Những người quan tâm tới xã hội đều biết Việt Nam có những án tử hình được chứng minh là oan sai. Hiện nay, hai trường hợp thu hút lòng thương cảm và sự bất bình trong công chúng là trường hợp Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
Trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng thì Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng “chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”, và vụ án được Viện trưởng kháng nghị. Nhiều chi tiết cho thấy lời khai làm chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng bị thay đổi, người làm chứng bị nhục hình phải thay đổi lời khai!
Trường hợp tử tù Hồ Duy Hải thì vật chứng, tang chứng chủ chốt để kết tội lại là vật dụng mua mới tại chợ sau khi vụ án xảy ra! Cùng với đó là các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì không được xem xét! Với các quốc gia có nền tư pháp công minh, người bị kết tội từ tang chứng như vậy phải được tha bổng, và người dùng tang vật đó bị khép tội ngụy tạo tang vật.
Bài viết này không đi sâu từng chi tiết vụ án, chỉ biết bằng ý thức và phán đoán thông thường (tiếng Anh gọi là common sense), rất nhiều người thấy không có căn cứ cho hai án tử hình này.
Hai cuộc đời trai trẻ bị giam giữ trong điều kiện tử tù mười lăm, mười sáu năm! Tiếng kêu oan của họ và gia đình họ, hoàn cảnh khốn khó đầy cay đắng trên bước đường kêu oan của họ và gia đình, là những vết thương xé lòng cộng đồng.
Nền tảng của luật pháp văn minh là phòng ngừa tội phạm chứ không phải trả thù tội ác.
Nguyên tắc của luật pháp văn minh là thà tha lầm tội phạm chứ không giết lầm người vô tội.
Lý do chính của sự bãi bỏ án tử hình tại trên trăm quốc gia là án tử hình mà oan sai thì không cách nào cứu vãn.
Trước hai trường hợp này, những án tử oan sai như trường hợp các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Hùng, dù may mắn được sửa chữa kịp thời, chưa đủ để những tấm lòng biết đau xót trước án tử oan sai phải cẩn thận từng ly từng tí sao?
Theo luật Việt Nam, Chủ tịch nước là người có quyền ân xá. Tôi hy vọng Chủ tịch Võ Văn Thưởng gần gũi với xã hội, có kiến thức rộng, tầm nhìn xa, tấm lòng nhân đạo, độ lượng sẽ ký lệnh ân xá. Việc tiến hành ân xá, mà nhiều người rất mong xảy ra, sẽ có tác dụng trên những việc rất lớn…
Với cá nhân, đó là lòng nhân đạo với các ông Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, và gia đình của hai ông, mà cuộc đời đã chịu quá nhiều thống khổ.
Với hệ thống tư pháp của Việt Nam, có thể đây là một bắt đầu thực chất của sự cải cách hệ thống tư pháp theo hướng đa số các quốc gia văn minh trên thế giới.
Với đất nước, do lòng dân cảm mến người lãnh đạo, có thể là một hành động tập hợp và kêu gọi đoàn kết, hóa giải những chia rẽ còn tồn tại trong lòng quốc gia.
Tôi ngẫm mà tiếc cho người tiền nhiệm của ông Võ Văn Thưởng. Cờ trong tay mà không phất, bỏ lỡ một việc rất nên làm, một việc làm trăm năm thống khoái!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 07.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.