TPHCM có nghị quyết 98 để thu hút đầu tư, nhưng vấn đề của sự trì trệ kinh tế của Sài Gòn theo tôi nằm ở nguồn nhân lực.
Nhân lực chất lượng là điều khiến TPHCM trở thành trung tâm kinh tế của cả nước. Nhưng một thời gian dài phải nộp 82 % ngân sách cho Trung ương, nên việc tái đầu tư cho nhân lực và hạ tầng không đủ, không theo kịp nhu cầu xã hội.
Sau cuộc phong tỏa thành phố vì Covid, dòng người rời TPHCM nhiều lắm. Họ rời ngay khi cửa ngõ Sài Gòn được mở và sau đó còn nhiều cuộc rời đi khỏi thành phố hoa lệ này. Ánh sáng của “Hòn ngọc Viễn Đông” bớt lung linh đi, dù có bắn bao nhiêu pháo hoa đi chăng nữa.
Xưởng cơ khí bạn tôi có lúc kiếm hoài không ra thợ có tay nghề dù mức lương rất cao. Những cuộc gọi nhân sự đều nhận câu từ chối na ná nhau: “Em ở quê luôn. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Sẽ không lên Sài Gòn làm việc nữa đâu anh!”
Bí thư Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Phan Văn Mãi không đi xe ôm công nghệ nhiều như tôi nên khó mà biết được thợ cơ khí 5/7 hay giáo viên, nhân viên y tế nam nữ đều có chung mục tiêu khi chạy xe công nghệ: “Kiếm thêm nuôi gia đình vì thu nhập chính thấp quá sống không nổi!”
Nhưng Kinh Dịch có câu “vật cực tất phản”. Nên khi kinh tế TPHCM “xuống đáy” của đồ thị hình sin, thì nó cũng là sự chuẩn bị cho một sức bật mới của những nhân sự đủ cứng cỏi để bám trụ hay mới đến Sài Gòn.
Họ ở lại hay mới đến vì có niềm tin “ngây thơ” rằng nơi đây không còn là lãnh địa toàn quyền của “lãnh chúa” nào như trước. Cũng là niềm tin rằng doanh nghiệp có nội lực, cá nhân có thực lực sẽ có cơ hội.
MAI QUỐC ẤN 16.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.