jeudi 17 octobre 2019

Ngô Nhân Dụng - Tổng Thống Trump muốn được đàn hặc?

Một bảng quảng cáo điện tử tại khu Fisherman’s Wharf ở San Francisco, California, có chữ “IMPEACH” cùng hình Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười, 2019. Tuy nhiên, vào tối cùng ngày, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói Hạ Viện chưa tiến hành bỏ phiếu điều tra luận tội Tổng Thống Trump. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

(Người Việt 15/10/2019) Muốn biết Tổng Thống Donald Trump muốn được đàn hặc hay không, thử nhìn tựa đề một bài báo của ông Karl Rove trên nhật báo The Wall Street Journal vào đầu Tháng Mười, 2019, thúc giục “Lẹ lên! Đàn hặc đi!” (Hurry Up and Impeach). Ông Rove là chiến lược gia số một của ông Trump trong cuộc tranh cử năm 2016, rồi làm chánh văn phòng trong hơn một năm. Chắc hẳn ông Rove thúc giục vì thấy nếu “được đàn hặc” sang năm ông Trump chắc chắn tái đắc cử!

Theo Karl Rove nhìn thì đảng Dân Chủ càng nôn nóng việc đàn hặc thì dân Mỹ càng thấy rằng hành động của họ nặng tính chất đảng phái, thay vì ích lợi quốc gia. Bản chất hành động đàn hặc của Hạ Viện là truy tội, để đưa lên Thượng Viện xét xử và tuyên án. Đảng Dân Chủ chỉ muốn “đưa ông Trump ra tòa” chứ không chủ tâm đi tìm hiểu sự thật, coi ông ta có “đáng tội” hay không. 

Nhưng ai cũng đoán được được rằng khi lên Thượng Viện, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, sẽ không thể nào có đủ 67 nghị sĩ kết tội ông. Và như thế thì, theo Karl Rove tiên đoán, sang năm 2020 các cử tri Mỹ sẽ “trừng phạt” các ứng cử viên Dân Chủ, dù họ tranh cử tổng thống hay đại biểu Quốc Hội.

Thái độ vội vã của đảng Dân Chủ biểu lộ khi bà Nancy Pelosi không để cho toàn thể Hạ Viện biểu quyết mở cuộc điều tra, sau đó Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Jerrold Nadler sẽ phụ trách tiến hành. Không đưa ra biểu quyết cho nên phe thiểu số trong Hạ Viện, là các đại biểu Cộng Hòa không có cơ hội đưa ra những lý luận phản đối và bác bỏ việc điều tra, trước công chúng. Những người này cũng không có cơ hội đòi phải gọi các nhân chứng do phe chống đàn hặc mời tới!

Bà Pelosi tự đứng ra điều khiển cuộc điều tra “tội trạng.” Việc đàn hặc hoàn toàn chỉ được các đại biểu đảng Dân Chủ ủng hộ còn phe Cộng Hòa trong Hạ Viện không có tiếng nói. Làm như vậy dân Mỹ càng thấy tính chất phe đảng khi họ so sánh với những thủ tục diễn ra trong những lần đàn hặc gần đây nhất.

Năm 1994, khi Tổng Thống Richard M. Nixon sắp bị đàn hặc, Hạ Viện đã quyết định yêu cầu Ủy Ban Tư Pháp mở cuộc điều tra. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7 Tháng Hai, có 410 đại biểu đồng ý, thuộc cả hai đảng, chỉ có bốn phiếu chống. Cả nước Mỹ thấy đây là một hành động “phi đảng phái.” Sau đó ông Nixon bị điều tra trong 13 tháng về tội “cản trở công lý!”

Tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Sam Ervin, Dân Chủ, đứng đầu Ủy Ban Tư Pháp, cũng mở cuộc điều tra. Nhưng ông được Nghị Sĩ Howard Baker, Cộng Hòa, hỗ trợ. Ông Baker đã đặt ra một câu hỏi được ghi vào lịch sử, về mối nghi ngờ ông Nixon: “Ông tổng thống biết những gì? Và ông biết từ lúc nào?”

Sau đó, ông Nixon chỉ từ chức sau khi nhiều chi tiết mới được tiết lộ khiến ông không còn hy vọng được các nghị sĩ Cộng Hòa bảo vệ khi Thượng Viện xét xử.

Năm 1998, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa làm chủ cũng bắt đầu cuộc đàn hặc Tổng Thống Bill Clinton theo cùng một trình tự. Ngày 5 Tháng Mười năm đó, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện biểu quyết với tỉ số 21-16 mở cuộc điều tra kể tội, các đại biểu Cộng Hòa chiếm đa số đồng ý, phía Dân Chủ bỏ phiếu chống.

Năm nay, đảng Dân Chủ ở Hạ Viện không theo lối làm việc hai lần trước. Nhiều người Mỹ có thể nghĩ rằng mục tiêu của đảng Dân Chủ chỉ là đàn hặc, càng sớm càng tốt, không cần bảo vệ tính chất công bằng và đầy đủ khi mở cuộc điều tra.

Nancy Pelosi có một lý do thầm kín khiến bà không muốn đem vấn đề ra cho toàn thể Hạ Viện bỏ phiếu mở cuộc điều tra: Bà không muốn tất cả các đại biểu Dân Chủ phải bày tỏ thái độ, nhiều người sẽ ngần ngại!

Vì một số dân biểu Dân Chủ năm ngoái đã đắc cử trong những địa hạt mà ông Trump thắng hồi năm 2016. Họ thắng vì đa số dân muốn tạo thế cân bằng, hành pháp trong tay Cộng Hòa thì cho Dân Chủ nắm quyền lập pháp. Nhưng sang năm, thế cờ sẽ khác. Nếu các đại biểu này bỏ phiếu chấp thuận mở cuộc điều tra ông Trump, thì sang năm họ có thể mất phiếu của những cử tri vẫn trung thành với ông Trump! Tốt nhất là không bắt các đại biểu này phải bỏ phiếu mở cuộc điều tra!

Nhưng chiến thuật của bà Pelosi có thể gây phản ứng ngược! Những người ủng hộ ông Trump càng muốn bênh vực ông hơn khi thấy đảng Dân Chủ hành động vội vàng, không theo tiền lệ, chỉ vì muốn đàn hặc cho nhanh!

Nhưng ông Donald Trump có nhiều lý do muốn “được” đàn hặc!

Trước hết, vì vụ đàn hặc này thay đổi đề tài cuộc tranh cử năm 2020 theo chiều hướng có lợi cho ông. Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sang năm sẽ nặng mầu sắc đảng phái tranh quyền hơn, sau khi dân chúng chứng kiến vụ đàn hặc ở Hạ Viện (Dân Chủ kiểm soát) và tuyên án tha bổng ở Thượng Viện (Cộng Hòa nắm đa số).

Năm 2018, đảng Dân Chủ thắng lớn trong kỳ bầu cử Quốc Hội vì nhiều người Mỹ muốn tỏ thái độ: Họ không ưa cá tính ông Trump cũng như chính sách của ông. Vụ đàn hặc sẽ khiến vấn đề đó bị lu mờ!

Người dân sẽ quên rằng tranh cử tổng thống là một cuộc chạy đua của những chính sách quốc gia. Nhiều cử tri có thể ủng hộ các chính sách của đảng Dân Chủ hơn đảng Cộng Hòa. Nhiều người không có thiện cảm với ông Trump so với ứng cử viên tổng thống nào đó của đảng Dân Chủ. Nhưng khi cuộc tranh cử được coi chỉ là tranh giành quyền lực đảng phái thì đa số sẽ không còn nghĩ đến chính sách hay cá nhân ông Trump nữa. Ngược lại, họ sẽ quyết định lá phiếu dựa trên phán đoán về vụ đàn hặc. Họ tự hỏi: Đàn hặc như vậy có hợp lý và có công bằng hay không? Nhiều người sẽ ủng hộ ông Trump hơn!

Thứ hai, cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và tổng thống nước Ukraine sẽ được đưa ra như một lý do đàn hặc ông. Ông Trump sẽ bị tố cáo đã nhờ một quốc gia khác truy tội một đối thủ chính trị của mình trong nước.

Nhưng sau những tháng ngày đàn hặc ở Hạ Viện và xét xử trên Thượng Viện, nhiều cử tri sẽ chỉ quan tâm so sánh tội trạng mà đảng Dân Chủ tố cáo ông Trump, với những tội trạng mà ông Trump tố cáo cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, dù ông Biden có là ứng cử viên tổng thống hay không. Phân tích “tội trạng” và so sánh “tội” của hai người là một việc quá phức tạp! Người dân bình thường sẽ nghĩ cả hai đều lợi dụng chức vụ, khó phân biệt bên nào tội nặng, bên nào tội nhẹ.

Một lợi ích cho ông Trump nhiều nhất nếu ông bị đàn hặc, là vụ này giúp ông củng cố lòng trung thành của những người đã ủng hộ ông. Nhiều người có thể đã thất vọng với các việc ông làm khi cầm quyền. Nhưng họ có thể tha thứ, khi thấy ông trở thành một nạn nhân của trò tranh chấp đảng phái.

Nhiều người Mỹ đang thất vọng vì ông Trump không thực hiện được những lời hứa, như số khiếm hụt mậu dịch không giảm mà vẫn tăng lên, vì nông sản ở Mỹ mất giá và bán không được và chưa đem được công việc làm về nước Mỹ. Nhưng các cử tri của ông có thể bỏ qua những khiếm khuyết đó khi thấy ông bị tấn công bốn bề mà vẫn ngồi vững vàng trong chức tổng thống, vì tất cả các nghị sĩ Cộng Hòa vẫn ủng hộ ông!

Cuối cùng, chính Tổng Thống Trump mới kêu gọi “Hãy đàn hặc tổng thống” trong một thông điệp “tuýt” vào sáng Thứ Ba, 15 Tháng Mười. Sau khi kể những thành tích của chính mình trên mặt trận kinh tế, ông Trump viết, “Với những con số trên bọn Dân Chủ Cực Đoan Tả Phái không cách nào chống lại được! Hãy đàn hặc tổng thống!” (Tough numbers for the Radical Left Democrats to beat! Impeach the Pres. (Donald J. Trump (@realDonaldTrump) October 15, 2019). Câu chót là “Impeach the Pres.” Chữ Pres. thường dùng để viết tắt chữ President, tổng thống.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.