dimanche 10 octobre 2021

Mai Bá Kiếm - Chống dịch hay hiếu sát ?


Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch huyện Trần Văn Thời xác nhận đang đề nghị dưới cơ sở làm văn bản báo cáo vụ “tiêu hủy đàn chó (15 con) của vợ chồng anh Phạm Văn Hùng chở từ TPHCM về đây”.

Ông Công bào chữa “Động cơ của anh em là phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhưng làm hơi gấp. Qua xét nghiệm, những con chó này dương tính với một loại virus. Theo báo cáo, số chó đã bị tiêu hủy hết”.

Mấy hôm trước, có một facebooker minh họa clip anh chị Hùng chở 15 con bằng câu: “Ở Việt Nam chỉ có chó là không bị bỏ lại phía sau!”. Tôi thán phục hàm ý của câu này, ai ngờ 15 con về tới nhà an toàn lại bị xử trảm vô cớdương tính với một loại virus”.

Nhớ lại chuyện hủy diệt gia cầm bị nhiễm H5N1 và heo bị nhiễm virus “heo tai xanh” đến giờ tôi vẫn còn rùng mình. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chống dịch cực đoan như Bộ Y tế hiện nay: Nếu có một gia cầm dương tính với H5N1 là chấm compa tại trại đó quay bán kính 1,5km để tiêu hủy hết các trại gà (chưa nhiễm) nằm trong vòng tròn đó!

Tôi chứng kiến thú y thuê cơ giới đào hố, ném hàng ngàn con gà xuống hố đổ xăng thiêu sống, tiếng gà kêu và chủ trại khóc dậy trời xanh!

Tôi chứng kiến cảnh thiêu sống “heo tai xanh” tại huyện Tân Phú, Đồng Nai (bắt các xe chở heo bị nhiễm từ Lâm Đồng về), heo chạy lên miệng hố như “ngọn đuốc sống”. Tôi không dám nhìn và năn nỉ đội trưởng thú y chích điện cho nó chết rồi hãy đốt!

Tôi đăng bài mô tả, tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm (tiến sĩ dịch tễ học thú y ở Liên Xô, phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh về hưu) điện tôi đến nhà ông ở đường Xóm Chiếu, yêu cầu tôi nêu lập luận của ông và khẳng định với Bộ “chống dịch bằng cách hủy diệt gia cầm là sai”!

Chưa hết, ba Sở NN&PTNT của TPHCM, Đà Nẵng và Huế còn học Mao Trạch Đông hủy diệt chim hoang dã và bồ câu nuôi:

Tại TP HCM: Bồ câu nuôi thịt để kinh doanh thì tự hủy; với bồ câu vô chủ sử dụng ba biện pháp: rải thức ăn để dẫn dụ và dùng lưới phủ chụp; dùng ná hoặc súng chuyên dụng để bắn (do công an hoặc bảo vệ cơ quan); dùng hóa chất (Dipterx) tẩm trong thức ăn để dẫn dụ.

Tại Đà Nẵng: Với chiến dịch "Tìm và diệt", sau một tuần ra quân, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch cúm gia cầm Đà Nẵng đã bắn hạ hơn 3.000 chim cảnh các loại, trong đó có 350 chim bồ câu. Đà Nẵng là địa phương duy nhất thành lập đội bắn hạ chim trời.

Huế: Lập “đội đặc nhiệm" bắn hạ bồ câu hoang. Đội đặc nhiệm gồm Công an thành phố, sẽ kết hợp với Y tế, Thú y, chỉ 2 ngày sau khi thành lập đã bắn hạ được hơn 200 con bay lảng vảng trên trời, đậu trong các chùa...

Báo chí Mậu Dịch ca ngợi bắn chim, khiến Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) phải gửi thư cho Chính phủ và Bộ NN&PTNT ngày 6/12/2005:

"Nhận thức rõ rằng quyết định này không phải từ trung ương, chúng tôi muốn bày tỏ sự lo ngại của chúng tôi về cách làm này. Nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại này với chúng tôi”.

"Mặc dù chim hoang dã có thể có vai trò nào đó trong việc phát tán virus chủng Al (cúm gia cầm), song việc giết chim bồ câu và các loài chim hoang dã khác không được xem là một biện pháp kiểm soát HPAl hợp lý. Mọi người đều biết nguồn khởi phát dịch bệnh hiện nay là từ virus ở trong các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các loài thủy cầm.

Các biện pháp thích hợp đã được đề xuất áp dụng để ngăn chặn dịch là tiêm vaccin cho gia cầm, giám sát cẩn thận các đàn gia cầm sau khi tiêm vaccin, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và có biện pháp đền bù hợp lý khi tiêu hủy gia cầm. Việc thực thi đầy đủ các biện pháp này giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh".

Cuối thư, ngài Marcelino V. Dalmacio đề nghị: "Thay mặt FAO, tôi đề nghị Quý Bộ yêu cầu chính quyền các địa phương dừng ngay hành động thái quá nêu trên. Nhân đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa cam kết mạnh mẽ của chúng tôi để hỗ trợ Việt Nam trong việc đẩy lùi HPAl".

Việt Nam chống địch trên gia cầm, gia súc hay trên người đều không học hỏi cách làm của các nước, lại sáng chế ra cách giết chim, giết chó, giết cho sướng bàn tay hiếu sát!

MAIBÁ KIẾM 10.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.