mardi 8 août 2023

Dương Quốc Chính - Độc tài dán tem dân chủ

Trong khi mình đang quần quật chém gió Facebook thì bạn Hun Manet đã được quốc vương Campuchia phê chuẩn làm thủ tướng.

Trên lý thuyết, việc Hun Sen "nhường ngôi" cho Hun Manet là hoàn toàn hợp hiến. Vì với thể chế quân chủ lập hiến kiểu này, đảng CPP chiếm 120/125 ghế Hạ viện sẽ có quyền chọn ra thủ tướng. Theo thông lệ, người này là chủ tịch đảng luôn, nhưng ông Hun Sen (chủ tịch đảng) đã nhường vị trí này cho con trai mình.

Hun Sen sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng CPP, sẽ làm thêm chức chủ tịch Thượng viện sau vài tháng tới, khi có bầu cử mà CPP chắc chắn lại nắm đa số. Ngoài ra, Hun Sen còn nắm thêm chức chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao, cố vấn cho nhà vua. Như vậy, Hun Sen sẽ ngồi ở ba vị trí kiểm soát cả các nhánh hành pháp, lập pháp và hoàng gia, đích thị là thái thượng hoàng.

Bạn Hun Manet là một đại tướng, chưa hề kinh qua chức vụ quản lý hành chính nào kiểu như bộ trưởng hay tỉnh trưởng, nhưng vẫn ghế trên ngồi tót sỗ sàng. Điều này cũng không phải là vấn đề lắm vì đã có thái thượng hoàng bên cạnh. Thực tế hồi ông Hun Sen làm thủ tướng thì ông còn thua xa Hun Manet bây giờ, cố vấn Việt Nam cầm tay chỉ việc hết, mà ông cũng làm thủ tướng được hơn 30 năm, chán thì nghỉ. Nên việc Hun Manet làm thủ tướng thêm 30 năm nữa cũng không lạ.

Tuy Manet có cả bằng thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế ở Anh và Mỹ, nhưng nước Campuchia có thực sự hóa rồng không thì hên xui. Vì ba ông bác từng là đồng chí, lãnh đạo của thái thượng hoàng là Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan đều học trường xịn bên Pháp, con nhà có điều kiện cả. Hay em Kim Ủn cũng vậy.

Bây giờ, thay vì có cố vấn Việt Nam chỉ việc, Hun Manet sẽ có cố vấn Trung Quốc cầm tay.

Trên lý thuyết, Campuchia có thể chế quân chủ lập hiến, tức là dân chủ. Nhưng trên thực tế, đảng CPP nắm cả hai viện quốc hội, quyền hành pháp và có lẽ cả tư pháp. Lẽ thường ở các nước quân chủ lập hiến khác thì Thượng viện và nhà vua sẽ là một đối trọng với Hạ viện và chính phủ, nắm quyền phản biện, phủ quyết, tránh sự độc tài của đám đông (Hạ viện).

Nhưng Campuchia là trường hợp đặc biệt, khi Hun Sen ngồi canh luôn cả vua thông qua chức chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao (là nhóm cố vấn cho vua). Một số đồng chí lão thành khác trong đảng CPP của Hun Sen, sắp hưu, cũng sẽ về hội đồng này để ngồi cố vấn cho vua. Thượng viện lẽ ra thường do cánh hữu, quý tộc tinh hoa nắm, nhưng ở Cam thì Hun Sen và CPP ôm nốt! Mình dự tính là sẽ có khoảng 10 người đối lập ở cả hai viện Quốc hội Campuchia, hơn Việt Nam một tí !

Trái ngược với Campuchia, ở Thái Lan, cũng quân chủ lập hiến, Thượng viện do phe bảo hoàng nắm, quyền lực rất mạnh. Vừa rồi đã không tán thành cho bạn Pita làm thủ tướng, dù liên minh đảng của Pita đã nắm đa số ở Hạ viện. Là do vua và phe bảo hoàng ở Thái mạnh hơn ở Cam nhiều.

Như vậy, Thái Lan vẫn còn dân chủ hơn Campuchia, do cánh hữu bảo thủ vẫn còn có quyền lựa chọn thủ tướng. Còn Campuchia thì cánh hữu hầu như không có vai trò gì (có 5 người thuộc hoàng gia được chỉ định vào Thượng viện, chỉ thiểu số). Campuchia là một quốc gia độc tài, độc đảng, nhưng núp dưới cái vỏ dân chủ. Tạm hiểu là độc tài do cánh tả kiểm soát. Ông Hun Sen luôn nhắc đi nhắc lại, ông không độc tài mà được người dân tín nhiệm!

Nhiều người cho rằng dù sao bố con ông Hun Sen cầm quyền thì tốt hơn cho Việt Nam. Vì họ e rằng phe hữu theo đường lối dân tộc của Sam Rainsy mà nắm quyền sẽ có nguy cơ bài Việt Nam. Thực ra không chắc lắm, khi họ chưa nắm quyền thì họ chửi Việt Nam để dân túy như mấy ông phản động Việt Nam chửi Tàu lấy số thôi ! Khi nắm quyền rồi thì không dễ dàng mà chọn chính sách tẩy chay nước lân bang có nhiều mối quan hệ mật thiết. Campuchia dân chủ (Khmer đỏ) là một ví dụ đau thương cho cả hai bên khi chọn chính sách "cap Duồn".

Tương lai Campuchia có lẽ sẽ không thay đổi gì nhiều, vì ông Hun Sen vẫn còn ngồi làm thái thượng hoàng, có lẽ thêm 5-10 năm nữa.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 08.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.