vendredi 19 mai 2023

Trần Tiến Dũng - Mùa hè Sài Gòn xưa và nay

 

Mùa hè là gọi chung, ở miền Nam là đầu mùa mưa. Thời nay người ta không còn tâm trạng lãng mạn về hoa phượng, tiếng ve, hàng me lá non, các cơn mưa rào...

Điệp khúc đầu tiên mà người đô thị Việt Nam là nghe đài về hồ thủy điện cạn nước, thiếu điện, lên giá tiền điện. Điệp khúc mà người ta nói cho nhau nghe từng giờ là trời nóng như lửa, đường ngập...

Đã 48 năm rồi, có người sinh sau 1975 đã có dâu, rể, có người đã ẵm nựng cháu ngoại nhưng điệp khúc cũ về vấn nạn mùa hè suốt 48 năm vẫn y vậy. Hay đó là thứ điệp khúc về "thành tựu" để họ thuộc lòng và hát, nói mỗi năm nhằm truyền lại cho đời con, cháu.

Ngày xưa, có nghĩa là xưa trước 1975, mùa hè ở Sài Gòn hẳn không mát rượi nhưng ít ra con người không phải bị nung trong nồi hấp. Những ngày xưa đó, nếu bước vô tiệm nước, nồi nước sôi trụng mì hủ tíu, nồi nước lèo tỏa khói không làm ai phải sợ hãi vì hơi nóng. Trên trần nhà tiệm nước, cái quạt trần quay nhè nhẹ, ánh đèn ne-on, đèn vàng dây tóc sáng cho thực khách. Họ không cần uống cà phê đá, trà đá, họ vẫn cứ  quen: Trời nóng, uống đồ nóng đã khát hơn.

Ông hàng xóm qua tuổi 90 kể. Mùa hè dân chạy xích lô, taxi, lao động chân tay cứ qua 4 giờ chiều là nghỉ làm. Họ ghé quán lề đường người giải khát với chai bia con Cọp, ly nước mía. Có người còn "lãng mạn" hơn đem chiếu ra lề đường gần Sở Thú, Vườn Tao Đàn... để hít thở qua đêm với rừng cây xanh mà ngủ như hiền nhân, hiền triết.

Ối trời, mới đó mà 48 năm rồi sao? Nhanh quá, nhanh đến mức, thiệt là không biết đời người đô thị này đi về tương lai thoải mái hay đang thất lạc ở vùng đất ngộp hơi nóng nào?

Thôi đi cha nội ơi cứ đoái hoài quá khứ chi hoài vậy. Bây giờ là mùa hè thứ 48, hãy chai lì hơn mà đối mặt với chuyện có thật là: Trình độ nói dóc về những thành tựu đã đạt đến mức tạo ra một không gian mùa hè chói lói. Ai cũng phải được luộc chín để cùng hát cùng nói về chuyện tăng giá điện, đường ngập, học phí  năm học mới cho con ...

Sài Gòn 18-05-2023

TRẦN TIẾN DŨNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.