samedi 12 juin 2021

Chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung-Nga và nguồn gốc Covid


Đăng ngày:

Tuần báo L’Express dùng màu đỏ làm nền với lá cờ Trung Quốc ở phía trên, góc phải là các nhà nghiên cứu trong bộ đồ bảo hộ của, góc trái là một ngôi chợ ở Hoa lục, với dòng tựa « Rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay lây nhiễm từ loài vật ? Đi tìm nguồn gốc con virus ».


Courrier International đăng hình vẽ ông Joe Biden trong bộ áo đuôi tôm đang khiêu vũ, một chân mắc vào Tập Cận Bình mặc chiếc áo khoác dạ hội đỏ, chân kia đưa về phía Vladimir Putin trong trang phục nhạc công, chạy tít « Ngoại giao : Cuộc khiêu vũ của các đế chế ». Trang bìa tuần san L’Obs chia làm hai mảng, phần màu xanh có chân dung tổng thống Mỹ, phần màu đỏ là ảnh chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga đang bên nhau, với dòng tựa « Trung Quốc-Nga-Hoa Kỳ : Cuộc chiến tranh lạnh mới ».

Trung Quốc và Nga muốn thao túng trật tự thế giới

Những gì đang diễn ra hiện nay giống như hai khối thời chiến tranh lạnh trước đây sống dậy. Một bên là Washington lãnh đạo « thế giới tự do », bên kia là Matxcơva và Bắc Kinh, chỉ khác là lần này Trung Quốc đóng vai chính, Nga chỉ giữ vai phụ.

L’Obs đặt câu hỏi, tại sao không khí lo sợ chiến tranh lạnh lại tràn ngập các văn phòng chính phủ, think tank và truyền thông ? Cả Nga lẫn Trung Quốc đều không gây ra sự kiện nào đưa thế giới đến bên bờ vực, không có gì mới trong trò chơi dài hơi mà hai nước này đã tiến hành hơn một chục năm qua. Nga-Trung, mỗi bên một kiểu, tìm cách phá hoại các xã hội tự do để « nhào nặn » lại trật tự thế giới hiện nay - dựa trên các giá trị mà họ không ưa.

Đối với Putin, sự sụp đổ của Liên Xô - mà ông ta gọi là « thảm họa địa chính trị lớn nhất lịch sử » - là do lỗi của phương Tây. Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đổ cho phương Tây gây ra phong trào Thiên An Môn năm 1989, nhưng địch thủ quá mạnh nên « ẩn nhẫn chờ thời » - như Đặng Tiểu Bình nói.

Thời cơ đã đến vào năm 2013. Chiến sự Syria đang ác liệt, Barack Obama cảnh cáo Bachar Al Assad : việc dùng vũ khí hóa học là « lằn ranh đỏ ». Ngay hôm sau tổng thống Syria vượt qua lằn ranh ấy, với việc thả bom chứa khí độc sarin xuống vùng ngoại ô nổi dậy của Damas. Chiến dịch tấn công trả đũa được quyết định sẽ diễn ra ngày 31/08, nhưng vào phút chót Obama cho Pháp « leo cây ». Một bước lùi mang tính lịch sử !


Obama lùi bước ở Syria, Nga và Trung Quốc dấn tới

Đối với những kẻ vẫn tơ tưởng về Liên Xô, đó là dấu hiệu yếu đuối của Mỹ và là hồi kết của thái độ nhẫn nhục. Sáu tháng sau, Putin xâm lăng Crimée và chiếm đóng vùng Donbass của Ukraina, và bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Từ đó đến nay, Putin không ngừng tấn công vào các nền dân chủ, nhấn chìm họ bằng những làn sóng tin giả, lũng đoạn bầu cử, ám sát các nhà đối lập đang tị nạn tại châu Âu…

Được sự thờ ơ của phương Tây cổ vũ, Tập Cận Bình cũng lao vào cuộc : ông ta bê-tông hóa các rạn san hô ở Biển Đông để yêu sách chủ quyền. Trong chuyến thăm chính thức Nhà Trắng tháng 9/2015, Tập hứa hẹn với Obama sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Và nhanh chóng nuốt lời, mà không hề bị trừng phạt !

Các hành động của ông ta ngày càng hung hăng, quân đội của Tập xâm phạm lãnh thổ các nước láng giềng, tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển của Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Philipppines…Đài Loan bị đe dọa bằng nhiều dạng thức, « Con đường tơ lụa mới » vươn vòi ra khắp hành tinh, đặt các nước tham gia dưới ảnh hưởng Bắc Kinh.

Phía sau những động thái ấy, Matxcơva và Bắc Kinh có cùng một niềm tin : siêu cường Mỹ đang trên đà suy tàn. Trung Quốc nghĩ rằng đã đến lúc đòi quyền thống lĩnh toàn cầu. Mặc cho những cú ra đòn dữ dội của Donald Trump và thiệt hại do thương chiến, Bắc Kinh vẫn gia tăng kho vũ khí, mua hoặc ăn cắp công nghệ hiện đại, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, tấn công dã man Ấn Độ, đàn áp tàn bạo Hồng Kông…

Cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng chứng kiến bước tiến bá chủ thiên hạ này, nhưng có thể phản ứng thế nào ? Tại Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc hành động theo kiểu « vùng xám », liên tục khiêu khích nhưng luôn ở dưới cái ngưỡng có thể bị trả đũa quân sự.


Nhận ra sự thù ghét các giá trị dân chủ, gió bắt đầu đổi chiều ở phương Tây

Chính trong trạng thái nhập nhằng này, đại dịch đã nổ ra. Cái cách mà Bắc Kinh chối bỏ mọi trách nhiệm, lại còn chộp lấy cơ hội để tự tô vẽ trước thế giới, là một cú hích. Hoa Kỳ và các nước nhận ra mối nguy hiểm đang đe dọa các nền dân chủ.

Sau nhiều thập niên ve vuốt ảo tưởng rằng tăng trưởng và toàn cầu hóa sẽ hóa giải được độc tài, rốt cuộc phương Tây đã cảm nhận được sự thù ghét « bầm gan tím ruột » của các địch thủ đối với những giá trị của mình là nhân quyền, tự do, Nhà nước pháp quyền. Không còn cần phải kiên trì hòa giải, hợp tác, Mỹ coi đây là « cạnh tranh chiến lược », còn châu Âu « cạnh tranh mang tính hệ thống ».

Washington thay đổi hẳn giọng điệu, trước hết là với Nga, còn với Trung Quốc thì vụ ly dị chừng như không còn có thể đảo ngược. Donald Trump tung ra một loạt trừng phạt, còn Biden nay không ngần ngại gọi Tập Cận Bình là « côn đồ ». Sáu tháng sau khi đắc cử, Joe Biden giữ nguyên các biện pháp của ông Trump và nối dài thêm danh sách đen, ra lệnh cho tình báo đưa ra ánh sáng nguồn gốc đại dịch Covid. Đối với Bắc Kinh vốn đã làm mọi cách để xóa dấu vết, đây là một đòn nặng. Nếu các nhà điều tra xác nhận con virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, chế độ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của thế giới.

Biden nối lại quan hệ với các quốc gia thân hữu, định chế quốc tế, mời các nước « cùng chia sẻ tầm nhìn » - Úc, Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc - dự hội nghị G7. Thông điệp cho phe toàn trị : phía dân chủ không khoanh tay đứng nhìn.


Trục mới các chế độ toàn trị xung quanh Nga - Trung ?

Phương Tây lo ngại sự xích gần lại giữa Nga và Trung Quốc, ngày càng rõ cho đến nỗi hầu như là đồng minh. Theo báo cáo của tình báo Mỹ cho Thượng Viện năm 2019, chưa bao giờ hai nước này thân cận như thế kể từ 70 năm qua. Đôi bên tăng cường hợp tác trên mọi lãnh vực từ ngoại giao, kinh tế, quốc phòng cho đến công nghệ cao.

Trung Quốc bị cấm vận vũ khí từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn, tránh né bằng cách mua của Nga các loại vũ khí tối tân : công nghệ phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm để đối phó với hạm đội Mỹ. Nga-Trung gia tăng các cuộc tập trận chung ở Xibêri, Ấn Độ Dương, biển Baltic, và ngay cả Địa Trung Hải, thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ. Trung Quốc sao chép cách Nga bóp méo thông tin trên mạng xã hội, còn Putin theo gương Bắc Kinh siết chặt dần tự do trên internet.

Đây có thể chỉ mới là khởi đầu. Theo nhà sử học nổi tiếng Vương Đan (Wang Dan) đang tị nạn tại Mỹ, một « trục » mới đang nổi lên, nhắc nhớ đến liên minh thảm họa giữa nước Đức quốc xã và nước Ý phát-xít. Ngoài Trung Quốc và Nga, còn có Iran, Bắc Triều Tiên, tất cả đều có lợi ích chiến lược gắn bó. Điểm chung : một nhà lãnh đạo tối cao với nhiệm kỳ vô hạn định, tham vọng bành trướng lãnh thổ, nuối tiếc vinh quang xưa cũ và mong muốn trả thù. Số khác cũng có thể tham gia như Miến Điện, Venezuela, Pakistan, Cuba…Theo Vương Đan, một kịch bản đối đầu quân sự nguy hiểm đang hình thành.

Kịch bản mà Mỹ lo ngại nhất là phải can thiệp cùng lúc trên hai trận địa. Mới đây Putin đã tập trung 100.000 quân ở biên giới Ukraina, và các máy bay tiêm kích Trung Quốc xâm phạm không phận Đài Loan 30 lần chỉ trong một ngày. Một cuộc tổng diễn tập ? Các cố vấn của Biden hình dung ra khoảng vài chục kịch bản để ứng phó. Có ý kiến nên thuyết phục Nga nên thân thiện phần nào với Washington thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh, người khác cho rằng nên lập « vùng đệm » các nước không liên kết ở Đông Âu, kể cả Phần Lan, Thụy Điển, Ukraina, Serbia ; thử nghiệm mở rộng NATO sang Đông Á…


Tư tưởng Đại Hán khiến công luận phương Tây chán ghét

Còn với Trung Quốc, Mỹ vận dụng tất cả những công cụ có được. Tố cáo vi phạm nhân quyền, trợ giá các công ty quốc doanh, cưỡng bức lao động, kiểm duyệt, giấu nguồn gốc đại dịch…và ưu tiên được dành cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương – hình thành một liên minh quân sự khu vực.

Chuyên gia Jayadeva Ranade nhận xét, Tập Cận Bình muốn tái lập các biên giới thời nhà Thanh (thế kỷ 17-20), và như vậy không chỉ « thu hồi » Đài Loan mà cả những phần lãnh thổ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, hay Népal, Bhutan, Sikkim, Ladakh, một số vùng bắc Ấn Độ…Đối với Tập, đó là nhiệm vụ « thiêng liêng », ông ta sẽ thực hiện khi nào đủ mạnh. Cũng theo Ranade, các nhà ngoại giao nghĩ rằng thảo luận với Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng Bắc Kinh không nghe ai cả. Bây giờ mọi người đã hiểu ra, nhưng có thể đã muộn.

Có vô số phi cơ, chiến hạm qua lại trong khu vực, chỉ cần một sự cố là chiến tranh lạnh biến thành xung đột vũ trang. Tuy nhiên khác với hai khối tách biệt cách đây nửa thế kỷ, kinh tế đan xen với nhau, 2/3 số quốc gia trên thế giới có buôn bán với Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh châu Á - Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc - bắt đầu dịch chuyển sản xuất ra khỏi Hoa lục. Song song đó, Washington tung ra kế hoạch 250 tỉ đô la dành cho nghiên cứu nhằm tăng tính cạnh tranh về công nghệ. Điều hiếm hoi là Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều ủng hộ.

Vì sao có sự đồng thuận này ? Công luận đã đi trước chính trị : theo điều tra của Pew Research Center, số người ghét Trung Quốc chiếm đến 73% năm 2020 (47% năm 2017), và tại 14 nước dân chủ khác cũng tương tự. L’Obs cho rằng người ta đã sai lầm khi quên đi « happy end » của chiến tranh lạnh với đám đông hân hoan bên tàn tích của bức tường Berlin : các nền dân chủ vẫn chưa mất đi sức hấp dẫn.


Thùng thuốc súng Đài Loan, « Ukraina châu Á »

Trong bài « Đài Loan thùng thuốc súng », L’Obs dẫn ý kiến của nhà chính trị học Wei Ting Yen ở Mỹ, cho rằng Đài Loan là một Ukraina châu Á, một nước nhỏ tân tiến, dân chủ, nhưng lại có kẻ thù là một đế quốc khổng lồ chuyên chế. Thái độ của Trung Quốc giống y Nga, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi phương Tây mù quáng trước Bắc Kinh, chỉ mới nhận ra mối đe dọa vào đầu năm nay. Và nếu Đài Loan còn chưa bị xâm lăng, đó là nhờ tách biệt khỏi Hoa lục bằng một eo biển.

Đã 70 năm qua, 23 triệu người Đài Loan sống trong lo sợ ở cách Trung Quốc 180 km. Cố vấn Nhà Trắng Kurt Campbell nhận xét, Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến ở khắp nơi : trên Biển Đông, chèn ép Úc về thương mại, hung hăng ở châu Âu với các « chiến lang », tại biên giới Ấn Độ, tuy nhiên không nơi nào Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn bằng đối với Đài Loan.

Theo một báo cáo tháng 2/2021, Trung Quốc đang chuẩn bị về chính trị và ngoại giao cho một cuộc xung đột vũ trang, liên tục có các cuộc tập trận. Bắc Kinh sở hữu lượng hỏa tiễn đạn đạo nhiều nhất thế giới, các máy bay tàng hình, oanh tạc cơ tầm xa, hàng không mẫu hạm, 350 chiến hạm, và đang hình thành đội quân viễn chinh để từ 2025 có thể đổ bộ 30.000 lính/ngày. Với lực lượng nhảy dù mới, sắp tới Trung Quốc có năng lực xâm lược hòn đảo, trên lý thuyết.


Hậu quả nào nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan ?

Khi nào cuộc xâm lăng sẽ diễn ra ? Có hai thời điểm được dự đoán. Đó là mùa thu 2022, nhân đại hội lần thứ 20 đảng Cộng Sản Trung Quốc ; hoặc năm 2027, kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội Trung Quốc. Nhưng dù sức mạnh quân sự tăng lên, đang gánh chịu nhiều tai tiếng về Hồng Kông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ…, nếu tấn công Đài Loan trong lúc này, Bắc Kinh sẽ lãnh hậu quả thảm hại.

Nhật Bản sẽ tái vũ trang, các nước trong khu vực đứng về phía Mỹ, vốn đầu tư chạy khỏi Hoa lục. Washington sẽ tịch biên các tài sản của Trung Quốc trong các ngân hàng Mỹ, cấm mọi giao dịch, ngưng trả lãi cho các cổ phiếu do người Trung Quốc nắm giữ… Hoa Kỳ sẽ giáng trả mạnh hơn, nếu có công dân Mỹ sống tại Đài Loan bị thiệt mạng (từ 50.000 đến 100.000 người). Chưa kể đến phản ứng tức khắc của Nhật, Hàn, Ấn, và thậm chí NATO cũng có thể can thiệp. Ngoài ra, không nước nào có thể để cho Trung Quốc độc quyền chip bán dẫn, mà Đài Loan đang sản xuất gần 80% chip thế hệ mới. Đài Loan đang trên ngọn núi lửa. Nếu tổng thống tới đây của Hoa Kỳ không quan tâm đến hồ sơ này, Bắc Kinh có thể toan thử một ván bài tẩy.


Covid : Giả thiết virus lây nhiễm qua loài vật ngày càng lung lay

Về nguồn gốc đại dịch Covid, hồ sơ của L’Express tuần này có các bài điều tra, phóng sự, xã luận đề cập đến mọi khía cạnh. Từ giả thiết virus lây qua loài vật đến rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cuộc đấu khẩu giữa Washington và Bắc Kinh, đến các nhà khoa học Pháp đã khơi lại vấn đề tai nạn nghiên cứu, và những khó khăn của các nhà báo khi muốn tìm hiểu sự thực ở Vũ Hán.

Kịch bản đầu tiên được đưa ra vào tháng Giêng 2020 : một con dơi bị lây nhiễm từ một con tê tê, hai virus phối hợp gây ra dịch bệnh tại chợ Hoa Nam. Chuyện « cổ tích » do Bắc Kinh kể được tạp chí uy tín Nature đăng, nhưng một năm rưỡi sau, con tê tê được tuyên vô tội. Tạp chí y học nhiều ảnh hưởng The Lancet ủng hộ giả thiết virus lây từ loài vật. Peter Daszak, chủ tịch tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance, trưởng ban biên tập của tạp chí về Covid, có xung đột lợi ích vì từ nhiều năm qua hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán (WIV), tổ chức của ông tài trợ cho phòng thí nghiệm P4. Ông Daszak không trả lời tuần báo Pháp.

Giả thiết này ngày càng lung lay vì trên 80.000 mẫu vật do các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thu thập được trên nhiều loài ở Hồ Bắc, không có mẫu nào chứa Sars-Co-V. Trong khi đó đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo động về tình trạng an toàn của phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, nơi Pháp giúp xây dựng, nhưng không chuyên gia Pháp nào được đặt chân vào.

Do không chen chân vào được các tạp chí khoa học để bảo vệ giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đành phải phổ biến các phát kiến của mình trên các kênh khác như Twitter. Chẳng hạn Drastic, một nhóm « thám tử » khoa học. Ngày 27/10/2020, nhà virus học Pháp Etienne Decroly là một trong những người đầu tiên kêu gọi khai thác hướng này.


Con đường gian nan đi tìm sự thật về con virus ở Vũ Hán

Decroly không chỉ là chuyên gia về virus corona, mà ông còn làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một phòng thí nghiệm Canada chuyên về protein « Spike », chiếc chìa khóa của virus này để xâm nhập vào tế bào người. Nhờ chuyên môn sâu, ông nhanh chóng nhận ra những bất thường trong gien Sars-Co-V2 được công bố. Cùng với đồng nghiệp Bruno Canard và « nhóm Paris », các lá thư ngỏ đã được đăng để đánh động dư luận.

Câu trả lời về nguồn gốc Covid nằm tại Trung Quốc, nơi ba công nhân đi thu thập phân dơi móng ngựa cho Viện Virus Vũ Hán tại mỏ Mặc Giang (Mojiang) đã tử vong năm 2012 với những triệu chứng giống Covid, và theo tình báo Mỹ, có những nhà nghiên cứu của WIV đã phải nhập viện trước khi đại dịch được công bố. Nhưng cuộc điều tra của các phóng viên L’Express tại Vũ Hán mang không khí của một câu chuyện trinh thám : chữ « nhà báo » trên hộ chiếu khiến công việc không hề dễ dàng. Khách sạn không cho tiếp khách, những người được hỏi tỏ ra lo sợ. Khu chợ Hoa Nam đóng cửa, con đường chạy ngang qua chợ đầy dẫy camera giám sát, nhân viên mặc đồng phục tuần tra không cho nhìn vào bên trong.

Phòng thí nghiệm P4 trị giá 38 triệu euro do Pháp trợ giúp nằm cách đó 15 km như một pháo đài bất khả xâm phạm. Tại Vũ Hán, có ít nhất 4 nơi nghiên cứu về virus corona, trong đó có một phòng thí nghiệm P3 nằm cách chợ Hoa Nam 1,5 km, chứa 10.000 mẫu virus corona từ loài dơi. Nhà báo bị từ chối tham quan, ê-kíp WHO chưa bao giờ đến thăm các phòng thí nghiệm này. Tại Trung Quốc bây giờ, chính thông tin mới bị phong tỏa. Trong khi đã có ít nhất 3 đến 4 triệu người chết vì con virus, tức 3 đến 4 triệu lý do để tìm hiểu cho được vì sao phát sinh đại dịch.

Courrier International trích dịch Financial Times, nêu ra hệ quả địa chính trị, nếu giả thiết phòng thí nghiệm được xác định. Dù chính quyền Biden kềm chế, một phát hiện như thế tất yếu dẫn đến kiện tụng tại Mỹ để đòi số tiền bồi thường khổng lồ, nỗ lực giữ thăng bằng quan hệ coi như bằng 0. Bắc Kinh sẽ phản ứng hung hăng hay giở một trò gì khác để đánh lạc hướng quốc tế. Tờ báo kết luận, nỗ lực truy tìm nguồn gốc đại dịch là cần thiết, nhưng cũng hàm chứa những rủi ro.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.