Trước khi có Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Bộ luật có hiệu lực hiện hành), theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, thì Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về một Vụ án hình sự, chính là quyết định cuối cùng.
Cũng vì thế mà vào ngày 20/03/2015, Báo Tuổi trẻ đã có Bài viết “Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã "hết đường" kháng nghị”, với nội dung đại ý: “Theo Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, vụ án đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, là quyết định cuối cùng nên giờ có thấy sai cũng không thể kháng nghị”.
Có thể cách trả lời của Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp vào thời điểm đó là không sai về mặt pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, dù rằng ai cũng biết điều đó là vô lý: Không thể xử oan (Nếu có) cho một Người, chỉ vì trình tự tố tụng có điểm dừng không thể khắc phục.
Chính vì sự vô lý đó, mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có một Chế định mới toanh “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao” quy định tại Chương XXVII (Từ Điều 404 đến Điều 412 của Bộ luật).
Theo đó: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.
Hiểu nôm na, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thì Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không phải là quyết định cuối cùng “bất khả xâm phạm”/không thể bị xem xét lại như quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Mà quyết định đó hoàn toàn có thể bị/buộc/phải xem xét lại dựa trên căn cứ luật định như đã nêu - Đây là một thủ tục đặc biệt của đặc biệt.
Dưới góc độ lý luận và thực tiễn, cũng như triết học pháp lý, có thể thấy rằng, quy định như trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là hợp tình, hợp lý hơn về tất cả mọi khía cạnh. Nó mở ra một cơ hội để cho những Vụ án có dấu hiệu oan sai có thể được khắc phục, sửa chữa nếu có sai lầm.
Việc bổ sung mới Chế định pháp lý này vào trong luật, đó là một bước tiến vượt bậc trong tiến trình cải cách tư pháp.
LS ĐẶNG BÁ KỸ
Viết tại Sài Gòn, ngày 05/08/2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.