dimanche 6 octobre 2024

Trương Nhân Tuấn - Ngư dân Việt ở Hoàng Sa bị Trung Quốc hành hung dã man : Việt Nam có tỉnh trí nhìn lại ?


Về vụ ngư dân Việt đang đánh cá tại ngư trường truyền thống của Việt Nam tại Hoàng Sa bị hải cảnh Trung Quốc đánh dã man hồi cuối tháng Chín. Theo hình ảnh đăng lên báo thì ta thấy người thì bó tay, người thì nằm băng ca.

Theo lời khai của nhân chứng thì 40 người Trung Quốc đu lên tàu Việt Nam rồi dí đánh dân Việt bằng dùi cui, bằng ống tuýp sắt. Họ đánh từ sau lưng, đánh lên đầu, lên tay. Phải quỳ lạy họ mới buông tha. Kết quả có 4 người bị thương, có người bị gãy tay. Trung Quốc cũng tịch thu hết tất cả dụng cụ trên tàu cùng vài tấn cá, sau đó đuổi tàu Việt Nam đi chỗ khác.

Phát ngôn nhân ngoại giao Việt Nam sau vụ này có “giao thiệp nghiêm khắc với Trung Quốc”. Hội Thủy sản Việt Nam có gởi công văn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tố cáo Trung Quốc cướp phá tài sản, đánh đập ngư dân và kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ ngư dân khi đi đánh cá trên biển.

Phía Trung Quốc thì họ cho rằng “Các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép và các cơ quan chính quyền Trung Quốc liên quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn”. "Các hoạt động tại khu vực mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế, không có ai bị thương".

Tôi không biết Việt Nam sau khi “giao thiệp nghiêm khắc với Trung Quốc ” thì những nạn nhân sẽ nhận được kết quả gì.

Theo tôi chuyện Việt Nam cần làm là phải đòi Trung Quốc bồi thường cho những nạn nhân là ngư dân Việt Nam. Bồi thường những dụng cụ đánh cá mà Trung Quốc đã cướp đi cũng như bồi thường vì đã bị hành hung dã man. Bởi vì ngư dân Việt Nam chỉ đánh cá trên ngư trường truyền thống của mình, trong vùng hải phận Hoàng Sa, vốn là lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc cướp vào tháng Giêng 1974.

Mới năm ngoái, ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đại diện cho Trung Quốc và Việt Nam, long trọng tuyên bố rằng hai bên sẽ cùng nhau “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam và Trung Quốc ”.

Việc xây dựng cộng đồng sẽ “phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình” .

Theo tôi, chưa chi hết mà Trung Quốc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Việt Nam bằng cách đánh ngư dân Việt Nam kẻ gãy tay, người bể đầu như vậy, thì tương lai của Việt Nam sẽ là gì ?

Theo tinh thần “huynh đệ chi giao” của người Hán, ta có thể hiểu “cộng đồng chia sẻ tương lai” có nghĩa là hai bên “có phước cùng hưởng, có họa cùng chia”.

Trung Quốc đã ăn cướp lãnh thổ Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 bằng vũ lực. Tôi gọi Trung Quốc là “ăn cướp”, là tôi sử dụng lại ngôn ngữ của Trung Quốc. Là nguyên văn lời yêu sách đòi lãnh thổ của Tưởng Giới Thạch với Đồng minh là Mỹ, Liên Xô và Anh trong Tuyên bố Cairo 1943. Trung Quốc đặt điều kiện với Đồng mình rằng họ chỉ có thể tuyên bố chiến tranh với Nhật, nếu đồng minh cam kết trả lại các lãnh thổ như Đài Loan, Mãn Châu… của Trung Quốc đã bị Nhật “ăn cướp”.

Nhắc lại lịch sử một chút. Vấn đề là lãnh thổ Đài Loan là lãnh thổ mà Trung Quốc  nhượng vĩnh viễn cho Nhật theo hiệp ước Simonoseki 1895. Mình “nhượng” cho người ta thì khác. Người ta ăn cướp của mình thì khác.

Người ta ăn cướp của mình, bất kể thời gian là bao lâu, của mình thì mình có lý do, có danh nghĩa đòi lại được. Còn khi mình “nhượng” cho người ta rồi, thì không thể đòi lại được.

Nhật thua trận đồng minh nên phải trả lại Đài Loan cho Trung Quốc. Nhưng trên quan điểm pháp lý thì bất kỳ lãnh thổ được trao đổi bằng một kết ước thì không thể đòi lại được.

Trở lại vấn đề. Việt Nam xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc thì vấn đề chủ quyền Hoàng Sa sẽ ra sao ? Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia Trung Quốc có trả lại Việt Nam phần quần đảo Hoàng Sa mà họ đã cướp, kiểu trở lại “nguyên trạng” trước tháng Giêng 1974 hay không ?

Rõ ràng câu trả lời là không.

Còn về ngư trường truyền thống. Ta nên biết công pháp quốc tế có một phần nói về “ngư trường truyền thống”. Ngư trường truyền thống là vùng biển mà trước khi thành lập quốc gia, trước khi luật lệ ra đời, thì người dân ở khu vực đó đá đánh bắt cá tôm, hải sản ở đó. Họ sinh sống ở đó từ và đánh cá ở đó từ đời này qua đời kia. Cho tới khi quốc gia được thành lập và các khái niệm pháp lý được ra đời.

Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của dân tộc Việt Nam. Các triều đại Trung Quốc gọi vùng biển trong vịnh Bắc Việt là “Giao Chỉ Dương” và vùng biển phía nam đảo Hải Nam là “biển Champa”, tức Biển Chàm. Bởi vì vùng biển đó chỉ có ngư dân Việt Nam lui tới khai thác mà thôi.

Người dân Việt Nam không thể nào chấp nhận chuyện tự dung một hôm nào đó, vùng biển mà cha ông họ đã được nuôi nấng, bằng con cá, bằng hột muối, liên tục mấy ngàn năm, bây giờ lại thuộc về một nước khác.

Vì vậy trong nội dung phán quyết tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, được thành lập theo Phụ lục VII của Luật quốc tế về Biển, xử vụ Phi đơn phương kiện Trung Quốc. Theo đó Tòa có phán rằng khu vực biển Scarborough là “vùng đánh cá truyền thống” của các ngư dân của các quốc gia chung quanh, gồm Việt Nam, Phi và Trung Quốc.

Chuyện Trung Quốc cướp Hoàng Sa của Việt Nam chắc chắn, cách này hay cách khác, Việt Nam sẽ đòi lại. Chuyện ngang ngược nghịch lý, phi logic là Trung Quốc cho rằng vùng biển Hoàng Sa thuộc về họ. Họ sử dụng vũ lực để bảo vệ vùng biển này. Chuyện ngư dân Việt Nam bị đánh không phải là mới lần đầu. Đây là chuyện xảy ra hàng năm, có thể đã liên tục như vậy từ khi Trung Quốc cướp Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngoài ra từ nhiều năm nay Trung Quốc còn ra lịnh cấm biển, từ tháng Năm đến hết tháng Chín, trong khu vực Biển Đông từ vùng Bắc vĩ tuyến 13. Tức là họ cấm toàn bộ vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam là vùng biển Hoàng Sa.

Trở lại vụ Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công nhằm mục đích cản trở dân Phi tiếp tế cho lính Phi đóng trên chiếc tàu mắc cạn tại vùng Bãi Cỏ Mây. Vụ này kéo dài nhiều tuần lễ. Các học giả Việt Nam nhân vụ này lên tiếng trên RFA, trên BBC… dạy cho Phi một bài học “đạo đức giả”. Những học giả này khoe rằng cái lối ngoại giao của Việt Nam hữu hiệu hơn Phi. Họ khoe rằng Việt Nam đã cải tạo được một số đảo, như ở Đá Thuyền Chài cũng như một số đảo mà Việt Nam hiện còn trấn giữ ở Trường Sa. Tôi có viết bài về vụ này rồi.

Việt Nam dĩ nhiên có quyền và có lý do chánh đáng để củng cố các đảo của mình nhằm mục đích chống lại đe dọa nước biển ngày càng dâng cao. Theo tôi thì Việt Nam xây dựng, mở rộng các đảo thì dễ. Giữ được đảo mới khó. Tôi có đặt giả thuyết rằng: giả sử Trung Quốc bao vây và phong tỏa các đảo của Việt Nam ở Trường Sa. Nếu Việt Nam một mình cô độc, liệu Việt Nam có thể giữ được đảo như Phi hay không ?

Qua vụ hành hung ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, tôi nghĩ rằng các học giả Việt Nam chớ nên ảo tưởng về một phép lạ từ nền ngoại giao cây tre của Việt Nam.

Từ hàng vài chục năm nay tôi luôn nhắc đi nhắc lại rằng chỉ có pháp lý mới có thể bảo vệ được Việt Nam mà thôi. Vấn đề là Việt Nam không xài pháp lý mà chỉ muốn đi đêm với Trung Quốc mà thôi.

Toi hy vọng là sau khi bị Trung Quốc đánh dã man, lãnh đạo Việt Nam có tỉnh trí và định thần lại để thấy rằng cái tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào, trong cái gọi là “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc ?

TRƯƠNG NHÂN TUẤN 03.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.