Có một lần đi siêu thị khi đến quầy tính tiền, một hàng dài người đang chờ đến lượt mình. Đến lượt một chị kia, chị ta cứ nhẩn nhơ lấy từng gói hàng của mình cho em gái thu ngân quét mã.
Chị ấy rất cẩn thận kiểm tra từng món, từng giá xem có lộn chỗ nào không. Trong khi ấy hàng người dài vẫn mòn mỏi đợi chờ.
Câu chuyện về cậu học sinh dùng tiểu xảo trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia để dành vô địch làm tôi nhớ câu chuyện trên. Rõ ràng cái chị mua hàng cũng như cậu học trò trên không làm gì sai luật hết. Họ có quyền và họ đã tận dụng cái quyền ấy để làm lợi cho chính họ. Và người ta sẽ mãi mãi tranh cãi đúng sai trong những câu chuyện tương tự.
Nếu là thời gian trước, có lẽ tôi cũng sẽ hoang mang trong mớ bòng bong, nhưng thời gian sau này, kỳ diệu thay tôi lại thấy rất rõ ràng về chuyện này. Đó là, cậu học trò kia hay chính những người đang tranh cãi, họ không biết rõ họ cần gì, họ đang ở đâu trong trong hoàn cảnh, tình huống của sự việc.
Trong cuộc thi, điều họ cần là giành lấy chiến thắng (ờ, dĩ nhiên) hay chiến thắng chính bản thân mình. Bởi vì chiến thắng một cuộc thi cần nhiều yếu tố (kỹ năng, chiến thuật, thời cơ, vận may...). Nhưng chiến thắng chính bản thân là mình biết mình đã nỗ lực tập luyện nâng cao thực lực của mình và mình chiến thắng bằng chính thực lực của mình.
Nếu đấu võ, tôi sẽ chiến thắng bằng sức mạnh, bằng nắm đấm chứ không phải kiểu phim Châu Tinh Trì. Nếu thi chạy, tôi muốn chiến thắng bằng sức bền, sức bật, chạy nhanh hơn đối thủ. Nếu thi kiến thức, tôi sẽ chiến thắng vì tôi biết tôi giỏi kiến thức hơn đối thủ...
Dĩ nhiên, mỗi người đến với một cuộc thi (hay là chính cuộc đời) bằng mỗi quan điểm riêng. Và trước mỗi sự vật sự việc, người ta đánh giá sự vật sự việc ấy thế nào thì điều đó thể hiện con người ta thế ấy.
Nhưng hình như tôi thấy (ở nước mình) cái số người muốn chiến thắng (làm lợi) cho chính mình bằng mọi cách nó chiếm số nhiều.
NGUYỄN DÂN 15.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.