vendredi 25 octobre 2019

Hoàng Nguyên Vũ - "Doanh nhân trẻ triệu đô": Toàn một lũ lừa đảo !


Trên truyền thông, cứ dăm bữa nửa tháng lại xuất hiện một gương mặt "doanh nhân trẻ triệu đô".  

Ừ, "doanh nhân trẻ triệu đô" xây dựng một thương hiệu gì đó, thuê viết PR la liệt để gọi đầu tư có một cục tiền triệu đô, sau đó "doanh nhân trẻ triệu đô" làm mọi cách để doanh nghiệp lỗ đi đến phá sản. Phá sản là ngưng, "doanh nhân trẻ triệu đô"  ôm một cục tiền đi làm những chuyện khác.

Hẳn bạn chưa quên cô chủ một chuỗi cà phê ở Sài Gòn, báo chí không ngớt bài ngợi ca tài năng giỏi giang; các quỹ đầu tư nhảy vào đầu tư cả mấy chục triệu đô để phát triển. Phi vụ bán thương hiệu thành công, nữ "doanh nhân trẻ triệu đô" ở lại làm giám đốc điều hành chuỗi cà phê ấy. Nhưng một thời gian ngắn sau, cả chuỗi cà phê phá sản, nhà đầu tư mất một khối tiền khổng lồ. Duy nhất có một kẻ được trong thương vụ triệu đô này, đó chính là "nữ doanh nhân trẻ triệu đô" ấy.

Thông thường, nhà đầu tư khi mua một business, họ sẽ mua ba thứ: thương hiệu, data khách hàng và đội ngũ nhân sự - vì thế khi các nhà đầu tư đầu tư vào một doanh nghiệp, họ đặt niềm tin lớn vào người điều hành trước đó. Nhưng đó cũng là "cửa tử" khi mà mục đích của các "doanh nhân trẻ triệu đô" là muốn business bị lỗ và đi đến phá sản, để sớm cao chạy xa bay, nó đối lập hoàn toàn với kỳ vọng phát triển của nhà đầu tư.

Mấy hôm nay báo chí râm ran về chuỗi nhà hàng Món Huế đột ngột đóng cửa. Nếu chúng ta quan sát kỹ diễn biến của vụ việc, thì cái mùi của nó vẫn là mùi quen thuộc "doanh nhân trẻ triệu đô" đã từng xuất hiện và đã từng biến mất trên thương trường xứ Việt. Công thức chung là viết ra một dự án kinh doanh theo chuỗi, mở càng nhiều càng tốt và đi cùng với nó là con số đầu tư khủng. Một bức tranh tương lai phơi phới được vẽ với mục đích nhận nhiều tiền đầu tư và mọi thứ sẽ kết thúc kể từ khi tiền đầu tư vào túi của các "doanh nhân trẻ triệu đô", đó là "phải lỗ, phải phá sản"

Thế nên bạn đừng ngạc nhiên khi mặt bằng phải mở đùng đoàng ở những mặt tiền đắc địa của các thành phố lớn. Bàn ghế sắm phải là loại xịn nhất, mọi đồ đạc cũng phải là loại xịn nhất. Bởi vì đó là cách tiêu tiền của nhà đầu tư nhanh nhất. Các đối tác cung cấp đồ đạc cho họ, giá trị hợp đồng càng lớn thì "doanh nhân trẻ triệu đô" được ăn càng nhiều. Còn lặt vặt cọng hành, bó lá chuối, không xơ múi được gì thì "doanh nhân trẻ triệu đô" sẽ không mặn mà gì đâu.

Và cuối cùng, không ngoài dự đoán, chuỗi lớn chuỗi nhỏ cùng nhau lên đường hết. Một chuỗi toan tính đầy mưu mô xảo trá bằng tất cả những thủ thuật khôn vặt khôn lỏi nhất của người Việt được thể hiện và tạo ra những vết đen kinh hãi trên thương trường.

Thế nên bạn đừng ngạc nhiên khi giờ ra đường đâu đâu bạn cũng sẽ gặp nhan nhản các "doanh nhân trẻ" sắp thành "triệu đô" với những dự án hoành tráng. Rồi vài bữa thấy họ lên báo ngồi chễm chệ nói tôi tài thế này tôi giỏi thế kia để thu hút con mồi. Họ không có ý định tạo ra doanh nghiệp hay thương hiệu để phát triển, mà họ tạo ra để moi tiền của nhà đầu tư. Có được tiền rồi thì sống chết mặc bay.

Đó là lối làm ăn khốn nạn, vô lương tâm và phản văn minh trong thời kỳ con người phải tạo ra giá trị để phát triển.

Song song với "doanh nhân trẻ triệu đô" mở chuỗi thương hiệu kêu gọi đầu tư, thì có một loại "doanh nhân trẻ triệu đô" khác, là tạo ra thương hiệu bằng những bùa phép truyền thông sau đó bán với dạng "nhượng quyền". Cứ tạo ra, cứ làm ì xì đùng sau đó nhượng quyền, mỗi thương vụ cho một "con mồi" nhẹ nhẹ cũng 2 tỉ đồng. Loại này lừa đảo cũng không kém gì loại "triệu đô" bên trên.

Rằng bạn khó có thể lý giải nổi một mặt hàng "trà sữa xe đẩy đường phố" ở Thái Lan đột nhiên về Việt Nam thành "thương hiệu lớn", được hot KOL xây dựng sau đó bán la liệt ít nhất cũng mấy chục nạn nhân. Có người bỏ ra 2 tỉ mua thương hiệu (cái này phải nói một phần cũng do ngu nữa), về đầu tư mặt bằng ì xì đùng ra, được vài tháng thì đóng cửa vì ế sưng ế sỉa.

Lừa một vài người thì cứ xem như thôi thì thị trường chưa làm tốt hay xyz gì đấy. Nhưng hàng chục thậm chí hàng trăm người thì quá khốn nạn và bất nhân !

Tương tự, các chuỗi kem trộn cũng vậy. Nổ banh trời là thương hiệu cao cấp của Hàn, của Nhật nhưng tìm kiếm thông tin từ bác google thì hiếm hoi như tìm toà soạn của nhà báo quốc tế trứ danh ở xứ mình. Rồi ra mắt ầm ĩ. Rồi mời đủ loại diễn viên, ca sĩ, hoa hậu của cái xứ này đi khai trương và chi tiền để lũ này ca tụng lên mây. Và bán nhượng quyền. Xong.

Trong đầu của những"doanh nhân trẻ triệu đô" này là nghĩ sao để đưa kẻ khác vào tròng và lấy được một cục tiền lớn, chứ chúng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ tạo ra giá trị và xã hội hoá giá trị một cách có tâm, có trách nhiệm.

Có lần nói chuyện với một "doanh nhân trẻ triệu đô" ngồi cùng nhóm bạn làm doanh nghiệp của tôi, bạn ấy nổ banh trời là sắp tạo ra hai thương hiệu lớn, một dành cho các em teen, một dành cho dân văn phòng. "Anh phải biết bây giờ các thương hiệu lớn cũng đều tập trung cho hai đối tượng này nên mình không nên bỏ lỡ".

Tôi hỏi bạn ấy vài câu, ví dụ như "Các thương hiệu lớn họ làm rồi, em mở tiếp thương hiệu cũng phục vụ khách hàng đó, có phải em đang húc đầu vào đá?" "Em nghĩ một cô văn phòng thu nhập tối đa 12 triệu đồng, thương hiệu nào cũng bu vào để cấu phần tiền ít ỏi đó, liệu có ổn không? Và các em teen bớt xén vài đồng ăn sáng để mua trăm thứ, giờ có thêm một thứ nữa, các em ấy mua nổi không?", thế là "doanh nhân trẻ triệu đô" câm tịt.

Nhà đầu tư cũng ba, bảy loại. Những nhà đầu tư chân chính và muốn tiền đẻ ra tiền là một chuyện. Nhưng cũng có những nhà đầu tư muốn dùng tiền của thằng khác rót vào một thương vụ để ăn chia, để rửa tiền không phải là chuyện hiếm mà thương vụ AVG là một điển hình. Tôi sẽ viết ở một tus khác.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các "doanh nhân trẻ" sắp thành "triệu đô": Nếu có ý định tạo ra những thương hiệu thì hãy để thương hiệu lớn lên cùng người tiêu dùng, như đã tạo ra một giá trị và nhân rộng cái giá trị tiêu dùng ấy. Còn nếu tạo ra thương hiệu chỉ để thắng về thương vụ đầu tư, chắc chắn sẽ không bền đâu. Bởi của thiên rồi sẽ trả địa. Tin đi, quả báo đến sớm lắm!

HOÀNG NGUYÊN VŨ 24.10.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.