"Ăn theo" là từ thuần Việt dễ hiểu, nhưng giờ đây thiên hạ sính ngoại ngữ, khoái dùng từ tiếng tây tiếng u.
Bọn trẻ, và cả những người tóc muối hoặc muối tiêu nữa, hay xài từ tiếng Anh "trend" (xu hướng, xu thế, trào lưu). Thay vì nói "ăn theo" thì họ nửa tây nửa ta thành "đu trend". Thôi thì đã hội nhập và phát triển, phải chịu vậy, biết làm sao.
Theo ai, chứ theo được anh phu chữ Hoàng Tuấn Công cũng đủ mệt. Sao xứ Thanh nảy nòi lắm nhân tài.
Ông hàng xóm nhà tôi có lần cười bảo, đến vua còn nảy "như rạ" được thì yếu nhân, hiền tài ở xứ Thanh đã là gì. Rồi cau có, cha bố cái đứa nào dìm hàng, không dám thừa nhận con người trẻ chữ nghĩa giỏi giang, thông kim bác cổ Hoàng Tuấn Công, hạ xuống thành "anh kỹ sư khuyến nông tỉnh lẻ". Kiểu như nó là kỹ sư, lại mảng khuyến nông, thì nó biết gì về chữ với nghĩa mà bàn với bạc. Thói xấu người đời không để đâu cho hết, nhất là ở những kẻ ngu si dính chút quyền lực.
Kể ra đúng thế thật. Tỉnh Thanh sinh nhiều vua nhất, đó còn chưa kể đất gốc của nhiều đời chúa, mà chúa đôi khi quan trọng, quyền lực hơn cả vua. Lâu nay, người đời vẫn tôn xứ Thanh là vùng đất "thang mộc". Nghĩa đen của từ cổ này chỉ nơi nhà vua tắm (thang) gội đầu (mộc) cho sạch sẽ trước khi làm chủ lễ tế trời đất, sau được người đời mở rộng nghĩa ra thành đất của vua, đất sinh ra vua. Thường nhà vua hay chọn đất sinh mình, phát tích sự nghiệp làm nơi tế lễ, người đời gọi đó là đất thang mộc, đất sinh vua.
Tế lễ trời đất là việc cực kỳ hệ trọng thời phong kiến. Nhà vua thay mặt triều đình, văn võ bá quan, dân chúng tế trời đất (lực lượng siêu nhiên) cảm tạ đất trời, cầu mong "ngài" ban thiên hạ thái bình, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Triều nào cũng vậy. Đó là niềm tin và ước vọng của từ vua tới dân.
Thời nhà Nguyễn có hẳn đàn Nam Giao bề thế hoành tráng để tổ chức việc này. Sau khi cộng sản (tự xưng là cách mạng) nắm quyền, họ đập phá sạch sẽ, chỉ còn trơ khấc mô đất khủng, rồi sau trồng cây bạch đàn phi lao đè lên. Trời đất cũng chả là gì khi đã có đảng. Vẫn còn một số yếu nhân tham gia chỉ đạo, phá đàn Nam Giao sống nhăn đó, nhân chứng đó, cứ hỏi họ thì rõ. Năm 2012 tôi tới Huế thần kinh, ngang qua chỗ xưa đàn Nam Giao, ngó đám cây mọc lởm khởm trên gò đất khủng lòng cứ ngậm ngùi buồn bã.
Lại nói về anh Công xứ Thanh. Mấy hôm trước, nghe xôn xao trên phây chuyện anh Công bàn về trò "Vua tiếng Việt" của VTV, trên VTV. Giá như chỉ đài xóm đài ấp, kiểu như hồi xưa bọn thanh niên trèo lên cây bàng cầm cái loa mo cau a lô a lô thì chẳng nói làm gì, mà đây là đài truyền hình quốc gia đang được nhà nước, chính quyền o bế. Anh Công, đã giỏi, uyên bác, lại thẳng tưng, cứ bới tung đống rác lên.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 10.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.