1. Nói thêm về yêu sách của Putox về “điều kiện hòa bình”
Bất cứ cái gật đầu nào của Ukraine, cũng là chiến thắng của Putox. Hiện nay hắn đã nhận ra, không thể làm gì với lực lượng và nguồn lực hiện nay, vì thế hắn đưa ra những điều kiện có vẻ giảm bớt rất nhiều so với trước đây, đặc biệt không có yêu cầu Chính phủ Zelenskyy phải ra đi.
Bình loạn : Có thể hiểu một cách đơn giản là, yêu cầu này đồng nghĩa với một kế hoạch hưu chiến đã được thai nghén. Ukraine phải trung lập và không được gia nhập NATO. Quân đội Nga sẽ có thời gian để phục hồi và quay lại xâm lược Ukraine một lần nữa, trong khi Ukraine vẫn không được NATO bảo vệ. Khôn như thế ngày xưa trên “Liên hiệp các xí nghiệp Cầy tơ bảy món” Nhật Tân, người ta cho ngâm nước ba ngày mới đem luộc và nướng.
Để bình loạn sâu hơn, tôi xin để đến mục cuối cùng.
2. Tại sao vẫn có những cơ hội cho bọn KOL pro-Ruzzia tung tin giả?
Chúng ta cần phải nói về chiến thuật của người Ukraine thì mới hiểu được điều này. Hiện nay đạn dược vẫn được chuyển tới cho Ukraine, nhưng chưa phải là dồi dào cho toàn bộ mặt trận đến 1.200 ki-lô-mét – thậm chí thêm Kharkiv và Sumy thì là 2.000 ki-lô-mét.
Hơn thế nữa, cách thi hành chiến tranh của người Ukraine vẫn không ưu tiên sử dụng quân số lớn –có ưu điểm là giảm thiểu thiệt hại về nhân lực nhưng đòi hỏi phải sử dụng chiến thuật liên tục cơ động, linh hoạt và mềm dẻo. Điều này đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị, từng cá nhân chiến binh phải được huấn luyện tốt, có kinh nghiệm chiến đấu.
Chiến thuật của Ukraine đang áp dụng là “phòng thủ linh hoạt” – cho phép uốn cong chiến tuyến nhưng toàn bộ mặt trận không bị phá vỡ. Những mục tiêu sau khi cầm cự đánh tiêu hao lực lượng đối phương đủ mức, thì sẽ được rút nhưng luôn luôn có những hệ thống phòng ngự đã được củng cố ở phía sau. Kết quả của chiến thuật này là ngày càng xuất hiện nhiều “vùng xám” hơn vì chính Nga sau khi giã nát các điểm dân cư của Ukraine, thì cũng không trụ vững được ở trên những chỗ đó.
Vì vậy trên các hướng khác của mặt trận, chẳng hạn Bakhmut (Chasiv Yar) hay phía tây của Avdiivka, chúng ta vẫn thấy tin của bọn KOL pro-Ruzzia tung lên rằng “phòng tuyến của Ukraine sụp đổ.” Thế nhưng “sụp đổ” mãi mà vẫn chưa thấy toàn bộ mặt trận sụp đổ theo, trong khi các con số báo cáo thiệt hại của Nga thì ngày nào cũng rất cao.
3. Có thực sự là Nga sản xuất được nhiều đạn pháo đến vậy không?
Tháng trước xuất hiện hàng loạt bài báo về việc Nga tăng sản lượng sản xuất đạn pháo – đến gấp 3, 4 lần phương Tây có thể sản xuất được. Đến cách đây 3 ngày, tỉ phú Nga - cựu tù nhân của chế độ Putox – Mikhail Khodorkovsky đã viết trên X, tôi xin lược dịch tại đây.
Lúc người bạn gửi cho tôi bài này, tôi có nói: ơ thật ra điều này tôi biết lâu rồi – “điều này” chính là điểm mấu chốt. Cách tính sản lượng đạn pháo của Nga là tính gộp tất cả các loại gồm có: đạn pháo cỡ lớn (122, 130 và 152 mm), đạn phản lực phóng loạt (MLRS) chủ lực là Grad 122 mm, đạn pháo cỡ nhỏ (chủ lực là 30 mm trên xe bọc thép) và các loại đạn súng cối.
Điều này tôi đã viết từ hồi trước khi Nga tổ chức trận đánh The Battle of Donbas hè 2022 – và dẫn ra con số của một thằng dư luận viên nào đó “Nga có sản lượng 5000 quả đạn pháo 1 ngày”. Tôi cũng dẫn ra số liệu năng suất của Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tất cả đều được tính trên tổng số đạn pháo và đạn súng cối. Còn có một cách tính khác là “tổng lượng bom đạn pháo, đạn súng cối và lựu đạn” nữa. Đạn con không được tính vào sản lượng này.
Vậy tại sao vào thời điểm bài báo của Deborah Haynes trên Sky News lên sóng, tôi lại không viết ra điều trên?
Thứ nhất, là thực sự có điều tôi không biết là Tây họ chỉ tính đạn 155 mm, mà tôi cho rằng họ cũng tính luôn cả các loại đạn khác như 105 mm. Quân đội Ukraine hiện đang sử dụng khoảng 100 khẩu pháo 105 mm, bao gồm M101 của Mỹ, M118/M119 của Mỹ/Anh và OTO Melara của Ý. Ảnh kèm theo bài là một cỗ lựu pháo OTO Melara Mod 56 105 mm của Ý sản xuất đang được sử dụng ở Donbas, ảnh được công bố bởi kênh Telegram của Tổng thống Zelenskyy từ tháng Năm năm 2023. Ảnh tiếp theo là nó đang được dùng để bắn vào quân Nga ở Avdiivka, tháng Hai năm 2023.
Thứ hai, là thời điểm đó (bài báo của Sky News được tung lên) mặc dù gói viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã được thông qua, nhưng khó khăn của Ukraine vẫn còn đặc biệt là nguồn cung cấp đạn dược không đều đặn. Có vẻ như có một mong muốn các công ty, các nhà sản xuất và cả các nhà tài trợ phương Tây quan tâm hơn đến việc tăng sản lượng sản xuất đạn pháo. Vì vậy mà nhiều khi, nói ra cũng không có lợi.
Nói thêm về loại pháo của Ý. OTO Melara Mod 56 là loại pháo hạng nhẹ 105 mm của Ý được chế tạo để trang bị cho các đơn vị bộ binh sử dụng trực tiếp trong chiến đấu. Chiều dài nòng súng – 14 cỡ nòng. Pháo có thể bắn ở khoảng cách hơn 10 km với tốc độ 10 phát/phút. Độ ngóc của nòng pháo có thể thay đổi từ -7 đến + 65 độ. Pháo này có thể dễ dàng tháo rời thành 12 bộ phận, để vận chuyển riêng lẻ. Trong quân đội Ý, tính năng này được cung cấp cho khả năng di chuyển hỏa lực rất cơ động, ngay cả khi chỉ có khả năng kéo thủ công hoặc súc vật.
Nếu không có lá chắn bảo vệ, lựu pháo này có thể được vận chuyển bên trong khoang đổ bộ của xe bọc thép bánh xích M113. Tổng cộng, hơn 2.300 khẩu pháo đã được sản xuất và đang được sử dụng ở khoảng 30 quốc gia. Vào tháng 11 năm 2022, Chính phủ Tây Ban Nha quyết định chuyển cho lực lượng vũ trang Ukraine một khẩu đội gồm 6 cỗ pháo loại này. Với khối lượng chỉ 1290 ki-lô-gram, nó rất dễ dàng được kéo bằng xe bán tải hoặc… Suzuki Vitara.
4. Về tương quan lực lượng của hai bên.
Đầu tiên – xuất phát điểm của chúng ta là “Ukraine có 800 xe tăng trong kho, và Nga thì có 15.000 xe tăng” – đó là thời điểm bắt đầu chiến tranh tháng Hai năm 2022. 800 xe tăng của Ukraine hầu hết là không sử dụng được. Còn 15.000 xe tăng của Nga, cứ cho là có thể phục hồi được khoảng 2/3 số đó. Con số ấn tượng hơn, Nga có 17.500 xe tăng bao gồm 200 chiếc T-90, 3.000 chiếc T-80, 7.000 chiếc T-72, 2.000 chiếc T-64, 2.500 chiếc T-62 và 2.800 chiếc T-55, những con số gần tương ứng với những năm chúng xuất hiện. Tuy nhiên, tính toán của IISS (the International Institute for Strategic Studies) rất không chính xác vì chúng dựa trên ước tính về số lượng xe tăng được sản xuất thời Liên Xô. Do vậy có nhiều nguồn khác đánh giá số lượng xe tăng Nga còn tất cả vào trước thời điểm chiến tranh nổ ra, là khoảng từ 12.000 đến dưới 15.000 chiếc các loại.
Một trong những điểm nói lên sự thiếu chính xác của các con số trên đây, là do có câu hỏi: Tại sao Nga có đến 7.000 xe tăng T-72 mà đến nay, sau hơn 2 năm đánh nhau chúng mới mất non 8.000 chiếc – theo báo cáo của Ukraine, chúng đã phải lôi T-55 ra dùng? Câu trả lời có thể là – điều này tôi đã báo cáo quý vị từ rất lâu: lượng T-72 bán ra trên thế giới rất lớn, do vậy nhu cầu mua lậu phụ tùng của nó từ các khách hàng đã mua xe tăng T-72 cũng rất lớn. Điều đó làm cho đống xe tăng T-72 trong kho của Nga trở nên vô dụng.
Tại sao tôi lại bắt đầu bằng những con số này? Để chúng ta không bị rời xa khỏi yếu tố “quân đội Ukraine là một quân đội yếu đang phải đánh nhau với một quân đội có thể không mạnh lắm, nhưng cực kỳ lớn.”
Thằng cha cựu bộ trưởng quốc phòng Shoigu cuối năm ngoái công bố: quân đội nước này nhận được 1.500 xe tăng trong cả năm – điều này có nghĩa là sản lượng sản xuất xe tăng gia tăng gấp 3 lần trong năm. Một người đã từng làm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tay mơ cũng hiểu đây là việc không thể có, cho dù như tôi viết: “Đi mua của Trung Quốc cả nhà máy, kể cả từ cái cút nước” bê về lắp lên chạy, cũng không thể có chuyện đó vì còn đào tạo công nhân và xây dựng chuỗi cung ứng. Vì vậy mà quân ăn cắp Nguyên soái Ván ép đó hiện nguyên hình còn là tay bốc phét.
Về nguyên tắc, việc “dồn đồ” tức xẻ thịt xe này lấy phụ tùng lắp vào xe kia, sẽ theo lộ trình chọn cái tốt hơn để phục hồi trước. Vì vậy sau một thời gian nhất định, người ta sẽ thấy trong kho còn đầy nhưng tất cả đều là những thứ không sử dụng được. Muốn dùng thì chỉ có sản xuất mới linh kiện phụ tùng cho trên 90 % các bộ phận cấu thành nên chúng – đây là việc cũng không thể thực hiện được.
Đó là lý do có nguồn thông tin cho rằng, cứ với tốc độ đốt xe tăng như thế này – ngày 01/01/2024 con số báo cáo là 5.983 và hôm nay 16/06/2024 là 7.956, 6 tháng rưỡi mất 1.973 chiếc, tức 303 chiếc 1 tháng, thì chỉ tháng Tám này Nga sẽ hết sạch xe tăng, hoặc gần hết. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với xe bọc thép và tiến trình này là không thể đảo ngược.
Trong khi đó, Ukraine được Nga tặng cho khoảng 560 chiếc các loại, chưa kể số xe tăng trong kho có thể phục hồi được. Các xe tăng Abram và Leopard sau khi bị một số tổn thất đã được… cho nghỉ giải lao. Việc chúng được đưa ra chỉ khi các chiến dịch tấn công bắt đầu, khi mà các nhóm quân sử dụng UAV của Nga bị tiêu diệt số lượng đáng kể.
Câu chuyện xe tăng chỉ là một ví dụ, nó sẽ đúng với rất nhiều thứ khác. Cũng trong diễn đàn quân sự tôi đã kể, một thành viên tiết lộ cho tôi rằng: hiện nay lính Nga không có mũ bảo hiểm và áo giáp chống đạn. Mũ – đó là thứ gì đó có hình dáng tương tự như mẫu chính thức được công bố, nhưng không có khả năng chống đạn, với áo giáp cũng vậy. Vì thế đàn ông Nga khi bị gọi vào lính sẽ tìm cách mua trên thị trường chợ đen sản phẩm tương tự, nhưng hóa ra toàn hàng giả, dù họ hy vọng mua được đồ “ăn cắp từ quân đội ra.”
Một vấn đề nữa, là chất lượng binh lính – chúng ta không cần phải nói nhiều đến nó nữa, đã quá rõ rồi.
Những vấn đề trên đây tôi không biết có xảy ra với quân đội Ukraine hay không, có thể cũng có – nhưng thực sự nếu tham nhũng lan tràn như hồi trước chiến tranh và như bọn Dư luận viên vẫn tuyên truyền bôi nhọ thì chắc chắn quân đội Ukraine đã thua từ lâu rồi.
Kết luận duy nhất chúng ta có được ở đoạn này là: Ukraine vẫn cực kỳ khó khăn, nhất là về nhân lực. Sau khi sửa luật, đã có 1.200.000 người Ukraine đăng ký online để phục vụ trong quân đội. Nhưng quá trình gọi lính vẫn không tràn lan như bọn dư luận viên phản động tuyên truyền, mà như tôi đã đưa một bài phỏng vấn mấy chỉ huy của các lữ đoàn Ukraine, hiện họ thực hiện theo cách tự duy trì nguồn tuyển quân. Cách này giúp các lữ đoàn có được những người lính với tinh thần chiến đấu tốt nhất.
Nhưng cứ xác định là vẫn khó khăn đi. Cơ mà khó khăn đến vậy, quân đội của Putox vẫn không nuốt trôi được, thì với xu thế “Ukraine đi lên còn Nga đi xuống”, làm thế nào Putox thắng được, tôi cũng không có câu trả lời. Duy trì thế hòa hoãn được còn khó.
5. Mục cuối cùng
Vậy tại sao Putox lại có yêu sách như ở mục đầu tiên? – Chúng ta hãy cùng để ý: Hắn yêu cầu Ukraine rút quân khỏi 4 tỉnh chúng đã sáp nhập, trong đó có Kherson và Zaporizhia. Như vậy, chính xác là Ukraine phải giao nộp những phần chúng chưa chiếm được của 4 tỉnh, với các thành phố: Kherson, Zaporizhzhia, Mykolaiv, Kramatorsk, Slovyansk. Kupyansk, Izyum thuộc Kharkiv chắc là chúng không yêu sách.
Tôi thì hiểu, hắn đang muốn đánh vào tâm lý sốt ruột trước bầu cử của Hoa Kỳ, vì chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể hiểu rằng chính bọn chúng cũng bế tắc, và Putox đang muốn có một chiến thắng để bố cáo trước quốc dân đồng bào của hắn. Các thiệt hại nặng nề trên chiến trường ngày càng lộ rõ và dù có giải thích thế nào chăng nữa thì cũng sẽ đến lúc mọi chuyện phải chấm dứt.
Cuộc chiến của Putox thực sự sa lầy, chúng ta chỉ cần nhìn vào cái gọi là “Chiến dịch Kharkiv” thì thấy: cái khái niệm “nồi hầm” mà thằng Lee Yutong vẫn lải nhải, bây giờ lại xuất hiện nhưng không phải cho quân Ukraine, mà là cho quân Nga ở Vovchansk. Đến trưa này Chủ nhật 16/06/2024, đã có một số nhóm quân Nga bị vây, ra hàng.
Bọn ở ngoài, bên kia biên giới không có khả năng ứng cứu, phá vây… đó mới là vấn đề. Thậm chí các đòn phép như bom lượn, pháo tầm xa… cũng không đem ra áp dụng được.
Bất chấp ý kiến bi quan của cậu KOL nào đó, “Chiến dịch Kharkiv” đã thành pháo xịt. Điều này nói không phải kiêu ngạo, nhưng tôi nhận định từ ban đầu rằng, nó sẽ chẳng đi đến đâu, rồi có khi còn thất bại – thậm chí tôi còn tiếc là bọn Nga này nó không đánh to để thua to (cái này hơi liều vì giai đoạn đầu Ukraine vẫn chưa có nhiều đạn dược cho lắm). Lý do để tôi đưa ra nhận định đó thì có nhiều, như việc dần thiếu pháo và đạn pháo, thiếu xe tăng và xe bọc thép cả về số lượng lẫn chất lượng, sau đó là chất lượng quân lính… tất cả những điều đó sẽ dẫn tới thất bại.
Một điểm đáng lưu ý rằng, cái khó nhất của Nga là phải duy trì thế tấn công, tức là duy trì động lực của chiến tranh với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có nhiệm vụ… bơm chất liệu cho bọn báo chí xứ phía đông nước Lào hò hét. Ngoài ra, cứ giảm tấn công là bị Ukraine tấn công trở lại – đó là thế khốn khổ nhất của bọn đi xâm lược.
Tình thế thực tiễn chiến trường hiện nay là như vậy: vì phải duy trì thế tấn công, nên bọn Nga này vẫn tấn công và… vẫn chiến thắng trên báo. Nhưng với những yếu tố trên đây tôi vừa phân tích, tôi đã cho rằng từ sau Avdiivka, chúng đang tấn công nhưng là cực kỳ cẩu thả. Vì vậy, miễn là đủ đạn dược, chứ từ bây giờ trở đi Ukraine sẽ chẳng nhường cho chúng làng nào hết, trừ phi chúng dùng bom lượn đánh nát cái làng đó.
Trong bài trước, tôi có dẫn buổi phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân trên Vi-ô-vi, trong đó ông ấy vẫn cho rằng Nga vẫn sẽ có chiến dịch tấn công vào mùa hè này và tôi viết: “Điều đó đúng với lý thuyết” vì thời tiết năm nay khô ráo sẽ làm mùa hè kéo dài, thuận lợi cho tấn công kiểu Nga, đặt ra cho chúng yêu cầu phải tấn công. Nhưng nếu ông thiếu tướng cho rằng chúng sẽ mở được chiến dịch tấn công lớn, tôi e rằng từ khó đến rất khó, thậm chí không thể thực hiện được.
Một trong những yếu tố dẫn đến tính bất khả thi đó là yêu cầu phải duy trì động lực chiến tranh, tức là tấn công mãi, tấn công liên tục… sẽ dẫn đến quá trình “tự bào mòn các nguồn lực.” Phía Ukraine chỉ cần giữ vững với việc tiết kiệm nguồn lực nhất, cũng đã thừa để tìm cách nắm cơ hội phản công lật ngược thế cờ.
Vì vậy tôi vẫn cho rằng, Nga vẫn sẽ duy trì kiểu tấn công lai nhai, dai dẳng và cực kỳ cẩu thả như hiện nay, cho đến khi Ukraine có những hành động dứt điểm ở một vài khu vực nào đó của mặt trận, là những đòn quyết định để đi đến kết thúc chiến tranh.
PHÚC LAI 16.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.