Công nhân Việt Nam làm việc tại một công trường xây dựng ở Bucarest, ngày 26/10/2019. |
Vụ 39 người trong đó có thể có nhiều người Việt bị
chết trong chiếc xe tải được phát hiện ở hạt Essex (Anh) cuối tuần qua,
đã khiến truyền thông châu Âu rúng động. Mạng xã hội ở Việt Nam dày đặc
những thông tin chia sẻ, ý kiến nhiều chiều về những may rủi của việc
vượt biên, giấc mơ châu Âu và những ảo vọng…
Con
đường nhập cư lậu thường là sang Trung Quốc hoặc Nga rồi qua các nước
Đông Âu, sau đó vào Tây Âu, và hướng đến ưa thích là Anh quốc. Nhiều gia
đình đã vay mượn những số tiền lớn, đóng cho các đường dây để cho con
ra đi, hy vọng được đổi đời, đặc biệt ở những vùng nông thôn nghèo miền
Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An…
Tuy nhiên có một điều mà người dân ít
biết, và tất nhiên những kẻ buôn người không tiết lộ, là nhiều nước Đông
Âu đang rất thiếu nhân công, đang mở cửa cho lao động từ châu Á. Hãng
tin Pháp AFP trong bài phóng sự hôm nay 28/10/2019 mang tên « Do thiếu lao động, Rumani và Hungary tuyển mộ tận châu Á », đã mô tả rõ hơn tình hình này.
Có ngân sách nhưng thiếu nhân công
Nón
bảo hộ màu vàng đội trên đầu, khoảng ba chục công nhân làm việc tại một
công trường ở phía nam Bucarest, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Đối
mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng đang đe dọa làm cho nền
kinh tế sa sút, Rumani đã trải thảm đỏ cho nhân công từ châu Á.
« Bạn ơi, bạn ơi ! » - Costel, một công nhân người Rumani gọi một « anh bạn » Việt, trong nỗ lực phá vỡ hàng rào ngôn ngữ trên công trường xây dựng do tòa thị chính quận 4 của thủ đô Bucarest quản lý.
Ngoài
giờ làm việc, khoảng thời gian giao lưu giữa hai nhóm chỉ hạn chế ở giờ
nghỉ giải lao. Công nhân Việt thích hút thuốc bằng ống điếu được chế ra
từ một ống nhựa PVC, và vào giờ ăn trưa, họ dùng bữa trưa trong gian
phòng ăn với những món ăn Việt, do một đầu bếp người Việt Nam chế biến.
« Chúng tôi có tiền để cải tạo khoảng mấy chục tòa nhà xã hội, nhưng lại không có đủ nhân công ».
Thị trưởng Daniel Baluta, người đã quyết định tuyển người ở những nước
xa xôi ngoài biên giới Liên Hiệp Châu Âu, giải thích với AFP như trên.
Vốn là miền đất có nhiều người di cư sang Tây Âu trong khi tỉ lệ sinh
sản thấp, toàn thể các nước ở phía đông châu Âu đều phải đối mặt với nạn
thiếu lao động.
Nước Hungary láng giềng dự kiến cấp 75.000 giấy
phép lao động trong năm 2019 cho nhân công ngoài Liên Hiệp Châu Âu, tức
gấp ba lần so với năm 2017. Đa số người lao động từ Ukraina tiếp tục
đến, nhưng ngày càng có nhiều người từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông
Cổ. Chính quyền của thủ tướng dân tộc chủ nghĩa Viktor Orban ít khi
thông tin về chủ đề này, do việc từ chối nhận người nhập cư vẫn là « sợi
chỉ đỏ » xuyên suốt trong chính sách ông Orban từ năm 2010.
Kẻ di cư, người nhập cư
Là
đất nước có bốn triệu dân nhưng cư dân lại thích di cư sang các nước
phương Tây làm việc để có tiền lương cao hơn, chỉ trong quý I năm 2019
Rumani đã cấp hơn 11.000 giấy phép lao động, trong khi con số này trong
cả năm 2018 là 10.500. Người Việt Nam, Moldova, và Sri Lanka là những
quốc tịch được tuyển dụng nhiều nhất.
Đa số được tuyển mộ thông qua các công ty chuyên về nhân sự người châu Á, mà số lượng đã bùng nổ trong thời gian gần đây.
Bà Corina Constantin, giám đốc công ty Multi Professional Solutions của Rumani cho biết : «
Ban đầu chúng tôi chỉ được những dự án nhỏ yêu cầu cung cấp người,
nhưng từ ba năm qua, nhu cầu nhân công cho những dự án lớn đã tăng lên
rất cao ».
Theo một công trinh nghiên cứu mới đây của công ty
cung ứng lao động thời vụ Mỹ Manpower, có đến 4/5 chủ sử dụng lao động
Rumani gặp khó khăn trong việc tuyển người. Tại Hungary, người ta ước
tính chỉ riêng trong lãnh vực kỹ nghệ đã thiếu từ 40.000 đến 50.000 công
nhân.
Eva Toth, thuộc nghiệp đoàn kỹ nghệ hóa học của Hungary giải thích : « Không thể tiến hành những dự án quy mô mà không có lao động nước ngoài » ».
Để
xây dựng một nhà máy sản xuất chất polyol tại Tiszaujvaros ở miền đông
Hungary, một trong những công trường lớn nhất nước hiện nay, MOL, tập
đoàn dầu khí chủ chốt của Hungary dự kiến tuyển dụng 2.500 lao động
ngoại quốc, tương đương 25% quân số, vào thời điểm hoạt động dồn dập
nhất.
Các nghiệp đoàn nghi ngờ lao động nước ngoài bị bóc lột
Theo
thị trưởng Daniel Baluta, khoảng 500 người Việt Nam làm việc tại công
trường ở quận của ông được trả lương 900 euro một tháng, đã trừ đi các
khoản đóng góp ; tức cao hơn 1/3 so với lương trung bình ở Rumani.
Nhưng nhà hoạt động công đoàn Dumitru Costin, người chịu trách nhiệm một trong các liên đoàn chính của Rumani (BNS), đả kích « thái độ lạm dụng » của nhiều chủ sử dụng lao động đối với người nhập cư. Theo ông, các thanh tra lao động không thể kiểm tra được « các tiêu chuẩn tối thiểu về lao động » có được tôn trọng hay không, do không thể trao đổi trực tiếp với các công nhân.
Ông Costin nhận định : «
Khi những người lao động này đi xa nhiều ngàn cây số để tìm việc, đương
nhiên là họ phải tuân lệnh mà không dám hó hé, và làm thêm nhiều giờ
phụ trội mà không được trả lương để không bị gởi trả về nước ».
Còn
ông Zoltan Laszlo, người đứng đầu nghiệp đoàn ngành luyện kim (VSZSZ)
khẳng định, các nhân viên người Hungary chịu áp lực của những người quản
lý, thường « nói rằng có thể thay thế họ một cách dễ dàng » bằng công
nhân người Ukraina, Mông Cổ hay Việt Nam.
Nhà chuyên trách nghiệp đoàn Hungary Eva Toth nói với AFP :
« Chúng tôi không chống đối việc tuyển dụng lao động người nước ngoài,
vì nếu không công ty sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên nếu công nhân bản xứ
được trả lương khá hơn, thì họ đâu phải rời đất nước ra đi ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.