samedi 13 mai 2023

Phúc Lai - Nhận xét về tin tức hóng được từ cuộc xâm lược Ukraine của Putox ngày 13/05/2023

 

1. Một số gạch đầu dòng liên quan đến chiến sự

Chẳng có chuyện gì ngoài… Bakhmut. Trong 3 ngày qua quân Ukraine tiến lên ở cả bắc lẫn nam thị xã này, chỗ ít tiến 2 ki-lô-mét, chỗ nhiều khoảng 5 ki-lô-mét. Diện tích ước chừng từ 15 đến dưới 20 ki-lô-mét vuông.

Đánh giá của Mỹ về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine:

• Các lực lượng Ukraine có khả năng đã chọc thủng một số phòng tuyến của Nga trong các cuộc phản công cục bộ gần Bakhmut, dẫn đến phản ứng từ người chịu trách nhiệm tài chính cho Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga (MoD).

• Tư lệnh Cụm lực lượng miền Đông Ukraine, tướng ba sao Oleksandr Syrskyi tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã rút lui tới hai ki-lô-mét phía sau phòng tuyến của Nga trên một số khu vực không xác định của mặt trận Bakhmut.

• Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận các cuộc phản công của Ukraine nhanh chóng một cách bất thường, tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã đẩy lùi 8 cuộc tấn công trên bộ và 3 “nỗ lực do thám” của lực lượng Ukraine theo hướng Donetsk, nhưng phủ nhận các báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Cái bọn “Viện Nghiên cứu Chiến tranh” (ISW) thì nhận xét:

Việc triển khai các đơn vị có chất lượng rất thấp của Nga ở hai bên sườn xung quanh Bakhmut cho thấy Bộ Quốc phòng Nga phần lớn đã từ bỏ mục tiêu bao vây một số lượng đáng kể các lực lượng Ukraine ở đó. Bộ Quốc phòng Nga có khả năng bắt đầu giảm mức ưu tiên hơn đối với Bakhmut từ tháng Một năm 2023 khi Bộ này cắt đứt các nỗ lực tuyển dụng tù hình sự của Tập đoàn Wagner, điều này có thể đã khiến Prigozhin phàn nàn công khai về việc thiếu sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng cho những nỗ lực chúng bắt đầu từ tháng Hai trên các hướng Soledar – Bakhmut.

Bộ quốc phòng Nga sau đó đã nhanh chóng phân bổ thêm nguồn lực cho chiến trường Bakhmut vào các tháng Ba và Tư bằng cách đưa thêm xe tăng T-90 và lực lượng Bộ đội đổ bộ đường không (VDV) của Nga đến khu vực Bakhmut.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin của Ukraine và Mỹ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã bắn hạ một tên lửa Kinzhal vào đêm 04/05.

Bình loạn : Có một người bạn nhắn vào inbox trên Facebook về tin của VN Tàu Nhanh: Nga tuyên bố đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Ukraine, và hỏi tui là có đúng hay không. Tui trả lời rằng tấn công chẳng bao giờ chạy liền một mạch cả, ai cũng phải thở tí chứ. Nếu “chúng nó” dừng lại thở, báo đài của “ta” sẽ đưa tin là CHẶN ĐỨNG. Còn nếu “chúng nó” tiến xa quá đến vị trí bất lợi, có thể sẽ phải rút về một quãng nào đó để củng cố vị trí phòng ngự, rồi phục hồi mới tấn công tiếp. Khi đó báo đài của “ta” sẽ đưa tin là “đẩy lùi.”

Format “các lực lượng Nga đã đẩy lùi 8 cuộc tấn công trên bộ và 3 “nỗ lực do thám” của lực lượng Ukraine” (“nỗ lực do thám” này theo từ ngữ quân sự hệ Xô-viết là “trinh sát chiến đấu”) copy y hệt các bản tin của Bộ Tổng tham mưu và Đại bản doanh Ukraine, nhưng thật ra là rất khác nhau – dù ngay trên cùng một chiến trường Bakhmut này thôi. Từ đầu đến giờ Nga tấn công theo chiến thuật “các làn sóng” hết đợt này đến đợt khác và tiến lên tính bằng một vài trăm mét, thậm chí dậm chân tại chỗ trong rất nhiều ngày, khi đó thì việc đưa tin “đẩy lùi nhiều đợt tấn công” là logic. Còn nếu trong 3 ngày mà người ta tiến chỗ ít chỗ nhiều từ 2 đến 5 ki-lô-mét thì sao gọi là đẩy lùi với chặn đứng được.

Vì thế tin của Nga và sau đó là báo chí Việt, vẫn nhảm nhí như thường lệ.

Các bình luận khác liên quan đến cuộc phản công ở Bakhmut, xin để phần cuối cùng. 

2. Câu chuyện về trực thăng Nga

Trước đây có lần tui đã nhắc đến các chiến binh mujahideen trong cuộc chiến tranh Liên Xô can dự vào Afghanistan nhận xét về những chiếc trực thăng Liên Xô: “Người Nga – chúng tôi không sợ họ. Chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ.” Thứ đáng sợ nhất của trực thăng Liên Xô hồi đó trên chiến trường A-phú-hãn, là Mi-24 chứ chưa phải là Mi-28 hay Ka-52 bây giờ ở Ukraine.

Ngoài ra chiếc Mi-8 hay còn gọi là Mi-17 bản xuất khẩu như Việt Nam dùng, khi được biến thành trực thăng vũ trang thì cũng đáng sợ không kém. Lại có lần tui kể về bà xã khi nhìn thấy cái trực thăng Mi-24 trong phim Top Gun 2 đã sợ chết khiếp – đúng là chưa có cỗ máy giết người nào lại trông đáng sợ như thế, ngược với hầu hết các vũ khí Nga như xe tăng và máy bay mỗi cái đều được tạo hình có vẻ đẹp riêng.

Nhưng từ khi mujahideen có Stinger thì tất cả đổi khác – lúc này mới lộ ra rằng trực thăng Liên Xô đúng là đáng sợ, nhưng chủ yếu là do đối thủ của họ không có phương án nào để chống lại chúng. Trước đó, chiến thuật “Trực thăng vận” sau khi gây khó khăn cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng bị thiệt hại nặng nề: đâu như đến 4.500 chiếc UH-1 “Huey” tất cả, rơi trong chiến tranh Việt Nam. Có mấy ông tướng Hoa Kỳ chết trong các vụ rơi trực thăng, chủ yếu là bị bắn và phần lớn, quân giải phóng Việt Nam dùng các vũ khí bộ binh cỡ trung và nặng: trung liên đến đại liên và thượng liên, chưa cần đến pháo phòng không.

Dù Mi-24 đáng sợ như thế, nhưng tại sao phương Tây không có cái gì để đối trọng với nó? Theo một chuyên gia về trực thăng cùng sinh hoạt với tui trong diễn đàn quân sự phương Tây, anh ta nói dù ra đời sau UH-1 nhưng Mi-28 với cách tiếp cận khác, thua xa UH-1:

- Thứ nhất, về hạng của máy bay – Mi-24 là trực thăng hạng nặng còn UH-1 là hạng nhẹ, về khối lượng Mi-24 nặng hơn UH-1 đến gần 4 lần. Nhìn chung các nước phương Tây không có xu hướng này, tức là sản xuất ra trực thăng vũ trang hạng nặng. Một mục tiêu cỡ lớn như vậy sẽ ngày càng khó được bảo vệ trên chiến trường.

- Thứ hai, về chi phí. Với giá thành của mình, cộng thêm do tính năng rất ổn mà chiếc UH-1 được sản xuất với số lượng rất lớn, giá thành của UH-1 hiện vào cỡ 900.000 đô-la Mỹ, trong khi nếu sản xuất mới Mi-24 trong giai đoạn hiện nay cũng phải 11 đến 12 triệu đô la Mỹ.

- Thứ ba, về cách tiếp cận ứng dụng. Mi-24 được các nhà sản xuất muốn tích hợp cả tính năng chiến đấu lẫn chở quân – tải thương nên trở thành nhân viên bách nghệ, từ đó nghề gì cũng biết nhưng không có nghề gì giỏi. Thay vì sử dụng 1 chiếc Mi-24 cho tất cả các nhiệm vụ trên, thì người ta có thể sử dụng 3 chiếc UH-1, 1 chiếc tấn công, 1 chiếc cảnh giới và 1 chiếc chở quân tải thương. Với cách tiếp cận này thì người Mỹ đúng như… người Xô-viết trong Chiến tranh thế giới 2 đã làm với xe tăng T-34 còn người Liên Xô sau này với Mi-24 đi vào vết xe đổ của người Đức với xe tăng Cọp, Báo. Khổ cái xe tăng Cọp, Báo vốn dĩ rất tốt, còn Mil-24 chưa đủ tốt đến cỡ “chất lượng hàng đầu thế giới” như Cọp và Báo. 

Ông chuyên gia Mỹ kia nói, bây giờ với rất nhiều nước trên thế giới mà có được UH-1 sản xuất mới với số lượng dồi dào, với công nghệ mới tích hợp (chủ yếu là điều khiển, điện tử, định vị, liên lạc) các vũ khí thông minh đính kèm… thì còn tốt bằng tỉ lần các trực thăng mới của Nga, kể cả Mi-28 và Ka-52.

Hồi đầu chiến tranh, đã có những chuyện rằng:

- Trực thăng Nga do thiếu thiết bị điện tử gì đó, nên khả năng định vchính xác mặt đất hỗ trợ phi công rất kém, do đó nhiều chiếc bị va vào mặt đất bốc cháy.

- Trực thăng Nga do thiếu vũ khí dẫn đường thông minh và chính xác, nên phải dẫn mục tiêu bằng laser. Do vậy nó phải treo một chỗ để soi laser vào mục tiêu, máy bay rung lắc làm cho độ chính xác không đảm bảo đồng thời do phải đỗ một chỗ, dễ ăn đạn của đối phương.

- Trực thăng Nga do không mua được linh kiện từ Pháp, nên hệ thống tự bảo vệ bắn mồi bẫy không đảm bảo, tên lửa bắn vào là chết.

- Mới đây nhất là tin do thiếu linh kiện phương Tây, hệ thống ghế phóng nhảy dù cho phi công có những vấn đề nghiêm trọng: đồng bộ hóa giữa ghế và cánh quạt kém, ghế va vào cánh quạt làm chết phi công; lực bắn phi công ra quá mạnh không khống chế được làm phi công bị tai nạn sau khi nhảy dù. Nhẹ nhất là không đủ sức khỏe bay tiếp, nặng hơn là gãy cột sống và nặng nữa là mất mạng.

Ngày 03/05 năm nay, căn cứ của trực thăng Nga ở Mospyne (tỉnh Donetsk bị Nga tạm chiếm) bị tấn công bằng thứ vũ khí gì đó. Người dân địa phương cho biết cháy nổ to và kéo dài, không rõ thiệt hại bao nhiêu nhưng một số blogger quân sự Nga viết cháy mất mấy chục cái trực thăng đỗ ở đó.


3. Nói tiếp chuyện tên lửa Patriot tiêu diệt tên lửa siêu thanh của Nga

Các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ đã đến Ukraine và đã thấy kết quả hoạt động của chúng. Chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine Mykola Oeshchuk cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng tên lửa đạn đạo loại Kinzhal “bất khả chiến bại” của Nga đã bị đánh chặn hôm thứ Năm 04/05 trong một cuộc tấn công ban đêm vào thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Vâng, (đúng là) “độc nhất vô nhị” chúng tôi đã bắn hạ chiếc Kinzhal,” – Olishchuk viết – “Chuyện xảy ra trong cuộc tấn công vào ban đêm ngày 4 tháng Năm trên bầu trời Kyiv.” Ông cho biết thêm tên lửa Kh-47 “Kinzhal” đã được phóng từ một máy bay MiG-31K từ lãnh thổ Nga và sau đó nó bị bắn hạ bằng tên lửa Patriot.

“Kinzhal” là một trong những loại vũ khí tối tân và mới nhất của Nga. Quân đội Nga cho biết tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có tầm bắn lên tới 2000 ki-lô-mét và bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh nên rất khó bị đánh chặn. Quân đội Ukraine trước đây cho biết họ thiếu các phương tiện cần thiết để đánh chặn “Kinzhal”.

Người phát ngôn Lực lượng Không quân Yuryi Ihnat nói với kênh truyền hình Channel 24 của Ukraine: “Họ nói rằng Patriot là vũ khí lỗi thời của Mỹ và vũ khí của Nga là tốt nhất trên thế giới”. “Chà, nhưng lại có xác nhận rằng nó hoạt động hiệu quả với cả tên lửa siêu thanh.” Ông này còn nói việc đánh chặn thành công Kinzhal là “một cái tát vào mặt Nga”.

Vì vậy, hệ thống Patriot ngay lập tức chứng tỏ bản lĩnh bằng cách hạ gục một trong những tên lửa tinh vi nhất của Nga. Chuyện này cũng được nhiều cơ quan đoàn thể xác nhận, kể cả giới chức quân sự Mỹ.

Bình loạn : Câu chuyện tui muốn nói là bọn dư luận viên chúng nó đem so sánh giá thành: Patriot có giá khoảng 4 triệu đô la cho mỗi tên lửa, trong khi Kinzhal, tức một phiên bản 9k720 “Iskander” chỉ có giá 3 triệu thôi, và hỉ hả về chuyện đó. Bố tiên sư bọn điên, tương quan này với vũ khí phòng không bao giờ cũng đắt hơn vũ khí tấn công đường không nhiều, vì người ta căn cứ vào giá trị của mục tiêu cần bảo vệ chứ không phải là cái nào đắt hơn cái nào.

4. Ở Bakhmut đã phải là phản công hay chưa? Và đoán mò

Có thể nói là chưa, nếu căn cứ vào tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi rằng “Ukraine cần thêm thời gian để tiến hành một cuộc phản công vì nước này đang chờ chuyển viện trợ quân sự như đã hứa.” Điều này trùng với thông tin bên nhà bác N.X. Bich:

• Tiểu đoàn “Aidar” của Ukraine, đã lấy lại khu định cư Ivanivske nằm ở tây nam Bakhmut. Tối qua tôi (bác N.X. Bich) có ngồi nghe tường thuật của một chuyên gia và phóng viên chiến trường tại Bakhmut, thì họ nói Ukraine mới sử dụng một lực lượng dự bị rất bé của trung đoàn Azov và xe tăng (trong trung đoàn này có biên chế xe tăng và thiết giáp, gần như một đơn vị đặc nhiệm). Nhưng quân Nga thua và bỏ chạy là do tinh thần kém, thiếu đạn và khi thấy xe tăng Ukraine xuất trận thì chúng hoảng loạn. Các chuyên gia quân sự Ba Lan đánh giá đây chỉ là một cuộc phản công chiến thuật của người Ukraine, chưa phải là chiến lược.

Nhìn chung tui đồng ý với ý kiến cho rằng đây là phản công chiến thuật của người Ukraine – căn cứ ngay trên tầm vóc của “trận Bakhmut” và vị trí của nó, dù vẫn có thể coi nó là “chốt chặn” trên con đường của quân Nga tiến chiếm 2 thành phố Slovyansk và Kramatorsk. Nhưng cũng trên tường nhà bác Bich tui cũng comment trả lời một ai đó: coi là chiến thuật là chiến thuật, nhưng tính chiến lược của nó lại rất cao, không hề nhỏ chút nào. Điều này có một số căn cứ.


• Với Nga

- Thứ nhất. Từ đầu chiến tranh Nga chiếm Kupyansk, Kherson, Melitopol rất đơn giản, ít phải chiến đấu vì thực sự lúc đó quân đội Ukraine yếu và ít người, phải tập trung cho mục tiêu bảo vệ chính quyền đầu não, bảo vệ thủ đô. Chiếm Mariupol là biểu tượng thành công giai đoạn đó của Putox với những quan điểm được nâng cao: thành phố của quân Azov, thành phố cảng với tổ hợp thép Azovstal… Khi đó mục tiêu chiến lược của cả hai bên là lật đổ chính quyền và bảo vệ chính quyền.

Sau khi thất bại ở Kyiv, Nga rút quân về và “xoay trục” sang mục tiêu chiếm đất, lúc này Putox mới loay hoay tính vào sổ thành tích những thành phố trên, và chiếm thêm được Izyum… Đến đây, chúng ta mới có thể nói rằng Izyum và trước đó là Kupyansk thực sự là hai thành công có tính chiến lược của đạo quân Putox. Sau khi “xoay trục” hắn chuyển mục tiêu sang chiếm nốt phần còn lại của Donbas gồm: Severodonetsk, Lysychansk, cuối cùng là Slovyansk và Kramatorsk.

Kramatorsk và Izyum đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này: nó cho phép quân Nga tấn công Slovyansk và Kramatorsk từ phía sau. Trận chiến giằng co suốt từ tháng Năm 2022 đến tháng Chín 2022 khi chiến dịch phản công mùa thu của người Ukraine bắt đầu, chiếm lại Izyum và Kupyansk. Sau chiến dịch này, chúng ta khẳng định với nhau rằng kế hoạch chiếm nốt phần còn lại của Donbas của Putox, coi như vứt xuống cống. Không bàn đạp. Không đường vận lương. Đánh vỗ mặt thì còn lâu mới ăn được.

- Thứ hai. Đi sâu vào Bakhmut. Quân Nga xoay trục có nghĩa là mọi mục tiêu chẳng chiến lược, chiến thuật gì hết – chuyển sang định lượng, đếm số khu dân cư, thị xã thị trấn… nếu có cái gọi là “chiến lược” thì chỉ là vấn đề của… đường vận lương. Bakhmut thậm chí còn không được như thế, nghĩa là các trục đường nó nằm trên không có ý nghĩa nhiều với quân Nga. Tuy vậy, quân Nga muốn chiếm Slovyansk và Kramatorsk thì phải đi qua Bakhmut. Vì vậy với Nga, Bakhmut đáng nhẽ ra là một mục tiêu chiến thuật, lại trở thành chiến lược.

• Vậy đối với người Ukraine thì sao?

- Với họ các mục tiêu định lượng được xét về mặt chiếm đất, thì hai thành phố Izyum và Kupyansk là chiến lược – nó làm phá sản kế hoạch chiếm phần còn lại của Donbas của Putox. Với người Ukraine, chiếm lại được thành phố Kherson và quan trọng hơn – vùng hữu ngạn sông Dnipro giúp cho quân Ukraine tiếp cận được bờ sông, đem lại khả năng đổ bộ sang bên kia, là chiến lược.

Tình trạng loang lổ da báo của vùng Kherson – Zaporizhzhia (chiến trường miền nam) cùng tính độc đạo của Crimea, vô tình biến cầu Kerch trở thành chiến lược: nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của Crimea thuộc Nga đồng thời do những tuyên bố xanh rời của lãnh đạo nước này, nếu Crimea mất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của chế độ Putox. Chưa có ai tài như anh em nhà Putox, những thứ hết sức bình thường nhưng quen với thói to mồm, cứ phải gào lên. Nếu trước nay cứ tuyên bố đất chiếm được “với bố chỉ là đất chó ỉa thôi” thì cũng không đến nỗi nào. Chẳng cái ngu nào giống cái ngu nào. Tất cả trong tính toán của Putox cả.

- Với các mục tiêu không nhìn thấy được mới ghê: Năng lực quân sự của Nga – dần dần bị người Ukraine đưa xuống con số “không”. Với chiến lược tiêu hao cộng với sự yếu kém của quân đội Nga – buộc phải đánh nhau bằng số lượng nên lượng tiêu hao của nước này cả về nhân lực lẫn kỹ thuật là con số khổng lồ. Tui không biết điều này có nằm trong mục tiêu của người Ukraine hay không, nhưng những gì đang diễn ra thì đúng là sau cuộc chiến, nước Nga chắc chắn sẽ trở thành rất yếu ớt về quân sự, cũng phần lớn do sự yếu kém của chính họ (thua chính bản thân mình).

- Để chiến thắng trong trận cuối cùng của chiến tranh, như trước đây đã từng làm người Ukraine tiếp tục thi hành chiến thuật nhưng lại rất chiến lược – “bào mòn” năng lực tiến hành chiến tranh của người Nga, bằng cách đánh sâu vào các trung tâm hậu cần sau mặt trận, vào các trung tâm chỉ huy tác chiến… Điều đó đóng vai trò quyết định đến những thiệt hại nặng nề của quân lính chiến đấu trên chiến trường.

Vậy tại sao tui lại nhận xét rằng, những gì diễn ra ở Bakhmut tuy gọi là cách diễn biến có tính chiến thuật, lại có tính chiến lược?

- Như trên đây tui đã nhận xét, do chính cách tiếp cận của người Nga. Coi nó là chiến lược, thì nó sẽ là chiến lược cho ông. Ông dồn hết cả vốn lẫn lãi vào đặt cửa, thì thua ở đó dù chỉ là một quân số nhỏ thôi, cũng đủ gây ra sụp đổ lớn. Theo yêu cầu của Prigozhin, Nga cần sản xuất hơn 29 triệu quả đạn mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của Wagner. Như vậy con số này gấp 13 lần so với trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. Riêng một nhúm quân con con tấn công một thị xã bằng thành phố Bắc Ninh mà cần đến 13 lần năng lực sản xuất đạn dược của một quốc gia, thì không phải yếu kém thì là cái gì?

- Theo con số của bác N.X. Bich thì ở Bakhmut có khả năng 23.000 đến 25.000 quân Nga sẽ rơi vào trong “cái chảo” – bị bao vây. Theo tui con số này hợp lý vì hôm trước tui đã ước tính quân Nga ở toàn bộ khu vực Bakhmut cả những vùng xung quanh từ 45.000 đến 50.000 quân. Nếu Bakhmut sụp đổ, sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ chiến trường Ukraine từ đông xuống nam.

Chiến thuật này của người Ukraine gọi là “chiến thuật Keystone” (từ khóa Google “Keystone gate”) – viên đá trên cùng hình cái nêm hay cái chèn, nó chèn cho cả cái vòm cổng được giữ vững và nếu đánh bật nó, thì cả vòm cổng sẽ sụp đổ. Tui không biết sẽ có bao nhiêu, nhưng giả định cả chiến trường Ukraine có khoảng từ 3 đến 4 keystone như thế và Bakhmut bây giờ là một hòn quan trọng, thậm chí quan trọng nhất.

Có một người trong cuộc từ Ukraine cho biết: quân đội Nga đã đến mức kiệt quệ. Điều nay có vẻ đang đúng trên chiến trường Bakhmut vì quân Ukraine tiến những bước tiến rất sâu nhưng quân Nga chỉ có chạy, và hoàn toàn không có chuyện tổ chức được những mũi phản kích vào hai bên sườn.

Và cũng đúng như tui đã báo cáo các bác trong những bài trước đây: họ (người Ukraine) sẽ đánh quân Nga theo chiến lược – chiến thuật “bào mòn” đến mức kiệt quệ; để làm sao sau đó cứ đánh là chạy, đánh là chạy; hoặc ngược lại cứ thấy sụp đến nơi là đánh để “đánh là chạy”. Bây giờ là cái thứ tên lửa gì đó có tầm bắn gần 300 ki-lô-mét bắn sâu tiếp vào hậu phương quân Nga, đóng góp thêm tính chắc chắn của quá trình “đánh và chạy” của hai bên.

Vì thế có thể coi Bakhmut mấy ngày sau 09/05 này là thử, nháp, hay “trinh sát chiến đấu” gì đó nhưng cần khẳng định là – “nó” đã bắt đầu. Mọi chuyện vẫn đang đúng y như chúng ta đã dự đoán.

PHÚC LAI 13.05.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.