Tờ San Diego Union Tribune (14-10-2019) cho
biết, chính quyền thành phố San Diego (California) đã chấp nhận bồi thường 1,25
triệu USD cho đương đơn Van Nguyen vì những thiệt hại mà ông ta gánh chịu do
tai nạn lúc đi xe đạp và vấp ngã “ngoài ý
muốn”…
Tai nạn xảy ra
với ông Van Nguyen vào tháng 11-2016, khi ông đang đi xe đạp thì bị té ngã bởi
lề đường hỏng, khiến ông bị hất văng khỏi xe và “bị ném vào không trung một cách dữ dội”, làm ông bị tổn thương hộp
sọ, gãy răng và mặt mày bầm dập.
Sau ba năm kiện
tụng, ông Van Nguyen không chỉ được thành phố bồi thường 1,25 triệu USD mà ông
chủ căn nhà (tên Billy Jean Hart), nơi có rễ cây trồi lên làm hỏng lề đường,
cũng phải bồi đền (số tiền không được công bố).
Đây không phải vụ
“đi kiện cái lề đường” đầu tiên ở San Diego. Năm 2017, cư dân Clifford Brown đã
được bồi thường 4,85 triệu USD trong một tai nạn gần tương tự ông Van Nguyen.
Tháng 3-2018, chính quyền San Diego cũng trả một triệu USD cho vợ chồng Edward
và Mary Jo Grubbs sau khi bà Mary Jo trượt té trên một lề đường mấp mô…
Tháng 9-2018, một
số gia đình bị mất người thân trong vụ thảm sát bởi cựu quân nhân Devin P.
Kelley cũng kiện Không quân Hoa Kỳ vì tội tắc trách, sau khi Không quân thừa
nhận họ không báo cáo hồ sơ gây án trong quá khứ của Devin cho các cơ quan hữu
trách liên bang. Ngoài việc kiện Không quân, họ còn kiện cả chính quyền Austin
(Texas), tội “vô trách nhiệm”. “Chính
quyền chẳng làm gì cả - đúng nghĩa đen - để giải quyết vụ việc và giúp đỡ các
gia đình (có người thân bị giết)”. “Đó là lý do chúng tôi phải kiện vì chẳng có
cố gắng nào được thực hiện” – một đương đơn nói…
Giữa năm 2019,
công dân Jakarta (Indonesia) đã cùng ký tên kiện chính quyền trước tình trạng
không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Ở đây không có chuyện chính quyền đổ thừa người
dân “ăn dơ, ở bẩn”, không có thái độ biện bạch rằng thành phố ngày càng có
nhiều phương tiện giao thông thì đương nhiên không khí phải ô nhiễm. Trong đơn
kiện gửi lên Tòa Trung tâm Jakarta ngày 4-7-2019, người dân và giới hoạt động
môi trường đã kiện tổng thống và giới chức chính quyền, yêu cầu họ xem xét lại
luật kiểm soát môi trường và có giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ sức khỏe
người dân.
Tính đến giữa năm
2019, chính quyền và các công ty tại 28 quốc gia đã bị kiện, liên quan vấn đề ô
nhiễm môi trường.
Vài trường hợp
trên cho thấy gần như tất cả mọi cá nhân, tổ chức và đặc biệt hệ thống chính
quyền đều có liên đới ít nhiều, và phải chịu một phần trách nhiệm trong những
sự việc ảnh hưởng xã hội và đời sống người dân, đặc biệt nếu nguồn gốc sự việc
có nguyên nhân từ một phần chính sách điều hành. Không mô hình chính quyền lý
tưởng nào hoàn hảo đến mức có thể làm tất cả người dân hài lòng, nhưng một
chính quyền tôn trọng phục vụ lợi ích người dân thì phải lắng nghe và biết thực
thi trách nhiệm.
Điều thường nghe
về cái gọi “chống chế độ” hay “chống phá nhà nước” trước những chỉ
trích người dân là một lập luận sai từ lý lẽ căn bản. Nếu có một nhà nước được
bầu bằng lá phiếu dân chủ thay thế chế độ cộng sản, thì nó vẫn phải tiếp tục
hứng chịu sự lên án của người dân khi nó phủi tay trách nhiệm trước những sự
kiện ảnh hưởng không chỉ một cá nhân mà nhiều người. Không chỉ một trường hợp
đơn lẻ mà nhiều vụ tương tự lặp đi lặp lại, không chỉ đối với một khu vực cá
biệt mà nhiều vùng miền đất nước.
Tại sao có chính
quyền phải bồi thường người dân cả triệu đô la chỉ vì cái vỉa hè nhưng ở một
nước khác, như Việt Nam, thì người ta luôn tìm cách thối thác trách nhiệm,
trong gần như tất cả vụ việc từ nhỏ đến lớn? Không người dân nào có quyền quy
hoạch đô thị cũng như thiết kế hạ tầng giao thông, nhưng tại sao kẹt xe hoặc
ngập đường không phải là trách nhiệm của chính quyền? Ô nhiễm môi
trường, dù có phần lỗi người dân, nhưng chính quyền không thể hoàn toàn vô can.
Không người dân nào được phép “trồng” cột điện hoặc đào hố ga, tuy nhiên dù xảy
ra vô số cái chết bởi điện giật và té hố ga nhưng vấn đề ai chịu trách nhiệm
luôn được đẩy từ chỗ này sang chỗ kia, cho đến khi sự việc chìm vào quên lãng.
Một trong những trường hợp điển hình của thái độ vô trách nhiệm là có hàng chục
tổ chức chính quyền và đoàn thể liên quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhưng tình
trạng cưỡng hiếp trẻ em chưa bao giờ kinh khủng bằng giai đoạn này.
Giải pháp cho
việc đối mặt trách nhiệm, với chính quyền Việt Nam, không phải là chấp nhận thử
thách việc xử lý sao cho người dân có thể hài lòng mà là làm thế nào để yếu tố
trách nhiệm ít được đặt vai mình càng nhiều càng tốt.
Cách thức xử lý
khủng hoảng thông tin trong những sự việc nghiêm trọng, với chính quyền và hệ
thống truyền thông thuộc sự kiểm soát chính quyền, là tìm cách dồn “nguyên
nhân” và “hậu quả” về phía người dân. Điều này có thể lái sự phẫn nộ dư luận
sang hướng khác ở thời điểm trước mắt. Nhưng nó không là giải pháp để cứu sự
sụp đổ chính quyền trong tương lai, nếu ngày càng có nhiều người dân nhận thức
được rằng họ là nạn nhân trên một đất nước được điều hành bởi một chính quyền
vô trách nhiệm.
Bồi thường dân
chỉ vì một cái vỉa hè, không chỉ cho thấy hệ thống luật pháp đất nước đó được
xây dựng chặt chẽ như thế nào. Mà còn cho thấy chính quyền họ không ảo tưởng về
vai trò và trách nhiệm để trở thành nơi được người dân tin cậy, hơn là chỗ để
người dân trút lên phẫn uất.
Không mô hình
chính quyền nào hoàn hảo. Để có một chính quyền chấp nhận “chịu thiệt” nhằm thể
hiện trách nhiệm, cần một quá trình không phải ngày một ngày hai. Điều đó chưa
hẳn là ý muốn chính quyền khi mô hình chính quyền ra đời, xét đến yếu tố lịch
sử hình thành thiết chế chính quyền, và nó có thể chẳng bao giờ có nếu không có
những tiền lệ, xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi của người dân.
Chừng nào người
dân “chưa cần”, mô hình như vậy không có cơ hội ra đời. Chừng nào đa số vẫn còn
tin vào lập luận của một thiểu số, trong đó có cả “trí thức”, luôn cố nói rằng “không nên cái gì cũng chửi chính quyền,”
thì bất công vẫn tràn lan và những cái chết tức tưởi tiếp tục xảy ra mà trách
nhiệm chẳng thuộc về “lương tâm” kẻ nào cả.
MẠNH KIM29.10.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.