Mình đã xem phim này hai lần, một lần do bạn mời, một lần mình bỏ tiền mua vé cho mình và vợ con đi cùng. Chứng tỏ mình ủng hộ phim Việt Nam lắm và xem cũng kỹ lắm. Một phần là do lần 1 mình bị đến muộn 10 phút, mất đoạn đầu.
Đánh giá của mình có tiết lộ một phần nội dung phim, nên ai mà muốn xem phim có đầy đủ cảm xúc thì không nên đọc nhé.
Mấy hôm nay, phim Địa Đạo được tuyên truyền mạnh quá mức cần thiết. Nói thực là mình ghét tâm lý bầy đàn và trò tuyên truyền nhồi sọ, nên kiểu tuyên truyền này với mình và không ít người khác sẽ là phản cảm và gây phản ứng ngược. Tương tự như PR xe VF thôi, ăn được đám bò đỏ thì sẽ mất khối khách hàng khác, không nhất thiết là bò vàng, mà chỉ là người có nhiều lý trí và tư duy phản biện. Người ta sẽ nghi ngờ tính chân thực của những lời khen kia.
Mình có quen biết anh Nam, nhà đầu tư, anh ấy cũng có mời mình xem phim này trước đây cả tháng, mà mình quên béng mất! Thế tức là mình đánh giá dưới góc nhìn khách quan thôi, chứ không có thù ghét ai cả, cũng chả phải dưới góc nhìn phản động đâu. Nên anh em phản động đừng có kỳ vọng gì!
Mình không hay xem phim truyện, nhưng lại hay xem phim truyện chiến tranh, lịch sử và rất nhiều phim tài liệu cùng đề tài. Nên cũng hiểu tương đối. Nhất là về chiến tranh Việt Nam mình càng tìm hiểu sâu.
Phim Địa Đạo, công bằng mà nói, có rất nhiều ưu điểm, so với các phim cúng cụ trước đây. So sánh gần gũi nhất là với Đào Phở, thì phim này có hình ảnh và âm thanh rất chân thực, "rất Tây". Hóa ra là Tây thật, nên về bản chất, đây là phim “liên doanh”. Về hình ảnh âm thanh hầu hết do Tây làm, thì mới được thế.
Phim chiến tranh và lịch sử, thì dựng phim trường, hình ảnh, âm thanh là cực khó và tốn kém. Phim này làm rất tốt so với phim Việt Nam cùng đề tài. Nhưng không nên nói quá lên, so sánh với bom tấn kiểu Giải cứu binh nhì Ryan hay Kẻ thù trước cổng của Mỹ. Cái dễ hơn về hiệu ứng khói lửa ở phim này là do hầu như không có đại cảnh, những cảnh nhìn từ trên cao thấy rõ là 3D. Bối cảnh của phim khá chật chội, cảnh cận nhiều nên dễ làm hơn.
Một số đoạn cháy nổ, chuyên gia hơi lạm dụng lửa. Có phải cứ có bom đạn là lửa đùng đùng đâu, mà phải là cảnh đất đá bay rào rào mới đúng. Ví dụ như đoạn cái ca nô Mỹ bị đánh mìn, mà quả mìn ngầm dưới nước mất mét. Mìn nổ thì đúng ra nó ục một cái rồi cột nước dựng lên, gây lật hoặc làm vỡ cano ra. Đây ca nô chả vỡ, vẫn bình thường, lại thấy nổ ở bên trên nó, giống như dính một quả B40!
Hay ví dụ khác là quay cảnh xác chết Việt Cộng, toàn thấy như bị cháy bởi bom Napalm nhưng thực ra dính quả đạn bình thường, đúng ra là xác bị nát mới đúng. Nhưng dựng xác bị nát như phim Mỹ là quá khó, nên anh em dựng xác bị bỏng, nó vẫn lành lặn, chỉ hóa trang bề mặt thôi, cho nó dễ.
Tóm lại cái này sạn khá nhiều nhưng với đại chúng có thể bỏ qua, vì có lẽ không để ý như thằng hay xem phim chiến tranh như mình.
Về diễn xuất, nói chung các diễn viên đều diễn đạt vai của mình. Nhưng mà không rõ vai chính, thấy sàn sàn năm, sáu đồng chí đều là chính cả, nên tạo cảm giác nhạt nhòa. Thậm chí là lẫn lộn tên đồng chí này với đồng chí khác.
Có nhân vật chú Sáu (lúc mới xem mình tưởng là Sáu Dân!), đại ý là muốn diễn đạt vai trò lãnh đạo của đảng, là cán bộ lãnh đạo từ bưng tới chủ yếu là vỗ về, tuyên truyền, không thấy chỉ đạo được gì. Nhưng đoạn buồn cười, xin lỗi vì buồn cười, nhất trong phim này là cảnh chú Sáu đứng ngơ ngác trước cảnh bom đạn vèo vèo, các cháu đang bắn nhau mà chú đứng mặt đờ đẫn, nên bị thương!
Hình ảnh tương tự trong phim We are soldiers (dựng lại trận IaDrang lần đầu Việt Cộng đụng độ lớn với Mỹ), thì anh chỉ huy Mỹ cũng không hề nằm, bò khi có bom đạn (chắc là bịa, thực tế chắc nằm dính xuống đất). Nhưng bọn Mỹ dựng hình ảnh anh hùng cách mạng cho lãnh đạo, sĩ quan đi lại mặt mũi hiên ngang hò hét chỉ đạo anh em chiến đấu, chứ không như chú Sáu của ta. Nhẽ chú là chính ủy nên mới ngẩn ngơ khi có bắn nhau vậy?
Nhưng đỉnh cao của hài hước không phải chỗ đó, tuy vẫn là chú Sáu. Sau khi bị thương và quyết định ra hàng để câu giờ, cho các cháu trong địa đạo tìm đường thoát, chú Sáu bị Mỹ bắt. Đúng quy trình là bắt người là lính Mỹ sẽ khám xét xem có vũ khí không. Nhưng mà khám ngu, để chú vẫn găm được quả lựu đạn, sau đó giật nổ!
Trong lúc câu giờ, chú tuyên truyền lịch sử cách mạng với bọn Mỹ và một thằng phiên dịch gọi điện về căn cứ. Đại khái tuyên truyền tinh thần đấu tranh cách mạng với bọn Mỹ rõ là dài, mà bọn Mỹ lại ngoan cứ để chú chém thoải mái luôn. Chứ thực tế nó tát vỡ mồm tù binh lại cứ nói linh tinh, không đúng trọng tâm thẩm vấn! Nói chung tuyên truyền bằng tiếng Việt với bọn Mỹ, rồi phải dịch ra là buồn cười và vô lý lắm rồi.
Về biên kịch, tức là nội dung phim ấy, nói chung phim ít có tính điện ảnh, nói thẳng là kịch bản khá chán. Nó giống như là dựng lại phim tài liệu vậy, thiếu kịch tính để gây nên tính bất ngờ cho phim. Xem đoạn đầu, mình còn tưởng cậu thợ cơ khí là một “đặc tình” của bên kia cài vào nhóm du kích để gây nên những bất ngờ ở cuối, nhưng lại không phải. Vì thế nên phim quanh quẩn ở quanh địa đạo, thiếu chuyển cảnh và các tiết tấu mang tính điện ảnh để đỡ buồn ngủ.
Nếu coi đường hình và tiếng là lớp vỏ bao bì, kịch bản là lõi, thì phim này có bao bì đẹp, có thể gây choáng ngợp cho đám đông, với cảnh bom rơi đạn nổ khá bắt mắt. Nhưng phần ruột thì không ổn, gần giống xem phim tài liệu nhồi thêm tí tuyên truyền.
Chính vì có vỏ bắt mắt, nên người xem dễ bị tâm lý choáng ngợp, dễ bỏ qua các hạt sạn trong phim. Tất nhiên sạn kiểu này phải có mắt cú vọ, tinh tế chút, cộng thêm vốn sống và kiến thức xã hội mới nhìn thấy rõ và nhanh. Cái này là bệnh chung của phim Việt Nam thời kỳ đổi mới, xem phim bi mà lại thấy hài vì sạn.
Ví dụ đoạn anh Hai Thưng giao nhiệm vụ bí mật cho anh Bảy, nhưng chả hiểu sao lại phải đọc mật lệnh oang oang trong khi lính lác đi lại ngay cạnh, cách 2 mét (lệnh là bí mật với cả lính). Trong khi rõ ràng là chỉ cần đưa tờ giấy lệnh cho đọc rồi thu lại đốt là xong.
Cảnh các chiến sĩ du kích thấy món cá khi ăn cơm mà ồ cả lên kiểu như lâu lắm mới có món ngon. Thực tế là vô lý. Vì địa đạo ngay cạnh sông. Dân miền Nam họ bắt cá dễ không, cá ở vùng sông nước còn dễ kiếm hơn là gạo hay rau. Nên du kích có lẽ ăn cá phát chán luôn, thèm thịt bò nghe còn có lý!
Cảnh anh thợ vác súng ra bắn máy bay Mỹ với mục đích là để khiêu khích Mỹ ném bom xăng xuống, để ảnh thu phế liệu vỏ bom, rồi bán phế lấy tiền mua gạo, thì là một sáng tạo ghê gớm của kịch bản! Khéo bắn xe tăng để thu phế liệu bán lấy tiền mua gạo luôn! Theo mình biết thực tế lúc đó phe ta chỉ sợ không tìm được dân thì mới đói, chứ chả việc gì phải đi bán phế liệu chiến tranh đâu mà đi xin gạo dễ dàng, không cho thì dùng súng là có hết.
Cảnh quân ta xxx nhau trong hầm, tuy câu view gen Z nhưng khá là vô lý. Ban đầu mình tưởng anh chị yêu nhau rồi chịch trộm thì còn logic, như trong phim Enemy at the gate. Đây là đồng chí du kích nam hiếp trộm đồng chí du kích nữ xinh nhất đoàn.
Lẽ thường bộ đội, du kích, họ sẽ ngủ tập thể, từng khu vực riêng của nam và nữ. Nên vụ hiếp này khó xảy ra, do trong phim là nữ du kích ngủ hầm riêng, nên đến đêm là nam du kích bò vào xơi. Nữ du kích bị/được xong lại không báo cán bộ để có bầu, rồi thủ trưởng phải đứng ra nhận làm tác giả để tổ chức đám cưới. Nó khiên cưỡng quá đi. Tác giả thật chỉ tự khai khi mù mắt do khí độc. Có hơn chục nam du kích thôi mà nữ đồng chí kia lại không thể phát hiện ai chịch mình. Cũng cảnh xxx này, nó vô lý về mặt tình dục học. Vì bom đang ầm ầm, sợ sun cả **** lại mà sao vẫn chịch được chứ? Về tâm sinh lý là không được đâu.
Đoạn dùng rắn để cắn lính Mỹ mình thấy cũng ảo. Chả nhẽ nuôi rắn độc để làm việc đó, trong khi quá rủi ro khi nuôi bọn này, trong địa đạo nó có gì ăn đâu?
Đoạn cuối, chắc để làm tăng kịch tính lên cao trào, nên mới có cảnh đấu súng với lính Mỹ. Mà bọn lính Mỹ ngu vãi, vừa bò vừa soi đèn pin, nên đi đến đâu là du kích biết để thịt! Bài chuẩn là nó phun khói độc vào trước để biết chắc không có Việt Cộng còn sống rồi nó mới đeo mặt nạ bò vào. Chắc khó mà có màn đấu súng. Bọn Mỹ hèn lắm!
Cảnh chú lính Mỹ bị cô du kích dùng cái gậy tre vạt chéo đầu xiên qua thân người như xiên miếng chả cũng khá vô lý. Cô này xiên thằng Mỹ qua cái lỗ vách hầm chỉ vừa với cây gậy thì nhìn sao được nó mà xiên? Nhỡ trượt thì sao? Nhỡ xiên vào mông vào chân thì sao mà chết được. Đây ăn may là xiên qua sườn. Nhưng nó lại không chết, còn kêu cứu và cô chú du kích lại cứu nó! Chứng tỏ quân ta rất nhân văn. Nó vừa giết bao đồng đội ta xong mà lại cứu nó liền, cho nó lên cái bè chuối (không biết đóng lúc nào) thả trôi trên sông và đốt đám cỏ trên bè để có khói bốc lên.
Lại thêm cảnh hai cô chú này lặn dưới sông ngậm ống thở. Thật khó hiểu, vì không biết sao phải lặn vậy khi xung quanh yên ắng không có lính Mỹ truy đuổi? Không hiểu thả thằng Mỹ lên bè trôi sông để làm gì? Đốt khói để báo hiệu cho Mỹ đến cứu chăng? Thế thì chu đáo quá.
Tóm lại, phim Địa Đạo cũng đã thoát khỏi lối mòn xưa ta thắng địch thua, có tuyên truyền thì cũng đỡ thô hơn trước. Phim cũng mạnh dạn để cho thủ trưởng chửi thề đ*o (hình như dân Nam ngày xưa không chửi từ đó?), tính tình khá cục cằn chân thực. Hay mạnh dạn đưa chủ đề xxx kiểu Mỹ vào phim dù không lộ hàng. Du kích mà hiếp nhau thì chắc là sáng tạo mới trong phim! Phim không e ngại mô tả cảnh quân ta chết chóc tang thương cũng là một điểm mới.
Mình chỉ nhớ đại khái vậy thôi. Đồng bào cứ đi xem để có trải nghiệm nhé, nhà mình ủng hộ 4 vé rồi đó. Tóm lại là phim vẫn hay, nên xem cho…biết những chỗ hay. Mình cố tình không kể cụ thể tuần tự nội dung phim, chỉ review các lát cắt, để mọi người còn đi xem đó.
Em xin lỗi đoàn làm phim và nhà tài trợ, xin lỗi đảng và quân đội, em thà không xem hoặc không đánh giá, chứ không thể chém ẩu lừa đồng bào được. Chỗ nào hay thì bảo hay, chỗ nào chưa hay thì cũng phải nêu rõ để còn rút kinh nghiệm. Đây sẽ là phim tài liệu hay nhất trong các phim truyện và phim truyện hay nhất trong các phim tài liệu.
Mạnh dạn chấm điểm như trên IDMB thì phim này tầm 5-6 điểm. Ai đó bảo đi dự Oscar thì biết đâu cũng được, vì bọn Mỹ chắc không thấy sạn ta đâu, vì nó không hiểu!
Trong ảnh là cảnh chú Sáu đang diễn thuyết trước khi giật lựu đạn.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 06.04.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.