mardi 23 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (6)

 

Hồi ấy, một ký gạo được quy thành 3 ký đại mạch (bo bo), nhập từ Liên Xô. Người và lợn tranh nhau thứ đặc sản này.

Nó nhỏ hơn hạt đỗ đen, màu nâu nhạt, lõm giữa, cứng như đá. Đã không có điện đun nấu, thiếu cả than củi (đến nỗi thầy Võ Thanh Long dạy lý trong chuyến đi chơi thăm công trình thủy điện Trị An chả thiết ngắm nghía gì, cứ nhăm nhăm tìm mua củi, đem về chất đầy hành lang ký túc xá, còn nhà chú Thăng chỉ chẻ củi mà nát cả nền gạch phòng xép trên lầu 4).

Vậy mà thứ của khỉ này đổ vào nồi nhôm đặt lên bếp than tổ ong hầm đến lụi bếp mới chịu nở mềm. Nhai nó nhạt nhẽo, như trâu trệu trạo nhai rơm trong chuồng.

Không ăn thì đói, cố nuốt, nghẹn, nước mắt trào ra. Ăn vào thế nào, khi thải ra vẫn y nguyên vậy. Không ngờ đời giáo học của nhà trường xã hội chủ nghĩa một đất nước đã thống nhất "nào bên nhau cầm tay, ta lên đường hạnh phúc" như lời một bài hát của nhạc sĩ Văn An, mà khổ thế, khổ như con lợn, thảm hơn cả anh giáo Thứ trong Sống mòn của cụ Nam Cao xưa kia.

Lão giáo học Vy nghĩ ra một kế, hầm bo bo cho mềm, xong lấy chảo quẹt tí mỡ (mỡ cũng là hàng hiếm) đổ bo bo vào đảo lên, nêm nếm mắm muối, thêm ít cọng rau, thành món hổ lốn, Vy đặt tên là “Ngọc thực đặc sản”. Xơi được vài bữa cũng chán bởi dù gì nó cũng chỉ là bo bo.

Mì tôm còn có giá, còn bán cho mụ Tàu được, chứ bo bo thì… chó nó thu mua, Thiệp cằn nhằn sau khi vác một bao xuống bán nhưng chả ai thèm để ý. Thưởng thức bo bo được vài năm, mặt anh nào anh ấy hõm vào, giơ xương, hốc hác, sắc diện nhợt nhạt, thiếu hẳn sinh khí, nhìn mặt chỉ thấy cằm thấy trán bọc da, lơ thơ lèo bèo chút thịt. Đó là khuôn mặt điển hình trong thực tế của phần đông thầy cô giáo lẫn công nhân viên chức những năm từ 1978 đến giữa thập niên 1980.

Năm tôi cưới vợ, thầy Châu Hoàng Tiểng dạy toán, người chụp ảnh duy nhất của Trường Dự bị đại học TP.HCM, ưu ái chụp cho cuộn phim đen trắng Sveta 32 kiểu. Gửi phim sang Liên Xô nhờ ông anh trai đang học bên đó rửa ảnh cho rẻ. Giờ thỉnh thoảng lật giở coi lại mấy cái hình đám cưới, nhìn mặt mình, cứ tưởng đứa nào. Đưa cho con xem, chúng săm soi ngắm nghía ngồi lâu rồi bảo chắc không phải bố. Riêng chuyện đám cưới thời bao cấp tôi sẽ viết ở phần tiếp theo.

Mỗi dân tộc đều có những thời khốn nạn. Cứ nghĩ rằng dân xứ này khi bị đẩy vào cuộc nội chiến Bắc - Nam tương tàn, nồi da xáo thịt, anh em trong nhà bắn giết nhau, hại nhau bởi cái ý thức hệ… là khốn nạn lắm rồi. Nhưng ai ngờ khi đất nước đã thống nhất, hòa bình đã trở về thì lại bước sang thời tăm tối mới.

Bốn mươi năm, từ 1955 đến 1995 (riêng miền Nam từ 1975 - 1995), chỉ bởi sự hãnh tiến, ngu dốt, độc đoán của nhà cai trị với những đường lối ngu dại, chủ trương ngoan cố giáo điều, những kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, hợp tác xã, đánh tư sản, cải tạo công thương theo kiểu ăn cướp… mà cuộc sống nhân dân có lúc bị đẩy vào tận chân tường, bờ vực. Những năm dài đen tối ấy đều được lịch sử và người tử tế ghi lại bằng cách này hay cách khác.

Thủ phạm dù có được đặt tên đường, được tung hô ca ngợi, được dựng tượng, lập nhà thờ, rồi cũng tới ngày bị xem xét lại công tội phân minh. Nói đâu xa, những năm dài ăn độn, tọng hạt bo bo vào miệng dân là sản phẩm của những đấng bậc ấy chứ đâu phải của ai.

NGUYỄN THÔNG 23.05.2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (5)

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (4)

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (3)

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (2)

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (1)

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.