Gã
cần có một khoanh nghỉ để ngẫm. Nghỉ ở đâu? Một làng dừa ven Hội An. Ngẫm sách
nào? Quốc gia Khởi nghiệp nói về Israel.
Chả yên. Bạn Facebook giục hối: cái chết của thứ trưởng Giáo dục
Lê Hải An, theo gã thế nào?
Viết vậy. Khi, bầy cò trắng xứ Quảng của cụ Phan Châu Trinh,
Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi dập dà dập dờn cánh đồng đang gặt.
Câu hỏi : Nếu bạn là người thù An thì bạn có chọn tại cơ quan Bộ
Giáo dục khi An uống cafe trên căn tin lầu 8 để xô An ngã không?
Không. Không là cái chắc. Bọn thù An hoặc không muốn An chiếm
ghế của mình đều là bọn khôn ngoan và có bằng cấp, chúng muốn giết An thì thiếu
gì cách. Thuốc độc khi ăn uống. Tai nạn xe khi An đi công tác. Thằng ngu
"lạy ông tôi ở bụi này" mới giết An giữa ban ngày nơi có nhiều người
quen biết An.
Giết người đâu dễ. Muốn giết người thì kẻ giết phải lập mưu, bài
binh bố trận kỹ lắm, kịch bản tính trước kỹ lắm ; chứ đâu khơi khơi xô ngã
con nhà người ta chốn biết trước có thể đông người, nơi quá rành người ta là kẻ
có quyền lực.
Bọn thù ghét An vì lợi ích của chúng chắc chả ngu.
Gã có kinh nghiệm viết báo, điều tra độc lập nhiều năm, gã không
tin có vụ mưu sát An như không ít bạn của gã suy đoán.
Gã đọc nhiều thông tin liên quan đến cái chết của An thì chú ý
đến thông tin của một bạn từng là phóng viên mảng giáo dục. Bạn đó viết:
"Nhìn cái dây vàng khoanh cái nơi
anh ra đi oan nghiệt quá! Đấy là vị trí được cho là anh bị rơi xuống.... Gọi
điện hỏi, một đồng nghiệp cho hay anh An mới mua điện thoại iPhone 11, sáng
đứng ở ngoài hành lang gọi bị rơi nên trèo ra lấy rồi trượt chân. Ấy là bạn tôi
cũng nghe người khác kể thôi chứ không chứng kiến. Rơi hay không thì nhìn hành
lang và các gờ tường là biết! Hỏi nhà mạng thời điểm đó có cuộc gọi nào
(đến/đi) ở số máy của anh thì ra ngay".
Gã chú ý một thông tin nữa của nữ phóng viên Dân Trí: 9g30 vì tò
mò khi nghe anh An chết, tôi đã thử điện thoại cho anh. Điện thoại vẫn đổ
chuông.
Riêng gã tìm hiểu cuộc đời An.
Chú ý 1:
Một chàng trai con nhà gia giáo, chăm chỉ học. Cuộc đời chỉ học
và dạy học. Khuôn mặt rất thư sinh. Khả năng An không như bao đứa trẻ khác tinh
nghịch quen leo trèo, quen các cung bậc mạo hiểm.
Chú ý 2:
An đeo kính cận.
Vậy gã thử hình dung một kịch bản
thế này, lý giải cái chết của An:
An đến bộ Giáo dục trước 7g. Để
hẹn ai cùng café, hoặc để làm gì không rõ. Nhưng 7g An đã có mặt ở hành lang
tầng 8 nơi có căng-tin. Giờ đó căng-tin đang bắt đầu mở cửa nhưng chưa sẵn sàng
phục vụ khách.
An vừa lên, chưa ngồi xuống ghế hoặc
bàn ghế căn tin chưa bầy ra. An đứng bên lan can mặt hướng ra ngoài. Điện thoại
cho ai đó.
Khả năng:
An vô tình rơi điện thoại xuống
mái hiên nối lan can. Nếu An có bạn cùng café hoặc có nhân viên căng-tin ở đó
thì khả năng nhân viên căng-tin là người lao động hoặc bạn café của An sẽ không
để ông cấp trên của mình trèo lan can lấy điện thoại mà sẽ tình nguyện giúp.
Như vậy nếu An trèo ra thì khả
năng lúc đó chỉ mình An. Do điện thoại vẫn dở cuộc chuyện nên An sẽ vội vã trèo
lấy để không bị ngắt câu chuyện.
Vì sao An dám trèo ra? Điện thoại
rơi mà không bị bắn xuống đất có nghĩa mái hiên khá rộng, hơn nữa có lan can để
tay bám nên An cảm thấy an toàn.
Nhưng có khả năng sự vội vã này
cùng với bản tính không phải người từng nghịch ngợm quen cảm giác mạnh dễ dẫn
đến sự luống cuống khi leo trèo ở độ cao không rào chắn an toàn.
Nếu khi trèo cái kính cận của An
bị lệch hoặc bị rớt thì An dễ bị lòa mắt và choáng. Điện thoại của An nếu rớt
xuống đất mà không xuống mái hiên thì An sẽ xuống đất lấy điện thoại. Và nếu
rớt từ tầng 8, điện thoại sẽ bể không thể đổ chuông lúc 9g30 như phóng viên Dân
Trí đã kể.
Gạt qua những suy đoán của gã về
cái chết của An vì chưa hề có kết luận điều tra chính xác nào về cái chết này.
Nên thậm chí điều mà nhiều người suy đoán An bị giết vẫn có thể là một kịch bản
để ngỏ.
Điều gã trăn trở nhất sau cái chết
của An là câu hỏi: Vì sao cái chết của An lại gây rúng động xã hội?
An tử tế, có học, một tài năng
trẻ, chống cái xấu, cái mục ruỗng trong ngành giáo dục.
An là niềm hy vọng vào lớp lãnh đạo trẻ có thể thay đổi Đất nước của hàng triệu người biết An hoặc nghe kể về An.
Ngành giáo dục cũng như chốn quan
trường quá nhan nhản bọn sâu mọt bẩn thỉu gây căm phẫn trong Dân.
Nên: có một lãnh đạo nào tử tế thì
Dân thương, Dân yêu, Dân hy vọng.
Nên: cái chết của An gây tiếc
thương trong Dân.
Nên: cái chết của người tử tế giữa
bầy xấu xa gây nghi ngờ trong Dân rằng có khả năng An bị giết.
Trường hợp cái chết của An giống
như trường hợp cái chết của Lưu Quang Vũ năm 1988 khi Vũ tròn 40 tuổi.
Dân nghi ngờ An bị sát hại là
chính đáng vì cái xấu chưa bị tiêu diệt mà thậm chí chúng trâng tráo nói và làm
những điều khốn nạn gây tức giận trong Dân.
Sự thật rồi sẽ là sự thật. Đó là
có thể An vô tình bị ngã chết khi trèo ra lan can lấy điện thoại rơi. Có thể An
bị bọn xấu liều lĩnh xô An ngã.
Đó là người tử tế bao giờ cũng
được Dân thương. Chết, Dân tiếc thương.
Đó là bọn xấu tham lam, bán Dân,
bán Nước bao giờ cũng bị Dân khinh, Dân nguyền rủa.
Cái chết của An
lẽ nào không là bài học cho tất cả những ai đang ngụp lặn chốn quan trường?
LƯU TRỌNG VĂN 18.10.2019 (Tựa bài
do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.