dimanche 27 octobre 2019

Nguyễn Công Khế - Con đường thoát nghèo và một xã hội ít bất an hơn



Đi tìm một con đường ra nước ngoài để thoát nghèo. Rất nhiều con đường ngoằn ngoèo, khó vượt, nguy hiểm. 

Hãy khoan vội nói đến những điều tốt đẹp xa vời. Chính quyền nền tập trung xây dựng một xã hội có nhiều việc làm hơn, ít bất an hơn

Chuyến đi Châu Âu vừa rồi, tôi gặp nhiều anh em doanh nghiệp thành đạt, đa số là người ở phía Bắc. Họ nói chúng tôi không bao giờ có ý chống đối lại Nhà nước, vì chúng tôi xuất thân từ những gia đình có gốc gác đi với chế độ. Nhưng họ tâm tư nhiều. Họ nói: Làm ăn ở Việt Nam có nhiều cơ hội hơn bên này, nhưng thiếu an toàn, nhiều rủi ro.

Rủi ro nhiều ở đây là cái gì? Cái gì luật không cấm thì được phép làm. Nhưng ở Việt Nam ta thì không thể hoàn toàn như vậy, dù câu này ta vẫn thường hay nghe nói trên các diễn đàn. Thêm nữa, ở ta, các Nghị định dưới luật có khi lại phủ quyết các bộ luật bên trên. 

Tôi biết hẳn hoi, có nhiều việc cấp trên chỉ đạo, cấp dưới không thi hành, nêu ra đủ thứ chuyện, dựa vào những điều không đâu. Nhưng nhiều lúc cấp trên đầu hàng, nên có câu "trên bảo dưới không nghe" là vậy. Vì cấp dưới anh muốn vòi tiền người dân. Còn cấp trên lỡ nhận tiền hối lộ của thuộc cấp rồi. Làm sao bảo mà dưới nghe được. Cứ lẩn quẩn hoài như vậy.

Cho nên muốn mọi thứ phải là trên cơ sở của Nhà nước pháp quyền thôi.

Có nhiều người sống ở nước ngoài bảo tôi: Sống ở đây bao năm không có cảnh sát khu vực đến hỏi giấy tờ, khỏe thiệt. Tuy nhiên, nhiều khi anh chỉ chỉnh sửa nhỏ trong nhà thôi mà không xin phép, thì lập tức có cơ quan công quyền đến hỏi thăm. Cái chính của họ là những người thi hành công vụ không dám chăm bẵm vào việc đi kiểm tra với mục đích là gây khó, để người ta phải đưa hối lộ.

Tôi nói nhiều sẽ đâm ra lòng vòng, nhiều khi khó hiểu.

Chỉ ngắn gọn lại: Một xã hội mà cán bộ không sống bằng đồng lương, thì phải sống bằng đồng "lậu" thôi. Rất nhiều cán bộ hiện nay rất sợ câu hỏi này: Sao đồng lương anh như thế, mà anh có nhà như thế này, xe như thế kia, con anh đi du học. Hỏi câu hỏi nào cũng chết cả. Ngay đối với những người tôi biết mười mươi là họ có thu nhập tử tế.

Thế thì cán bộ của anh cũng thấy bất an rồi, chứ đừng nói chi đến người Dân, không có quyền hạn. 

Thế lối thoát của chúng ta sẽ như thế nào đây? Tìm ra một thể chế phù hợp để mọi người sống một cách yên ổn, sống đúng pháp luật và không lo sợ gì. Mọi người phải sống bình đẳng trước pháp luật như nhiều nước đã làm một cách bình thường. Một xã hội được kiểm soát quyền lực một cách đầy đủ, như ông Vũ Ngọc Hoàng hay nói.

Bàn cách tìm một cơ chế thoát ra tình thế này. Anh lại bảo, không được nói đến những điều chưa được phép nói. Anh đã bít đường đi của cán bộ và dân chúng không được đụng đến những chuyện được cho là đụng đến bàn thờ Tổ. Thế thì cái vòng lẫn quẩn nó cứ như thế mà diễn ra, lặp đi, lặp lại. Tôi hiểu chuyện và không muốn làm ồn ào, nhưng chúng ta nên nhớ cho rằng, việc gì cũng có giới hạn chịu đựng của nó.

Tôi muốn nhắc một chuyện đang xảy ra mới hôm qua đây thôi, chuyện 39 người Trung Quốc và người Việt Nam (dù chưa được xác định chính thức đối với các nạn nhân người Việt) chết ngạt trong thùng container ở biên giới nước Anh, đã là chuyện đau lòng lắm. 

Công dân ở Hà Tĩnh, Nghệ An, họ bỏ ra một tỉ đồng để qua bên đó làm chui, mong có tiền gởi về nhà. Chuyện lựa chọn cách đi ra nước ngoài theo cách đó là không ổn. Nhưng về phần chính quyền nên thành tâm suy nghĩ về hiện tượng tại sao các công dân vùng nghèo của mình lại muốn lựa chọn cách đi ra ngoài tốn rất nhiều tiền và không an toàn như vậy. 

Đến giờ này, tôi vẫn mong tin có người Việt chết trong chuyến qua biên giới Anh lần này là fake news.Nhưng không phải vì thế mà ta không đặt một vấn đề nghiêm túc như thế này, vì những chuyện tương tự đã từng xảy ra nhiều lần rồi.

Những suy nghĩ của tôi hôm nay như vậy, không có gì là mới mẻ cả. Tôi bị sốc bởi một nhắn tin được cho là của một cô gái tên là Trà My nhắn tin cho mẹ cô trước khi chết ngộp, xin lỗi mẹ mình vì « chuyến đi không thành công ».

Tôi nghĩ, từ những cái chết thương tâm này, những người có chức trách ở Việt Nam càng suy nghĩ một cách sâu sắc hơn mọi chuyện. Tôi nghĩ là nên đừng sợ sự thay đổi nếu nó có lợi cho nước, cho Dân !

NGUYỄNCÔNG KHẾ 26.10.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.