Affichage des articles dont le libellé est Chuyện mùa dịch. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Chuyện mùa dịch. Afficher tous les articles

samedi 9 octobre 2021

Nguyễn Thông - Con chó và tình người

 

Tôi có đọc, thấy không ít lần trên mạng, cả Facebook lẫn báo điện tử, có những người chê trách bà con nghèo trốn dịch trốn đói về quê.

Rằng đã biết đường xa vất vả, chở vợ chở con cùng với đồ đạc trên chiếc xe máy là quá lắm rồi, lại còn đèo một, hai con chó làm chi. Sao không bán đi, cho đi, thịt đi...

Hỡi các nhà đạo đức, các vị chỉ nhìn nhận sự đời ở góc độ vô cảm, thực dụng, chai sạn, sắt đá. Các vị không hiểu được tâm hồn, đạo đức của những người nghèo ấy cao đẹp thế nào đâu.

Võ Nhật Thu - Đà Nẵng tôi ơi!

Trong những ngày qua, xem những đoàn người ùn ùn rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương về quê chạy dịch mà xót lòng.

Tui cứ hỏi: Răng rứa? Răng đời công nhân cùng khổ đến rứa? Khi họ làm việc, mưu sinh, đóng thuế thì tổ chức này, hội đoàn nọ luôn ra rả là đại diện của giai cấp công nhân, là đại diện của người lao động. Vậy trong cơn đại dịch khóa cửa ba, bốn tháng đẩy người lao động vào cảnh tuyệt vọng, thì tại răng không đưa ra quyết sách kịp thời  hỗ trợ tối thiểu để giữ chân công nhân ở lại chờ cho giãn dịch?

Không có kinh phí ư? Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp nghe nói kết dư đến 90 ngàn tỉ đồng kia mà? Tại răng không sớm ban hành quyết định tạm ứng cho công nhân bị khóa cửa vì dịch khoảng ba hay bốn tháng lương thất nghiệp, để họ được sinh tồn mà ở lại?

Chồng đỡ đẻ cho vợ, chạy xe máy chở vợ con vượt hơn 1.500 km về quê

 

(TN 09/10/2021) Chỉ còn 100.000 đồng trong túi, hai vợ chồng quê Nghệ An quyết định sinh con ở phòng trọ tại TP.HCM, người chồng đã đỡ đẻ rồi chở vợ con bằng xe máy vượt hơn 1.500 km về quê.

Ngày 8.10, vợ chồng anh Lương Văn Bách (28 tuổi) và Kha Thị Ngọc Ánh (27 tuổi, ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) đã về đến quê nhà sau khi vượt hơn 1.500 km. “Bây giờ nghĩ lại cảnh đỡ đẻ cho vợ và chạy xe máy về nhà, em vẫn còn rùng mình”, anh Bách nói.

Chồng đỡ đẻ cho vợ

vendredi 8 octobre 2021

Cao Huy Thọ - « Lúc đỉnh dịch thấy vàng cũng không ham, nói gì phở »

Ba ngày tặng phở cho các y bác sĩ và bệnh nhân F0 thuộc hệ thống bệnh viện Lê Văn Thịnh đã hoàn tất.

Ban đầu kế hoạch là 5.000 tô, nhưng thấy bệnh nhân và y bác sĩ chưa đã, nên nhiều tiệm phở đã tự động nấu tặng thêm, nên tổng kết cuối cùng là đến 5.800 tô. Mà trong đó, chỉ riêng sáng 30.9 đã hơn 3.000 tô trao tại Bệnh viện đã chiến số 3.

Lần đầu tiên đi vào khu vực các bệnh viện dã chiến, tôi cứ rờn rợn khi chỉ thấy toàn màu trắng của các bộ đồ bảo hộ y bác sĩ và màu áo xanh của lính!

jeudi 7 octobre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Trở về với máu, nước mắt và buồn tủi


Cho đến hôm nay, từ khi cơn đại dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam, người ta ước tính có khoảng gần triệu người đã rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê.

Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Nghĩa là từ muôn phương tụ lại và rồi quay đầu về cố hương trong cơn đại dịch. Họ đến với đôi tay trắng, mong có một cuộc sống khá hơn nhưng rồi trở về cũng trắng đôi bàn tay.

Có người đã đến hơn chục năm, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đất này. Nhưng cũng có người vừa đến chưa đầy đôi ba tháng. Họ có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng giống nhau ở một điểm là trải qua cơn dịch, họ không còn phương tiện sống, không còn công việc để kiếm cơm, không còn lối thoát và chọn giải pháp cuối cùng là trở về.

mercredi 6 octobre 2021

Nguyễn Thông - Thời sự dịch 2021 (7)


30.8

Chỗ nào cũng chốt chặn, nơi nào cũng công an dân phòng. Chính phủ yêu cầu, thực ra là ban lệnh, “ai ở đâu ở yên đó”.

Đứa cháu bên hàng xóm sáng nay khoe mới lẻn ra được chỗ bán rau chui ở đường số 9 gần đó. Họ bán trong nhà, thấy dân phòng công an đi tuần thì đóng cửa lại, mua vội được mấy bó rau muống, bí xanh, bầu, mướp, hành… nó bảo có thể trụ thêm được tuần nữa.

Hỏi chỗ ấy có bán thịt bán cá không, nó gật nhưng thè lưỡi, thịt ba rọi 270 nghìn/ký, thèm mấy cũng chịu, không tiền nào đu nổi. Tôi cười bảo mày lên tivi, hay tới tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Nhân Dân mà mua, đầy mà lại rẻ.

dimanche 3 octobre 2021

Cù Mai Công - Sài Gòn từ chống dịch kiểu Tàu sang sống chung như Tây

 

• “Miễn dịch cộng đồng” là bất khả?

Hôm nay 3-10 là ngày thứ ba, thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách hết sức khắc nghiệt theo Chỉ thị 16+ với sự nhập cuộc của quân đội, rào chắn, chốt chặn nơi, dân tuyệt đối trong nhà, “đi chợ hộ”… – không khác gì cách Vũ Hán chống dịch năm trước.

Nhịp sống Sài Gòn chưa hẳn như xưa. Nhưng ngay lập tức, nó đã bật dậy: hàng quán mở cửa khắp nơi sau mấy tuần một số tiệm đã hoạt động... “chui”. Nhà hàng lớn giữa trung tâm thành phố sáng đèn, hàng rong trong hẻm nhỏ rao bán. Dịch vụ như sửa xe, sửa máy lạnh, hớt tóc… bung cửa, thợ làm không ngớt tay, phải xếp lịch khách…

Đỗ Duy Ngọc - Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin


Sau đợt người dân lũ lượt theo nhau về quê đêm 30.9 rạng sáng 1.10 gây tắc nghẽn ở cửa ngõ Long An. Dù chính quyền tìm mọi cách ngăn cản và thuyết phục, làn sóng người vẫn không đồng tình. Cuối cùng, chính quyền phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng.

Tiếp theo đó, tối 2.10, bà con lao động miền Tây lại đi xe máy rầm rộ nối nhau từ Bình Dương về thành phố để hồi hương. Lãnh đạo tỉnh lại kêu gọi bà con ở lại nhưng cũng chẳng ai nghe, ai cũng chỉ có một mong muốn là trở về. Tất cả hướng ra quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn. Hàng ngàn chiếc xe rú trong đêm quyết chí ra đi.

Từ khi dịch bùng phát ở thành phố và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này. Bắt đầu là những người quê ở miền Trung và miền Bắc, đường xa hàng ngàn cây số, họ vẫn liều lĩnh quay đầu đi về. Rồi đến mấy đợt người miền Tây. Tất cả đã đến giới hạn của sự chịu đựng.

samedi 2 octobre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày giảm giãn cách thứ hai

 

Cuối cùng, những người lao động nghèo muốn trở về quê ở những tỉnh miền Tây cũng đã được giải quyết. Điều đó cho thấy chẳng qua chính quyền không muốn làm hay không dám làm thôi. Nếu muốn quyết tâm làm rồi cũng sẽ được sắp xếp êm đẹp.

Chính quyền thành phố đã phối hợp các tỉnh thành dùng xe buýt, ô tô tải đưa hàng nghìn người chạy xe máy từ thành phố về miền Tây. Hơn 20 ô tô tải, xe khách, buýt được lực lượng chức năng bố trí đậu dọc đường, hướng về tỉnh Long An, chờ sắp xếp đưa người dân về quê.

Có 113 xe buýt được thành phố bố trí tại các chốt kiểm soát cửa ngõ hỗ trợ người dân về quê. Các xe buýt có sức chứa 40-80 chỗ, được bố trí gần các chốt nhằm sẵn sàng giải toả ùn ứ, hỗ trợ đưa người dân về các tỉnh thành an toàn. Phương án đưa ra ô tô sẽ chở cả người lẫn xe máy về từng tỉnh thành. Trước khi lên xe, người dân được xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính. Người có xác nhận âm tính còn hiệu lực 48 giờ không cần test lại. Đã có gần gần 500 người dân được xe cảnh sát dẫn về các tỉnh theo nguyện vọng.

Nguyễn Thông - Thời sự dịch 2021 (6)


4.9

Một tờ báo nước Bỉ, tờ Metrotime ngày 3.9 nhận xét Hà Nội trong cơn dịch Covid là cái nhà tù. Nó giật tít “Hà Nội như cái nhà tù lộ thiên” khi phản ánh về chuyện ngăn cản, cấm đoán đi lại, chặn đường lập chốt, xét hỏi giấy tờ, yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”…

Truyền thông báo chí mậu dịch lên tiếng phản đối báo Bỉ. Nhà báo Ngô Bá Nha (Ben Ngo) viết rằng báo Bỉ nói đúng sự thực đã không tiếp thụ lại còn tự ái. Nhưng nhiều người bảo họ tự ái cũng có lý của họ. Lâu nay được ca ngợi, tự tôn vinh là thành phố hòa bình, điểm sáng, nơi đáng sống, mặt trời tỏa sáng rực rỡ, nay có đứa sổ toẹt như thế thì dỗi là phải. Chả ai, nhất là chính quyền, muốn Hà Nội bị chê là nhà tù, dù sự thực nó giống như nhà tù trong cơn đại dịch.

vendredi 1 octobre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày đầu tiên giảm giãn cách


Suốt thời gian thành phố này bị cách ly rồi phong tỏa, ai cũng mong đến ngày mở cửa. Thời gian cứ trôi đi với những bi thương. Tháng Bảy, tháng Tám rồi tháng Chín, mọi người mong bao giờ cho đến tháng Mười. Và hôm nay đây, tháng Mười đến rồi đây, mọi chuyện vẫn chưa yên.

Mở đầu cơn đại dịch, làn sóng người với hàng trăm chiếc xe gắn máy mang theo cả gia đình với một nhúm gia tài gom góp được, quay đầu xe về hướng Bắc làm một cuộc trở về. Hành trình cả ngàn cây số không khiến cho họ lo sợ bằng chuỗi ngày ở lại để chết vì đói vì dịch bệnh.

Và hôm nay, khi mở đầu cho ngày giảm giãn cách, cũng hàng ngàn người bỏ thành phố chạy ngược về miền Tây sau gần 5 tháng quắt quay với đói nghèo và bế tắc. Đêm 30.9 và rạng sáng 1.10, hàng dòng người ùn lại ở Long An trong tuyệt vọng. Họ không được đi tiếp về nhà, họ không còn lối thoát.

jeudi 30 septembre 2021

Cù Mai Công - Sau 123 ngày giãn cách, Sài Gòn mưa dầm dề ngày cuối cùng tháng 9 Covid


Ngày cuối cùng của tháng 9, cả Sài Gòn mưa dầm dề từ một giờ sáng. Suốt từ ngày Sài Gòn “thiết quân luật” 23-8 tới giờ, Sài Gòn hầu như ngày nào cũng mưa. Mưa liên tục. Mưa rải đá xuống Thủ Đức đêm 22-8. Mưa sùi sụt sáng 30-9.

Cô bạn đồng nghiệp Khánh Chi cùng làm thơ thiếu nhi và chơi với nhau từ hồi 1977 tới giờ ngay từ sáng sớm đã sùi sụt thơ:

“Để thấy nước mắt trong giọt nước

Để thấy nỗi xót xa rung động trong giọt nước

Để thấy vũ trụ khóc trong giọt nước…”

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa cuối cùng

 

Nếu không có gì thay đổi vào phút chót, hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc phong toả Sài Gòn vì đại dịch.

Như vậy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, thành phố đã trải qua 7 lần giãn cách xã hội tổng cộng 120 ngày. Cấp độ giãn cách luôn luôn lần sau siết chặt hơn lần trước và từ 9.7 có thể xem như phong tỏa thành phố với mức độ cao. Thời gian theo Chỉ thị 16, 16+, 16++, 16+++ đã trải qua 80 ngày.

Tính đến sáng nay, bắt đầu từ ngày 26.5 thành phố đã có 380.870 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), chưa kể 150.000 ca bệnh chưa được Bộ Y tế chấp nhận. Hiện số người còn đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân và đã có 14.631 người tử vong vì virus Vũ Hán. Con số người chết có thể cao hơn vì có nhiều người chết tại nhà không khai báo và địa phương không báo cáo hay kiểm soát được.

mercredi 29 septembre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Lan man lắm chuyện 13


Dự định không viết về chuyện chọc ngoáy mũi nữa, bởi nó đã lột trần ra hết rồi và ai cũng hiểu mục đích của cuộc xét nghiệm toàn diện và thần tốc trên thành phố này và cả nước.

Thế nhưng, hôm qua xem clip cưỡng chế một phụ nữ ở chung cư Ehome 4, thuộc phường Vĩnh Phú, Thuận An, tỉnh Bình Dương vì cô này không đồng tình xét nghiệm, mà giận quá nên lại viết thêm cái vụ ngoáy mũi này.

Trong clip cho thấy khoảng gần chục người đàn ông to, cao, hôi gồm cảnh sát cơ động có, thường phục có, dân phòng có và do Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú là ông Võ Thanh Quan dẫn đầu. Họ đến gọi chủ hộ đi xét nghiệm nhưng cô này đóng cửa không đi vì sợ đau và nhiễm bệnh dịch từ nơi xét nghiệm. Bạn bè tôi cũng có lắm người dính bệnh suýt chết vì lây nhiễm ở nơi xét nghiệm. Cho nên cô này sợ cũng hợp lý thôi.

mardi 28 septembre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Lan man lắm chuyện 12


Mới cách đây ít phút, báo đã đăng tin ca sĩ Phi Nhung qua đời vì virus Vũ Hán, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh và lắm tin đồn. Dịch bệnh đã cướp đi nhiều người, trong đó có nhiều người tài năng và tên tuổi.

Tiếc nuối và buồn đau là tâm trạng chung của nhiều người khi nhận tin những người thân, người quen và những người nổi tiếng ra đi vì dịch bệnh. Và những lúc ấy, người ta chợt nghĩ danh vọng mà chi, tiền tài làm gì, bao sân si của cuộc sống rồi cũng buông tay trở về với cát bụi.

Đến cái hột nút áo cũng bị cắt đi không mang được qua thế giới bên kia. Hai bàn tay trống và cái túi rỗng.

Đỗ Duy Ngọc - Lan man lắm chuyện 11


Sài Gòn hôm nay không có mưa, thấy có nắng vàng trên những tàng cây. Thấy những dây giăng và kẽm gai đã gỡ bớt, thấy những con phố có nhiều người hơn. Thấy nhiều ngõ hẻm đã thông thoáng và cũng thấy lòng nhẹ nhàng hơn.

Chỉ còn đôi ba ngày nữa, thành phố này sẽ không còn tù hãm, dù người ra đường vẫn còn hạn chế, vẫn còn phải có điều kiện. Nhưng chắc hẳn tâm lý của mỗi người dân không còn căng thẳng như trước khi thành phố đầy những dây giăng và cuộn kẽm.

Sau một thời gian dài giãn cách, không việc làm, không được sinh hoạt như bình thường, ngày mở cửa được đợi trông như là một niềm vui an ủi sau những nỗi bi thương đã gánh chịu. Vẫn còn đó những ngổn ngang chưa tìm ra lối thoát, vẫn còn đó những con số nhiễm bệnh và tử vong. Nhưng không thể cứ mãi đóng cửa và giăng dây. Không thể sống mãi trong nỗi lo âu và tuyệt vọng.

Nguyễn Thông - Thời sự dịch 2021 (4)

 


5.6

Về tiêm vaccin, thủ tướng Chính luôn khẳng định “Vaccin tốt nhất là vaccin tiêm sớm nhất”.Trên mạng xã hội lan truyền câu nhại bài vè từng nổi tiếng thời bao cấp, giờ có nội dung về vaccin:

Phai dờ là của vua quan

Mô đe là của trung gian quần thần

Át tra cho đám thương nhân

Si nô chỉ của nhân dân anh hùng

(Phai dờ - Pfizer, Mô đe - Moderna, Át tra - AstraZeneca, 3 loại này của Tây; Si nô - Sinopharm, Sinovax, Vero Cell là của Tàu).

dimanche 26 septembre 2021

Mai Quốc Ấn - Mở một đường sống


Bốn tháng đằng đẵng trôi. Dù bạn có cập nhật tình hình Sài Gòn liên tục qua clip, qua chat, qua phone từ mạng xã hội và người thân, bạn bè, nhưng bạn không ở Sài Gòn thì thật khó để cảm nhận những nỗi đau nơi này gặp phải.

Khách hàng của tôi kể về sự mất mát mà những hôm sau khi nghe câu chuyện ấy, tôi có một chuỗi dài mất ngủ.

Đêm hôm trước cầu cứu khắp nơi tới sáng mà không có xe cấp cứu. Sáng hôm sau mẹ mất mà không thể chạy từ quận 2 về quận 4. Đến chiều mới có xe chở xác đi. Cha của anh ra đi tiếp sau đó.

Hương Quỳnh - Sài Gòn sống lại, các bác sĩ vẫn cần được tiếp sức


Sáng nay mình đi ra đường thì thấy Sài Gòn đang sống lại.

Sài Gòn sống lại, nhiều người ra đường hơn, trong đó có người ra đường vì những câu chuyện buồn. Như tấm hình dưới đây mình chụp trước cổng Bệnh viện 115.

Người con quỳ trên vỉa hè. Tấm ảnh của bà mẹ quá cố mỉm cười trên vỉa hè. Bó hoa, vài trái táo, bát hương cũng trên vỉa hè.

Cù Mai Công - Sài Gòn bốn tháng « bi tráng », vài ngày nữa là tháng 10 sẽ ra sao ?

 

Vài ngày trước, ở một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 đã xảy ra một cuộc xô xát giữa nhân viên y tế xét nghiệm và một gia đình. Hai nhân viên y tế bị ba người lấy bàn ghế nhựa “phang” tới tấp. Chỉ vì gia đình sợ lây nhiễm từ nhân viên y tế nên đòi tự xét nghiệm. Bên kia không chịu. Lời qua tiếng lại, thế là xảy ra chuyện.

Đó là nguyên nhân trực tiếp, còn sâu xa có lẽ ai cũng đoán ra: cả hai bên căng thẳng, stress với gần bốn tháng giãn cách Covid ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Từ sợ bịnh, lo bữa cơm mỗi ngày đến điên đầu với vô số chính sách phòng chống Covid thay đổi xoành xoạch, khó ai biết tình hình thực tế như thế nào, mình phải làm gì và sắp tới ra sao. Khổ thân cả hai bên.

Gần bốn tháng cả Sài Gòn, từ chính quyền, ngành y, quân đội… đến dân như đi trong cơn mê, thậm chí có lúc hoảng loạn khi số ca nhiễm, số chết lên không kiểm soát nổi. Hình ảnh người đi, tro cốt mang về sẽ là ám ảnh lâu dài cho từng người sống trong thời khắc nghiệt ngã này. Cả Sài Gòn “chèo chống mỏi mê”, lo chữa mấy trăm ngàn người bịnh lẫn lo cơm nước hơn 10 triệu người còn khỏe.