vendredi 15 décembre 2023

Hà Nội và Bắc Kinh thỏa thuận để ngăn khu vực sa vào tư tưởng « lật đổ » của phương Tây

 

Đôi lời : TM dịch « Cộng đồng cùng chung vận mệnh » do tôn trọng nguyên tác thay vì « Cộng đồng chia sẻ tương lai », nhưng có lẽ các tác giả phương Tây không quan tâm lắm sự khác biệt tuy rất ý nghĩa này.

(Brice Pedroletti, LeMonde 15/12/2023)  Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa cam kết tham gia « Cộng đồng cùng chung vận mệnh » được Trung Quốc thúc đẩy.

Hai mươi mốt phát đại bác chào mừng, hàng quân danh dự và tiệc trà : Việt Nam đã nỗ lực hết mình để tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Hà Nội trong hai ngày 12 và 13/12. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của chủ nhân Trung Quốc kể từ năm 2017, có ý nghĩa quan trọng đối với tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và là nhân vật số một thực sự của đất nước, ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng phải trấn an Trung Quốc về ý định của Việt Nam sau khi tích cực xích gần với Hoa Kỳ. Đối với Tập Cận Bình, đó là để bảo đảm rằng Hà Nội không đi quá xa trong việc tán tỉnh phương Tây, bằng cách hứa hẹn sẽ hợp tác nhiều hơn trong các vấn đề « an ninh chính trị » và kinh tế.

Chuyến đi của nhân vật số một Trung Quốc - mà người đồng cấp Việt Nam đã lo đến hội kiến tại Bắc Kinh nhân dịp tiếp tục được bầu làm người đứng đầu đảng Cộng sản vào tháng 10 năm 2022 - diễn ra ba tháng sau chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong chuyến công du này, Hoa Kỳ đã được Việt Nam nâng cấp quan hệ thành « đối tác chiến lược toàn diện », đặt Washington lên ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Việc nâng cấp này không chỉ mang tính biểu tượng : ý nghĩa của nó rất lớn không chỉ về mặt hợp tác kinh tế, mà còn cả về công nghệ và mua bán vũ khí, Mỹ-Việt đều mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Sau đó Nhật Bản cũng được nâng lên vị trí tương tự, tiếp đến sẽ là Úc vào năm 2024 - làm gia tăng đáng kể số lượng đồng minh của Mỹ trong số các đối tác hàng đầu của Hà Nội.

Bằng cách thức như lâu nay vẫn làm, Việt Nam tự bảo vệ mình trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc – đặc biệt là ở Biển Đông. Đồng thời quyết tâm tận dụng khuynh hướng toàn cầu « derisking » (giảm rủi ro) mà Việt Nam là một khuôn mặt hàng đầu. Các công ty đa quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện nay là Mỹ đang đổ xô đến Việt Nam để thiết lập lắp đặt những cơ sở sản xuất mới, nhất là về công nghệ cao, do Washington áp đặt những hạn chế do đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu.

Chính sách đa liên kết

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trông cậy vào việc mở rộng hợp tác với phương Tây. Chủ Nhật 10/12, đích thân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, đã tiếp ông Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang), giám đốc điều hành tập đoàn Nvidia của Mỹ. Người khổng lồ sản xuất chip toàn cầu muốn gia tăng đầu tư vào Việt Nam và có thể lập một trung tâm cơ sở nghiên cứu tại đây. Việt Nam muốn đào tạo số kỹ sư trong lĩnh vực này gấp 8 lần từ nay đến năm 2030.

Về mặt chiến lược, Hà Nội vốn đã liên minh với Liên Xô năm 1978 và phải trả giá bằng cuộc chiến tranh với Trung Quốc từ 1979 đến 1989, hiện đang theo đuổi chính sách đa liên kết, đặc biệt từ chối bất kỳ liên minh quân sự chính thức nào cũng như việc đặt căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Nhất là Việt Nam giữ nguyên tắc không chọc giận người hàng xóm đáng ngờ, đồng thời giữ khoảng cách.

Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, « Hà Nội đã áp dụng rõ ràng chính sách trấn an Trung Quốc, theo đó luôn ưu tiên quan hệ với Bắc Kinh, và việc cải thiện quan hệ với các nước khác không phải nhằm chống Trung Quốc » - nghiên cứu sinh tiến sĩ Khang Vũ của Boston College nhắc lại trên trang web The Diplomat. Chính sách này « chỉ có một mục đích : ngăn chặn Trung Quốc xâm lược hoặc cưỡng bức Việt Nam thông qua đe dọa dùng vũ lực ».

Bảo đảm « an ninh chính trị »

Về phần Bắc Kinh qua chuyến thăm này đã nhận được nhiều điều hơn là những lời trấn an lịch sự : Việt Nam cam kết « cùng Trung Quốc xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh ». Công thức này, thường xuyên được Tập Cận Bình lặp lại, không chỉ là lời nói khoa trương : nó tạo thành một loại « phiên bản tăng cường » của « Con đường tơ lụa mới » - dự án bành trướng toàn cầu vĩ đại của Trung Quốc, mà bảy trong số mười nước ASEAN đã tham gia. Sự tham gia của Việt Nam đã được yêu cầu từ lâu.

Và nếu Hà Nội đồng ý với những đề nghị của Trung Quốc, thì đó không chỉ là để vỗ về Bắc Kinh: chế độ Việt Nam thông qua « hiệp ước » song phương này có được sự đảm bảo về « an ninh chính trị », vào thời điểm mà Việt Nam được kêu gọi mở rộng cửa cho các nhà đầu tư phương Tây cùng với tất cả những ý tưởng và hành vi « lật đổ » đi kèm.

Do đó, cam kết chung này cũng liên quan đến các quốc gia độc tài ở khu vực Mê Kông, đặc biệt là các nước Đông Dương trước đây : Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Tuy thông cáo chung Việt-Trung chưa được công bố, nhưng theo Tân Hoa Xã, Tập Cận Bình nói rằng « cộng đồng cùng chung vận mệnh » giữa Trung Quốc và Việt Nam có nghĩa « đôi bên cần ưu tiên cho an ninh chính trị quốc gia, bảo đảm lá cờ đỏ của chủ nghĩa xã hội không bị thay đổi ; và không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn, tháo gỡ, kềm chế mọi rủi ro chính trị và an ninh » – tóm lại, là bất kỳ cuộc cách mạng dân chủ nào.

Bởi vì, đối với Việt Nam, Trung Quốc vẫn là hình mẫu quản trị, và là nước cộng sản duy nhất áp dụng kinh tế thị trường trong khi duy trì quyền lực độc đảng. Cho dù biết cách giao du đồng thời với phương Tây và Trung Quốc, nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn là một nhà tư tưởng cộng sản chủ trương đàn áp khắc nghiệt. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, vào cuối nhiệm kỳ thứ ba, ông sẽ phải bàn giao tại đại hội tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2026, hoặc thậm chí trước đó : ông đã 79 tuổi.

Bắc Kinh không đến Việt Nam với đôi bàn tay không : Tập Cận Bình cũng hứa mở rộng hợp tác về công nghệ, gia tăng đáng kể nhập khẩu nông sản – Việt Nam bị thâm hụt thương mại trầm trọng với Bắc Kinh, nơi có các thiết bị công nghiệp cần thiết cho cỗ máy xuất khẩu của nước này sang phương Tây. « Đôi bên cùng có lợi », hai « nước anh em », nhưng rất đỗi nghi ngờ nhau.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.