samedi 19 octobre 2019

Vũ Hữu Sự - Sao chưa có nhân chứng nào lên tiếng ?



Balcon tầng 8, nơi ông Lê Hải An bị cho là rơi xuống từ đây.
Khoảng 7 giờ 15 phút ngày 17/10/2019, người ta phát hiện thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) Lê Hải An nằm chết tại một vị trí trong sân trụ sở của bộ, cách tường trụ sở chỉ vài mét.

Ngay lập tức, các báo quốc doanh đồng loạt lên tiếng rằng ông thứ trưởng bị rơi từ tầng 8 của trụ sở xuống đất tử vong, trong khi cơ quan điều tra chưa đưa ra bất cứ nhận định hay thông báo nào.

Giọng điệu của các báo giống hệt nhau, không khác một chữ, y như trường hợp đưa tin khi bé Lê Hoàng Long của trường Gateway tử vong vì “bị bỏ quên trên xe” vậy. Điều đó khiến cộng đồng mạng dấy lên một nghi ngờ. Phải chăng việc đưa tin về cái chết của ngài thứ trưởng đã được một ai đó phát lệnh và “định hướng” sẵn ?

Cái tin ông thứ trưởng chết do bị “rơi” từ tầng 8 trụ sở Bộ GD&ĐT là một tin rất “giật gân”. Là cơ hội hiếm có để các báo khai thác nhằm thu hút người đọc. Vì vậy, thông thường sau khi đưa tin về cái chết đó, các báo sẽ lao vào“điều tra mở rộng” về cái chết này.

Chẳng hạn như săn lùng ai là người đầu tiên phát hiện cái chết của ông thứ trưởng để phỏng vấn “độc quyền” ? Tư thế nằm chết của ông như thế nào ? Vị trí ông nằm chết cách tường nhà mấy mét ? Hiện trường, ngoài xác ông còn có những cái gì ? Nỗi đau của vợ con ông ? Và vợ con, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới của ông nói gì trước cái chết tức tưởi đó...Vân vân và...vân vân.

Nhưng không, tuyệt đối không. Sau mấy dòng đưa tin ngắn ngủi đó, các báo đều im bặt, hệt như có những bàn tay cầm những miếng băng dính nhất tề ấp vào miệng các báo vậy.

Vì vậy, cũng như sau cái chết của bé Lê Hoàng Long, sau cái chết tức tưởi này của ông thứ trưởng, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Mùa này, các cơ quan làm việc từ 7h30. Thông thường, người ta xuất phát ở nhà khoảng 7 giờ hoặc sớm hơn nếu ở xa, để 7h30 có mặt ở cơ quan. Nhưng7 h30 chưa có ai bắt tay vào làm việc cả, còn cà phê cà pháo, còn trà lá chán chê, ít nhất 8 giờ mới bắt tay vào làm việc.

Ông thứ trưởng “rơi” từ tầng 8 xuống lúc 7h15. Nghĩa là ông phải đến cơ quan trước lúc đó. Ông rời nhà lúc mấy giờ, chắc chắn vợ con ông phải biết. Ông đến cơ quan bằng xe máy hay bằng xe công của bộ. Nếu là đi bằng xe công thì người lái xe hôm đó là ai ? Anh ta phải biết ông đến cơ quan lúc mấy giờ. Lý do gì khiến ông đến sớm như vậy ?

Phòng làm việc của ông ở tầng 2. Ông có mặt ở tầng 8 từ sớm như vậy để làm gì ? Tầng 8 là tầng căng-tin. Có thể ông lên đó để ăn sáng hoặc uống cà phê. Tầng 8 có hành lang khá rộng, có hai tầng lan can, một tầng là gạch xây còn tầng trên bằng thép, những thanh thép bằng cổ tay người lớn, vô cùng chắc chắn. Chiều cao của hai tầng lan can là 1,4 mét, nều ông thứ trưởng cao 1,7 hay 1,8 mét, thì lan can cao hơn ngực ông. 

Đến nay, nơi được cho là chỗ ông ngồi uống cà phê đã được quây lại bằng dây, cái ghế ông ngồi vẫn còn nguyên. Đó là chỗ sát với lan can. Nếu ông ngồi vào ghế đó, thì chỉ có một nửa cái đầu của ông là nhô khỏi lan can. Với một vị trí an toàn như thế, làm sao ông tự “rơi” xuống đất được ? 

Ông thứ trưởng đến ăn sáng trước 7h15, nghĩa là căng-tin đã mở cửa bán từ trước đó rồi. Căng-tin bán thì phải có người nọ người kia. Và ông thứ trưởng ăn sáng thì phải có người làm đồ ăn cho ông, mang đến bàn cho ông. Ăn xong, ông ra hành lang ngồi trên cái ghế kê sát lan can, gọi cà phê, thì phải có người mang cà phê ra đó cho ông. Căng-tin rất đông người, tại sao không ai nhìn thấy vì sao ông thứ trưởng “rơi” xuống đất ? Và vì sao đang khỏe mạnh như thế, ông lại bay qua lan can để “rơi” ?

Nếu uống cà phê xong, đứng dậy nhưng chẳng may bị choáng váng mà ngã, kể cả ngã nhào vào lan can, thì ông thứ trưởng cũng chỉ ngã xuống hành lang chứ không “rơi” xuống đất. Vì lan can cao quá ngực ông và rất chắc chắn, sẽ ngăn không cho ông rơi ra ngoài. Và lúc đó những nhân viên đang bán căng-tin sẽ gọi xe cấp cứu để đưa ông vào viện. Ông cũng không bị tâm thần đến mức ngồi vắt vẻo trên lan can để bị “rơi” xuống đất.

Vậy thì phải chăng có ai đó (ít nhất là hai người) đã làm ông ngất xỉu, rồi nâng ông qua lan can để ông “rơi” xuống đất ? Hoặc có ai đó dùng hung khí (như súng chẳng hạn) buộc ông phải lên tầng 8 và giúp ông “rơi” xuống đất bằng một cú đẩy ? Và sau đó, những người liên quan đến ông hoặc biết vì sao ông “rơi”, đều bị đe dọa cấm không được mở lời.

Chính vì thế, mà cho đến nay, vẫn không có bất cứ một nhân chứng nào lên tiếng ?

VŨ HỮU SỰ 18.10.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.