lundi 22 mai 2023

Phúc Lai - Một số nhận xét về tình hình chiến sự ở Ukraine mấy ngày qua (22/05/2023)

 

1. Đề tài được nói đến nhiều nhất là “Nga đã chiếm hết được (vùng nội đô) Bakhmut hay chưa?”. Và hình ảnh nổi bật nhất là Prigozhin cùng mấy thằng đàn em ra một chỗ nào đó gần nhà ga của thị xã này, cầm cờ ba màu chụp ảnh ắp Phây.

Tui thì thường chưa tin ngay những chuyện đó – vì ngay cả những tin có lợi cho Ukraine tui cũng thận trọng chứ không dám nóng vội. Chẳng bao lâu sau khi Prigozhin tuyên bố thì có tin Putox tuyên dương, hứa sẽ tặng thưởng các cá nhân và đơn vị trong công lao “giải phóng Artemivsk” tức Bakhmut. Nhưng sau đó thì chính tổng thống Zelensky từ Hiroshima bác bỏ tin trên.

Bình loạn : Những diễn biến này cho thấy:

Thứ nhất, đúng là đánh nhau đường phố thực sự khó khăn, và cứ nếu còn đường tiếp viện cho một khu vực nào đó thì cái phường hoặc tổ dân phố đó sẽ đứng vững còn lâu.

Thứ hai. Tui không cho rằng biện pháp xài pháo binh bắn túi bụi, cấp tập của Nga vào một khu vực càng ngày càng nhỏ, là thực sự hiệu quả dù rõ ràng là cũng có kết quả. Tuy nhiên cái kết quả này cần được nhìn nhận rõ ràng rằng: Quân lính Ukraine chỉ lui khi Nga bắn nát những chỗ họ vừa giữ, khi đó thì việc giữ không còn ý nghĩa gì nữa vì chỉ còn là đống gạch vụn.

Thứ ba. Có thể những công trình còn lại liên quan đến khu thành cổ, không thể phá được bằng pháo binh thông thường, nên Nga vẫn chưa thể chiếm được hết và nó đang là đầu cầu cuối cùng. Như ông Tổng tham mưu trưởng kiêm tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi nói họ vẫn chiếm giữ một vị trí để thuận lợi cho tấn công sau này…

… Điều đó làm cho chúng ta có thể hy vọng họ có một kế hoạch nào đó khác mà việc siết hai gọng kìm hai bên, chỉ là một phần của nó. Nếu có kế hoạch dạng này, bây giờ chưa phải là lúc phong tỏa đường vào nội đô Bakhmut của quân Nga mà vẫn có thể vào được, và cũng chưa phải là lúc ồ ạt chế áp các hỏa điểm pháo binh của Nga. Điều đó sẽ đến khi họ kéo vào “chảo” đủ đông, và gọng kìm khép đủ chặt, đồng thời loại trừ các khả năng đánh phá vây từ phía bắc và phía nam.

Diễn biến lúc đó sẽ là dùng pháo binh phong tỏa các đường ra vào lòng chảo là khu nội đô Bakhmut, đồng thời lập tức chế áp – tiêu diệt các hỏa điểm pháo binh Nga. Các điểm ém xe tăng Nga xung quanh Bakhmut (khoảng cách cỡ 20 ki-lô-mét) sẽ bị tẩn tơi bời bằng máy bay, bom lượn và các loại tên lửa. Hai mũi tấn công mạnh và nhanh sẽ được tiến hành ở hai bên mé bắc và nam Bakhmut tạo ra nguy cơ bị khép gọng kìm.

Khi đó thì quân Nga trong chảo sẽ hoảng loạn và chạy, những điểm dồn nghẽn xe cộ người ngợm phương tiện sẽ cực kỳ đẫm máu. Nếu có một kế hoạch như vậy thì nó chỉ diễn ra trong vài ngày đến một tuần nữa thôi, nếu không thì thời cơ sẽ qua mất.

2. Dự đoán diễn biến và đoán mò luôn: Nga có phương án nào?

Như trên đây tui đã viết, quân Nga dự trữ xe tăng để tổ chức phản kích, do vậy hiện nay họ chưa đưa xe tăng vào trận.

Ngày 01/04 tui có viết bài liên quan đến xe tăng T-55 của Nga, mời các bác đọc lại.

Thực ra tui có biết là các chuyên gia quân sự của họ đã đi một số xứ sở thiên đường thần tiên nào đó, để tìm hiểu về các dự án nâng cấp, tự động hóa pháo phòng không 37 mm và 57 mm. Tui có viết rằng: Họ cần một thứ vũ khí kiểu Terminator để chống lại chiến thuật tấn công nhanh, thọc sâu bằng kỵ binh (bộ binh cơ giới) của Ukraine sử dụng xe bọc thép nhẹ và nhanh. Với chiến thuật đó, các tổ tên lửa chống tăng sẽ đi kèm với bộ binh và triển khai chống xe tăng khi có tin trinh sát phát hiện ra chúng. Ngoài ra sự hỗ trợ của pháo binh cũng rất cần thiết – nghĩa là xe tăng Nga sẽ phải đối phó cùng một lúc với nhiều nguy cơ, trong đó có UAV, tên lửa hành trình, tên lửa chống tăng và cuối cùng mới là xe tăng của quân Ukraine.

Trong hoàn cảnh đó, xe tăng Nga sẽ ngay lập tức thua thiệt (nói chính xác là xe tăng hệ Xô-viết) vì không đủ tốc độ quay tháp pháo (khía cạnh này đã có so sánh ngay cả xe tăng Nga với các xe tăng phương Tây mà Ukraine được trang bị) nhưng chắc chắn nó sẽ không đủ tốc độ quay tháp để bắt kịp được một mục tiêu nhanh nhẹn như xe bọc thép. Vì vậy nó cần được hỗ trợ bằng một thứ khác, và bây giờ là câu chuyện của T-55.

Hôm đó bác nào cứ nhất quyết phản đối ý tưởng này – cứ như là ý tưởng của tui vậy. Ở thời điểm đó tui không thể nói được đó là ý tưởng của người Nga mà người Nga thì lạ lắm, họ có thể nghĩ ra những cái chúng ta không bao giờ nghĩ tới.

Và mấy hôm vừa rồi, xuất hiện trên chiến trường Bakhmut những cỗ xe kỳ dị thân T-55 và tháp là pháo phòng không 57 mm. Có thể trong kho còn nhiều đạn, thậm chí xứ sở nào đó cấp cho Nga lấy một số; nhưng quan trọng là cải thiện tốc độ quay tháp pháo để chống bộ binh cơ giới…


Chuyện đó không quá quan trọng. Quan trọng với Nga là pháo binh – xin xem một bức ảnh cũng ở Bakhmut, một số Msta-B bị bỏ lại vì toác hết cả nòng. Với họ không còn là vấn đề đạn nữa mà là vấn đề của nòng pháo và rất nhiều chi tiết khác của xe – bản thân nó là cái xe tăng. Nga mà không có pháo tự hành thì nguy to – vì không thể phụ thuộc hoàn toàn vào pháo phản lực phóng loạt (MLRS) được. Pháo phản lực xoẹt phát hết, trong khi đó pháo nòng có thể duy trì được tần suất bắn liên tục. Với pháo phản lực gánh nặng hậu cần cũng ghê gớm hơn nhiều.

Nhìn chung, dù quân Ukraine đang siết gọng kìm hai bên Bakhmut nhưng có vẻ chưa quá hăng hái, vì tình hình bên trong nội đô chưa ngã ngũ, tấn công còn mang tính thăm dò vì Nga cũng có thể tổ chức phản kích bất cứ lúc nào. Theo ước tính trên bản đồ, nếu tấn công để khép gọng kìm, thì mỗi mũi phải tiến từ 15 đến 20 ki-lô-mét ở bắc và nam Bakhmut.

Hiện tại, Nga chỉ còn chỗ dựa chính là xe tăng để tổ chức phản kích, còn pháo binh và máy bay đã suy giảm rất nhiều. Đó cũng là lý do mà các cấp các ngành của Nga tất cả đều nhận ra nếu bây giờ cứ bị tấn công là sẽ vỡ trận.

Một trong những lý do nữa của trận phản công tiềm tàng – đây chỉ là suy đoán cá nhân thôi – rằng xung quanh Bakhmut là mới chiếm được và diễn ra chiến sự hàng ngày, nên Nga chưa kịp thiết lập hệ thống phòng thủ mạnh và dày đặc.

3. Trong những ngày qua, đã có rất nhiều tin liên quan đến cái chết của 3 người.

Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ihor Tantsiura,

Tổng tham mưu trưởng kiêm tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi và

Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhnyi.

Nhất là ông Valeriy Zaluzhnyi trong mấy ngày cuối tuần qua đã làm tốn nhiều sức lực tinh thần của vài KOL ủng hộ Ukraine vì lo lắng cho tính mạng của ông ấy.

Về vấn đề này, bà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar nói với truyền hình quốc gia Ukraine, tin được Ukrinform đưa lại: “Trong hai tuần qua, chúng tôi đã ghi nhận ba câu chuyện giả mạo của kẻ thù về “cái chết” của các chỉ huy của chúng ta. Vấn đề an ninh cá nhân của giới lãnh đạo chính trị - quân sự của Ukraine hiện có tầm quan trọng chiến lược. Những tin này rất dễ dàng để kiểm tra và bị bác bỏ, đó là những gì đã được thực hiện. Mặt khác, bạn phải hiểu rằng người Nga có xu hướng là, các thông tin của họ được lực lượng mặt trận đưa về qua các báo cáo, không cần xác minh với những người thi hành, họ sẽ đưa ngay lên truyền thông.”

Bình loạn : Những gì đang diễn ra cho thấy duy nhất một điều rằng Nga vì đang thua, nên bắt đầu có dấu hiệu hoảng loạn và làm trò nhảm nhí. Cá nhân tui thấy chuyện cuối tuần vừa qua không đáng để… chúng ta hoảng loạn, vì có một vài điều phi lý (1) Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhnyi vừa chết trước đó khoảng 10 ngày, nay lại chết tiếp và (2) Làm gì mà chết đến 3 ông cỡ bự một lúc như thế.

Chết kiểu đó chỉ có rơi máy bay khi cả ba đi cùng một chuyến, hoặc từ cái mồm Konashenkov. Tui cũng không hiểu sao những người đang là KOL có vòng ảnh hưởng lớn lại có thể có tâm lý dễ bị tác động đến vậy.

Chuyện trẻ con nó cũng không tin được.

4. Lại chuyện Nga bốc phét hoặc bốc phét cho Nga.

Vừa rồi có một bác dẫn về luận điệu của dư luận viên pro Nga viết cái gì nhỉ: “Các phát minh của Nga bao gồm máy biến thế, máy bay trực thăng, máy ghi hình, cao su tổng hợp, máy thu hoạch ngũ cốc, điện báo, hàn hồ quang, bộ tản nhiệt, sữa bột và hàng ngàn thứ khác…”

Thực chất nguồn của những thông tin này do một bài viết của lão Rahul Shrivastava, Đại sứ Ấn Độ tại Venezuela – đăng trên Quora từ 2016 như sau:

“Kích thước của Nga lớn hơn sao Diêm Vương. Nếu Siberia là một quốc gia, nó sẽ là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới. Nga trải dài khoảng 10000 km từ đông sang tây, gần gấp ba lần đường kính của mặt trăng, gấp rưỡi đường kính của sao hỏa và chỉ kém đường kính trái đất 2000 km.

Tổng tài nguyên thiên nhiên của Nga trị giá 75 nghìn tỉ USD.

Nga có trữ lượng lớn nhất và là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất. Nó có trữ lượng than lớn thứ hai, trữ lượng dầu lớn thứ tám và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Nga là nhà sản xuất hàng đầu về đồng, florit, quặng sắt, vôi, vàng, hợp chất magie và kim loại, mica, coban, nhôm, amiăng, asen, cadmium, than đá, xi măng, boron, bauxite, vanadi, titan xốp, thiếc, vonfram, kali, lưu huỳnh, silic, rheni, thép, gang, niken, palađi, phốt phát, dầu mỏ, nitơ, than bùn và đá phiến dầu.

Nga có 40% trữ lượng vàng của thế giới.

20% sản lượng kim cương cấp công nghiệp và 25% sản lượng đá quý toàn cầu đến từ Nga.

11% thị trường nhôm toàn cầu được kiểm soát bởi chỉ một công ty Nga, Rusal.

Nga có hơn 1/5 diện tích rừng trên thế giới. Khoảng một phần năm số gỗ trên toàn thế giới hiện diện trong các khu rừng ở Siberia.

Nếu bạn đặt các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Nga quanh đường xích đạo, nó sẽ bao quanh trái đất 6 lần.

Chỉ có một hồ của Nga, hồ Baikal có 20 phần trăm toàn bộ nước ngọt trên thế giới.

Nga có 4 trong số 10 con sông lớn nhất thế giới.

20 tỉ phú hàng đầu của Nga có tổng tài sản khoảng 250 tỉ USD, nhiều hơn GDP của 150 quốc gia riêng lẻ trên thế giới.

Các phát minh của Nga bao gồm máy biến thế, máy bay trực thăng, máy ghi hình, cao su tổng hợp, máy thu hoạch ngũ cốc, điện báo, hàn hồ quang, bộ tản nhiệt, sữa bột và hàng ngàn thứ khác mà nếu không có nó thì cuộc sống ngày nay sẽ rất khác.

Nga có số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars của Nga có mười đầu đạn hạt nhân có thể nhắm mục tiêu độc lập, có thể quay trở lại bầu khí quyển trái đất với tốc độ siêu thanh khoảng 5 dặm một giây.

Nga có quả bom nguyên tử lớn nhất - Bom Sa hoàng, được kích nổ từ năm 1961.

Nga không phải là nguy hiểm, họ là ĐÁNG SỢ.”

Bình loạn : Bài này viết từ lâu rồi, chứ để đến bây giờ thì con gấu giấy đã chứng minh cho toàn thế giới biết nó “đáng sợ” như thế nào. Đúng là nó đáng sợ về độ tàn bạo và có lẽ, ngu xuẩn; nhưng hoàn toàn có thể bị đánh bại.

Còn về những phát minh trên đây, ai cũng có thể tự kiểm tra được trên mạng với cụm từ khóa “Who invented the electric transformer” và ra kết quả là hai ông người Hung-gia-lợi Ottó Bláthy và Károly Zipernowsky;

Với máy hàn hồ quang: Năm 1800, Humphry Davy phát hiện ra các cung điện xung ngắn. Một cách độc lập, nhà vật lý người Nga Vasily Petrov đã phát hiện ra hồ quang điện liên tục vào năm 1802 và sau đó đề xuất các ứng dụng thực tế có thể có của nó, bao gồm cả hàn. Tuy nhiên hàn hồ quang lần đầu tiên được phát triển khi Nikolai Benardos trình bày hàn hồ quang kim loại sử dụng điện cực cacbon tại Triển lãm Điện lực Quốc tế, Paris năm 1881, được cấp bằng sáng chế cùng với Stanisław Olszewski năm 1887. Nikolai Benardos là một người Ukraine gốc Hy Lạp và Stanisław Olszewski là người Ba Lan. Như vậy không thể coi người Nga phát minh ra hàn hồ quang được vì trước Vasily Petrov đã có Hăm-phrây Đê-vy phát hiện ra về lý thuyết, còn nếu nói phát minh thì phải là các ứng dụng thực tế.

Về máy bay trực thăng, đừng nhập nhèm với người Mỹ gốc Ukraine Sikorsky. Ông ấy mới là người tiên phong trong lĩnh vực máy bay trực thăng. Nga chẳng tuổi gì ở đây cả.

Còn sữa bột thì do một phụ nữ Thụy Điển phát minh ra, bà Ninni Kronberg. Máy ghi hình, do một người Mỹ tên là Charles Ginsburg phát minh ra. Về máy điện báo, công lao thuộc về ông Phú-lãng-sa André-Marie Ampère và ông David Alter người Mỹ. Người phát minh ra loại cao su tổng hợp đầu tiên, là Julius Arthur Nieuwland. Nieuwland là giáo sư tại Đại học Notre Dame và là linh mục của Dòng Mến Thánh Giá. Charles Goodyear được ghi nhận là người đã phát minh ra quy trình hóa học để tạo và sản xuất cao su dẻo, không thấm nước và có thể tạo khuôn.

May quá còn được bộ tản nhiệt (cái bộ để sưởi trong các nhà xứ lạnh ấy) được ghi cho một doanh nhân người Nga có cái tên không Nga tí nào: Franz San Galli, dòng dõi gia đình vốn là người xứ Pomerania thuộc Phổ khi đó là thuộc địa của nước Nga Sa Hoàng.

Nhưng lão đại sứ người Ấn Độ đúng ở một điểm là ĐÁNG SỢ - đáng sợ nhất là cái bọn đã ngu còn tỏ ra dốt và không những thế, tỏ ra nguy hiểm.

5. Đoán mò

Bác NXB có bài về hậu cần của quân Nga bắt đầu bị quại tứ tung:

- Nay chúng ta đã biết thêm một chút, về cuộc tấn công ngày hôm qua của Ukraine vào gần sân bay Mariupol. Mục tiêu là boong ke dưới lòng đất, nơi có thể là sở chỉ huy của quân Nga ở khu vực này. Đây là nơi trước đó Nga đặt hệ thống tên lửa S-300, có thông tin đưa là 150 lính Nga bị tử vong. Những dấu vết để lại, được các vệ tinh chụp ảnh, có thể khẳng định, thủ phạm của vụ tấn công này là tên lửa Storm Shadow.

- Shebekino, một thành phố ở phía tây nam của Nga, thuộc vùng Belgorod, biên giới với Ukraine – theo người dân địa phương, đã có một vụ nổ mạnh và sau đó là hỏa hoạn.

- Chiều qua trên bán đảo Crym, tại sân bay Kacha – căn cứ không quân của Hạm đội Biển Đen Nga, đã xảy ra một vụ nổ, làm hư hỏng một chiếc trực thăng quân sự Mi-8 của Nga.

- Hôm nay vào lúc bình minh tại Berdyansk, thành phố nằm trên bờ biển Azov, thuộc tỉnh Zaporozhye do Nga chiếm đóng, đã xảy ra một số vụ nổ mạnh.

- Cách Berdyansk không xa, trên địa phận Novopietrivka, cũng được ghi nhận một cuộc tấn công của Ukraine, khói lửa bốc cao – có lẽ kho nhiên liệu bị cháy.

- Đoàn tàu hỏa gồm 12 toa chở hàng trật bánh ở vùng Transbaikalia. Vì sao thì chắc dễ dàng có thể đoán được.

Đó nhé – lại câu “những gì chúng ta đã đoán đang diễn ra rồi.” Hôm trước có thông tin rằng “tình báo Ukraine cho biết ở mặt trận phía nam (Kherson và Zaporizhzhia) quân Nga có 150.000 quân” – ái chà, như thế mà lo hậu cần cho đám người này thì bỏ mẹ chứ đùa à. Chẳng cần đánh nhau, cứ giã hậu cần là đủ chết.

Vậy quân Nga giải quyết vấn đề hậu cần như thế nào? Tạm thời vấn đề này có mấy lĩnh vực: hàng nặng có đạn pháo các loại, bom mìn, phụ tùng xe cộ… hàng nhiên liệu và hàng nhẹ có đạn cá nhân và nhu yếu phẩm, quần áo quân phục… Có những thứ như hàng nặng và nhiên liệu, quân đội bắt buộc phải lo kể cả cho các tập đoàn quân sự tư nhân như Wagner, cũng dựa vào hệ thống bộ máy của quân đội. Nga đương nhiên phải thiết lập những kho lớn, trước đây ở gần mặt trận nhưng từ khi có HIMARS, thì chuyển xa đến 90 ki-lô-mét. Với tình trạng hiện nay, các kho này sẽ phải chuyển xa hơn nữa – đến 200 ki-lô-mét để ngoài tầm bắn của các loại vũ khí mới của người Ukraine.

Về giao thông vận tải, đương nhiên vẫn phải dựa trên hệ thống đường sắt vốn rất phát triển của vùng Donbas cả về chiều dài lẫn mật độ, ngoài ra là đường sắt của Nga cũng thuộc loại phát triển. Đường bộ thì việc dựa trên xe tải, càng ngày càng khó khăn do người Ukraine tăng cường săn lùng các đoàn xe vận tải và xe bồn chở nhiên liệu. Tình trạng thiếu nhiên liệu và phụ tùng đã từng diễn ra ở xung quanh Izyum năm ngoái, và khi quân Nga chạy là bắt đầu thiếu đạn cỡ nhỏ và cả các nhu yếu phẩm khác.

Với hầu hết chiến tuyến quân Nga đã chuyển sang phòng ngự, cung cấp hậu cần trên nguyên tắc phổ biến là tự đi lĩnh, vài đơn vị chung một cái xe bọc thép cà cộ chạy cả trăm ki-lô-mét để lĩnh gạo, đạn… chứ chờ được xe tải hậu cần đến được cũng đủ chết đói. Cùng với đà gia tăng của các loại vũ khí Ukraine nhận được, họ sẽ tăng cường độ đánh phá sâu trong hậu phương của Nga, ngoài kho còn các điểm tập trung quân.

Còn với những chỗ quân Nga vẫn tổ chức tấn công, thì không cần cung cấp hậu cần. Lâu nay lính Nga được trang bị trên nguyên tắc tối thiểu, nghĩa là cắt giảm hầu hết những thứ mà lính Tây (và bây giờ là cả lính Ukraine) có, để họ có đủ sức vác theo thức ăn và đạn dược. Đây là tư duy kiểu “đằng nào chẳng ra trận, đòm cái là chết” do vậy cái người lính Nga cần mang theo là một số bữa ăn đủ vài ngày cùng đạn dược. Do vậy trang thiết bị cũng theo xu hướng chất lượng thấp, vì đằng nào cũng có cần dùng lâu đâu. Với những người sống sót, nếu cần sẽ áp dụng nguyên tắc lấy của người đã chết mà dùng. Đây là các nguyên tắc của quân đội Xô-viết ngày xưa.

Hiện nay để chống đỡ, chỉ có hy vọng vào lực lượng phòng không và có lẽ đó là lý do tháng trước người Ukraine tăng cường “thử thách” hệ thống phòng không Nga ở khắp nơi, cả Donbas lẫn Crimea, đến mức một KOL nào đó ủng hộ Ukraine cũng đưa tin “giật gân” là Nga bắn hạ tên lửa hành trình gì đó của Ukraine.

Tui không biết người Ukraine đã dùng vũ khí phòng không gì, nhưng quá trình bắn máy bay Nga ngay khi nó còn đang bay trên lãnh thổ Nga, đã bắt đầu – hôm qua thêm một cái Sukhoi gì đó bị bắn rơi trên khu vực biển Đen. Một trong những lý do mà Nga bắn tên lửa vào Ukraine nhiều trong thời gian qua, ngoài việc tỏ ra là có thể ngăn chặn hữu hiệu đợt tấn công sắp tới của người Ukraine (chặn vũ khí đổ sang) còn có lý do làm suy giảm số lượng vũ khí phòng không của Ukraine để sau này máy bay dễ bề hoạt động. Tuy vậy bộ đội phòng không Ukraine ngoài lúc hạ tên lửa vẫn chăm chỉ làm việc và hở ra cái máy bay nào của Nga sẽ bắn ngay cái ấy. Tên lửa phòng không phải để bắn máy bay mới sướng chứ.

Nếu Ukraine có một thứ máy bay chiến đấu nhỏ và nhanh nhẹn như F-16 thì máy bay to đùng của Nga hết cửa. 

Trong thời gian tới, nếu đúng quân Nga ở mặt trận phía nam (Kherson và Zaporizhzhia) đông như thế thì phải giã mềm hậu phương cho đủ đói và thiếu đạn – cái này lâu à nha… Vùng Donbas do hệ thống chiến hào dày đặc nên tấn công cũng không dễ. Thực chất gọi là “hệ thống phòng thủ” nhưng theo thông tin ở đâu đó thì cái hệ thống đó của Nga cũng không dày lắm, nó chủ yếu có 2 lớp cách nhau trên 10 ki-lô-mét, mỗi lớp có vài đợt công sự, xen kẽ là hàng rào răng rồng và các bãi mìn.

Tui vẫn nghi ngờ khu vực Bakhmut sau khi có sự kiện, có biến cố gì đó thì sẽ đến Lyman đến Kreminna và sau đó là Lysychansk – Serevodonetsk. Hướng thọc từ đông sang tây từ Kupyansk cũng rất… đáng ngờ. Cơ mà Melitopol – Berdyansk du kích Ukraine hoạt động rất mạnh, cũng đem lại nhiều khả năng.

P/S : Về cú tay bắt mặt mừng của anh Chính với Zelensky, đại tá Lee Shimuo động viên các cháu dư luận viên lâu la: “Nghi binh, nghi binh các cháu ạ, thủ tướng ta là nghi binh; còn tổng thống nó là bơm hơi các cháu ạ.” Về hội nghị G7, đại tá cho rằng loại hội nghị đó là “hàng loại biên.” Cụ Cương thì cho rằng anh Chính xâm nhập vào để phân hóa nội bộ của bọn G7, ly gián Zelensky với những ông to đầu kia. Riêng thằng Trạng sư Trạm Biến Áp vừa nhìn thấy anh Chính nó hô to: chủ lực đây rồi, tấn công đi anh! Nhưng anh ấy lại cười tươi như hoa.

Trong một diễn biến khác, thằng say loạn thần Mevedev sang thăm Việt Nam với tư cách chủ tịch đảng cầm quyền (à, mày định ép ông chú phơ phơ nhà tao gặp hả?) nhưng báo chí đồng loạt im lặng. Nó đề nghị mấy cái mà nếu bắt tay, Việt Nam dễ ăn đòn cấm vận lắm…

PHÚC LAI 22.05.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.