samedi 7 août 2021

Hoàng Linh - Gạn đục khơi trong, trong tiếng oán có sự thật và điều nhân nghĩa

 

Sáng 6-8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người mặc đồ liên quan lĩnh vực mai táng, hỏa táng chở các hũ tro cốt người mất đi giao ở các khu phong tỏa. Số tro cốt được bỏ vào một giỏ nhựa chở sau xe khiến nhiều người cảm thấy thương xót.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 6-8, bà Lê Thị Tuyết Nhung - chủ tịch UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú - cho biết đã nắm sự việc trên, đồng thời khẳng định phường không có hẻm 42 Âu Cơ như bài viết trên đề cập, mà trên địa bàn phường chỉ có một trường hợp mất vì bệnh tim tại hẻm 477 Âu Cơ.

"Người mất được giao cốt là bà Tôn Nữ Thị T., mất vì bệnh tim mạch, bệnh viện đã hỏa táng và giao cho dịch vụ mai táng C.Đ.T giao tro cốt về", bà Nhung cho biết.

Với thông tin trong bài viết nói rằng trên một đoạn chưa đầy 2 km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú giao hết một nửa (tương đương 13 hoặc 14/27 hũ theo bài viết), bà Nhung cho biết thêm thống kê trong tháng 7 phường không có người mất, tháng 8 có 3 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp mất vì COVID-19.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, là đơn vị được TP.HCM giao phối hợp với Sở Y tế trong công tác hỏa táng người mất vì COVID-19 - cho biết hình ảnh trên không phải là người của đơn vị. Đây là nhân viên của các cơ sở mai táng tư nhân.

Ông Nhựt khẳng định hiện tại công ty đã tạm ngưng dịch vụ giao tro cốt tại nhà. Số tro cốt của người mất hiện tại đều được lưu giữ tại khu hỏa táng Bình Hưng Hòa đối với trường hợp người nhà chưa đến nhận được.

Tuổi Trẻ Online trao đổi với anh Lân, chủ Facebook Lan Nguyen Van có bài viết nói trên, anh Lân cho biết: "Câu chuyện tôi đăng trên Facebook của tôi là câu chuyện tôi chứng kiến sao viết theo cảm xúc như thế. Tôi thật sự không ngờ bài viết có sức lan tỏa mạnh như vậy.

Hôm qua, tôi chứng kiến câu chuyện sao kể vậy, tôi không hỏi thông tin của ai hết. Về hoàn cảnh thằng bé, tôi biết từ bà hàng xóm dẫn cháu bé ra ký tên xác nhận để nhận 2 hũ tro cốt".

Về số lượng hũ tro cốt, anh Lân nhấn mạnh: "Tôi thấy sao nói vậy, đếm sao nói vậy. 50 tuổi rồi, không phải thằng con nít mà đếm nhầm. Dưới chân anh shipper còn một đống dây băng keo để ràng 3 lớp hũ tro cốt, nếu bung hình sẽ thấy rõ".

Khi hỏi về thông tin số lượng hũ tro cốt từ trại hòm với thông tin từ anh viết không đồng nhất, anh Lân cho biết khi hỏi nhân viên trại hòm còn hốt hoảng.

Về việc liên hệ hỗ trợ cháu bé trong câu chuyện anh Lân viết, anh Lân cho biết nhân viên công ty anh đã liên hệ Ủy ban MTTQ phường để hỗ trợ cháu bé. Anh Lân nói chính quyền địa phương đã hỗ trợ đầy đủ thức ăn cho người dân trong khu phong tỏa.

Anh nói thêm: "Rất cần sự tôn trọng với gia đình cháu bé, người ta muốn nén nỗi đau nhưng mình lại nhắc đến vô tình thêm một nhát dao khiến họ đau thêm, điều này tôi không muốn".

Trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh là không thể giả mạo nhưng do chỉ quan sát mà không có điều kiện kiểm chứng nên anh Lân có thể sai sót về chi tiết.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị xử lý nặng anh Lân vì gây rối dư luận trong lúc lúc tình hình cần sự ổn định.

“Lùi một bước thấy trời cao biển rộng” đó là slogan của tôi khi viết mạng xã hội, chúng ta phải nhìn thấy bản chất sự việc qua những ý kiến còn thô ráp của người dân, không thể đòi hỏi họ phải có ý kiến chính xác đến từng chi tiết.

Người Sài Gòn có nhiều kinh nghiệm chính trị trong vấn đề này, cuộc sống muôn màu và những biến thiên thời cuộc làm người Sài Gòn có “Mắt đỏ tròng vàng” như Tề Thiên Đại Thánh sau khi bị nung trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân.

Anh Nguyễn Thiện và nhiều trí thức khác như bác sĩ Võ Xuân Sơn , anh Lâm Minh Chánh đã qua các kênh riêng góp ý với lãnh đạo.

Anh Nguyễn Thiện chia sẻ: Tối qua, tôi có nhờ bạn tôi, bác sĩ Xuân Sơn Võ, chuyển đến Bí thư Thành ủy TPHCM đề xuất :

Tạm thời đưa về chùa tro cốt của tín đồ Phật giáo chết vì dịch bệnh để chùa làm lễ cầu siêu, hương khói, gìn giữ ; vì khi gia đình có người chết thì các thành viên khác trong nhà đều bị cách ly, chứ không nên để shipper tìm nhà giao ! Với người chết là tín đồ các tôn giáo khác, do tôi không rành nên kiến nghị thành phố nên trao đổi với các tôn giáo về xử lý tro cốt, có đưa về cơ sở tôn giáo được không ? Ngoài ra, trong email gởi Bí thư, bác sĩ Sơn còn đề nghị tổ chức Quốc tang cho những nạn nhân chết trong đại dịch vào thời điểm thích hợp.

Sáng nay, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nhanh chóng cho biết thành phố đã thống nhất :

1/ Quân đội tiếp nhận tro cốt, tạm thờ cúng, chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo.

2/ Tôn giáo tiếp nhận tro cốt , thờ cúng đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao.

3/ Trung tâm hỏa táng không tự tổ chức chuyển giao bất cứ trường hợp nào nữa.

4/ Thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng về việc tổ chức Quốc tang.

Tôi nghĩ quyết định kịp thời của Bí thư Thành ủy TPHCM đã góp phần an ủi những đau đớn, mất mát không gì bù đắp được của các gia đình mất người thân vì dịch bệnh.

Tôi xin thông tin kết quả để các bạn biết và cám ơn các bạn đã đồng cảm và chia sẻ rộng rãi kiến nghị.

Trong một diễn biến liên quan, rất nhanh sau đó sáng 7-8, trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết thành phố sẽ lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì Covid-19.

Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp. Số tiền này trích từ ngân sách thành phố.

"Thành phố sẽ lo tất cả từ chi phí tẩn liệm, vận chuyển, hỏa thiêu, cho đến việc giao tro cốt cho người thân của người mất. Thành phố sẽ cố gắng lo công tác này chu toàn và trang nghiêm nhất cho người dân", ông Thắng khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên bí thư Nguyễn Văn Nên, chủ tịch Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến của người dân và giới trí thức, đặc biệt là với ý kiến của những người có tiếng nói trách nhiệm và có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Đặc biệt là lắng nghe trên nền một câu chuyện chưa thật chính xác, thậm chí trái chiều nhưng tàng ẩn một vấn đề nào đó hay nan đề mà cuộc sống đặt ra.

Bởi lẽ trong tiếng oán có sự thật và điều nhân nghĩa.

Sài Gòn có những người mà ý kiến của họ chẳng những tác động đến cộng đồng mà còn được lắng nghe bởi những lãnh đạo trung ương, kể cả với những góp ý khó nghe nhất.

Đó là một tài sản quý.

Nhưng gần đây cũng có những anh em, thật uổng, không biết “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” mà đóng vai người quản lý để phán xét, thay vì nói hộ những người yếu thế.

HOÀNG LINH 07.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.