samedi 14 décembre 2024

Phúc Lai - Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine có phải là một cuộc chiến ủy nhiệm hay không ?

 

(Bài đăng lại do viết thêm)

Rất nhiều người, thường là những người ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh mà Putin đang tiến hành ở Ukraine có câu cửa miệng: “Cuộc chiến tranh do phương Tây ủy nhiệm để chống Nga.” Vậy nó có phải đúng như vậy hay không?

Đầu tiên chúng ta sơ lược về khái niệm “chiến tranh ủy nhiệm” và ở nguồn dễ thấy nhất: Wikipedia tiếng Việt. Trang này viết:

“Chiến tranh ủy nhiệm là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động, vì sự xúi giục hoặc nhân danh các bên trung lập khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự.

Để một cuộc xung đột được coi là một cuộc chiến ủy nhiệm, phải có mối quan hệ trực tiếp, lâu dài giữa các tác nhân bên ngoài và những người hiếu chiến có liên quan. Mối quan hệ đã nói ở trên thường có các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình.”

Theo như định nghĩa trên đây thì giai đoạn nội chiến miền đông Ukraine 2014-2022 là cuộc chiến ủy nhiệm của Nga cho hai cái gọi là “cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk. Hồi đó dù cho Nga có giấu diếm đến mấy, thì những thông tin về bọn lính “người xanh” vẫn lộ ra ngoài. Sau này, cả vụ án bắn máy bay của hàng không Malaysia MH-17 cũng đã lột trần bộ mặt thật bẩn thỉu xấu xa của Putin sau vụ việc.

Chưa hết, nhiều bài báo của chính người Nga nói về những hoạt động quân sự của họ ở Ukraine, chẳng hạn vụ dùng pháo binh bắn “phản chuẩn bị” vào đội hình Ukraine sắp xuất phát tấn công mà người Nga mô tả là một chiến công... Rõ ràng là đến một lúc nào đó họ không còn thèm giấu diếm sự can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến nữa.

Từ góc độ này, tôi muốn đưa ra một số điểm để xác định tính ủy nhiệm của một cuộc chiến tranh, vì theo cá nhân nhận thấy khái niệm trên đây khá dễ gây tranh cãi. Đầu tiên, cuộc chiến tranh có tính ủy nhiệm phải được nổ ra dưới sự thúc đẩy của ít nhất một bên tạm hình dung là một “ông lớn” với ít nhất một bên tham chiến – bên tham chiến này có thể là một quốc gia hoặc đầu tiên hay dạng thứ nhất, một bên nổi dậy nào đó.

Trong hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, điều này thể hiện rất rõ: Hai miền Bắc và Nam đánh nhau và đứng sau có hai phe đối đầu nhau rạch ròi vì nguyên nhân ý thức hệ. Bên được ủy nhiệm dạng thứ hai nhân danh bên ủy nhiệm và đồng thời đại diện cho lợi ích ngắn hạn và dài hạn của bên đó khi tham gia chiến tranh.

Trong cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine, đầu tiên là phong trào ly khai, sau đó là quá trình vũ trang cho các lực lượng ly khai mà không phải ai khác, chính là nước Nga của Putin làm chuyện đó. Gây ra tình trạng ly khai và nội chiến, chính là đẩy đất nước Ukraine vào bất ổn và điều đó có lợi cho Nga của Putin. Nếu như lực lượng cầm quyền ở Ukraine vẫn là những người thân Nga, hay nói chính xác là những con rối của Putin như Viktor Yanukovych là một điển hình, thì sẽ chẳng bao giờ cần có cuộc chiến đó cả.

Sự xuất hiện của hai “nước cộng hòa ly khai” đã được tiếp tay bởi các cơ quan tình báo và an ninh của Nga, ngoài ra còn được ủng hộ bởi sự tham gia của các “tình nguyện viên” như Igor Girkin. Tuy nhiên, thành tích kém cỏi trên chiến trường của “quân đội” DNR và LNR trước lực lượng vũ trang Ukraine đã dẫn đến sự can thiệp quân sự công khai của Nga với các trận Ilovaisk (tháng Tám năm 2014) và Debaltseve (tháng Một/Hai năm 2015).

Từ hai điểm tôi vừa đề nghị trên đây, thì chắc chắn cuộc nội chiến đông Ukraine trong tám năm là một cuộc chiến ủy nhiệm.

Vậy cuộc chiến tranh của người Ukraine chống lại sự xâm lược của nước Nga Putin có phải là ủy nhiệm hay không? Người phương Tây có ủy nhiệm cho người Ukraine đánh Nga hay không?

Về thời điểm hay chính xác, đầu mối của mọi chuyện, kẻ châm ngòi cho chiến tranh là Nga, chứ không phải là phía Ukraine. Nếu như Putin không xua quân tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng Hai năm 2022, thì sẽ chẳng bao giờ có cuộc chiến tranh này, và khi đó làm gì có chuyện ủy nhiệm hay không ủy nhiệm. Cũng khi bàn về thời điểm hay đầu mối, hay châm ngòi cho chiến tranh... nếu nhìn lại thời điểm đó không phải nước phương Tây nào cũng sẵn sàng cho cuộc chiến.

Có nhiều lý do để giải thích khía cạnh này. Nước thì không có thông tin cho biết rằng chiến tranh sẽ nổ ra. Nước có thông tin, thì không dám chắc nó có nổ ra hay không, khả năng là bao nhiêu %... Còn có những nước có thông tin, tin chắc sẽ nổ ra thì lại không tin tưởng rằng Ukraine và chính quyền của tổng thống V. Zelenskyy có thể trụ vững được, thậm chí cho rằng chỉ cần vài ngày là Nga sẽ hạ gục cả quốc gia này.

Từ góc độ này, chúng ta không thấy ở đây có “kẻ xúi bẩy” nào cả đứng sau người Ukraine. Quay lại với bài về “chiến tranh ủy nhiệm” trên Wikipedia tiếng Việt, ở phần cuối của nó có trích dẫn một đoạn dài lời của nhà triết học Trần Đức Thảo, với những đoạn như thế này:

“Bức tường tâm lý có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ nhất chính là bức tường ý thức hệ. Bức tường này đã chia làm hai thế giới: một bên là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, lấy nguyên tắc Marxist đấu tranh giai cấp làm động lực, bên kia là ý thức tư sản, tư bản, lấy lý tưởng tự do dân chủ làm động lực.”

“Đồng thời họ tiếp tục tuôn vũ khí vào các nước nhỏ để nuôi chiến tranh.”

“Là một nhà triết học như tôi, thì phải tìm hiểu để biết nhìn sâu và xa hơn qua những cuộc chiến tranh cục bộ, huynh đệ như thế. Vì sau khi đã chiến thắng, thì còn lại biết bao đau thương mà người dân, ở cả hai bên chiến tuyến, phải gánh chịu.”

Các trích dẫn này hoàn toàn phù hợp với luận điệu lâu nay của Nga, từ tổng thống (V. Putin) đến Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga (D. Medvedev) đến Ngoại trưởng (S. Lavrov)... đều giải thích một cách sai lệch về bản chất của cuộc chiến.

Cuộc Cách mạng phẩm giá mà người Ukraine tiến hành ở quảng trường Maidan năm 2014 thì bị gọi là “ý thức tư sản, tư bản, lấy lý tưởng tự do dân chủ làm động lực”. Bỏ chạy sang Nga với một hành trang đầy tội lỗi từ tham nhũng đến mafia hóa chính quyền, Viktor Yanukovych đã tự lột bộ mặt là một tên phản quốc.

Người Ukraine đứng lên làm cuộc Cách mạng lật đổ chính quyền phản động này, chưa cần biết có theo cái tư tưởng “tự do dân chủ” nào hay không nhưng trước hết cũng phải là vì công bằng cho việc miếng cơm manh áo cả. “... Qua những cuộc chiến tranh cục bộ, huynh đệ như thế” phù hợp với những lời lẽ xằng bậy của Putin coi như dân tộc và quốc gia Ukraine không tồn tại, chưa từng tồn tại trong lịch sử, dường như dân tộc Ukraine như một nhánh phái sinh nào đó của dân tộc Nga vậy.

Và cuối cùng, khi người Ukraine xin được hỗ trợ từ nước ngoài, nhất là vũ khí từ phương Tây ắt hẳn sẽ bị giải thích đó là quá trình “họ tiếp tục tuôn vũ khí vào các nước nhỏ để nuôi chiến tranh.” Đầu chiến tranh tháng Hai năm 2022, người Ukraine chỉ có một số ít tên lửa chống tăng NLAW và đâu như 200 bộ Javelyn, còn máy bay không người lái TB-2 “Bayraktar” là sản phẩm lyên doanh của chính họ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người ủng hộ Putin ở Việt Nam còn xấu tính giải thích việc một số quân nhân của quân đội Ukraine được huấn luyện ở các nước thuộc NATO thời 2018 đến trước chiến tranh, là quá trình trở thành “tên lính đánh thuê của phương Tây trên mặt trận chống Nga,” mà họ cố tình lờ đi rằng đó là kết quả của việc cải tổ quân đội dưới thời tổng thống Poroshenko và chắc chắn chẳng có ai miễn phí cho những hoạt động đó cả.

Từ khía cạnh về đại diện lợi ích, cũng từ góc độ “thời điểm” hai ai là người châm ngòi, ai tấn công trước... người dân Ukraine trước hết nếu để Putin thắng, thì:

Thứ nhất, thành quả của Cách mạng phẩm giá sẽ đổ xuống sông xuống biển, đất nước sẽ quay lại với “cái máng lợn Yanukovych,” mafia hoá cùng một xã hội tha hoá đầy tham nhũng sẽ quay lại.

Thứ hai, luận điệu phản động của Putin được khẳng định là đúng bằng vũ lực, dân tộc Ukraine về lý thuyết bị xóa sổ trên bản đồ các dân tộc thế giới. Putin đã sai lầm khi đụng vào thể diện của cả một dân tộc và đó là một nguyên nhân dẫn đến diệt vong của lão ta.

Thứ ba, mất nước. Quốc gia bị xóa sổ. Vì vậy họ phải đứng lên để bảo vệ Tổ quốc.

Đến đây chúng ta có thể nói về những lý do của phương Tây khi hỗ trợ người Ukraine được rồi. Có những quốc gia mà an ninh của họ gắn lyền với cuộc chiến, lại có xuất phát điểm là những kinh nghiệm đầy đau thương trong quá khứ như Ba Lan và ba nước Baltic: Estonia, Litvavà Latvia... Nhưng cũng có những nước trùng trình như Pháp và Đức, cũng lại lyên quan đến những duyên nợ của họ trong quá khứ với nước Nga.

Nhưng dù thế nào chăng nữa, thì cuối cùng ít hay nhiều người ta vẫn có hỗ trợ, vì sự thôi thúc của tư tưởng dân chủ. Đó là những giá trị được ra đời củng cố và vun đắp vài trăm năm từ cuộc Đại Cách mạng tư sản Pháp 1789, mà do tính phổ quát của nó đã thúc đẩy các nước phương Tây hành động.

Ngày hôm nay, không chỉ những người Việt Nam yêu Putin vẫn còn phát biểu rất quy kết và chụp mũ như trên, mà chẳng thiếu những người ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến, cũng phát biểu hú hoạ như thế. Cách cư xử cảm tính chưa bao giờ rời xa con người Việt, mà vô tình họ quên đi rằng nếu như có một cuộc chiến tranh nổ ra chống lại Tổ Quốc của chúng ta, chỉ cần mất đi một hòn đảo, khi đó chúng ta có cần hỗ trợ của quốc tế hay không.

Liệu khi đó có ai dám nói cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của chúng ta là “ủy nhiệm?”

Bài trên đây tôi viết vào thời điểm cuộc chiến đã đi qua được một năm (tháng Hai năm 2023) và bây giờ đã là gần ba năm. Gần đây nhất, những biến cố lyên quan đến cuộc nội chiến Syria, mà với thực trạng nước này có thể gọi là “long trời lở đất” dẫn đến sự sụp đổ quá nhanh chóng của chế độ độc tài Bashar Al Assad, cũng rất đáng để xem xét. Khi viết đôi bài về nó, thực chất là do lyên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine, có một câu hỏi đặt ra: cuộc chiến ở Syria có phải là ủy nhiệm hay không? 

Theo tôi dù nó là nội chiến, nhưng có những yếu tố rất rõ của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Các bên tham chiến ở Syria có thể kể:

Lực lượng Phòng vệ Quốc gia NDF Syria hỗ trợ Chính phủ Assad và được Iran huấn luyện, ủng hộ, bên cạnh nó có Shabiha; cũng được phiên âm là Shabeeha hoặc Shabbiha là lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ không chính thức, chủ yếu được thành lập từ nhóm thiểu số Alawite của Syria.

Hezbollah là một nhóm vũ trang Shia được Iran hậu thuẫn và là lực lượng chính trị có trụ sở tại Liban…

Còn nhiều nhóm nhỏ nữa, chúng ta cũng không cần quan tâm quá nhiều đến những chi tiết. Trong những sự kiện vừa qua, nổi lên nhóm HTS mà trước đây bị coi là khủng bố. Bản thân HTS đã phủ nhận việc là một phần của Al-Qaeda và tuyên bố rằng họ là “một thực thể độc lập và không phải là sự mở rộng của các tổ chức hoặc phe phái trước đây”. 

Lãnh đạo hiện tại của HTS là Abu Mohammad Al-Julani. Nhóm này ước tính có khoảng 10.000 thành viên vào năm 2024. Hiện nay ai chống lưng cho nhóm vũ trang vốn được đánh giá là nguy hiểm nhất cho Chính phủ Assad này, vẫn chưa rõ ràng nhưng điều có vẻ nhìn thấy được rõ hơn, là họ đang tìm cách đoạn tuyệt với quá khứ và hướng tới tính hợp pháp của mình.

Một quốc gia đáng kể hỗ trợ cho các nhóm phiến quân có Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không thể không kể đến Nga. Quân đội của chính quyền Assad vốn rệu rã và trên đà sụp đổ thì được Nga hậu thuẫn giúp phục hồi và tái trang bị một số sư đoàn từ năm 2015.

Như vậy, trong số các “ông lớn chống lưng” cuộc nội chiến Syria đáng chú ý nhất là Iran và Nga – những nước ủng hộ Tổng thống Assad – và Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ các nhóm phiến quân - cũng như Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở phía đông đất nước trên khu vực do người Kurd nắm giữ, và Lực lượng người Kurd vẫn được cho là có sự ủng hộ của Israel.

Tính “ủy nhiệm” của cuộc nội chiến này rất rõ về yếu tố lợi ích. Bên ủy nhiệm nào cũng có những lợi ích riêng và sẵn sàng khẩu chiến với nhau, sau đó thúc đẩy chiến tranh, chính là những bước leo thang mới của xung đột. Chẳng hạn mới đây Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng có xung đột quân sự với Israel nếu Israel hỗ trợ lực lượng người Kurd.

Chỉ một số yếu tố như vậy thôi cũng đã đủ nói lên rất rõ tính ủy nhiệm của cuộc nội chiến Syria rồi.

PHÚC LAI 14.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.