Loạng
quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra (ID/carte
d’identité), carte bleue (credit card), 250 euro và một số tiền Nhật mới đổi.
Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm.
Thường
thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì,
không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà
già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường (đưa thực, không
phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già), hay chỉ
lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường.
Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá hai đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều. Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục.
Tôi
vốn tính hiếu kỳ lại đang vô cùng rảnh rỗi nên nghe qua câu chuyện (“kỳ cục”)
như thế thì không khỏi “động lòng bốn phương,”
muốn thực hiện ngay một chuyến “Đông Du” cho biết đó biết đây. Ngặt nỗi,
lần đi lần khó mà đi Nhật thì e khó ở được lâu vì giá sinh hoạt dường như không
rẻ. Phòng trọ bình dân, nghe đâu, cũng cỡ 50-70 US dollar một đêm, chứ không
thể ít hơn.
Với
túi tiền cạn cợt của tôi, có lẽ, chỉ ở được dăm hôm rồi lại phải lủi thủi quay
về. Mà về nhà với vợ thì ai mà không sợ. Bởi thế, thay vì đến Nhật, tôi quyết
định qua Lào. Ở xứ sở này thì thuê một cái bungalow (free wifi, phòng tắm
riêng, no A/C nhưng quạt máy chạy vù vù) chỉ phải trả 5 hay 7 đô là hết mức.
Với một nghìn Mỹ Kim thì có thể ở chơi đến đôi ba tháng.
Tôi
đã “chơi” kiểu đó đôi ba lần rồi nhưng vẫn chưa thấy ngán. Lần này tôi quyết
định ghé Nam Lào, xem hết rừng núi thác ghềnh của Si Phan Don cho mãn nhãn. Hoá
ra Bốn Ngàn Đảo là cái tên hơi nặng tính thậm xưng. Thiên hạ cứ gọi thế nghe
cho nó đã miệng, chứ thực sự cả quần đảo này chỉ vài nơi có đông đảo dân cư tụ
tập (Don Det, Don Khone, Don Khong …) kỳ dư đều là những doi, giồng hay cồn cát
nhỏ. Chả có ma nào trên đó cả vì chúng bé tí teo, và vào mùa lũ thì hầu hết đều
chìm trong sóng nước.
Bởi
ham vui nên tôi tắp vào Don Det trước vì nghe tiếng đây là nơi ưa chuộng của
những cô cậu Tây Ba Lô thích sống đời nhộn nhịp. Tiếng thế thôi chứ một đám du
khách ngoại quốc, bất kể thành phần, không thể khiến cho hòn đảo này mất đi vẻ
hiền lành và an bình cố hữu.
Thì
cũng hàng quán, rượu bia, âm nhạc nhưng tuyệt nhiên không ồn ào hay náo động.
Dòng sông Mê Kông hiền hòa và tính nết hiền lành, chân chất của cư dân địa
phương quả là có sức “lan tỏa” và “cảm hóa” đến độ diệu kỳ. Chả vị khách lạ nào
có đủ trơ tráo để quấy động quan cảnh thiên nhiên thuần khiết, và nếp sống an
bình ở nơi đây cả.
Có
lẽ cũng không nơi đâu mà cảnh hoàng hôn trên sông êm đềm, và diễm ảo như ở chốn
này. Chiều qua rồi là cả hòn đảo nhỏ chìm đắm trong bóng đêm tĩnh lặng,
chỉ còn có tiếng nước sông âm thầm, nhỏ
nhẹ, khe khẽ cuốn trôi.
Sáng,
trong lúc cà phê thuốc lá, con gái của bà chủ trọ “gợi ý” tôi nên đi xem cá
dolphin. Đi thì đi, tôi gật đầu dù biết rõ rằng loài cá heo sông này sắp tuyệt
chủng đến nơi (vì những công tình thủy điện, và nguồn nước ô nhiễm từ phía
thượng nguồn) nên cơ may gặp được vài chú irrawaddy ở Si Phan Don mong manh còn
hơn khói nữa.
Tôi
đồng ý chỉ vì điểm khởi hành nằm ở bến sông (có tên trên bản đồ là French Port,
một di tích từ thời thuộc địa) thuộc làng Ban Hang Khon. Từ đây, có thể nhìn
thấy nương khoai rẫy bắp và nghe được tiếng gà gáy (xao xác) bên thôn ổ của
nước láng giềng – Cambodia. Quê nhà, xem ra, cũng chả còn bao xa. Tuy thế, nếu
về lần dò về bằng thuyền đò (có lẽ) cũng phải mất đến vài ba tháng – dù sông
nước xuôi dòng.
Sau
một lúc ngẩn ngơ, tôi nói với người tài xế xe tuk tuk là mình chỉ muốn đi vòng
vòng đảo chơi thôi. Khỏi cần ghé qua thác ghềnh gì ráo vì tôi đã có dịp đến cả
rồi. Chúng tôi băng qua một khu rừng tre thưa. Chú tài – thỉnh thoảng – lại
chạy chậm hẳn lại, cúi nhặt những nhánh tre rơi khá lớn và vất vào bìa rừng.
Không
cần lời giải thích, tôi cũng hiểu rằng những ngạnh tre nhọn có thể làm lủng lốp
xe của bất cứ ai vô ý. Chú em còn trẻ măng, nụ cười thường trực trên huôn mặt
ngây ngô rám nắng. Thằng bé chưa chắc đã có cơ hội cắp sách đến trường một ngày
nào nhưng thái độ vị tha và tinh thần trách nhiệm khiến tôi cảm động. Không
dưng mà chợt nghĩ đến những “đạo quân đinh tặc” trên khắp mọi nẻo đường ở đất
nước mình, cùng với một tiếng thở dài – cố nén!
Sau
Don Det, tôi qua Don Khone. Hai hòn đảo con con được nối liền bằng một chiếc
cầu bê tông nhỏ hẹp không tên nên thiên hạ gọi (đại) là French Bridge. Hoang
dại và tĩnh lặng hơn cô em song sinh nằm kề, Done Khone chỉ có nhà cửa với dăm
ba hàng quán (lưa thưa) nằm dưới những hàng dừa dọc theo dòng sông êm ả và kiều
diễm.
Tôi
đặt phòng trước qua internet nên khi đến nơi mới biết là nhà trọ nằm ở bên này
đường, không tiếp giáp với mé sông, và cũng chả có một người khách nào khác cả.
Chủ nhân cũng ở cách đó hơi xa. Càng vắng thì càng tốt.
Cho
đến khi thức giấc giữa đêm khuya, tôi mới chợt nhận ra là mình đang trơ trọi
một mình – giữa một dẫy bungalow trống lốc – trên một hòn đảo lạ (rồi) tự nhiên
cảm thấy hơi bị bất an. Đợi mặt trời vừa ló dạng là tôi lặng lẽ quẩy ba lô đi
chỗ khác liền, sau khi để lại một số tiền tip khá hậu hĩnh – như một lời tạ lỗi
cho thái độ (“sao ra đi mà không bảo gì nhau”) không mấy lịch thiệp của mình.
Guest
house tiếp theo cũng vắng nhưng ít nhất cũng có thêm một hai người khách, an
toàn hơn thấy rõ. Tôi chỉ vừa xong ly cà phê và điếu thuốc đầu ngày thì chủ
nhân của nhà trọ cũ xuất hiện với nụ cười hiền, và nét mặt tươi vui hớn hở chứ
chả có vẻ chi là phật lòng hay phật ý cả. Bà lấy trong túi ra 50,000 kip (được
bọc trong gói ni-lông cẩn thận, chắc là tờ giấy bạc tôi để lại hồi sáng sớm cho
người dọn phòng) và nói rằng vì tôi bỏ quên tiền nên vội mang trả lại.
Tôi
cười khổ và cảm thấy xấu hổ vì cái cảm giác bất an của mình đêm trước. Trộm
cắp, cướp bóc, và “bất an” đều do tôi tưởng tượng mà ra chứ không hề có trong
tâm thức của người dân ở chốn này. Thảo nào mà cả tuần qua tôi chả thấy bóng
dáng cảnh sát, công an, trật tự hay dân phòng nào ráo trọi. Cờ quạt, biểu ngữ,
bích chương, loa phường, và hình ảnh lãnh tụ cũng khỏi có luôn. Ở đây, lỡ mà bị
mất ví thì không thật không biết phải trình báo với ai, và chắc cũng khỏi cần
vì thế nào người nhặt được mang đến tận nơi trả lại.
Thật
là chả bù cho cái phần quê hương (“đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”) của mình –
nơi mà nhà báo Từ Thức vừa có những lời khuyên dành cho du khách, như sau:
- Nếu ăn tiệm, thấy ngon, đừng khen. Người ta sẽ tăng giá gấp hai.
- Mua hàng, phải trả giá. Trả giá bao nhiêu cũng hớ. Nhưng nên an ủi: Có người còn hớ hơn mình!
- Để quên iPhone hay ví tiền, đừng quay trở lại, hỏi có ai lượm được không. Bạn đang ở Việt Nam, không ở Nhật.
- Đi đường, chỉ nên đeo nhẫn hay đồ trang sức giả. Có thể bị mất ngón tay, nhưng không mất nhẫn... thật.
- Khi có người hỏi: có biết bác Hồ không, đừng kể lể những điều bạn biết về ông Hồ qua Wikipedia. Khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Người ta chỉ nhắc khéo bạn đã quên chi tiền.
Sao
cùng là nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà người Lào và người Việt lại khác
nhau đến thế, hả Giời?
TƯỞNG NĂNG TIẾN 21.10.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.