Cảnh sát khám nghiệm chiếc xe tải chứa 39 xác di dân Trung Quốc phát hiện tại Grays, thuộc hạt Essex, cách Luân Đôn 20 km, ngày 23/10/2019. |
Việc phát hiện xác chết của 39 người nhập cư trong
một chiếc xe tải ở Anh là sự kiện chấn động được tất cả các báo Pháp
hôm nay 24/10/2019 đề cập đến.
Thảm kịch xảy ra lúc Anh đang muốn chống di dân lậu
Bài xã luận của La Croix mang tựa đề « Khủng khiếp xung quanh vấn đề di dân »
cho biết chủ đề được chuẩn bị cho số báo hôm nay là tình hình tồi tệ ở
trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nhưng thông tin này đã
khiến bức tranh thêm đen tối. Không rào cản nào ngăn được ý định của
những người quyết tâm tìm đến Tây Âu.
Thảm kịch này còn mang tính
biểu tượng vì có liên quan đến Đông Âu, trong lúc Anh quốc đang muốn ra
khỏi Liên hiệp Châu Âu, đặc biệt là để tránh luồng người nhập cư. Mạng
lưới đưa người vượt biên muốn kiếm lợi nhuận tối đa, đã nhẫn tâm đưa các
khách hàng đến chỗ chết. Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sự đau xót
trước bi kịch, còn lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn đánh giá là « thảm kịch nhân đạo khó tin ».
Trong bài « Chiếc xe tải nhục nhã », thông tín viên Libération
tại Luân Đôn cho biết đơn vị cấp cứu được gọi đến vào lúc 1 giờ 40 phút
sáng hôm qua 23/10, chỉ bất lực đưa ra từng nạn nhân một, đều đã chết,
trong đó có một nữ vị thành niên. Ba mươi chín xác người vô danh, hiện
chưa có ai than khóc. Họ đã để lại những người thân nào phía sau : cha
mẹ, vợ con…, từ vùng đất xa xôi nào họ đã ra đi ? Các nạn nhân bị dồn ép
trong chiếc xe tải đông lạnh, trong bóng tối hoàn toàn, không có không
khí để thở - những điều kiện khủng khiếp.
Bungari, trung tâm của nạn buôn người
Chính
quyền Bulgari xác nhận chiếc xe đăng ký ở nước mình nhưng dưới tên một
công ty của một phụ nữ Ireland, và chưa hề quay về Bulgari từ năm 2017.
Theo
tin AFP hôm nay, tất cả 39 nạn nhân bị chết cóng trong xe đều là người
Trung Quốc. Trước đó ngày 18/06/2000, một trong những ngày nóng nhất
trong năm, xác 58 người Trung Quốc được tìm thấy tại Dover, họ bị chết
ngạt trong một chiếc xe tải từ Rotterdam đến, chỉ có hai người may mắn
sống sót. Gần đây cũng đã có năm di dân khác thiệt mạng khi trốn trong
xe tải để đến Anh. Những thảm cảnh này sẽ còn tiếp diến, do những khó
khăn trong việc đối phó với các mạng lưới đưa người vượt biên và sự
thiếu phối hợp giữa các nước châu Âu.
Le Figaro kể thêm,
ngày 25/08/2015 cảnh sát Áo chận một chiếc xe tải đông lạnh bốc mùi khó
chịu ở cách biên giới Hungary 20 km, phát hiện 71 xác chết. Kẻ buôn
người mang quốc tịch Afghanistan đã nhận 1.000 đến 1.500 euro mỗi đầu
người, rồi ra lệnh cho tài xế bỏ rơi các nạn nhân. Hắn ta đã lãnh 25 năm
tù, cùng với ba người Bulgari đồng phạm. Bi kịch này đóng vai trò ngòi
nổ cho việc Hungary quyết định đóng cửa biên giới.
Theo Le Figaro, « Bulgari là trung tâm của nạn buôn người ».
Trong báo cáo năm 2016, Europol nhận định trên 90% nhờ đến các mạng
lưới đưa người vượt biên trong một phần hoặc toàn bộ cuộc hành trình của
họ, thậm chí cảnh sát Pháp còn cho rằng tỉ lệ này lên đến 100%. Đó là
những đường dây có tổ chức chặt chẽ, biết thích ứng theo với nhu cầu của
khách cũng như lực lượng an ninh được huy động.
Di dân đến cảng Elefsina gần Athens, Hy Lạp, 22/10/2019. |
Người Trung Quốc và Việt Nam trong các băng nhóm đưa người vượt biên
Các
tuyến đường chính đi vào châu Âu hầu như không thay đổi, các băng nhóm
đưa người thường là người Trung Quốc hay người Việt Nam. Đại đa số đến
bằng đường bộ, một số qua Đại Tây Dương, bằng ba ngõ khác nhau. Con
đường trung tâm nối Libya và Tunisie với Malta và Ý, rất dài và nguy
hiểm, hoạt động tích cực nhất trong hai năm 2016 và 2017 nhưng nay đã
giảm nhiều. Tuyến đường phía tây giữa Maroc và Tây Ban Nha thì rất nhộn
nhịp : trên 17.000 người đã đến được Andalousie (nam Tây Ban Nha) trong
năm 2019 ; đa số di dân đến từ Tây Phi hoặc Đông Phi. Tuyến phía đông có
điểm đến đầu tiên là Hy Lạp, gần 40.000 người đã đến nơi trong năm nay.
Ngoài ra còn có những tuyến đường khác đi xuyên qua Nga, Ukraina để đến
Trung Âu, hoặc trực tiếp đến Bắc Âu, nhưng ít phổ biến.
Một khi
đã vào được Hy Lạp, di dân thường mơ đến được Đức, Thụy Điển, Anh thông
qua Croatia hay Bulgari ; và có những đường dây thứ cấp phụ trách. Đó có
thể là những cá nhân giúp vượt qua biên giới để kiếm thêm tiền, nhưng
còn là những tổ chức mafia. Các tổ chức này, theo số liệu của Europol
năm 2015, tuyển dụng đến 40.000 « nhân viên », từ tài xế, môi giới cho
đến đầu sỏ, hầu hết ở Đông Âu. Trong số đó người Bulgari chiếm đa số,
tiếp theo là Hungary và Irak, các nghi can Bulgari bị bắt không chỉ tại
nước này mà cả tại Hy Lạp, Ý, Áo.
Những tuyến đường đưa người vượt
biên còn được mafia sử dụng cho những hoạt động bất hợp pháp khác như
buôn ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, việc đưa người nhập cư lậu mang lại
nguồn lợi lớn thứ nhì chỉ sau ma túy, nhưng cũng gây nhiều chết chóc, mà
cái chết của 39 người Trung Quốc hôm qua (31 nam, 8 nữ) là bằng chứng
mới nhất.
Luật phạt vạ khách mua dâm tại Pháp
Cũng trên lãnh vực xã hội nhưng tại Pháp, Le Figaro nhận xét « Luật chống mại dâm được áp dụng khá chậm chạp », và không đồng đều tại các địa phương.
Ngày
06/04/2016, nước Pháp đã làm một cuộc cách mạng khi thông qua một đạo
luật trừng phạt khách mua dâm, và bỏ việc phạt vạ các cô gái mại dâm
chèo kéo khách. Kết quả cho đến nay ra sao ? Quỹ Scelles vốn ủng hộ luật
này, cùng với cơ quan phụ trách hòa hợp xã hội (DGCS) đã làm một cuộc
điều tra sơ khởi về tình hình từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2019.
Nhà
xã hội học Jean-Philippe Guillemet cho biết có ba trường hợp : Paris áp
dụng rất tích cực, Narbonne rất yếu còn Bordeaux và Strasbourg thuộc
loại trung bình. Tại Paris, có đến 2.263 khách mua dâm đã bị phạt vạ từ
1.500 euro đến 3.750 euro (trong trường hợp tái phạm), nhưng tại
Strasbourg chỉ có ba ông khách bị phạt.
Các biện pháp khác để hỗ
trợ cho gái mại dâm hoàn lương, về mặt xã hội, y tế và giáo dục cũng
thế. Ở Paris, có 74 phụ nữ bán hoa cam kết bỏ nghề, trong khi tại
Strasbourg chỉ có 3 người còn Narbonne không có ai. Nhưng nhìn chung, có
70 địa phương đã lập ra chương trình chống nạn mại dâm, trong khi trước
đây không hề hành động. Thụy Điển đã khống chế được nạn mại dâm sau 20
năm kiên trì, và Pháp nay cũng đang hy vọng.
Niềm vui sẽ kéo dài được bao lâu? |
Tình hình Tunisie bất định sau cú sốc bầu cử
Nhìn sang Bắc Phi, Les Echos đặt vấn đề « Sau cú sốc bầu cử, Tunisie có còn quản lý nổi ? ».
Người dân đã hạ bệ giới tinh hoa lãnh đạo, nhưng do sốt ruột muốn thay
đổi, họ không suy nghĩ kỹ về hệ quả của cuộc bỏ phiếu. Với một tổng
thống không đảng phái, một Quốc Hội manh mún và bức tranh toàn cảnh lộn
xộn, có nguy cơ là đất nước rơi vào tình trạng vô tổ chức.
Cử tri
đã chọn lựa một tổng thống không có kinh nghiệm chính trường, trước đó
vài tháng vẫn còn vô danh, và nhất là không được tổ chức nào hỗ trợ. Kế
hoạch cải cách của tân tổng thống Kaïs Saïed vẫn còn mơ hồ, và không có
nhóm dân biểu ủng hộ nào tại Quốc hội, ông sẽ phải nhờ vào các nhân tố
hiện có thậm chí cả phe Hồi giáo, nhưng ngay cả nhóm này cũng đang chia
rẽ.
Những người chống Brexit biểu tình trong mưa trước Nghị viện Anh ngày 24/10/2019. |
Chuyện dài Brexit
Về Brexit, Les Echos đặt ra năm câu hỏi xung quanh vấn đề làm tốn hao giấy mực này.
Thứ
nhất, Bruxelles sẽ trả lời thế nào về việc hoãn ngày Brexit. Thứ hai,
ông Boris Johnson liệu có thể đạt được việc tổ chức bầu cử trước Noel
hay không. Thứ ba, dự luật Brexit sẽ ra sao, thứ tư, những tu chính án
nguy hiểm nhất là gì và cuối cùng, chừng nào Anh mới chính thức ra khỏi
Liên hiệp Châu Âu.
Về câu hỏi cuối, có hai khả năng : hoặc Boris
Johnson được 27 nước EU chấp nhận cho hoãn khoảng vài tuần lễ, gây áp
lực lên các nghị sĩ ở Westminster ; hoặc có được thời hạn dài hơn để tổ
chức bầu cử sớm. Dù sao đi nữa, khó thể dời lại được quá ngày 31/1 sang
năm, vì EU muốn sớm kết thúc hồ sơ này.
Nhưng ba năm rưỡi sau
cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, đã có quá nhiều điều xảy ra nên giờ
đây không có gì là bất khả. Nhất là những người còn hy vọng ở lại trong
Liên Hiệp Châu Âu muốn thúc đẩy một Brexit « mềm », kéo dài thời gian để
mong một ngày đẹp trời nào đó có thể đảo ngược tình hình.
Tựa chính báo Pháp
Le Monde hôm nay chạy tít trang nhất « Brexit : Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận của ông Johnson nhưng chận lại về thời hạn »
khiến thủ tướng Anh khó thể thực hiện được lời hứa ra khỏi Liên hiệp
Châu Âu (EU) vào ngày 31/10. Những người chủ trương Brexit bây giờ đứng trước
câu hỏi, một khi rời EU sẽ theo chính sách tự do hay xã hội ? Nhật báo
kinh tế Les Echos nói về « Di sản của Draghi », chủ
tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu vừa mãn nhiệm, đã điều hành trong bối
cảnh căng thẳng chưa từng thấy. Tờ báo vẽ lên chân dung nhân vật đã «
cứu vãn đồng euro ».
Về mặt xã hội, Le Figaro cho biết « Các nhà hoạt động cực đoan chống ăn thịt gây lo ngại cho giới nông dân ».
Những tòa nhà bị đốt cháy, gây hoảng sợ cho gia súc, ghi hình lén…số vụ
đột nhập vào các trang trại đã tăng gấp ba so với năm ngoái, đây là một
mối lo ngại thực sự cho chính quyền. La Croix chạy tựa « Sống sót trong các trại tị nạn » với
tấm ảnh những đứa bé bên cạnh một chiếc lều, báo động số di dân đến Hy
Lạp lần đầu tiên đã gia tăng kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2015.
Libération
đăng ảnh một cặp tân giai nhân trong đó chú rể mặc áo linh mục, nói về
một điều cấm kỵ sắp được dỡ bỏ trong giáo hội Công giáo : Đức giáo hoàng
Phanxicô cho biết sẵn sàng cho những người đã có gia đình được thụ chức
linh mục riêng tại Amazon để đối phó với tình hình thiếu các cha xứ tại
vùng này. Đây là chủ đề đang được thảo luận tại Vatican và nếu thành sự
thực, sẽ là một cuộc cách mạng đưa giáo triều Phanxicô đi vào lịch sử.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.