mardi 6 novembre 2012

Lào sắp khởi công xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mêkông

Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012

Trong tuần này, Lào sẽ khởi công xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mêkông - công trình đã bị hoãn lại từ một năm rưỡi qua vì bị các nước láng giềng phản đối. Thứ trưởng Năng lượng Lào hôm nay 05/11/2012 cho hãng thông tấn AFP biết như trên, và khẳng định rằng dự án đã được sửa đổi để xoa dịu sự lo ngại của các nước xung quanh.

Ông Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Năng lượng Lào tuyên bố: “Sau hai năm chuẩn bị tại khu vực gần địa điểm xây dựng, chính phủ Lào sẽ tổ chức lễ động thổ ngày 7/11 và sẽ bắt đầu công trình đập thủy điện”. Ông Viravong cho biết: “Chúng tôi đã chỉnh đốn một số chi tiết dự án, với hy vọng làm an lòng các nước láng giềng”, và khẳng định đập thủy điện này sẽ được hoàn tất vào khoảng “cuối năm 2019, như dự kiến”.

Dự án xây đập thủy điện Xayaburi trị giá 3,8 tỉ đô la do tập đoàn Thái Lan CH Karnchang tiến hành, từ nhiều tháng qua đã vấp phải sự phản đối của các nước láng giềng. Ủy ban sông Mêkông (gồm Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Lào) vào tháng 5/2011đã quyết định ngưng dự án xây dựng đập Xayaburi, là đập thủy điện đầu tiên trong số 11 dự án ở hạ lưu sông Mêkông.

Việt Nam và Cam Bốt đặc biệt lo sợ đập này sẽ ảnh hưởng đến lượng cá và phù sa, còn Lào nhiều lần cam kết sẽ chỉnh sửa dự án để đáp ứng mối lo ngại trên. Tờ báo chính thức của Lào, Vientiane Times hồi tháng Bảy cho biết đập Xayaburi sẽ được trang bị một hệ thống cho phép 85% lượng cá vượt qua đập.

Nước Lào cộng sản vốn không có đường ra biển và ít ngành công nghiệp, đặt hy vọng vào thủy điện để phát triển, mơ ước sẽ trở thành “cột trụ Đông Nam Á”. Nhưng dự án đập Xayaburi nằm ở miền tây bắc Lào, đã trở thành biểu tượng của rủi ro đang đè nặng lên dòng sông Mêkông. Các nhà hoạt động sinh thái khẳng định con đập có năng lực 1.260 megawatt này sẽ là thảm họa cho 60 triệu dân cư đang sống dựa vào dòng Mêkông trong ngành vận chuyển, thực phẩm và cho nền kinh tế.

Trong khi Thái Lan là nước sẽ mua phần lớn lượng điện do nhà máy thủy điện Xayaburi sản xuất ra, những người dân Thái Lan sống dọc theo sông Mêkông đã nộp đơn tại Bangkok kiện việc xây dựng đập thủy điện này. Hiện tòa án Thái Lan chưa đưa ra một quyết định nào.

tags: Châu Á - Lào - Mêkông - Môi trường - Thủy điện
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121105-lao-khoi-cong-xay-dap-thuy-dien-xayaburi-trong-tuan-nay 

Đức Đạt Lai Lạt Ma tố cáo chính sách thô bạo với Tây Tạng của Trung Quốc


Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 
Hôm nay 05/11/2012 từ Tokyo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tố cáo “việc kiểm duyệt và các hành động thô bạo” để dập tắt tiếng nói của những người phản kháng, đồng thời kêu gọi những nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc thay đổi chính sách. Còn Bắc Kinh hôm nay cực lực phản đối việc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã yêu cầu có biện pháp khẩn cấp trước tình trạng người Tây Tạng liên tục tự thiêu.

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Nhật Bản 12 ngày, hôm nay tại Yokohama, người lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tố cáo việc Trung Quốc kiểm duyệt và có các hành động thô bạo đối với người Tây Tạng. Ngài tuyên bố: “Kỷ nguyên Hồ Cẩm Đào đã kết thúc, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ tịch nước. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc thay đổi chính sách”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm: “Để có được một xã hội ổn định, cần phải giảm bớt hố ngăn cách giàu nghèo, có được nền tư pháp độc lập, báo chí tự do và Nhà nước pháp quyền”.

Cũng trong hôm nay, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối lời kêu gọi của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền liên quan đến hồ sơ Tây Tạng. Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi đã bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và cực lực phản đối cái gọi là thông cáo về Tây Tạng. Tuyệt đại đa số người dân trong khu vực Tây Tạng hài lòng về điều kiện sống của họ hiện nay”.

Bà Navi Pillay, cao ủy Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền, hôm thứ Sáu 2/11 đã cho biết rất quan ngại bởi “những tố cáo ngày càng nhiều về bạo lực đối với những người Tây Tạng tìm cách thực hiện các quyền căn bản về tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tín ngưỡng”.

Trong bản thông cáo, bà Pillay nêu bật “các thông tin về những vụ bắt bớ, mất tích, sử dụng bạo lực trước những người biểu tình một cách hòa bình, trấn áp các quyền lợi văn hóa của người Tây Tạng”. Bà tuyên bố “Cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân quyền, ngăn cản bạo lực”, và kêu gọi Bắc Kinh “Tôn trọng quyền biểu tình bất bạo động, tự do ngôn luận, và trả tự do cho những người bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền của họ”.

Trung Quốc khẳng định đã “giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình”, và cải thiện đời sống người dân bằng các tài trợ cho phát triển kinh tế. Nhưng nhiều người Tây Tạng không còn chịu đựng được điều mà họ cho là sự thống trị ngày càng tăng của Hán tộc, cũng như việc đàn áp tín ngưỡng và văn hóa.

Từ đầu tháng 3/2011 đến nay, đã có gần 60 người Tây Tạng, hầu hết là các nhà sư, đã tự thiêu hoặc toan tự thiêu để phản đối, tại các khu vực Tây Tạng thuộc Trung Quốc.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121105-duc-dat-lai-lat-ma-to-cao-chinh-sach-tho-bao-voi-tay-tang-cua-trung-quoc 

Đài Loan muốn mua hai khu trục hạm của Mỹ

Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ (Kao Hua Chu) hôm nay 05/11/2012 cho biết, Đài Bắc muốn mua hai chiến hạm của Hoa Kỳ, trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân trước sự đe dọa quân sự của Trung Quốc.
Hai khu trục hạm lớp Oliver Hazard Perry hiện đang phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ, có thể được giao cho Đài Loan vào năm 2015. Trả lời câu hỏi của một dân biểu, ông Cao Hoa Trụ nói thêm, Bộ Quốc phòng đã quyết định mua hai chiến hạm này, và đây là một thương vụ hấp dẫn.

Hai tàu chiến trên được ước lượng có giá khoảng 7 tỉ Đài tệ (240 triệu đô la), sẽ thay thế cho hai trong tám khu trục hạm lớp Knox đã quá cũ, được mua từ đầu thập niên 90.

Bắc Kinh đã đưa hàng không mẫu hạm đầu tiên vào hoạt động từ tháng Chín năm nay, trong lúc căng thẳng đang tăng cao vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, mà Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền.

Quan hệ Đài Loan và Trung Quốc đã nồng ấm hơn từ khi ông Mã Anh Cửu, thuộc Quốc dân đảng có khuynh hướng thân Bắc Kinh, được bầu làm tổng thống vào năm 2008. Ông Mã Anh Cửu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Giêng năm nay, thương mại và du lịch giữa hai bên tiếp tục được cải thiện.

Cho dù đã gần gũi hơn, nhưng Trung Quốc vẫn liên tục đòi hỏi chủ quyền và sẵn sàng sáp nhập Đài Loan vào đại lục, bằng vũ lực nếu cần, bất chấp đảo quốc này là một thực thể độc lập từ hơn 60 năm qua.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Quốc phòng - Đài Loan
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121105-dai-loan-muon-mua-hai-khu-truc-ham-cua-my

Phe dân tộc cực đoan Nga đòi Putin phải ra đi

Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 
Nhiều ngàn người dân tộc chủ nghĩa cực đoan hôm qua 04/11/2012 đã tham gia cuộc tuần hành hàng năm tại Matxcơva mang tên “Tuần hành Nga”, kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin nên từ chức. Họ lên án ông Putin là đã không bảo vệ dân tộc Nga, và tố cáo nạn nhập cư bất hợp pháp.

Cuộc biểu tình này được tổ chức cùng lúc với Ngày đoàn kết dân tộc, do ông Putin khởi xướng năm 2005, và năm nay là đúng 400 năm ngày Matxcơva được giải phóng khỏi quân chiếm đóng Ba Lan. Alexandre Belov, một trong những người tổ chức tuyên bố: “Chúng ta làm Putin sợ hãi, ông ta biết rằng mình sắp hết thời (…) Chúng ta sẽ truy đuổi những người trong điện Kremlin”. Đáp lời ông, đám đông hô to Putin là một “tên vô lại ăn cắp”, xứng đáng “bị bỏ tù”.

Theo ước tính của ông Belov, có khoảng 20.000 người tham gia cuộc tuần hành, còn cảnh sát cho rằng con số này là 6.000 người, và có 25 người mặc áo khoác đen của quân đội đã bị câu lưu.

Từ một năm qua, chế độ Vladimir Putin phải đối mặt với phong trào phản kháng chưa từng có. Đối lập đã huy động được hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối gian lận bầu cử, và sự trở lại điện Kremlin của ông Putin.

Nhiều cuộc tuần hành khác của phe dân tộc chủ nghĩa cũng đã được tổ chức tại một số thành phố. Tại Saint-Pétersbourg, khoảng 70 người bị câu lưu vì biểu tình không phép, 54 người khác tại Kazan và 90 người tại Ekaterinbourg. Còn cuộc tuần hành tại Matxcơva đã được chính quyền cho phép, cho dù Liên đoàn những người nhập cư tại Nga đòi hủy bỏ hay hoãn lại.

Như thường lệ, cuộc tuần hành của các nhóm dân tộc cực đoan mang tính phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, cũng là dịp để tố cáo tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ông Belov cho rằng Vladimir Putin không bảo vệ người Nga trước làn sóng nhập cư ồ ạt, đặc biệt là từ các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lo ngại trước khuynh hướng phân biệt chủng tộc và bài ngoại tăng cao sau khi Liên Xô sụp đổ.

Bên cạnh đó, phe cực tả cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Matxcơva nhằm ủng hộ các tù nhân chính trị. Một cuộc xung đột đã diễn ra giữa những người chống phát-xít và các thanh niên có thể thuộc phái tân quốc xã, tại một trạm xe điện ngầm gần nơi biểu tình, làm cho một số người bị thương.

tags: Chính trị - Nga - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121105-tai-nga-phe-dan-toc-cuc-doan-bieu-tinh-doi-putin-phai-ra-di 

Tây Ban Nha : Gần 5 triệu người không việc làm

Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Một 2012 
Bộ Lao động Tây Ban Nha hôm nay 05/11/2012 loan báo, thất nghiệp đang tiếp tục tăng lên vào tháng 10, nâng tổng số người không có công ăn việc làm lên 4,83 triệu. Chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục các biện pháp khắc khổ, có nguy cơ làm chậm lại khả năng thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Số người thất nghiệp tại đất nước đứng thứ tư khu vực đồng euro đã tăng thêm 128.242 người trong tháng 10, và tính trong cả năm có thêm 472.595 người không công ăn việc làm trên cả nước, nâng tổng số thất nghiệp lên 4.833.521 người.

Theo Viện Thống kê Quốc gia, vốn sử dụng cách tính toán khác, thì tỉ lệ thất nghiệp trong quý ba đã vượt ngưỡng 25%, với 25,02% (trong đó có đến trên 52% thanh niên từ 16-24 tuổi bị thất nghiệp). Đây là tỉ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển, chỉ đứng sau Hy Lạp. Chính phủ Tây Ban Nha vẫn hy vọng tỉ lệ thất nghiệp đến cuối 2012 sẽ còn 24,6% và năm 2013 là 23,3%.

Riêng trong tháng 10, thất nghiệp tăng chủ yếu trong lãnh vực dịch vụ do đã hết mùa du lịch, nông nghiệp và công nghiệp, chỉ giảm bớt trong ngành xây dựng.

Do bong bóng địa ốc bị vỡ năm 2008, Tây Ban Nha lại rơi vào suy thoái cuối 2011, tức chưa đầy hai năm sau khi thoát khỏi tình trạng này. Trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách từ 9,4% tổng sản phẩm nội địa của năm 2011 còn 2,8% năm 2014, chính phủ tiến hành cắt giảm ngân sách và tăng thuế, nhằm tiết kiệm 150 tỉ euro.

Nhưng theo các nhà phân tích, thì chính sách khắc khổ sẽ làm kinh tế chậm hồi phục. Trong một đất nước mà cứ bốn người dân lại có một người thất nghiệp, việc thắt lưng buộc bụng làm phong trào phản kháng tăng cao, gây hậu quả tai hại lên tiêu dùng.

Từ 2007 đến 2011, các gia đình Tây Ban Nha đã giảm chi tiêu gần 8%, và chỉ trong tháng Chín năm nay, bán lẻ đã giảm 10,9%, tỉ lệ tệ hại nhất từ 2003 đến nay. Đây là tháng thứ 27 doanh số bán lẻ liên tiếp bị sụt giảm, với thuế trị giá gia tăng từ 18% lên 21% trong tháng Chín.

tags: Kinh tế - Quốc tế - Tây Ban Nha - Việc làm / Lao động
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121105-tay-ban-nha-hon-48-trieu-nguoi-khong-viec-lam 

dimanche 4 novembre 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tự phê bình để tồn tại

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Quốc hội  ngày 22/10/12.

(Le Monde 02/11/2012) Trong dịp khai mạc phiên họp thường niên của Quốc hội ngày 22 /10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã làm một cuộc tự phê chưa bao giờ tiến hành trước đó, do kết quả tồi tệ của nền kinh tế, việc quản lý một cách đáng bàn cãi các công ty quốc doanh, và nhiều vụ xì-căng-đan khác, trong đó vụ gần đây nhất có dính líu đến một người thân cận của ông.

 

Ông Dũng nhìn nhận : « Tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, lạm phát còn có thể tăng thêm, nợ xấu ngân hàng chồng chất », và nhận « trách nhiệm chính trị và các sai lầm » về kết quả này. Ông cảnh báo rằng tăng trưởng năm nay sẽ không vượt quá 5,2% - tỉ lệ thấp nhất kể từ năm 1999.

 

Ông Nguyễn Tấn Dũng, 62 tuổi, được xem là vị Thủ tướng quyền lực nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng ông phải cảnh giác trước những đối thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và các lãnh đạo cao cấp vẫn đang lặng lẽ rình rập những sai lầm của ông. Các cán bộ đảng xầm xì với nhau, là chưa bao giờ một Thủ tướng lại bị đả kích công khai nhiều như thế.

 

Sau hội nghị vào giữa tháng 10 tập hợp 175 ủy viên trung ương, Thủ tướng đã thành công trong việc duy trì được chiếc ghế, trước sự chống đối của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nhân vật này vốn hy vọng sẽ làm ông Dũng yếu thế đi, đã không thể bứng được ông. Nhưng một bản kiến nghị chỉ trích kết quả công việc của chính phủ đã được thông qua, đây cũng là một cách để làm ngưng lại mọi đả kích bộ máy chính quyền và Đảng trên internet.

 

Một trong những xì-căng-đan đình đám nhất của « kỷ nguyên » Nguyễn Tấn Dũng – nhậm chức từ năm 2006 và được tiếp tục ở ngôi vị Thủ tướng cách đây hai năm nhân đại hội Đảng thứ 11 – là vụ Vinashin. Tập đoàn đóng tàu khổng lồ này đã ở trong tình trạng hầu như phá sản vào năm 2010. Những sai lầm trong quản lý đã làm cho Nhà nước bị thiệt hại đến ba tỉ euro, tương đương 4,5% tổng sản phẩm nội địa. Ông Dũng, người chủ trương một chính sách dựa vào sự thành công của các tập đoàn quốc doanh để kéo nền kinh tế đi lên, đã trở thành mục tiêu cho mọi mũi dùi phê phán.

 

Người ta cũng chỉ trích ông Dũng đã nhượng cho một công ty Trung Quốc quyền khai thác một mỏ bauxite, dự án này bị người dân trong nước phản kháng dữ dội vì hậu quả tai hại của nó đối với môi trường. Gần đây nhất hồi tháng Tám, vụ bắt giữ một người thân tín của ông - tài phiệt ngân hàng Nguyễn Đức Kiên - vì tội kinh doanh trái phép, đã làm rung chuyển giới tài chính, và là cơ hội cho các kẻ thù của người đứng đầu chính phủ.

 

Trong một bối cảnh như thế, Thủ tướng có lẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc tự phê bình để cứu vãn điều chính yếu nhất – chiếc ghế và quyền lực. Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, hình ảnh của ông mang tính hai mặt : tân tiến và mở cửa với bên ngoài, ông cũng là người thích dùng các biện pháp mạnh đối với các nhà ly khai và các blogger chỉ trích, trong đó nhiều người trong những tháng gần đây đã bị lãnh những bản án tù khá nặng. Ông cần tạo tin tưởng nơi các lãnh đạo lão thành.

 

Vị Thủ tướng đã in đậm dấu ấn cá nhân vào chức vụ so với những người tiền nhiệm, vẫn còn được khá nhiều ủng hộ. Nhưng ưu thế này cũng có thể quật ngược lại ông.

Quân ủy Trung Quốc sẽ thay đổi diện mạo

Tư lệnh Không quân Hứa Kỳ Lượng (trái) và Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi (phải)

(Le Monde 02/11/2012) Một loạt các vụ phong chức tại ban lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu. Năm vị tướng được loan báo thăng chức trong tuần lễ 23/10 nhờ đó đã có được chỗ đứng vững vàng để có thể bước vào Quân ủy trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Cơ quan này gồm có 12 thành viên, đứng đầu là nhân vật số một Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào. Tổng bí thư tương lai (và cũng sẽ là Chủ tịch nước), ông Tập Cận Bình, hiện là Phó chủ tịch Quân ủy. Bảy trong số mười thành viên còn lại - trong đó có hai Phó chủ tịch Quân ủy là hai tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu (Xu Caihou) - do lớn tuổi, sẽ phải nhường ghế cho một thế hệ mới sau đại hội Đảng lần thứ 18 sẽ khai mạc ngày 8/11.

 

Sự thay đổi lãnh đạo này xưa nay vẫn là sự kiện quan trọng nhất. Các thành viên Quân ủy trung ương của Đảng được đại hội đề cử, sau đó đến kỳ họp Quốc hội tháng 3/2013 sẽ chính thức là thành viên… Ủy ban quân sự trung ương của Nhà nước - cơ quan lãnh đạo tối cao của quân đội, tương tự như cơ quan Đảng.

 

Tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), 63 tuổi, hiện là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, được phong làm Tư lệnh Không quân, thay thế cho Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) được lên làm Phó chủ tịch Quân ủy. Cựu phi công tiêm kích đã trải qua cuộc đời binh nghiệp trong quân chủng này. Trong chức vụ Phó tổng tham mưu trưởng, ông Mã phụ trách đối ngoại và thường có quan điểm cứng rắn, nhất là trong các vụ tranh chấp chủ quyền tại biển Trung Hoa.

 

Nhà chính trị học Willy Lâm, giáo sư đại học ở Hồng Kông nhận xét : « Đó là một con diều hâu, nhưng đa số tướng lãnh Trung Quốc cũng đều là diều hâu, phù hợp với chủ trương của Đảng – có nghĩa là Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình – tỏ ra tích cực hơn trong việc biểu thị năng lực quân sự của Trung Quốc, nhất là đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ ».

 

Tướng lãnh thứ hai được cho là sẽ vào Quân ủy trung ương là Trương Dương (Zhang Yang). Được xem là người thân cận của Hồ Cẩm Đào, ông rời chức vụ chính ủy quân khu Quảng Đông để lên làm người đứng đầu Tổng cục Chính trị của quân đội, cơ quan phụ trách « vấn đề tư tưởng » trong quân ngũ. Đây là một vị trí quan trọng : Đảng buộc quân đội phải trung thành với mình. Nhưng ngày càng có nhiều tiếng nói âm thầm tại Trung Quốc, đấu tranh cho một quân đội phục vụ đất nước hơn là phục vụ Đảng.

 

Việc ông Trương Dương được thăng chức có nghĩa là tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), con trai của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã bị gạt qua một bên. Tương tự với trường hợp của một tướng khác là Trương Hải Dương (Zhang Haiyang) do quan hệ với Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã bị mất chức, đang đợi ra tòa về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

 

Ngoài Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), được chỉ định làm Tổng tham mưu trưởng và Triệu Khắc Thạch (Zhao Keshi) đứng đầu Tổng cục Hậu cần ; Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), được xem là thân cận với Tập Cận Bình, được phong chức chỉ huy Tổng cục Khí tài. Tổng cục trưởng hiện nay là Thường Vạn Quan (Chang Wanquan) sẽ trở thành Phó chủ tịch Quân ủy.

 

Chỉ còn lại vấn đề là ông Hồ Cẩm Đào có tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy trung ương hay không, khi ông Tập Cận Bình sẽ trở thành nhân vật số một của Đảng. Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trước đây chỉ nhường chiếc ghế này cho ông Hồ Cẩm Đào hai năm sau đại hội Đảng thứ 15, vào năm 2005. Theo giáo sư Willy Lam, tất cả đều cho thấy Hồ Cẩm Đào sẽ ở lại. « Thư ký riêng của Hồ Cẩm Đào là Trần Sĩ Củ (Chen Shiju) vừa được phong làm chánh văn phòng của Quân ủy trung ương. Điều này xác nhận giả thiết là ông Hồ Cẩm Đào sẽ không nhả ra vị trí lãnh đạo Quân ủy ngay lập tức ».

vendredi 2 novembre 2012

Bắc Kinh, thủ đô hoang tưởng trước đại hội Đảng


Công an và lực lượng đặc biệt diễn tập bảo vệ an ninh ĐH 18, ngày 30/10/12.

(Rue89/France24/RIA Novosti 01/11/2012) Sắp đến ngày khai mạc đại hội Đảng Cộng sản ngày 8/11, thủ đô Trung Quốc đưa ra một loạt các biện pháp an ninh mang tính hoang tưởng, gần như là buồn cười.


Xe cộ phải đóng kín cửa

Kể từ ngày 1/11 và trong suốt thời gian đại hội, tất cả các tài xế taxi ở Bắc Kinh được lệnh phải đóng kín các cửa sổ xe, dán kín tất cả những chỗ hở. Mục đích là để tránh cho các « phần tử gây rối » rải truyền đơn xúi giục nổi loạn, có thể ảnh hưởng đến không khí hồ hởi của ngày đại lễ cộng sản này.

Trong "hợp đồng" mà một số tài xế taxi đưa cho khách ký:  2/Khách nên chọn hành trình tránh những giao lộ lớn như Thiên An Môn, nếu phải đi qua thì tránh mở cửa kính 3/Khách chịu trách nhiệm về hành trình đưa ra cho tài xế.

Trong số các mệnh lệnh được đưa ra cho tài xế taxi, theo trang web China DigitalTimes :

·        Phải cảnh giác trước những hành khách mang theo những quả banh hay bong bóng, có thể dùng thể thả những « thông điệp phản cách mạng ».

·        Kiểm tra thường xuyên chiếc xe để đảm bảo là kẻ gian không dán vào đó những yêu sách.

·        Tố cáo ngay lập tức cho lực lượng an ninh tất cả những cá nhân hay thông tin có thể gây rối trật tự (tất nhiên là sẽ được thưởng).

Ảnh trên: Tay nắm taxi đã bị gỡ ra
Ảnh dưới: Nút bấm mở cửa kính xe bị khóa

Theo thông tín viên tại Bắc Kinh của RIA Novosti, thì không chỉ tài xế taxi mà người dân cũng bị cấm mở cửa kính xe hơi khi di chuyển. Từ ngày 1 đến 18/11, tất cả các loại xe chở vật liệu độc hại và các chất hóa học nguy hiểm không được vào thủ đô Trung Quốc. Những xe mang bảng số ngoại tỉnh không được quyền lưu lại Bắc Kinh quá ba ngày.

Các cơ quan cung cấp điện nước, khí đốt, hệ thống sưởi được đặt trong tình trạng báo động, để đề phòng tất cả những sự cố. Lực lượng cứu hỏa tăng cường giám sát các khách sạn, bệnh viện, cửa hàng, rạp xi-nê, tiệm internet và các cơ sở cung cấp dịch vụ cho đại biểu đại hội. Cơ quan y tế được lệnh tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đặc biệt theo RIA Novosti, những người nuôi chim bồ câu được yêu cầu nhốt kín các chú chim trong lồng.


Bồ câu tại Bắc Kinh không được ra khỏi chuồng. Ảnh chụp ngày 02/11/12.

Không còn dao và kênh truyền hình nước ngoài

Cách đây vài ngày, một bài báo trên Los Angeles Times nêu ra một số biện pháp kỳ lạ khác, cho thấy ám ảnh về mặt an ninh của nhà cầm quyền trong đại hội Đảng :

·        Các loại dao bị cấm bán trong siêu thị.

·        Những người bán bánh xèo bị buộc phải đóng các quầy bán hàng trên đường phố.

·        Các câu lạc bộ thể dục không còn được phép mở các kênh truyền hình nước ngoài trên các màn hình chung. Khách tập thể dục từ nay phải tập chạy trên thảm theo chương trình của CCTV, kênh truyền hình nhà nước.

"Chúng tôi thành thật cáo lỗi: Tất cả các loại dao đều bị ngưng bán nhân ĐH Đảng 18"

Còn nếu muốn mua một món đồ chơi điều khiển từ xa thì hãy coi chừng : người bán đã được lệnh lập danh sách các khách hàng muốn mua các loại đồ chơi này, thậm chí không bán.

Phải nói rằng với tầm bay tối đa 5 mét, các món đồ chơi này có thể được sử dụng cho một cuộc tấn công đồng loạt vào Đại lễ đường Nhân dân, quảng trường Thiên An Môn, nơi diễn ra đại hội Đảng…

"Nếu quý khách mua đồ chơi bay lượn điều khiển từ xa, vui lòng đăng ký tên thật tại cửa hàng."

Chế độ cứng rắn hơn

Một ví dụ khác : cuộc chạy đua marathon Bắc Kinh bị hoãn lại. Tuy là một cuộc đua mang tham vọng tầm cỡ quốc tế, nhưng thời điểm liên tục bị dời lại mà không báo trước, từ ngày 14/10 đổi sang 4/11 rồi đến cuối tháng 11…

Kết quả là nhiều thành viên tham gia đã hủy luôn chuyến đi Trung Quốc, và tự hứa là sẽ không bao giờ tham dự cuộc đua này nữa.

Sự hoang tưởng kiểu này nơi chính quyền Trung Quốc không có gì mới, nhưng với đại hội 18 thì đã đạt đến cực độ.

Các tình nguyện viên được mệnh danh là "đại tẩu" vì đa số là phụ nữ trên 50 tuổi, họ được trả 50 nhân dân tệ/ngày (6 euro) .

Tất nhiên là đảng Cộng sản, bị rúng động vì xì-căng-đan Bạc Hy Lai, và trước tiết lộ của tờ New York Times về tài sản của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo, không muốn có khó khăn bất ngờ nào trong tiến trình thay đổi lãnh đạo. Hơn một triệu tình nguyện viên đã được huy động, ngoài lực lượng chính quy để bảo đảm an ninh.

Nhưng theo Rue89, các biện pháp được sử dụng là điềm báo không sáng sủa mấy cho định hướng chính trị của ê-kíp mới sẽ lên ngôi sau đại hội, và không thể nghĩ là chế độ Bắc Kinh sẽ mềm mỏng hơn.


Bài viết liên quan:

jeudi 1 novembre 2012

Ôn Gia Bảo làm lung lay đảng Cộng sản Trung Quốc

Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (phải), hai lãnh đạo sẽ rời chức vụ  năm 2013.

(Le Monde 29/10/2012) Đối với đa số người Trung Quốc, ông chỉ đơn giản là “Ôn gia gia”. Trong nhiệm kỳ mười năm, ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đồng thời là nhân vật số ba trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được người dân gọi bằng một cái tên chất chứa cảm tình, vì ông quan tâm đến những người bất hạnh nhất.

Hình ảnh luôn được đánh bóng bởi các bài diễn văn tuyên truyền của một chế độ luôn là cộng sản, cho dù trên thực tế, những người thừa kế của Mao từ hơn ba chục năm qua, đã áp dụng chủ nghĩa tư bản và sản sinh ra một nền kinh tế song đôi, trong đó các công ty quốc doanh đóng vai trò chủ đạo.

Không có một cái Tết nào mà một Ôn Gia Bảo hòa nhã, mặc bộ vét đơn giản, lại không đến thưởng thức món hoành thánh với các công nhân nhập cư – việc khai thác lực lượng lao động này đã làm nên phần lớn phép lạ Trung Quốc.

Không một nơi nào bị thiên tai mà ông không tìm đến, để bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân. Như trong vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, tại đó ông đã chỉ huy hoạt động cấp cứu, và càng được nhân dân yêu mến.

Ông cũng nổi bật với những bài diễn văn chống tham nhũng. Năm 2007, ông đã kêu gọi các lãnh đạo cao cấp “đảm bảo là các thành viên gia đình, bạn bè và các người thân khác không lợi dụng ảnh hưởng từ chức vụ trong chính phủ”.

Cú đòn thật thô bạo: một cuộc điều tra chi tiết của New York Times về tài sản tích lũy được của những người thân ông Ôn - chỉ sơ sơ có 2,7 tỉ đô la, nhất là của vợ ông là bà Dương Bội Lị, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” do sự khống chế của bà trong lãnh vực này - đã đánh mạnh vào hình ảnh đẹp đẽ trên.

Được đăng vào cuối tuần rồi, bài báo khẳng định điều mà nhiều người vẫn nghi ngờ: gia đình ông đã lợi dụng vị thế của “Ôn gia gia” để làm ăn. Tuy hai luật sư của gia đình ông Ôn đã cố gắng phản công hôm Chủ nhật 28/10, nhưng tác hại về mặt chính trị là khủng khiếp, vào thời điểm chưa đến 15 ngày nữa là đến đại hội 18 ĐCSTQ. Đại hội này sẽ đổi mới ban lãnh đạo, ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời chức vụ từ nay đến tháng 3/2013.

Nhiều người con của giới “quý tộc đỏ” đã lao vào làm kinh tế, trong một đất nước tăng trưởng nhanh chóng. Tình trạng đặc quyền đặc lợi đã làm lung lay uy tín của ĐCSTQ, hiện đang đối mặt với sự bất bình của người dân, và phải giảm bớt bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc.

Các cuộc đấu đá nội bộ được tiết lộ qua vụ Bạc Hy Lai – một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất, vừa bị loại khỏi thượng tầng quyền lực và đang chờ ngày ra tòa – cũng là những trận chiến để duy trì lợi lộc của những gia đình quyền thế khác nhau.

Trước khi bị Mao Trạch Đông đánh bại, lãnh tụ quốc gia Tưởng Giới Thạch đã tóm tắt cái thế mà các lãnh đạo tương lai của Trung Quốc phải chọn lựa: “Nếu đấu tranh chống tham nhũng thì mất Đảng, nhưng nếu không chống tham nhũng thì sẽ mất nước”.

Mời đọc lại:
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (1)
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (2)
Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (3)

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (3)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Các nhà tài phiệt

Vào cuối thập niên 90, Đoạn Vĩ Hồng với tư cách công ty địa ốc Thái Hồng, phụ trách quản lý nhiều văn phòng và các cơ sở địa ốc khác tại Thiên Tân, nguyên quán của Thủ tướng ở miền bắc Trung Quốc. Ở tuổi đôi mươi vào thời đó, bà từng theo học ở trường đại học Khoa học Kỹ thuật Nam Kinh.

Năm 2002, bà Đoạn bắt đầu làm ăn với nhiều người thân của ông Ôn Gia Bảo, Thái Hồng thành một công ty đầu tư và nhờ đó bà đã trở nên hết sức giàu có.

Người ta không biết bà Đoạn Vĩ Hồng, 43 tuổi, có quan hệ họ hàng với Thủ tướng hay không. Trong một loạt các cuộc trao đổi, ban đầu bà nói không quen biết người nào trong gia đình ông Ôn, nhưng sau đó lại khẳng định mình là bạn của gia đình này, và đặc biệt rất thân với bà Trương Bội Lị, phu nhân Thủ tướng. Cũng giống như một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc khác, cơ hội đã mỉm cười với bà Đoạn khi bà cùng làm ăn với gia đình ông Ôn, với mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp của họ, cho dù bà nói là quan hệ này chỉ trên giấy tờ - kể cả phần hùn của bà trong Bình An – và hoàn toàn không có yếu tố tài chính.

Trung Quốc: Người biểu tình Trữ Ba và cư dân mạng đẩy lui chính quyền

Thanh niên Trữ Ba biểu tình chống nhà máy ô nhiễm, 28/10/12.

(Le Point 29/10/2012) Chính quyền Trung Quốc vừa từ bỏ dự án một nhà máy gây ô nhiễm, dưới áp lực của công luận. Một chiến thắng có thể dẫn đến nhiều cuộc chiến mới.

 

Đó là một sự kiện mang tính biểu tượng cao vừa diễn ra tại thành phố cảng Trữ Ba (Ningbo). Lần thứ ba trong vòng bốn tháng, những người biểu tình chống lại các nhà máy ô nhiễm đã thắng cuộc.

 

Dự án của Sinopec, tập đoàn dầu khí Trung Quốc, nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất paraxylène, một chất phái sinh trong công nghiệp hóa dầu, được sử dụng trong việc sản xuất các chai nhựa. Nhưng nhiều người dân bắt đầu biểu tình từ tuần qua tại Trấn Hải (Zhenhai), địa điểm dự định đặt nhà máy. Cảnh giác trước nguy cơ các chất độc hại thải ra từ quy trình sản xuất paraxylène, họ đòi hỏi phải ngưng dự án trị giá 7 tỉ euro này.

 

Công an và người biểu tình

Hôm thứ Bảy 27/10, những người phản kháng đã đến thủ phủ của Trữ Ba và bắt đầu biểu tình trước trụ sở chính quyền địa phương. Theo các nhân chứng, ba người tổ chức biểu tình đã bị bắt, và chính quyền đã viện đến công an vũ trang tăng cường để duy trì trật tự, ném lựu đạn cay. Nhưng phản ứng này chỉ làm tăng sự giận dữ của người biểu tình, huy động thêm nhiều người khác tham gia. Hôm Chủ nhật đoàn biểu tình đã có đến mấy ngàn người, cho đến tối thì chính quyền loan báo sẽ ngưng dự án nhà máy. Tình hình đã hết căng thẳng, nhưng hàng ngàn người vẫn hiện diện, đòi trả tự do cho ba người bị bắt.

 

Sự thay hình đổi dạng

 

Từ hồi tháng Bảy, nhiều ngàn người biểu tình đã xuống đường phản đối một dự án xử lý rác thải từ một nhà máy bột giấy, cũng ở miền đông Trung Quốc, và đã giải tán sau khi chính quyền cam kết sẽ từ bỏ dự án. Vài tuần trước đó tại Thập Phương (Shifang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, một vụ đụng độ đã xảy ra giữa hàng trăm người biểu tình với công an, vì một dự án nhà máy luyện kim, và dự án này cũng đã bị ngưng.

 

Giữa trùng vây...

Vụ mới xảy ra ở Trữ Ba cho thấy rõ hơn về sự tiến triển trong lòng xã hội Trung Quốc. Trong ba thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành một sự chuyển đổi kinh tế rất nhanh chóng, dựa trên xuất khẩu và công nghiệp hóa, giúp quốc gia này đánh bại mọi kỷ lục tăng trưởng (trên 10%/ năm trong hơn 15 năm). Nhưng sự thay hình đổi dạng này phải trả giá bằng môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 70% nguồn nước và lớp nước bề mặt bị ô nhiễm nặng nề, nhiều vùng đất không còn có thể canh tác. Tỉnh Chiết Giang mà Trấn Hải trực thuộc, trước đây nổi tiếng với những cảnh quan tuyệt đẹp, nay là một trong những vùng công nghiệp hóa bị ô nhiễm nặng.

 

Điều mà xưa nay được chấp nhận như là định mệnh, nay không còn như thế nữa. Nhất là đối với thế hệ mới, thế hệ những người con một trong gia đình, sinh ra trong thập niên 80, rất nhạy cảm với vấn đề ô nhiễm và bảo vệ thiên nhiên. Tương tự đối với chính quyền trung ương, một ý thức đã phát triển dần sau tai nạn nhà máy hóa chất khủng khiếp làm ô nhiễm sông Tùng Hoa tháng 12/2005. Vào thời kỳ đó, chính những người Nga sống ở bên kia dòng sông biên giới này đã lên tiếng báo động.

 

Hiệu ứng « Vi Bác »

 

Hình ảnh trên Vi Bác

Nhưng các công dân xuống đường không thể giành thắng lợi nếu không có hiệu ứng « Vi Bác », mạng Twitter Trung Quốc giúp lan truyền thông tin nhanh chóng. Năm 2006, những cuộc biểu tình bạo động của nông dân cũng đã nổ ra tại tỉnh Chiết Giang. Họ tranh đấu chống lại các nhà máy sản xuất bình điện đã làm cho đất đai và các nguồn nước trong vùng bị ô nhiễm thủy ngân, khiến rau quả không thể ăn được và một số trường hợp quái thai đã được ghi nhận. Nhưng vào thời đó, chính quyền đã ém nhẹm vụ việc. Tất cả những con đường dẫn đến các làng có biểu tình đều bị phong tỏa trong nhiều tháng, và báo chí Trung Quốc không nói một lời về sự kiện này.

 

Lần này thì báo chí cũng im lặng, cho đến khi các tấm ảnh khá phiền phức  do cư dân mạng chụp về các cuộc biểu tình ở Trữ Ba, bắt đầu lan truyền trên mạng Vi Bác hôm Chủ nhật 28/10. Các tài xế cũng đưa lên mạng những hình ảnh chụp bằng điện thoại di động, cho thấy nhiều xe tải chở những toán cảnh sát chống bạo động đến Trữ Ba. Tối Chủ nhật, 300 triệu độc giả trung thành của Vi Bác theo dõi từng giờ một những diễn tiến của sự kiện, và cuối cùng chính quyền quyết định thông báo trên trang web là dự án nhà máy đã bị ngưng, để cho thông điệp này được nhanh chóng truyền đi.

 

Khát vọng

 

Báo chí chính thức im lặng? Dân công kênh phóng viên ngoại quốc giúp ghi hình.

Sáng thứ Hai 30/10, rốt cuộc báo chí chính thức cũng đề cập đến. Một bài xã luận thú vị đăng trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản, nhấn mạnh rằng các viên chức địa phương phải chấm dứt những « ám ảnh » tăng trưởng công nghiệp, và bây giờ là thời điểm của « phát triển bền vững ». Về phía Global Times có tiếng là nặng tính dân tộc chủ nghĩa, đòi hỏi hính quyền phải hành động một cách minh bạch hơn với việc tham khảo ý kiến dân chúng địa phương để tránh các sự cố tương tự…Tờ báo nhấn mạnh, xuống đường không phải là giải pháp, « Trong bất cứ trường hợp nào, sự lùi bước của chính quyền địa phương không thể được xem là chiến thắng của cư dân mạng ».

 

Blogger Tang Boqing không đồng ý, cho rằng « Vụ Trữ Ba liên quan đến tất cả mọi người dân Trung Quốc. Nếu hôm nay chúng ta không đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, thì dần dà sẽ bị xói mòn ».

 

Chỉ còn không lâu nữa đến đại hội 18 Đảng Cộng sản, sẽ chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới, chính quyền trung ương đã bỏ qua vụ việc mới này. Đã phải đối mặt với một loạt xì-căng-đan tham nhũng từ hồi đầu năm, do ba khuôn mặt quan trọng nhất của chế độ gây ra (Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo), vụ nổi dậy Trữ Ba và các cư dân mạng lao vào vòng chiến đã nhắc nhở, một cung cách quản lý mới đang được tuổi trẻ Trung Quốc khao khát biết chừng nào !


Mời đọc thêm:

mercredi 31 octobre 2012

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (2)

Thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp gỡ công nhân Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2009.

Ông Ôn Gia Bảo đã tạo dựng được hình ảnh một Thủ tướng cải cách, gần gũi với nhân dân, và thói quen tiếp xúc với người dân bình thường, đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng như thiên tai, khiến báo chí Trung Quốc thường gọi ông là « Thủ tướng của nhân dân » hay « Ôn gia gia ».

Tuy khó thể xác định được rằng Thủ tướng biết đích xác tài sản của những người thân hay không, một bức điện trong số các tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ năm 2010 khiến có thể nghĩ rằng Ôn Gia Bảo có biết về những vụ làm ăn của thân nhân mình, và ông không hài lòng về điều đó.

« Ông Ôn rất bất bình trước những hành động của gia đình, nhưng ông không thể, hoặc không muốn ngăn cản ». Trong bức điện đánh đi năm 2007, một nhà ngoại giao Mỹ đã nhận xét như trên với một người quản lý gốc Hoa của một công ty Mỹ ở Thượng Hải.

mardi 30 octobre 2012

Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (1)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

(New York Times/Courrier International) Từ nhiều năm qua, đã có nhiều tin đồn về gia tài khổng lồ của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Với tài liệu trong tay, New York Times công bố kết quả cuộc điều tra tỉ mỉ, khẳng định những nghi ngờ trên. Kết quả điều tra này được tung ra lúc chỉ còn 12 ngày nữa là khai mạc đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo - công cuộc chuẩn bị này đã bị hoen ố vì xì-căng-đan Bạc Hy Lai.

Mẹ của Thủ tướng Trung Quốc là giáo viên ở miền bắc. Cha của ông bị chuyển đến một trại nuôi heo trong một chiến dịch chính trị của Mao Trạch Đông. Trong một bài diễn văn vào năm ngoái, ông Ôn Gia Bảo nói : « Gia đình tôi cực nghèo ».

Nhưng đối với người mẹ, bà Dương Chí Vân (Yang Zhiyun), năm nay 90 tuổi, thì sự cơ hàn chỉ còn là một kỷ niệm xa xưa. Bà đã trở nên giàu có một cách khủng khiếp, ít nhất là trên giấy tờ. Cách đây 5 năm, bà đã đầu tư vào một công ty tài chính lớn của Trung Quốc với số tiền lên đến 92 triệu euro.

Không thể biết được chính xác vì sao bà Dương, một phụ nữ góa bụa, có thể tích lũy một gia tài như thế, và cũng khó lòng biết được bà có hay biết về các hoạt động được thực hiện dưới tên mình hay không.

dimanche 28 octobre 2012

Xác ướp của Mao có thể sẽ bị đưa ra khỏi Thiên An Môn

Mao sẽ bị xua đuổi khỏi Thiên An Môn ???

(Courrier International/Á châu tuần san 25/10/2012) Theo Á châu tuần san, thì Bắc Kinh rất có thể sẽ quyết định đưa xác ướp Mao Trạch Đông ra khỏi quảng trường Thiên An Môn. Và lăng Mao chủ tịch, tức « Mao Trạch Đông kỷ niệm đường » sẽ được đổi tên thành « Nhân dân anh hùng kỷ niệm đường ».

Tuy không dẫn nguồn cụ thể, nhưng tờ tuần báo Hồng Kông vốn thạo tin cho biết, trong dịp quốc khánh, con gái Mao Trạch Đông là Lý Mẫn (Li Min) cùng với con gái của bà là Khổng Đông Mai (Kong Dong Mei) và con rể là Trần Đông Thăng (Chen Dong Sheng) đã được giao việc đi đến Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan), cứ địa cách mạng của Mao trước đây, tìm một địa điểm để chuyển di hài Mao Trạch Đông đến.

Lăng Mao Trạch Đông
Gần đến đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giữ khoảng cách với « tư tưởng Mao Trạch Đông » vẫn ngự trị lâu nay.

Ngày 28/9, trong một hội nghị Bộ Chính trị, đề tài này không được nhắc đến. Còn số mới nhất của tờ báo Cầu Thị ra hai tháng một lần – tờ báo này là cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng bài xã luận mang tựa đề « Đấu tranh để đẩy nhanh cải cách và mở cửa », mà không hề nói đến tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong khi đó nội dung của tờ Cầu Thị trước đại hội luôn được xem là định hướng cho đường lối sắp tới của Đảng.

Bài viết liên quan:
Trung Quốc từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông trên đường cải cách

Trung Quốc từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông trên đường cải cách

Khẩu hiệu trước Trung Nam Hải: "Tư tưởng Mao Trạch Đông bất khả chiến bại vạn tuế!"

Reuters (23/10/2012) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà ban lãnh đạo sẽ được thay đổi vào đầu tháng 11, có thể sẽ đi theo hướng cải cách, nếu căn cứ vào sự kiện cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông đã biến mất trong hai thông báo mới nhất.

Theo một số nhà phân tích, việc bỏ đi cụm từ nhắc đến « Người cầm lái vĩ đại » và tư tưởng của Mao trong hai thông báo đưa ra vào những tuần gần đây, có thể đánh dấu ý hướng cải cách từ ban lãnh đạo mới của Đảng.

Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã hôm thứ Hai 22/10 cũng đã loan báo, dự thảo sửa đổi điều lệ của ĐCSTQ sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội Đảng lần thứ 18, được dự kiến khai mạc vào ngày 8/11. Trong quá khứ đã từng có những sửa đổi điều lệ Đảng để làm cơ sở cho quyết định chính trị quan trọng, như việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Mao Trạch Đông luôn được xem là chỗ dựa ý thức hệ chủ chốt, tất cả các văn kiện Đảng, theo truyền thống đều dẫn ra Mác, Lênin, các cựu chủ tịch Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cũng như đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Giai đoạn quan trọng ?

Mỗi văn bản của Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ, có khoảng hai chục ủy viên – xưa nay luôn kết thúc bằng công thức « Giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác - Lê ». Nhưng hai văn bản mới nhất chỉ nhấn mạnh rằng Đảng phải tiếp tục theo đuổi « luận thuyết Đặng Tiểu Bình », tức chủ thuyết « Ba đại diện »« Quan niệm phát triển khoa học » (« Ba đại diện » : ĐCSTQ đại diện cho sức sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho lợi ích của đại đa số nhân dân, và đại diện cho nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc - chú thích của người dịch).

Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giám đốc Viện Đông Á của trường đại học quốc gia Singapore cho rằng : « Điều đó rất quan trọng. Trước khi Bạc Hy Lai bị thất sủng, định hướng này còn mập mờ, nhưng nay thì đã rõ ràng. Tôi muốn nói là, ít Mao hơn nhưng nhiều Đặng hơn ».

Khi làm biến mất cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã chứng tỏ quyết tâm cải cách. Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên phân tích như trên, khi so sánh với việc Đặng Tiểu Bình đã đưa một liều lượng tư bản chủ nghĩa vào nền kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.

Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên của ĐCSTQ mà chính sách Tân Mao được sự ủng hộ của cánh tả trong Đảng, đã bị ngưng chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và có thể bị bãi miễn chức đại biểu Quốc hội, sau xì-căng-đan đình đám mà ông Bạc và vợ bị dính vào (nay thì ông Bạc Hy Lai đã bị loại khỏi Quốc hội ngày 26/10 và bị truy tố - ND).

Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1978 đến 1992, đã đưa ra ý tưởng Trung Quốc vừa có thể là nước cộng sản, mà vẫn có thể tiến hành cải cách dựa trên quy luật thị trường. Thuyết « Ba đại diện » là từ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cho phép các nhà tư bản được vào Đảng ; trong khi Quan điểm phát triển khoa học - chủ trương phát triển kinh tế một cách hợp lý hơn và tôn trọng môi trường - là do Hồ Cẩm Đào khởi xướng.

Một cô gái trước căn nhà sẽ bị phá dỡ ở Bắc Kinh. Trưng thu nhà đất là một nguyên nhân gây căng thẳng xã hội.
Kêu gọi cải cách

Sự khác biệt về về chủ thuyết giữa những người chủ trương cải cách và cánh tả trong Đảng phản ánh sự mãnh liệt của những tranh cãi hiện nay trong ĐCSTQ nhằm xác định đường hướng cho ban lãnh đạo mới, sẽ chính thức được đề cử vào ngày 8/11 tới.

Đại hội 18 của ĐCSTQ diễn ra vào thời điểm mà đất nước này có tỉ lệ tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong gần 13 năm qua, trong khi căng thẳng xã hội vẫn cao độ, do tệ nạn tham nhũng, trưng thu đất đai và các nhu cầu an sinh xã hội không được đáp ứng.

Báo chí chính thức và các chuyên gia thân cận với chính phủ thường xuyên hăng hái đưa ra lời kêu gọi tiến hành cải cách mạnh mẽ, mà theo họ thì đó là cách duy nhất để tránh được khủng hoảng, cho dù không ai chờ đợi việc Trung Quốc chọn lựa con đường dân chủ.

Study Times, tờ báo do Trường Đảng trung ương – nơi đào tạo các cán bộ cho ĐCSTQ – xuất bản, tuần này cũng đã ca ngợi mô hình Singapore, một nền dân chủ được kiểm soát chặt chẽ.

Mặc cho những chiến dịch chính trị phi nhân, đã làm cho nhiều chục triệu người chết, Mao Trạch Đông - mà chân dung vẫn ngự trị trên quảng trường Thiên An Môn - luôn đuợc thần thánh hóa như một lãnh tụ có sức thu hút, vì đã đối mặt với các nước lớn và thống nhất đất nước. Ban lãnh đạo Đảng vẫn kiên quyết duy trì hình ảnh của Mao để củng cố tính chính đáng của ĐCS, mà họ không có được nhờ đã kinh qua chiến tranh như Mao.

Một số nhà quan sát cũng cảnh báo việc từ bỏ quá nhanh chóng di sản của Mao. Wang Zhengxu, nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Nottingham, Anh quốc cho rằng việc bỏ cụm từ tư tưởng Mao trong điều lệ Đảng: « Chỉ đơn giản là không thể được ». Một blogger viết : « Tư tưởng Mao Trạch Đông là linh hồn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (…) và là ánh sáng soi đường công lý cho nhân dân».

Nhưng đối với giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, đại học quốc gia Singapore, thì tầm nhìn của Mao Trạch Đông không còn phù hợp nữa, và ngày càng nhiều người Trung Quốc dửng dưng với Mao. Giáo sư nói : « Chỉ có cánh tả là quan tâm thôi. Đa số người dân, nhất là thế hệ trẻ, thì đã chán ngán. Ký ức đã bị xóa nhòa ».

Bài viết liên quan: