Bốn tháng đằng đẵng trôi. Dù bạn có cập nhật tình hình Sài Gòn liên tục qua clip, qua chat, qua phone từ mạng xã hội và người thân, bạn bè, nhưng bạn không ở Sài Gòn thì thật khó để cảm nhận những nỗi đau nơi này gặp phải.
Khách hàng của tôi kể về sự mất mát mà những hôm sau khi nghe câu chuyện ấy, tôi có một chuỗi dài mất ngủ.
Đêm hôm trước cầu cứu khắp nơi tới sáng mà không có xe cấp cứu. Sáng hôm sau mẹ mất mà không thể chạy từ quận 2 về quận 4. Đến chiều mới có xe chở xác đi. Cha của anh ra đi tiếp sau đó.
Người em gái xác định không lấy chồng để phụng dưỡng mẹ cha, đã lạc thần vì nỗi đau mất song thân. Anh kể trong nước mắt về nỗi lo chính em gái mình cũng sẽ không tha thứ cho anh khi không về được. Chỉ mấy kilomet thôi mà xa diệu vợi vì rào dây thép gai, chốt chặn và đủ loại chỉ thị cản ngăn cuộc gặp mặt cuối cùng, nên cũng chẳng có cuộc đưa tiễn cuối cùng.
Đó là một nỗi đau trong vô vàn nỗi đau của Sài Gòn mấy tháng vừa qua!
Có những doanh nghiệp đóng cửa xác định không biết khi nào có thể mở lại. Có những người dân đi xe tay ga đã hỏi xin mì tôm và gạo cầm hơi qua ngày. Có những “xóm F0” lay lắt trong tiếng chửi thề “ĐM! Trời ơi sao khổ quá!” Có nhiều đứa em mặc áo blouse chưa kịp cởi bộ đồ bảo hộ bít bùng đã lăn ra đất thiếp đi vì kiệt sức. Có rất rất nhiều bữa cơm chỉ có gạo và rau củ luộc chấm nước mắm, nước tương còn thịt cá thì chỉ có thể nhìn trên tivi, hay không có tivi thì tưởng tượng.
“Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày?” nối những mong mỏi trở lại bình thường khi con đường mọi khi kẹt xe, nay không thấy bóng ai ngoài những người gác chốt. Có những đoàn người kẹt nơi các cửa ngõ đi ra miền Trung, đi về miền Tây trong cuộc di tản tìm đường sống.
Đại dịch đã tước đi sự hoa lệ của Sài Gòn và để lại những tấm sắt hàn ngang dính vô các tâm tôn bít bùng các hẻm, các đường. Nó rước luôn tự tôn làm người khi phải chui qua dưới hàng rào để tìm một tia hy vọng mưu sinh. Có lúc bị bệnh, đi nhà thuốc cách 500 mét mà có người cũng không thể được đi vì mệnh lệnh cứng nhắc. Chẳng rõ điều đó có tước đi cơ hội sống của ai không, mà đã có người chết hai ngày sau mới phát hiện ra khi xác có dấu hiệu bốc mùi….
Doanh nghiệp nước ngoài có thể chung nhau ý kiến đưa ra một “tối hậu thư kinh tế” về việc hoặc mở cửa sản xuất, hoặc dọn đi nước khác. Còn tuyệt đại đa số nhân dân chỉ biết tự “về soi bóng mình giữa tường trắng lạnh câm” kéo dài đằng đẵng nhiều ngày.
“Mở cửa” chính là một mong mỏi cực lớn không chỉ với Sài Gòn mà là cả nước! Rất rất mong và cũng đã rất rất mỏi, rất rất mệt, rất rất đuối sức rồi! “Mở cửa” bây giờ chính là mở một con đường sống cho dân.
Nhưng mong mỏi ấy lại không nằm trong khả năng quyết định của nhân dân mà chờ vào xem xét từ Ba Đình…
P/s: Chỉ là từng cảnh báo rằng Sài Gòn kiệt quệ thì cả nước kiệt quệ trước đó, mà quá đau lòng nên phải viết ra. Miền Trung chưa bước vào mùa bão, miền Bắc chưa bước vào mùa Đông. Nếu không mở cửa cho Sài Gòn thì lúc bão đến miền Trung và Đông về miền Bắc (nguy cơ bùng dịch như năm ngoái) thì đất nước sẽ còn gì để trông cậy?
MAIQUỐC ẤN 26.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.