Công nhân ở Bình Dương về quê ăn Tết. Ảnh NLĐ |
Khi cha mẹ không
thể lo cho tương lai con cái thì cha mẹ có lỗi với con. Nhưng kết lại, đất nước
bần cùng, người dân khốn khổ hôm nay là do lãnh đạo hết cả.
Trở lại vụ giờ
tăng lao động. Không ngoại lệ, chủ nhân, công nhân Việt Nam "ngóc đầu
không nổi" là do các chính sách về kinh tế "lột da đầu".
Công nhân Việt
Nam lương thấp vì đây là chủ trương của đảng và nhà nước Việt Nam. Không phải
lãnh đạo cộng sản luôn miệng khoe "thế mạnh" của Việt Nam trước những
nhà đầu tư thế giới là "nhân công Việt Nam rẻ" hay sao ? Còn giới
chủ, họ luôn là đối tượng "vặt lông vịt" của công an phường, của kiểm
tra quận, của đội phòng cháy chữa cháy, của những vụ "bôi trơn"...
Giới chủ Việt Nam
"bòn rút công nhân" không khác thời "tư bản hoang dã" cuối
thế kỷ 19. Bởi vì, nếu không "siết bù lon" thì làm gì họ sống ?
Giới chủ nhân cần
"bình tâm" nhìn lại để thấy mình, cũng như giai cấp công nhân, đều là
nạn nhân của các chính sách của nhà nước. Vấn đề vì vậy là do chế độ chính trị
chớ không phải do "quy luật thị trường".
Không nơi nào
trên thế giới này mà giới chủ nhân, lẫn công nhân, phải nuôi sống một bộ máy
quan lại đảng và nhà nước nặng nề đến như vậy. Hai người làm phải cõng một ông
cán bộ.
Giá xăng cao chót
vót, không phải vì giá nguyên liệu mà cao vì do đủ thứ thuế. Điện, nước, thực
phẩm... thứ nào cũng giá cả trên trời. Lại còn thuế BOT, gọi là tiền "mãi
lộ". Thuế má, tiền đường, tiền xăng... tăng thì giá lương thực, như yếu
phẩm phải tăng. Người công nhân làm lụng suốt năm chỉ đủ nuôi miệng, Tết không
đủ tiền trả tiền xe để về quê.
Bây giờ nhà nước
muốn người công nhân phải làm thêm giờ. Không cần Quốc hội phải bàn luận. Càng
bàn ra thì càng thấy đại biểu Quốc hội chỉ là một đám vẹt biết nói tiếng người.
Đừng đổ thừa dân
mình làm biếng, hay biện hộ kiểu bất lương, kiểu vì sao dân Nhật, dân Hàn...
trước khi giàu có như bây giờ thì lớp công nhân của họ trong quá khứ cũng đã hy
sinh rất nhiều.
Việt Nam
"đổi mới" (1986) đến nay đã được 33 năm. Chỉ bằng phân nửa thời gian
này (1949-1968) Nhật đã trở thành đệ nhị cường quốc về kinh tế. Còn Nam Hàn, từ
1960 đến 1996, bằng khoảng thời gian Việt Nam "đổi mới", đã trở thành
cường quốc thứ 8 trên thế giới.
Người công nhân
Nhật, Hàn, Đài Loan... xung phong làm thêm giờ ngày xưa, vì họ thấy giờ phụ
trội giúp họ cải thiện được mức sống. Với đồng lương phụ trội, họ có thể đầu tư
vào giáo dục đại học cho thế hệ con cái. Thế hệ cha mẹ cố gắng hy sinh, làm nền
cho thế hệ con cái tiến lên. Và các quốc gia này đã thành công. Thế hệ trẻ có
học đã đưa đất nước vào thời kỳ "công kỹ nghệ hóa". Hiện nay các nước
Nhật, Hàn và Đài Loan... rất cần công nhân làm các công việc "hạ
tiện", vì dân họ đều đã trở thành "công nhân cổ trắng thắt cà
vạt".
Người công nhân
Việt Nam làm thêm giờ thì đồng lương phụ trội này giúp họ những gì ? Không giúp
được gì cả, vì đời sống đắt đỏ, giá sinh hoạt tăng nhanh hơn tiền lương.
Còn giới chủ Việt
Nam ? Từ sau 1975 giới "tư sản dân tộc" của miền Nam đã "trắng
tay", nếu không sớm vượt biên thì họ cũng trở thành anh phu xích lô, tài
xế xe ôm. Giới chủ (thành công) bây giờ hoặc là những doanh nhân tài năng lỗi
lạc, hoặc là những người biết "dựa hơi" vào thế lực quan lại đảng
viên, hay chính họ là quan lại đảng viên. Ngoại trừ một số rất nhỏ có đóng góp
hữu ích cho đất nước, số còn lại là thứ "tư bản thân hữu". Đất nước
nát bét ngày hôm nay cũng do lớp tư bản này.
Chế độ này còn
tiếp tục thì sẽ còn những người "vượt biên". Sẽ còn những thảm cảnh
chết trong thùng xe đông lạnh. Khi cha mẹ không thể lo cho tương lai con cái
thì cha mẹ có lỗi với con. Nhưng kết lại, đất nước bần cùng, người dân khốn khổ
hôm nay là do lãnh đạo hết cả.
TRƯƠNG NHÂN TUẤN 27.10.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.