lundi 9 décembre 2024

Nguyễn Thông - Những việc cần làm ngay (1)

 

Câu ấy của ông En Nờ Vê E Lờ - NVL - Nguyễn Văn Linh, thời nửa cuối thập niên 80.

Báo Nhân Dân những năm đầu nhiệm kỳ ông E Lờ làm tổng bí thư hầu như vài ba ngày lại có bài của ổng, trên trang nhất, góc dưới bên phải, trong mục "Những việc cần làm ngay" do ổng tự đặt. Cũng có người bảo mục ấy là sản phẩm của ông Hồng Hà tổng biên tập, nhưng tôi đã đọc được ở đâu đó ông Hà bảo không phải, chính ông Linh đặt.

Vài ngày lại có một bài, thậm chí một tuần mấy bài, ngắn gọn thôi, nhưng cụ thể, thiết thực, gắn bó máu thịt với cuộc sống. Ông Linh có tự viết hay không thì chả mấy ai biết, nhưng tôi tin rằng ổng viết, bởi lời lẽ chân phương thật thà của người chăm làm chứ không giỏi nói.

Chả như mấy hậu sinh sau này chỉ giỏi lý luận, giao cho trợ lý, thư ký, bề tôi viết, rồi ký tên mình, rồi lại còn ra sách chất cao như núi, chật chỗ thư viện, dịch đủ thứ tiếng, tốn cơ man tiền, nhưng chả ma nào thèm ngó.

Lẩn thẩn nghĩ, nhắc tới tên bác Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, người ta nhớ ngay tới những tác phẩm Tướng về hưu, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Thương nhớ đồng quê, Những ngọn gió Hua Tát...; nhưng nếu hỏi bất kỳ ai, kể cả gần 5 triệu đảng viên, cả trưởng ban tuyên giáo, nhớ được tên cuốn nào của ông ấy không, đảm bảo lắc đầu quầy quậy.

Nhớ hồi ấy, ông thầy Vy bạn tôi có lần ngồi ở thư viện trường Dự bị đại học TPHCM đọc báo Nhân Dân xong, ghé tai tôi thì thầm, này, mày biết không, cũng bộn tiền nhuận bút chứ đùa. Rồi còn kể tôi nghe nhuận bút thơ xuân của ông Lành (Tố Hữu) bét ra cũng phải vài trăm/bài, báo Nhân Dân ông Hoàng Tùng cứ theo barem 500, trong khi lương khởi điểm kỹ sư có 64 đồng, công nhân có 36 đồng/tháng.

Ông Lành mỗi tết được đăng cả chục báo, chỉ cần một bài, lợi kinh khủng. Sau này tôi nghe ai đó kể, nhận 500 nhuận bút rồi, ổng cười thật thà, người ta cứ bảo nhà thơ nghèo, nhuận bút thấp, chứ mức thế này thì khá quá đi chứ, nghèo gì mà nghèo. Ông nhà báo lính của Hoàng Tùng đến giao nhuận bút cười méo xẹo, dạ dạ, rồi lủi mất.

Tôi mắc cái bệnh dài dòng, dây cả dây muống. Kiểu này hồi xưa học văn cô Điệp cô Nga thầy Tòng (trường cấp 3 Kiến Thụy) thì ăn ngỗng là cái chắc. Đó, lại dài dòng rồi, xin quay về nội dung chính.

Chuyện thời sự nóng nhất những ngày qua và những ngày tới là việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy từ trên xuống dưới, hàng dọc hàng ngang, cả lớn lẫn nhỏ do ông Tổng bí thư Tô Lâm khởi xướng (vụ này tôi sẽ có một bài phân tích sau). Cũng là một dạng "những việc cần làm ngay", làm quyết liệt, không bàn ra tán vào gì nữa.

Bắt chước ông Linh, tôi sẽ lần lượt nêu từng vấn đề, mà bao nhiêu năm nay đã tồn tại rất... chối tỉ. Đúng ra phải dẹp từ hồi nảo hồi nào chứ không phải đợi đến Tô lão ra tay.

Điều đầu tiên: Cần giải tán ngay hai đơn vị Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TPHCM, do ủy viên trung ương làm giám đốc. Chưa thấy Tô lão để ý tới "điểm nghẽn" này. Ông hàng xóm nhà tôi có lần bảo đó là một cấp rất xôi thịt, ăn trên ngồi trốc, cồng kềnh bộ máy, sinh ra chả làm được trò gì ngoài việc ngồi lên đầu lên cổ người khác. Giáo dục mà quá lắm tầng nấc lãnh đạo chỉ đạo như vậy thì không những kìm hãm giáo dục mà tổn hao ngân sách. Đó là thứ tồn tại phi giáo dục, vô tổ chức, phản thực tế, rất vớ vẩn, vừa là gánh nặng cho các trường thành viên, vừa thành sợi dây trói sự hoạt động tự chủ, sáng tạo của các trường.

Ngay từ khi người ta nhố nhăng mắc bệnh ngáo to hoành tráng lập ra Đại học quốc gia, đã có không ít lời ra tiếng vào. Có một thời, trường đại học Bách khoa TPHCM nhất khoát không chịu gia nhập, không chịu vào luồn ra cúi, mấy ông phỗng đè đầu cưỡi cổ, ăn chặn. Nhưng cái thứ quốc gia hình thức ấy nó vẫn được cho bú mớm, tồn tại tới bây giờ. Nếu ai đó cắc cớ hỏi vậy thì thành công thành tích hiệu quả của nó là gì, chắc khó trả lời.

Lập nên được thì cũng giải tán được, cũng như khá nhiều ban bộ ngành của cả đảng, chính quyền đang chờ kết thúc số phận vậy. Có lẽ nhiều người còn nhớ hồi thập niên 90 người ra dở chứng đẻ ra trường đại học Đại cương, tồn tại chưa được bao lâu thì bị giải thể, cáo chung không kèn không trống. Giờ đã tới lúc, thậm chí quá muộn, thổi kèn tiễn đưa hai cái đại học quốc gia kia, cho nó về cõi làm bạn với Đại cương.

Nhân đây, tôi cũng nói luôn, Tô lão và ông thủ tướng cần xem xét phục hồi, trả lại tên cho trường đại học lừng danh của đất nước, Trường đại học Tổng hợp (ở Hà Nội và TPHCM). Đó mới là đại học quốc gia. Những trường đại học hiện thời, trước kia chỉ là khoa được tách ra từ nó, nên cho trở về đúng vị trí khoa, trực thuộc Đại học Tổng hợp. Bày vẽ ra quá nhiều mâm bát, bộ máy quản lý, ông nọ bà kia, xôi thịt, hình thức, chỉ rách việc, bắt dân phải nuôi một bộ máy cồng kềnh, lộn xộn, kém hiệu quá.

Thỉnh thoảng đọc trên báo, ta thường thấy sự diễn đạt kiểu "Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (hoặc Trường đại học Khoa học Tự nhiên) trước kia là trường đại học Tổng hợp". Rất vớ vẩn, chỉ một khoa cũ thôi, sao trước kia là cả trường được. Vậy mà người ta vẫn cứ nói phăng không cần biết đúng sai.

Đó là chưa kể cái tên trường con cũng rất vớ vẩn, chả nhẽ khoa học xã hội lại không nhân văn. Nói về vụ tên ôm đồm nhố nhăng, bộ máy xứ này đầy, chẳng hạn Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Ủy ban Văn hóa-Xã hội-Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, v.v...

Xứ này mà nghiêm túc sắp xếp tổ chức lại, từ thôn ấp tổ dân phố lên tới trung ương đều có vấn đề, đâu phải chỉ ban này bộ nọ.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 08.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.