Khẩu hiệu trước Trung Nam Hải: "Tư tưởng Mao Trạch Đông bất khả chiến bại vạn tuế!" |
Reuters (23/10/2012) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),
mà ban lãnh đạo sẽ được thay đổi vào đầu tháng 11, có thể sẽ đi theo hướng cải
cách, nếu căn cứ vào sự kiện cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông đã biến mất trong
hai thông báo mới nhất.
Theo một số nhà phân tích, việc bỏ đi cụm từ nhắc đến « Người
cầm lái vĩ đại » và tư tưởng của Mao trong hai thông báo đưa ra vào những
tuần gần đây, có thể đánh dấu ý hướng cải cách từ ban lãnh đạo mới của Đảng.
Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã hôm thứ Hai 22/10 cũng đã loan báo,
dự thảo sửa đổi điều lệ của ĐCSTQ sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội Đảng lần
thứ 18, được dự kiến khai mạc vào ngày 8/11. Trong quá khứ đã từng có những sửa
đổi điều lệ Đảng để làm cơ sở cho quyết định chính trị quan trọng, như việc
chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Mao Trạch Đông luôn được xem là chỗ dựa ý thức hệ chủ chốt,
tất cả các văn kiện Đảng, theo truyền thống đều dẫn ra Mác, Lênin, các cựu chủ
tịch Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân cũng như đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Giai đoạn quan trọng ?
Mỗi văn bản của Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất
của ĐCSTQ, có khoảng hai chục ủy viên – xưa nay luôn kết thúc bằng công thức « Giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch
Đông và chủ nghĩa Mác - Lê ». Nhưng hai văn bản mới nhất chỉ nhấn mạnh
rằng Đảng phải tiếp tục theo đuổi « luận
thuyết Đặng Tiểu Bình », tức chủ thuyết « Ba đại diện » và « Quan
niệm phát triển khoa học » (« Ba
đại diện » : ĐCSTQ đại diện cho sức sản xuất tiên tiến nhất, đại diện
cho lợi ích của đại đa số nhân dân, và đại diện cho nền văn hóa tiên tiến của Trung
Quốc - chú thích của người dịch).
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), giám đốc Viện Đông
Á của trường đại học quốc gia Singapore cho rằng : « Điều đó rất quan trọng. Trước khi Bạc Hy Lai bị thất sủng, định
hướng này còn mập mờ, nhưng nay thì đã rõ ràng. Tôi muốn nói là, ít Mao hơn
nhưng nhiều Đặng hơn ».
Khi làm biến mất cụm từ tư tưởng Mao Trạch Đông, các nhà
lãnh đạo ĐCSTQ đã chứng tỏ quyết tâm cải cách. Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên phân
tích như trên, khi so sánh với việc Đặng Tiểu Bình đã đưa một liều lượng tư bản
chủ nghĩa vào nền kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.
Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên của ĐCSTQ mà chính sách Tân
Mao được sự ủng hộ của cánh tả trong Đảng, đã bị ngưng chức vụ Bí thư Thành ủy
Trùng Khánh và có thể bị bãi miễn chức đại biểu Quốc hội, sau xì-căng-đan đình
đám mà ông Bạc và vợ bị dính vào (nay thì
ông Bạc Hy Lai đã bị loại khỏi Quốc hội ngày 26/10 và bị truy tố - ND).
Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa từ năm 1978 đến 1992, đã đưa ra ý tưởng Trung Quốc vừa có thể là nước cộng
sản, mà vẫn có thể tiến hành cải cách dựa trên quy luật thị trường. Thuyết « Ba đại diện » là từ cựu Chủ
tịch Giang Trạch Dân, cho phép các nhà tư bản được vào Đảng ; trong khi
Quan điểm phát triển khoa học - chủ trương phát triển kinh tế một cách hợp lý
hơn và tôn trọng môi trường - là do Hồ Cẩm Đào khởi xướng.
Một cô gái trước căn nhà sẽ bị phá dỡ ở Bắc Kinh. Trưng thu nhà đất là một nguyên nhân gây căng thẳng xã hội. |
Kêu gọi cải cách
Sự khác biệt về về chủ thuyết giữa những người chủ trương
cải cách và cánh tả trong Đảng phản ánh sự mãnh liệt của những tranh cãi hiện
nay trong ĐCSTQ nhằm xác định đường hướng cho ban lãnh đạo mới, sẽ chính thức được
đề cử vào ngày 8/11 tới.
Đại hội 18 của ĐCSTQ diễn ra vào thời điểm mà đất nước này
có tỉ lệ tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong gần 13 năm qua, trong khi căng
thẳng xã hội vẫn cao độ, do tệ nạn tham nhũng, trưng thu đất đai và các nhu cầu
an sinh xã hội không được đáp ứng.
Báo chí chính thức và các chuyên gia thân cận với chính phủ
thường xuyên hăng hái đưa ra lời kêu gọi tiến hành cải cách mạnh mẽ, mà theo họ
thì đó là cách duy nhất để tránh được khủng hoảng, cho dù không ai chờ đợi việc
Trung Quốc chọn lựa con đường dân chủ.
Study Times, tờ báo do Trường Đảng trung ương – nơi đào tạo
các cán bộ cho ĐCSTQ – xuất bản, tuần này cũng đã ca ngợi mô hình Singapore, một
nền dân chủ được kiểm soát chặt chẽ.
Mặc cho những chiến dịch chính trị phi nhân, đã làm cho
nhiều chục triệu người chết, Mao Trạch Đông - mà chân dung vẫn ngự trị trên
quảng trường Thiên An Môn - luôn đuợc thần thánh hóa như một lãnh tụ có sức thu
hút, vì đã đối mặt với các nước lớn và thống nhất đất nước. Ban lãnh đạo Đảng
vẫn kiên quyết duy trì hình ảnh của Mao để củng cố tính chính đáng của ĐCS, mà
họ không có được nhờ đã kinh qua chiến tranh như Mao.
Một số nhà quan sát cũng cảnh báo việc từ bỏ quá nhanh chóng
di sản của Mao. Wang Zhengxu, nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Nottingham,
Anh quốc cho rằng việc bỏ cụm từ tư tưởng Mao trong điều lệ Đảng: « Chỉ đơn giản là không thể được ».
Một blogger viết : « Tư tưởng
Mao Trạch Đông là linh hồn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (…) và là ánh sáng soi
đường công lý cho nhân dân».
Nhưng đối với giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, đại học quốc gia
Singapore, thì tầm nhìn của Mao Trạch Đông không còn phù hợp nữa, và ngày càng
nhiều người Trung Quốc dửng dưng với Mao. Giáo sư nói : « Chỉ có cánh tả là quan tâm thôi. Đa
số người dân, nhất là thế hệ trẻ, thì đã chán ngán. Ký ức đã bị xóa
nhòa ».
Bài viết liên quan:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.