(Người Việt 22/10/2019) Bên Canada, Thủ Tướng Justin Trudeau vừa
thoát nạn sau cuộc bỏ phiếu ngày Thứ Hai, 21 Tháng Mười, 2019. Nhưng đảng Cấp
Tiến của ông chỉ được 157 ghế trong Hạ Viện, trong Quốc Hội 338 đại biểu. Đảng
Bảo Thủ chỉ được 121 ghế nhưng ai được hơn 34% số phiếu của dân so với 33% bầu
cho đảng Cấp Tiến ! Chính phủ Trudeau sắp tới sẽ yếu hơn vì sẽ là một chính phủ
thiểu số; cho thấy địa vị một chính quyền dân chủ có thể rất mong manh.
Chính quyền ở Israel thì không chỉ mong
manh mà có thể gọi là hỗn độn ! Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã báo cho Tổng Thống
Reuven Rivlin biết ông chịu thua không lập được chính phủ sau 28 ngày luật định.
Ông Benny Gantz, lãnh tụ đảng Xanh Trắng được mời thử coi có tập hợp đủ 61 đại
biểu đồng ý với mình hay không. Chưa thấy hy vọng nào ông Gantz sẽ thành công
trong 28 ngày tới. Ba tháng trước, dân Israel đã bỏ phiếu rồi, nhưng ông
Netanyahu đã giải tán Quốc Hội để bầu cử lại vì ông không quy tụ đủ 61 phiếu cần
thiết.
Hai thí dụ trước mắt cho thấy rất khó cai
trị trong chế độ Dân Chủ. Người nói tiếng Anh gọi là “không thể cai trị nổi,
ungovernabe !”
Lý do đầu tiên là trong chế độ đại nghị,
với nhiều đảng phái, không đảng nào chiếm đủ đa số trong Quốc Hội. Canada chỉ
có ba đảng lớn, còn Israel có ba, bốn đảng đủ gọi là lớn và rất nhiều đảng nhỏ!
Trong những năm gần đây tình trạng tê liệt xuất hiện khắp nơi.
Thử coi mấy nước tự do dân chủ có nền tảng
vững chắc nhất. Ở Anh Quốc, Quốc Hội mất bao nhiêu phiên họp không thống nhất
được ý kiến về cuộc thương thảo với Liên Hiệp Âu Châu (EU) một khi Anh rút ra
(Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý năm trước. Thụy Điển cũng đang được một chính
phủ thiểu số cai trị. Dân Phần Lan bỏ phiếu vào Tháng Tư, đến cuối Tháng Năm
các đảng mới thương thuyết lập được chính phủ mới.
Tại Cộng Hòa Czech, năm ngoái các đảng chính
trị không thỏa thuận được trong tám tháng trời. Kỷ lục chắc về tay nước Bỉ,
Belgique, hồi năm 2010, 2011 đã mất 535 ngày không có chính phủ mới. Trong số
28 nước Liên Hiệp Âu Châu, tám cuộc bỏ phiếu gần đây nhất là bầu cử sớm (snap
poll) vì chính phủ không đủ vững.
Một điều may mắn là trong khi các đảng
“không lập được chính phủ” thì, dù cuộc sống chính trị các nước trên đây hỗn độn
nhưng không gây hại đến đời sống của người dân! Guồng máy công chức, cảnh sát,
quân đội vẫn hoạt động bình thường vì tất cả được độc lập với các đảng phái;
kinh tế vẫn tiến bộ mà không rơi vào khủng hoảng.
Nhưng đó chỉ là một lối nói an ủi. Người
dân vẫn chịu thiệt hại khi nền chính trị rơi vào cảnh hỗn độn. Tai hại quan trọng
nhất là Quốc Hội và chính phủ không thể thông qua những đạo luật có thể cải thiện
cuộc sống quốc gia.
Nước Mỹ cũng không tránh khỏi tình trạng
tê liệt chính trị. Trong tám năm của cựu Tổng Thống Barack Obama, phần lớn Quốc
Hội do đảng đối lập Cộng Hòa kiểm soát và chính phủ đã phải đóng cửa một lần vì
không có ngân sách.
Trong hơn hai năm của Tổng Thống Donald
Trump, chính phủ đã đóng cửa hai lần vì Quốc Hội không thông qua ngân sách.
Trong hai năm đầu đảng Cộng Hòa kiểm soát Hành Pháp và cả hai viện Lập Pháp
nhưng tổng thống và Quốc Hội không đồng ý với nhau được để chi tiền xây dựng hạ
tầng cơ sở quốc gia, dù cả hai đảng đều đồng ý là cần thiết. Và hiện nay đảng
Dân Chủ chiếm được đa số tại Hạ Viện, hai bên dùng hết thời giờ vào cuộc đấu khẩu
về “đàn hặc.”
Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa và Tòa Bạch
Ốc hầu như không còn nghĩ đến một dự luật nào có ảnh hưởng đến tương lai, mà chỉ
nhìn tới năm bầu cử sắp tới. Ngay một vấn đề dễ thỏa hiệp như chính sách đối với
di dân, từ thời ông Obama qua thời ông Trump vẫn để nguyên không giải quyết được.
Hình như các chính trị gia muốn giữ nguyên cho câu chuyện “di dân lậu” tiếp tục
gây tranh cãi, vì đó là một đề tài dễ ăn nói và dễ khích động với các cử tri ủng
hộ họ!
Nhưng nước Mỹ còn may mắn hơn các nước Âu
Châu kể trên. Vì không thấy diễn ra những cuộc biểu tình lớn chống chính phủ và
chống cả chế độ. Nước Pháp đã nổ ra những cuộc xuống đường của đám Áo Vàng
(gilets jaunes), nước Anh có hàng triệu người xuống đường ủng hộ hoặc chống
Brexit. Tại Praha, Cộng Hòa Tiệp, dân đi biểu tình đông nhất, chỉ thua thời gian
họ đứng lên đòi lật đổ chế độ Cộng Sản.
Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ tự nó vẫn chạy đều.
Ngay cả trong thời gian nền chính trị Mỹ khủng hoảng lớn, như thời Tổng Thống
Richard Nixon, biểu tình phản chiến gây hỗn loạn khắp các đại học, guồng máy
chính quyền Mỹ vẫn chạy đều. Không những thế, ông Nixon vẫn để lại những di sản
đến bây giờ, như Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA).
Một sức mạnh tiềm ẩn đằng sau hệ thống
chính trị các nước Dân Chủ là các định chế ổn định lúc nào cũng cân bằng và kiểm
soát lẫn nhau. Nền tư pháp độc lập với chính trị giúp cho người dân tin tưởng
vào tinh thần trọng pháp. Các định chế xã hội như tôn giáo, các đại học và nền
báo chí, truyền thông cạnh tranh tự do không thể phản bội chính độc giả hay
khán giả của họ.
Khi ông Nixon bị đe dọa đàn hặc đến nỗi
phải từ chức, nước Mỹ đã thoát qua cơn khủng hoảng chính trị một cách êm đẹp nhờ
mọi người đều biết phải tôn trọng các định chế tự do dân chủ.
Vậy một nước dân chủ có thật sự bất trị, “ungovernable”
hay không? Những người đang sống ở Anh Quốc, ở Mỹ hay Pháp có thể yên lòng với
một điều tâm niệm: Chế độ Dân Chủ là chế độ rất tồi tệ; người ta áp dụng nó chỉ
vì nó đỡ tồi tệ nhất trong số những chế độ đã thử nghiệm trên trái đất này !
Winston Churchill được coi là người đã phát biểu ý kiến này, năm 1944, ông coi
chế độ Dân Chủ như một thứ “bảo hiểm” ngăn ngừa các tai họa mà các chế độ độc
tài có thể gây ra.
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.