Affichage des articles dont le libellé est Trương Nhân Tuấn. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Trương Nhân Tuấn. Afficher tous les articles

dimanche 15 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Về vụ "thực tập chống khủng bố" ở Sài Gòn



Nói là "thực tập chống khủng bố" nhưng thiệt tình không ai tin hết!

Đẩy bốn ngàn công an, an ninh Sài Gòn... ra đường chia phe gậy gộc rầm rộ đóng kịch, cùng với xe gắn máy, xe vòi rồng đủ thứ, nói là để "răn đe khủng bố". Thực tình "khủng bố" nào, (ngoài đảng Cộng sản Việt Nam), "sống được" ở Việt Nam mà răn đe ? 

Nếu vụ "thực tập" diễn ra thời thập niên 80 thế kỷ trước, lúc ông già gân Reagan lên làm tổng thống, thì người ta sẽ tin. 

Trương Nhân Tuấn - Nước Việt Nam "khai sinh" từ khi nào ?


Status này không có tham vọng làm một cuộc nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng như tìm hiểu lịch sử thành hình quốc gia Việt Nam. Vấn đề là báo chí Việt Nam trong ngoài nước, bằng mọi cách, "xóa trắng" vết tích của chế độ Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa - thực thế chính trị khai sinh do Hiệp ước Elysée 1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và hoàng đế Bảo Đại.

Quốc gia Việt Nam hiện hữu trên toàn lãnh thổ Việt Nam  từ năm 1949, sau đó đổi tên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) , ở miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho tới tháng tư năm 1975.

Đây là một "thực tế lịch sử" nhưng báo chí trong ngoài nước làm như nếu không "xóa trắng ký ức", những "tàn dư" các chế độ này sẽ ảnh hưởng đến sự thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn - Lại nói về "chữ quốc ngữ"


Nghe nói học giả Việt Nam có tổ chức hội thảo về "chữ quốc ngữ", nhân có "sĩ phu" Đà Nẵng ra kiến nghị phản đối việc lấy tên ông cố đạo "Alexandre de Rhodes" để đặt tên đường. 

Hôm kia trên BBC cũng có hội luận về chủ đề này. Kết quả hội luận ở Việt Nam thì chưa biết. Về nội dung hội luận trên BBC thì "mỗi người mỗi ý" mà cá nhân tôi thì chưa thỏa mãn với ý kiến của ai hết.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, ở Sài Gòn và một số tỉnh đã có tên đường Alexande de Rhodes. 

Miền Nam thời trước 1975 việc luận "công, tội" rất đơn giản. Ai có công đóng góp công trình văn hóa, công trình giữ nước, dựng nước hay mở rộng bờ cõi... đều được nhìn nhận là "có công với đất nước và dân tộc".

Trương Nhân Tuấn - Về vụ xử "tội ác diệt chủng" Gambia-Miến Điện trước Tòa Công lý Quốc tế


Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) vừa kết thúc phiên họp đầu tiên, hôm kia 13-12-2019, do Gambia yêu cầu "những biện pháp phòng ngừa - provisional measures", chống lại Miến Điện vì tội "diệt chủng" người Rohingya.

Như thường lệ, các phiên tòa quốc tế mở dưới lý do yêu cầu của một bên về (những) "biện pháp phòng ngừa" được nhóm họp rất nhanh chóng, thời gian trung bình một tháng. Gambia nộp đơn kiện lên tòa ICJ vào ngày 11 tháng 11. Đến nay Tòa vẫn chưa có phán quyết (về yêu cầu biện pháp phòng ngừa). Nhưng việc này sẽ không trì trệ quá một tháng. Trong khi vụ kiện, về "nội dung nền tảng", có thể kéo dài nhiều năm.

Các chuyên gia luật quốc tế có những tiên đoán khá bi quan, bởi vì khó có thể có một giải pháp "có thể thực hiện được" để hồi hương dân Rohingya về nơi chôn nhao cắt rún của họ một cách thỏa đáng cho tất cả các bên.

dimanche 8 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn – Xử lý nước thải không thể là chuyện sân sau của lãnh đạo



Vấn đề "hồi sinh" sông Tô Lịch, vốn là "cống lộ thiên" của dân Hà Nội, không đơn thuần là việc tranh cãi giữa các phe binh và chống chủ tịch UBND TP Hà Nội. 

Trên phương diện "thương mại", đây là "chiến trường" để các tập đoàn công nghệ thế giới về xử lý nước thải "đấu đá" với nhau để tranh đoạt thị trường. 

Trên phương diện "khoa học", hiện tai sông Tô Lịch là "chiến tranh cục bộ" giữa hai đại cường công nghệ Nhật và Đức, với hai phương pháp xử lý nước thải: nano bioreactor của Nhật và bột khử có tên gọi RedOXY-3C của Đức. 

vendredi 6 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn – Ông Cao Huy Thuần cố tình xuyên tạc lịch sử



Theo ý kiến của cá nhân tôi, vụ lùm xùm "đặt tên đường" ông cố đạo Đờ Rốt (Alexandre de Rhodes) ở Đà Nẵng là đến từ sự "ngộ nhận" về lịch sử. 

Nguyên nhân (của mọi nguyên nhân) đưa đến việc (đáng tiếc) này là "luận án tiến sĩ" của ông Cao Huy Thuần mang tên "Christianisme et colonialisme au Vietnam (1857-1914)" 

(Thèse pour le Doctorat d'État de Sciences Politiques, soutenue à la Faculté de Droit et des Sciences Économiques de Paris). 

mercredi 4 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Hồng Kông và Tân Cương : Bắc Kinh đừng quên tấm gương Nam Tư

Cách đây đúng 20 năm, Nam Tư bị NATO oanh kích trong suốt 78 ngày (24/03-10/06/1999).

Các nước độc tài kiểu Trung Quốc hay Việt Nam luôn nại cớ "không được can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia khác" để phản đối lại Mỹ hay các quốc gia Châu Âu, khi các quốc gia này lên tiếng chỉ trích các việc vi phạm nhân quyền.

Thật ra, trước đây khá lâu, nhân cuộc chiến Nam Tư cũ, các luật gia quốc tế đã đặt vấn đề "quyền can thiệp vì lý do nhân đạo". Theo đó các quốc gia có thể can thiệp vào "nội bộ" của một quốc gia khác, nếu thấy rằng quốc gia này đang có những "thảm trạng" về nhân quyền như "diệt chủng", đàn áp giết chóc người vô căn cứ...

NATO đã "can thiệp" vô chiến tranh Nam Tư vì lý do "can thiệp nhân đạo", mặc dầu lý do này chưa bao giờ được tất cả các quốc gia nhìn nhận như là một "nguyên tắc luật quốc tế".

samedi 30 novembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Luận về công-tội


Thật là "khó" cho Việt Nam hiện nay để nói về "công-tội". Có công (hay có tội) với ai, với cái gì ?


Ở các quốc gia "bình thường" như Mỹ, Anh, Pháp, (ngay cả Trung Quốc hiện nay)... quan niệm về "công tội" rất đơn giản. Bất kỳ hành vi nào làm lợi cho đất nước, cho dân tộc là "có công". Dĩ nhiên hành vi này không phạm luật và phù hợp với đạo lý của con người.

Ở Việt Nam việc phân biệt "công tội" cực kỳ phức tạp.

Nếu ta trở lại thời Pháp có ý định xâm chiếm Bắc Kỳ (1880-1885). Vua quan nhà Nguyễn thời đó là Hoàng Kế Viêm cùng với các quan tuần phủ các tỉnh hợp tác với quân Thanh và quân cướp Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Lực lượng quân sự này có mục đích đánh Pháp, giữ Bắc kỳ và Trung kỳ (An Nam) nằm trong ảnh hưởng đế quốc Mãn Thanh. Điều này quan trọng nhưng các "sử gia" Việt Nam lại hay bỏ quên.

Hoàng Kế Viêm có công hay có tội đối với đất nước và dân tộc Việt Nam?

mercredi 27 novembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Phê bình việc luận tội mấy ông cố đạo


Nếu có nghiên cứu lịch sử Việt Nam (khách quan một chút) thì ta phải nhìn nhận là nếu không có Pháp "đô hộ" Việt Nam, thì Việt Nam cũng trở thành thuộc địa của một đế quốc Tây phương khác (như Anh, Tây Ban Nha...). 

Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội để trở thành một "tỉnh" của Trung Quốc. Và ta cũng thấy rằng "chữ quốc ngữ" của các ông cố đạo không hề là phương tiện để thực dân chinh phục Việt Nam

Việt Nam bị lệ thuộc Pháp là do "tình cờ địa lý" chớ không hề do "tham vọng lãnh thổ" của đế quốc Pháp. Mục tiêu chinh phục của Pháp thời đó, cũng như Anh và các đế quốc Tây phương khác, là lục địa Trung Hoa. Lục địa này cực kỳ giàu có vì đông dân lại nhiều vàng bạc, ngọc ngà châu báu tơ lụa... trong khi quân sự lại yếu kém. Việt Nam thời đó, nhìn lại qua hình ảnh của các nhà du hành Pháp, rõ ràng kém mở mang, nếu không nói là cực nghèo, không có gì để gợi lòng tham của đế quốc. (Nếu không thì Việt Nam đã bị Anh chiếm trước cả Pháp).

samedi 2 novembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Nhà nước Việt Nam đã làm gì để dân Việt chết thảm như thế ?



Cảnh sát Anh cho biết "39 nạn nhân là người Việt Nam". Câu hỏi "Chúng ta đã làm những gì để đồng bào chúng ta chết thảm như thế" đã là một câu hỏi chính đáng. Nhà nước Việt Nam cần sớm có câu trả lời nghiêm túc và thỏa đáng. 

"Trách nhiệm tối thượng" của thảm kịch này không phải là các chính sách "nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu" như báo Tuổi Trẻ đã nói. Trách nhiệm này thuộc về Việt Nam.

Trên quan điểm "công pháp quốc tế", giữa "chủ quyền quốc gia" và các Tuyên bố quốc tế về quyền con người, hay các công ước quốc tế về di dân và lao động... Nước Anh không có trách nhiệm nào về người di dân, mặc dầu chính sách về di dân của Anh "có nhiều trục trặc" đối với các quốc gia Châu Âu (nhứt là đối với Pháp), khiến khuynh hướng áp đảo là lựa chọn nước Anh là điểm đến cuối cùng (chớ không phải là các nước khác). 

dimanche 27 octobre 2019

Trương Nhân Tuấn – Đất nước bần cùng là do lãnh đạo



Công nhân ở Bình Dương về quê ăn Tết. Ảnh NLĐ

Khi cha mẹ không thể lo cho tương lai con cái thì cha mẹ có lỗi với con. Nhưng kết lại, đất nước bần cùng, người dân khốn khổ hôm nay là do lãnh đạo hết cả.

Trở lại vụ giờ tăng lao động. Không ngoại lệ, chủ nhân, công nhân Việt Nam "ngóc đầu không nổi" là do các chính sách về kinh tế "lột da đầu". 

Công nhân Việt Nam lương thấp vì đây là chủ trương của đảng và nhà nước Việt Nam. Không phải lãnh đạo cộng sản luôn miệng khoe "thế mạnh" của Việt Nam trước những nhà đầu tư thế giới là "nhân công Việt Nam rẻ" hay sao ? Còn giới chủ, họ luôn là đối tượng "vặt lông vịt" của công an phường, của kiểm tra quận, của đội phòng cháy chữa cháy, của những vụ "bôi trơn"... 

lundi 21 octobre 2019

Trương Nhân Tuấn - Không có cha ông nào để lại lãnh thổ Biển Đông cho Trung Quốc !


Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe)

Trang Facebook của VOA đưa tin sớm về "Diễn đàn Hương Sơn", nói về quốc phòng ở Bắc Kinh hôm nay 21 tháng 10. Trang này dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa : Biển Đông là phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và chúng ta sẽ không để một tấc đất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta bị lấy đi.

Chưa biết đích xác cha nội họ Ngụy này nói ra sao, có điều khi nói Biển Đông "là phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc" là trật lất.

Vì sao trật ?

vendredi 2 août 2019

Trương Nhân Tuấn - Tư Chính : Kiện hay không kiện, biểu tình hay không biểu tình ?



Ý kiến ngắn gọn của tôi về kiện hay không kiện, biểu tình hay không biểu tình vụ Tư Chính. 

Việt Nam đã phạm "sai lầm chiến lược" vì đã không đứng chung với Phi để kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) tháng Giêng 2013. Sai lầm vì Việt Nam (và các học giả thế giới) không ai dự trù được dân Phi lại bầu lên một ông tổng thống tầm Duterte. 

Phán quyết của Tòa PCA ngày 11-7-2016 nếu được áp dụng thì tất cả những yêu sách của Trung Quốc ở Trường Sa, như về chủ quyền, về "vùng nước chung quanh" hay về "vùng nước lịch sử" đều bị hóa giải. Trung Quốc không còn lý do nào để quấy nhiễu bãi Tư Chính như đã thấy hiện nay. 

mercredi 31 juillet 2019

Bãi Tư Chính: Tranh chấp song phương hay đa phương và Việt Nam cần làm gì?



Trên BBC có bài phỏng vấn ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư đại học Maine ở Mỹ. GS Long cho rằng "VN thua ở bãi Tư Chính", mà nguyên nhân là vì VN không "đa phương hóa Biển Đông". Đây là điều mà GS Long cho rằng ông đã đã cảnh báo VN "từ mười mấy năm nay". Dẫn nguyên văn: 

"Họ (TQ) muốn đây là vấn đề song phương, mà vấn đề song phương thì các nước khác không được dính líu vào. Chỉ là giữa Trung Quốc với Việt Nam thôi. Thì vấn đề này Việt Nam phải suy nghĩ, vì trong mười mấy năm qua chúng tôi nói là Việt Nam phải cố gắng đa phương hóa vấn đề Biển Đông."

Điều đáng tiếc là trong bài phỏng vấn, GS Long đã không cắt nghĩa để độc giả hiểu thế nào là "đa phương hóa tranh chấp ở Biển Đông", đặc biệt ở bãi Tư Chính.

Tranh chấp Tư Chính bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền


Vụ bãi Tư Chính, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao của cả hai bên lên tiếng phản đối nhau, nội dung xét ra không khác chi nhiều. 

samedi 27 juillet 2019

Trương Nhân Tuấn - Trung Quốc có ý đồ gì ở bãi Tư Chính ?



Trung Quốc cho tàu địa chất hoạt động thăm dò địa chấn bãi trầm tích Tư Chính -Vũng Mây, thuộc hải phận kinh tế độc quyền (Zone Economique Exclusive - 200 hải lý tính từ đường cơ bản) của Việt Nam, liên tục đến nay đã sang tuần lễ thứ tư. 

Bãi này Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc, bao gồm các lô 133, 134, 135, 136, 157, 158, 159 trên “bản đồ dầu khí” của Việt Nam. Đồng thời với việc thăm dò địa chấn, Trung Quốc cho tàu hải cảnh quấy rối sinh hoạt khai thác tại lô 6.1 thuộc bãi trầm tích Nam Côn Sơn, do tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga hiện đang khai thác. Nguyên nhân vụ “quấy rối” được (tờ báo SCMP - Hoa Nam Buổi Sáng) cho biết là Việt Nam tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác cho tập đoàn Rosneft ở lô 6.1. 

Nếu vấn đề “Vạn An Bắc” Trung Quốc đã gây sự từ năm 1992, thì vụ quấy rối lô 6.1 chỉ mới đây. Lô này hiện do công ty dầu khí lớn nhứt nước Nga là Rosneft khai thác (và phát triển) từ năm 2013 với ba mỏ Lan Tây, Lan đỏ và 5.3. Trước đó lô 6.1 do BP khai thác, từ 2003 đến 2010 (BP rút lui do sức ép kinh tế của Trung Quốc). 

mercredi 24 juillet 2019

Trương Nhân Tuấn - Vấn đề “thoát Trung” và “thân Mỹ”



Như thông lệ, hễ mỗi lần Trung Quốc có những hành vi xâm phạm chủ quyền (hay các quyền phụ thuộc chủ quyền) biển đảo của Việt Nam, Biển Đông trở nên căng thẳng. Thì trong nội bộ Việt Nam, tầng lớp gọi là “trí thức” (trong hay ngoài đảng) hô hào việc “thoát Trung” (song song với việc kết thân với Mỹ). 

Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến các việc “thoát Trung” “thân Mỹ” được xem như là một giải pháp để Việt Nam thoát ra khỏi sự ràng buộc (và hiếp đáp) của Trung Quốc. Vậy thế nào là “thoát Trung” và thế nào mới gọi là “thân Mỹ” ? Không (hay ít) thấy ai có lời giải thích nội hàm của hai việc này một cách thấu đáo.

Thực tế trong lịch sử Việt Nam có nhiều phen “thoát Trung”.

dimanche 14 juillet 2019

Trương Nhân Tuấn - Việt Nam sẽ trả đũa vụ Tư Chính bằng cách gì ?



Tàu Trung Quốc đấu với tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dưong Thạch Du 981.
Báo chí nước ngoài đăng tin cho biết các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần nay mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này trong quá khứ Trung Quốc đã từng ký giấy phép (1992) cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ hoạt động. Vụ này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa. 

Vụ giàn khoan HY981 hồi năm 2014, phía Trung Quốc đưa vào khảo sát địa chấn khu vực chung quanh thềm lục địa đảo Tri Tôn (của Việt Nam), cách bờ biển Việt Nam 120 cây số. Việc này bề ngoài làm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng. Nhưng nếu ta xét thực chất vấn đề, rõ ràng Việt Nam và Trung Quốc "đóng tuồng" ở sân khấu Tri Tôn. Cách nói khác giàn khoan HD981 chỉ là "diện", là "hỏa mù". 

Bởi vì trong lúc hai bên Việt Nam và Trung Quốc chơi trò "bắn súng nước" chung quanh giàn khoan 981, dân chúng Việt Nam cũng reo hò ủng hộ cho phe mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải phận. Thì Trung Quốc bắt đầu công trình xây dựng trên 7 bãi đá (chiếm của Việt Nam năm 1988). Thời gian ngắn các bãi đá trở thành các đảo nhân tạo. Sau khi hoàn thành (chỉ 3 năm sau) các đảo này trở thành những căn cứ quân sự, bao gồm lực lượng không quân, hải quân với những phi trường, bến tàu (tàu chiến lẫn tàu ngầm), ra đa, những giàn hỏa tiễn chống hạm, chống tiếp cận.... 

mardi 2 juillet 2019

Trương Nhân Tuấn - Hồng Kông và giá trị dân chủ



Các nhà hoạt động đến hội nghị G20 ở Osaka cầu cứu ông Trump giải phóng Hồng Kông, 28/06/2019.

Bắc Kinh chưa vội trấn áp dân Hồng Kông đơn thuần vì lý do kỷ niệm 22 năm ngày lãnh thổ này "trở về với đất mẹ". Ông Trump đã "gài số de", (nếu không thì gài số point-mort) trong "chiến tranh thương mại" với Trung Quốc. Áp lực thương chiến vì vậy không còn. 

Tập Cận Bình cám ơn ông Trump rất nhiều. Ông Trump vừa "mở trói" cho Hoa Vi, vừa "mở cửa rộng" cho sinh viên Trung Quốc. Ông Trump sợ tài phiệt Mỹ kêu trời (do không bán hàng cho Hoa Vi) chớ không phải vì bảo vệ "an ninh quốc gia" hay lo sợ sinh viên Trung Quốc làm gián điệp. Ông Tập rảnh tay đối phó với Hồng Kông.

Bắc Kinh sẽ trấn áp Hồng Kông bằng phương pháp (cũ rích) là sử dụng khối dân chúng này để chống lại khối dân chúng kia. Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẽ đưa dân lục địa vào Hồng Kông, dùng khối dân chúng "cuồng Tập" để trấn áp dân biểu tình. 

samedi 22 décembre 2018

Trương Nhân Tuấn - Rút khỏi Syria, Trump tặng Trung Đông cho Nga



Ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran tại Genève,18/12/2018. Mỹ rút quân khỏi Syria là món quà cuối năm đáng giá cho bộ ba này.

Chính trị "nước lớn" quả thật là "khó lường". Nhưng thái độ của nguyên thủ một nước lớn không thể "vô lường". Lệnh của ông Trump "đơn phương" rút quân khỏi Syrie không chỉ làm thế giới phương Tây "chưng hửng", mà ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng J. Mattis cũng bất mãn từ chức. Rõ ràng Mỹ đã "giao" khu vực này cho Nga. 

Điều người ta đặt nghi vấn là Mỹ đã đạt được mục tiêu gì ? Được Nga nhượng bộ cho quyền lợi nào trong hồ sơ "Syrie" ? Nói là để "giữ lời hứa" lúc ra tranh cử, nhưng phe chủ trương bỏ Syrie không hề đại diện cho quyền lợi chiến lược của Mỹ trong khu vực. 

mardi 27 novembre 2018

Trương Nhân Tuấn - Nhân đọc lại hồ sơ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc



Học giả Trung Quốc có “niềm tin” “ngàn năm trước Trung Quốc là một quốc gia đi biển lớn. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, khai khác và quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông”. Hồ sơ của Trung Quốc ghi chắc điều này như đinh đóng cột. 

Nhưng vụ “Trung Quốc là quốc gia đi biển lớn” có đúng hay không, việc này không nói lên được điều gì. Bởi vì các nước chung quanh, hàng ngàn năm trước, họ cũng là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Họ có thể là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân các quốc gia này rành Biển Đông hơn dân Trung Quốc. Họ sống kế cận Biển Đông. Họ đi thuyền ra các đảo, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các đảo, các bãi đá đó. Sau này, thế kỷ 17, thế kỷ 18, dân Việt Nam mỗi năm ra các đảo, ngoài việc đánh bắt hải sản, còn có việc thu lượm các xác tàu chìm đã bị sóng đánh trôi dạt vào các đảo đó.

Họ không hề lớn tiếng tuyên bố “khám phá” như Trung Quốc. Đơn giản vì họ từ khai thiên lập địa đã sinh sống ở đó rồi. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian sinh tồn của họ. Nếu nói theo “ngôn từ luật pháp” thì họ đã “khám phá, khai thác và quản lý” vùng biển và đảo đó từ thời kỳ mà Trung Quốc còn viết “huyền sử”.