Các gian hàng thực phẩm Mỹ tại hội chợ SIAL ở Thượng Hải, ngày 14/05/2019. |
Theo Reuters ngày 15/05/2019, Trung Quốc không có
bao nhiêu phương tiện để trả đũa Hoa Kỳ mà không tự hại chính mình. Và
Washington sẽ không giảm áp lực, để buộc Bắc Kinh phải sửa đổi chính
sách thương mại của mình, thậm chí cả mô hình kinh tế.
Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Hai 13/5 loan báo tăng thuế hải quan từ ngày 1/6 đối với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, thấp hơn nhiều so với số 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế.
Hoa Kỳ còn tấn công trên nhiều
mặt trận khác, từ việc gởi các chiến hạm đến eo biển Đài Loan, hoặc siết
chặt khiến tham vọng cao ngất trời của các tập đoàn viễn thông Hoa Vi
(Huawei) và ZTE (Trung Hưng Thông Tấn) nay xuống còn bằng 0.
Đó là
lý do khiến chính quyền Bắc Kinh tập trung sức lực để cố ký cho được
một thỏa thuận, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại hao mòn, có
nguy cơ ngăn cản kinh tế phát triển – theo một nguồn thạo tin. Tuy vậy
cũng không thể nhượng bộ Mỹ quá nhiều, trước tinh thần dân tộc chủ
nghĩa.
Nếu Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của Washington là chấm dứt
các ưu đãi tài chính và thuế khóa cho một số công ty quốc doanh và trong
các lãnh vực chiến lược, thì sẽ phải đặt lại vấn đề mô hình kinh tế tập
trung, và nói chung là sự lãnh đạo của đảng về kinh tế.
Một nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết : « Chúng tôi vẫn có cách đối phó, nhưng sẽ không làm đến nơi đến chốn. Mục đích là đạt được một thỏa thuận có thể được cả hai bên chấp nhận ». Còn về khả năng trả đũa, thì không có cách nào mà không gây rủi ro cho Bắc Kinh.
Dịch vụ là đích ngắm ?
Từ
tháng 7/2018, Trung Quốc đã áp đặt nhiều mức thuế quan, có thể lên đến
25% trên 110 tỉ đô la hàng Mỹ nhập khẩu. Theo số liệu từ Census Bureau
của Hoa Kỳ, Bắc Kinh chỉ có thể đánh thuế thêm khoảng 12 tỉ đô la hàng
Mỹ nữa như dầu lửa và máy bay chẳng hạn - nếu phải trả đũa đợt áp thuế
mới của Washington. Ngược lại, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm
thuế lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Tất nhiên Trung Quốc
có thể tấn công vào lãnh vực dịch vụ. Trong lãnh vực này, cán cân
nghiêng về phía Hoa Kỳ với 40,5 tỉ đô la trong năm 2018. Nhưng cách này
có thể không mấy hiệu quả, vì lợi tức phía Mỹ chủ yếu về du lịch và giáo
dục, những lãnh vực mà Trung Quốc khó thể quay lưng – theo James Green,
cố vấn của McLarty Associates.
Ông Green – nhân vật cho đến tháng Tám năm ngoái vẫn là người phụ trách về thương mại tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh - nói thêm, Trung Quốc có thể dùng đến các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn kéo dài thủ tục cấp phép cho nông sản.
Chống Mỹ sẽ trở thành biểu tình chống chế độ ?
Các
nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể quay sang những đối thủ cạnh
tranh với các công ty Mỹ, chẳng hạn mua máy bay của Airbus thay vì
Boeing.
Nhưng do ông Donald Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ khẩn
cấp đưa sản xuất về lại Hoa Kỳ, nếu dùng cách trả đũa như trên, có nguy
cơ thúc đẩy các doanh nghiệp mua hàng của các nước khác, hoặc rút đầu tư
khỏi Hoa lục. Ông Robert Lawrence, thuộc Peterson Institute for
International Economics nhận xét : « Hậu quả về trung hạn và dài hạn đã bị đánh giá quá thấp. Nếu tôi là Trung Quốc thì tôi sẽ thực sự lo lắng ».
Báo
chí nhà nước Trung Quốc đã trỗi lên giọng điệu dân tộc chủ nghĩa khi
đàm phán thương mại thất bại vào tuần trước, và Mỹ áp thêm thuế. Nhưng
các nhà quan sát nhận thấy hiện nay chính quyền Trung Quốc cố làm cho
xung đột thương mại không trở thành vấn đề quá mang tính chính trị. Ông
James Green nói : « Tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh thấy có lợi ích gì trong đó, họ sợ nhất là tinh thần chống Mỹ lại nhanh chóng trở thành chống chế độ ».
Còn lại vũ khí hối đoái.
Đồng tiền Trung Quốc đã bị mất giá 2% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu tháng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại tăng cao.
Đồng
nhân dân tệ bị sụt giá sẽ làm giảm nhẹ tác động của thuế quan Mỹ lên
hàng xuất khẩu Trung Quốc, nhưng có nguy cơ khiến vốn đầu tư bỏ chạy
khỏi Hoa lục, trong trường hợp giảm phát thực sự.
Chính quyền Bắc
Kinh không ngừng nói rằng không có việc giảm giá đồng nhân dân tệ để
tăng xuất khẩu, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ không sử
dụng tỉ suất hối đoái để can thiệp vào xung đột thương mại.
Các
nhà đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, có thể
bán ra các trái phiếu chính phủ Mỹ để làm chi phí vay nợ đắt hơn. Nhưng
theo các nhà phân tích, điều này khó thể xảy ra vì sẽ gây tác động dây
chuyền lên dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh, gồm 1.131 tỉ đô la vào tháng
Hai – theo số liệu mới nhất của Mỹ.
Tìm khách hàng và nhà cung ứng mới
Trung Quốc cũng có thể làm giảm nhẹ hậu quả của việc Mỹ áp thuế, bằng cách đưa ra nhiều biện pháp kích cầu khác nhau.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đã tìm kiếm cách kênh khác để tiêu thụ sản phẩm, chẳng hạn qua « Một vành đai, Một con đường ». Về nhu cầu nguyên vật liệu, Trung Quốc tìm các nhà cung cấp khác.
Việc
mua đậu nành, sản phẩm chính mà Trung Quốc nhập từ Hoa Kỳ, đã bị ngưng
lại từ khi Bắc Kinh áp 25% thuế lên hàng Mỹ nhập khẩu vào tháng 7/2018.
Tuy vậy các thương nhân châu Âu cho biết trên thực tế Trung Quốc trong
tháng 12 đã mua rất nhiều đậu nành Mỹ, để tỏ thiện chí. Cuộc thương
chiến Mỹ-Trung đã làm lợi cho một số nước khác, đặc biệt là các quốc gia
Nam Mỹ đã dự định tăng sản lượng đậu nành.
Tóm lại : một khi tìm trăm phương nghìn kế để trả đũa Mỹ, Trung Quốc cũng tự hại chính mình. Nhìn chung, « lợi bất cập hại » !
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.