vẫn bao trùm về nguyên nhân gây ra Covid-19.
Tất cả những câu hỏi và ý định điều tra đều vấp phải việc Trung Quốc nhất quyết từ chối cho biết bất kỳ một dữ liệu nhỏ nhoi nào, về đại dịch xuất phát từ lãnh thổ của họ. Thống kê không được truy cập hoặc đã bị xóa mất, các nhà khoa học, ngoại giao và nhà báo nước ngoài bị cấm vào, sự hung hăng từ chối của Bắc Kinh đến từ cấp cao nhất của bộ máy nhà nước, từ chính ông Tập Cận Bình.
Dù vậy cuộc tranh luận đã dấy lên trở lại nhờ tiết lộ về việc nhiều nhà khoa học của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện từ tháng 11/2019. Thông tin này không chỉ cho thấy đại dịch đã khởi phát sớm hơn là Trung Quốc nói, nhưng còn mở ra khả năng đáng chóng mặt là thảm họa dịch tễ khủng khiếp nhất lịch sử đương đại có thể do thiếu sót, bất cẩn gây ra, hoặc trong kịch bản tột cùng, là có dụng ý xấu.
Tiết lộ này dẫn đến việc đặt lại vấn đề về những tuyên bố chính thức của Bắc Kinh. Trước hết trong vòng nội bộ của những nhà nghiên cứu độc lập đã tập hợp trên internet tất cả những yếu tố rải rác để cố gắng ráp lại những mảnh puzzle về nguồn gốc Covid. Rồi đến các nhà điều tra hoặc các tổ chức, bức xúc trước sự bất đồng về giả thiết nguồn gốc tự nhiên của virus, và ngày càng kinh ngạc trước sự thiếu vắng hoàn toàn các bằng chứng để củng cố giả thiết này.
Sự kiện kịch tính rốt cuộc đã diễn ra vào ngày 26/05/2021, khi ông Joe Biden thông báo rằng kịch bản virus thoát khỏi phòng thí nghiệm lại được chính quyền Mỹ xem xét, đồng thời với giả thiết tự nhiên. Tổng thống Mỹ nói : « Hiện nay cơ quan tình báo Mỹ xác định hai kịch bản, nhưng chưa đạt được kết luận chính thức », và ông yêu cầu tình báo điều tra trở lại.
Vũ Hán, trung tâm nghiên cứu về virus corona
Với cái nhìn hoàn toàn logic, giả thiết không có gì là phóng đại. Ngay từ đầu đại dịch, sự trùng hợp đáng sợ nhất cũng là điều rõ ràng nhất : các trường hợp Covid đầu tiên được phát hiện ngay tại thành phố nơi đặt một trong những viện virus học hiện đại nhất trong nghiên cứu khoa học thế giới. Chính tại Vũ Hán, các nghiên cứu về con virus corona đã nhiễm độc cho toàn cầu đã được tiến hành.
Sự cố phòng thí nghiệm cũng không phải là chuyện tưởng tượng. Dù hiếm khi gây ra hậu quả trầm trọng như vậy, các tai nạn vẫn thường xuyên diễn ra, kể cả trong các phòng thí nghiệm an toàn nhất. Một nhà nghiên cứu bị một con vật nhiễm virus cắn, bị kim đâm vào hay đứt tay, vụng về khi thao tác mẫu vật, rác thải quăng nhầm nơi…có rất nhiều nguyên nhân. Trong thập niên 60, virus đậu mùa đã lọt ra khỏi phòng thí nghiệm ở Anh. Kể từ dịch SARS, có ít nhất bốn vụ tai nạn như vậy, trong đó có hai vụ tại một phòng thí nghiệm lớn ở Bắc Kinh, nơi virus được chứa nhầm sang tủ lạnh khác.
Viện Virus học Vũ Hán có nhiều phòng thí nghiệm, tất cả đều nghiên cứu virus. Một trong số đó được xếp loại P4, do Pháp xây dựng. Số khác được đặt dưới các tiêu chí ít ngặt nghèo hơn, thuộc loại P3 thậm chí P2 – loại này chỉ phải tuân theo các quy định tiệt trùng tương đương với một phòng nha mà thôi.
Vấn đề tôn trọng quy trình của phòng thí nghiệm P4 đã được đặt ra thậm chí trước cả đại dịch. Năm 2018 và 2019, các nhà ngoại giao Mỹ đã ba lần đến thăm, và gởi cho bộ Ngoại giao những bức điện báo động, đòi hỏi cần viện trợ tiền để đào tạo tốt hơn các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại đây.
Giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm bị gác quá sớm…
Hơn nữa, Vũ Hán còn có phòng thí nghiệm chính chuyên nghiên cứu về virus corona tại Trung Quốc, tập trung vào virus trên loài dơi. Nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất là Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), là một trong những người đầu tiên xác định loài dơi móng ngựa là vật chủ của con virus đã gây ra dịch SARS năm 2002. Được đào tạo tại Viện Mérieux của Pháp và tại Hoa Kỳ, chuyên gia được mệnh danh là « Batwoman » được giới virus học biết đến vì đã thực hiện các thí nghiệm lai tạo trên virus, có thể gây ra hậu quả nguy hiểm nên từ hơn mười năm qua gây tranh cãi trong giới khoa học.
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, giả thiết tai nạn nhanh chóng bị gác sang một bên, rồi sau đó bị cho là sai lạc. Trước hết vì giả thiết nguồn gốc tự nhiên của con virus có vẻ đáng tin. Giả thiết này được Bắc Kinh đưa ra, nói rằng những ca Covid đầu tiên được ghi nhận tại chợ thịt rừng Vũ Hán, nơi có bán thú rừng sống, nguồn dự trữ virus tiềm năng. Kịch bản này giống như các trận dịch trước đây như SARS, virus trên loài dơi chuyển sang con cầy hương, rồi từ đó lây sang người. Rồi 10 năm sau trong dịch MERS, con virus tương tự từ dơi lây nhiễm sang lạc đà.
Và nhất là, giới khoa học đã khép lại tranh luận quá sớm. Ngày 19/02/2020, The Lancet, một trong những tạp chí y khoa nhiều ảnh hưởng nhất thế giới, đăng một tuyên bố thẳng thừng bác bỏ giả thiết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm. Hai mươi bảy nhà khoa học ký tên bày tỏ tình tương thân tương ái với các đồng nghiệp Trung Quốc, khẳng định họ đoàn kết « để kiên quyết lên án thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên ».
Thế nhưng kết luận này là vội vã, và không mang tính khoa học. Giả thiết tai nạn thậm chí chưa hề được xem xét. Những người ký tên khẳng định với công chúng điều mà họ còn chưa chắc có xác thực hay không. Đáng phiền hơn nữa, các tiết lộ sau đó cho thấy việc soạn thảo và đăng tải lá thư này do một nhân vật khá nhập nhằng đạo diễn ra. Ông Peter Daszak, người Anh, là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ tên EcoHealth Alliance có trụ sở tại New York. Tổ chức này tài trợ cho việc nghiên cứu về virus corona ở Viện Virus học Vũ Hán, chủ yếu nhờ nguồn quỹ của bộ Y tế Hoa Kỳ. Ông ta cũng ủng hộ các nghiên cứu lai tạo virus, bất chấp Hoa Kỳ đã chấn chỉnh từ 2014 đến 2017, và những chỉ trích xung quanh các tìm tòi của Thạch Chính Lệ.
Giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm tỏ ra kém tin cậy hơn khi Donald Trump đưa ra. Trong một cuộc họp báo vào mùa xuân 2020, tổng thống Mỹ thường hay nói lạc đề, tố cáo « virus Trung Quốc » là từ tai nạn thí nghiệm, khẳng định có những thông tin mật. Nhưng ông Trump không đưa ra dữ kiện hoặc chi tiết nào. Và nhất là tiết lộ này bị lọt thỏm trong một loạt những tuyên bố trái ngược, khi thì giải thích đại dịch không quá nghiêm trọng, khi lại nói đây là âm mưu của Trung Quốc. Hơn nữa, Donald Trump lại tỏ ra ngờ vực cơ quan tình báo, các nhà ngoại giao và các cơ quan liên bang Hoa Kỳ. Giả thiết tai nạn không được chứng minh cũng như phản biện, bị xếp vào loại như QAnon, với những thuyết âm mưu linh tinh có đầy dẫy trên internet.
… nhưng nay được nêu ra lại
Khả năng virus lọt ra từ phòng thí nghiệm được nêu ra lại vào tháng Giêng, qua thông cáo của các nhà điều tra bộ Ngoại giao, đã mở lại hồ sơ kể từ tháng 9/2020. Thái độ khăng khăng của Trung Quốc chỉ làm dấy lên những nghi ngờ. Vả lại, hơn một năm từ khi đại dịch khởi phát, Bắc Kinh vẫn chưa trưng ra được một yếu tố cụ thể nào để củng cố giả thiết nguồn gốc tự nhiên, nhưng lại tung ra những giả thiết tào lao như virus có trong sản phẩm đông lạnh.
Hiện nay, chưa có dữ kiện nào chứng thực hoặc phủ nhận giả thiết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm. Khả năng tai nạn thực ra không phù hợp lắm với việc thay đổi vật liệu di truyền hay nghiên cứu vì mục đích quân sự, cho dù nghiên cứu ở Viện Virus Vũ Hán gồm cả các thí nghiệm lai tạo nguy hiểm, và lãnh vực khoa học Trung Quốc có nhiều quan hệ với quân đội. Nhưng sự thiếu vắng bằng chứng chắc chắn nuôi dưỡng đủ loại đồn đãi.
Joe Biden đã yêu cầu cơ quan tình báo phải báo cáo trong vòng ba tháng. Không có một người cảnh báo can đảm từ phía Trung Quốc, hay những dữ kiện mới, không chắc rằng cuộc điều tra một ngày nào đó sẽ đạt đến việc tìm ra xuất xứ con virus. Hơn một năm rưỡi sau khi khởi đầu đại dịch, nhiều manh mối đã bị xóa mất. Bắc Kinh đã hô biến các dữ liệu và đôi khi cả các nhân chứng, dập tắt tất cả những tiếng nói độc lập. Một bức màn sắt đã sập xuống Hoa lục, nhắc nhở rằng che giấu bên trong mặt tiền hiện đại là một chế độ cộng sản kiểu cũ, tàn bạo và hiệu quả.
Hiệu quả, nhưng không phải toàn năng. Tuy không có bằng chứng nào củng cố giả thiết đại dịch toàn cầu bắt đầu từ một sai lầm của con người, nhưng cũng chẳng có bằng cớ nào về nguồn gốc tự nhiên. Câu hỏi nay đã được đặt ra. Bắc Kinh không còn được tin tưởng chỉ bằng lời nói, và lần này phải đưa ra được những dữ kiện cụ thể, để thuyết phục thế giới rằng con virus không phải đã thoát ra từ một trong những phòng thí nghiệm của mình do sơ xuất.
Mời đọc lại:
Trung Quốc gây đại họa Covid cho thế giới vì lai tạo virus ở Vũ Hán ?
Covid : Virus thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán không còn là thuyết âm mưu
Bí ẩn về nguồn gốc Covid khuấy động xung đột Mỹ-Trung
Từ virus đến nguyên tử, mối liên hệ nguy hiểm giữa Pháp và Trung Quốc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.