‘Make’ có chữ k (ca hay cờ) không phải ‘made’ chữ d
(dê hay dờ) nhen các bạn.
‘Make in Vietnam’ là tiêu đề của Diễn đàn phát triển doanh
nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) tổ chức, tại
Hà Nội ngày 9/5/2019 vừa qua, với hơn 1.000 khách mời đại diện chính phủ và
doanh nghiệp tham dự.
Khai mạc Diễn Đàn, Bộ Trưởng Bộ TTTT Nguyễn
Mạnh Hùng tuyên bố: “Nếu Việt Nam cứ tập trung gia công, lắp ráp, giấc mơ
hưng thịnh, hùng cường của đất nước rất khó có thể trở thành hiện thực.” Qua
bài viết trên Trí Thức Trẻ “Góc nhìn lạ đằng sau ‘MAKE IN VIETNAM’ của Bộ
Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng” có thể hình dung được tiêu đề này thực sự là gì.
Chiến lược mới?
Tại diễn đàn, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc
và Bộ Trưởng Hùng cùng giải thích ‘Make in Vietnam’ như sau: “Sáng tạo
tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất tại
Việt Nam.”
Qua lời giải thích này, thoáng nghĩ đến
trường hợp Facebook. Với ý tưởng kết nối xã hội, chỉ sau 15 năm hoạt động,
Facebook đã thống lãnh thị trường truyền thông thế giới với 2,3 tỉ người thường
xuyên sử dụng, lợi ích của Facebook bạn đọc hầu như đã rõ. Facebook do đó là sản
phẩm: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Mỹ, Mỹ làm chủ công nghệ và chủ động
trong việc phục vụ người sử dụng khắp thế giới (ngoại trừ Trung Cộng).”
Trung Cộng chặn Facebook không cho người
dân sử dụng, nhưng có mạng xã hội Weibo, một sản phẩm: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết
kế tại Trung Cộng, Trung Cộng làm chủ công nghệ và cho người Trung Cộng sử dụng”.
‘Make in Vietnam’ dành cho ai?
Nhưng theo lời Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
thì ‘Make in Vietnam’ được chia làm ba nhóm doanh nghiệp khác nhau: (1)
sáng tạo (2) thiết kế và (3) sản xuất.
Với nhóm thứ nhất ông Hùng cho biết những
doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo, theo ông số lượng
doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm
(tương tự trường hợp Facebook).
Nhóm thứ hai gồm những doanh nghiệp dùng
công nghệ đã có sẵn của nước ngoài, về thiết kế lại làm ra sản phẩm, ‘Make
in Vietnam’ đa phần nhắm vào đối tượng này.
Việt Nam hiện cũng muốn bắt chước Trung Cộng
xây dựng mạng xã hội riêng để: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Việt Nam, Việt
Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”.
Còn nhóm cuối cùng là những doanh nghiệp có
vai trò đầu tàu được chia thành hai nhánh gồm: doanh nghiệp công nghệ ICT truyền
thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp... và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực
khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ như Vingroup và Viettel.
Chiến lược công nghệ Ấn Độ
‘Make in India’ là một sáng kiến được chính phủ Ấn Độ thực
hiện từ tháng 9/2014, với mục tiêu rất rõ ràng là khuyến khích các công ty nước
ngoài đầu tư sản xuất tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Hãy
đến và sản xuất tại Ấn Độ. Bạn có thể bán hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới,
nhưng hãy sản xuất tại đây. Chúng tôi có kỹ năng, tài năng, kỷ luật để thực hiện
điều đó".
Ấn Độ có trên 1,3 tỉ dân, nói tiếng Anh,
nguồn nhân lực dồi dào, nhiều người có trình độ chuyên môn với tay nghề cao. Ấn
Độ theo kinh tế thị trường, có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, và với
sự tích cực hỗ trợ của chính phủ nên chiến lược này đã nhanh chóng thu nhận kết
quả tốt đẹp.
Năm 2013, Ấn Độ là một trong năm nền kinh
tế có nguy cơ đổ vỡ, nhờ chiến lược này hằng trăm tỉ Mỹ Kim đầu tư nước ngoài
nhanh chóng đổ vào vực dậy nền công nghiệp nước này. Chỉ riêng "Tuần lễ
Make in India" vào tháng 2/2016 Ấn Độ đã thu được hợp đồng cam kết đầu
tư từ nước ngoài lên đến 221 tỉ Mỹ kim.
Rõ ràng chiến lược của Việt Nam không
theo hướng này nên khẩu hiệu ‘Make in Vietnam’ dễ bị hiểu lầm là Việt
Nam bắt chước sáng kiến và chiến lược Ấn Độ để trở thành một khu vực lắp ráp
gia công.
Ấn Độ sử dụng tiếng Anh nên ‘Make in
India’ là phải, các quan chức Hà Nội dùng tiêu đề tiếng Anh cho Diễn Đàn
không rõ để làm gì?
Tăng trưởng nhờ sáng tạo
Do Thái là quốc gia điển hình ứng dụng
sáng tạo vào nỗ lực phát triển quốc gia, biến sa mạc hoang vu thành những đồn
điền trù phú, làm căn bản cho việc phát triển công nông nghiệp.
Cũng chính những kinh tế gia gốc Do Thái,
từ những năm cuối thời 1950, đã đưa ra những lý thuyết và mô hình kinh tế đơn
giản về tăng trưởng nhờ sáng tạo. Mãi đến những năm 1990, các lý thuyết này được
phát triển thành một trường phái lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới (new growth
theory) dựa trên sáng tạo, mà có thể ‘Make in Vietnam’ muốn lấy làm mô
hình phát triển.
Có nhiều điều thú vị về lý thuyết tăng
trưởng này nhưng căn bản tăng trưởng kinh tế vẫn dựa trên tự do sáng tạo, tự do
kinh doanh và tự do chính trị, những điều kiện chưa có tại Việt Nam.
Ưu đãi về chính sách?
Để khuyến khích tăng trưởng dựa trên sáng
tạo, chính phủ các quốc gia khác đều ít nhiều hỗ trợ cho đầu tư giáo dục, xây dựng
viện nghiên cứu, giảm thuế cho việc nghiên cứu, bảo vệ tài sản trí tuệ, tạo môi
trường và bảo trợ sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Nhiều
khi các ưu đãi về chính sách sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi phải tạo ra khó khăn
mới là giúp đỡ doanh nghiệp". Ông Hùng còn dẫn chứng: "Lão Tử
có một câu nói rất hay là muốn sống hãy đẩy vào chỗ chết".
Thực tế tại Việt Nam các doanh nghiệp tư
nhân gặp muôn vàn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chết không kịp ngáp.
Khu vực quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm
27% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 20% GDP, còn khu vực doanh
nghiệp tư nhân sau 33 năm “đổi mới” vẫn chưa đạt được 10% GDP.
Việt Nam hiện có chừng 500 ngàn doanh
nghiệp tư nhân, nhưng tới hơn 93% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, 6% doanh nghiệp
vừa còn chưa tới 1% doanh nghiệp lớn. Chỉ riêng năm 2018, lên tới 48% doanh
nghiệp tư nhân bị thua lỗ. Số doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh phải ngừng
hoạt động lên đến 90.000.
Hai khu vực quốc doanh và có vốn đầu tư
nước ngoài được ưu đãi về mọi mặt từ chính sách, hành chánh, nguồn vốn đầu tư,
đất đai, thuế má… còn doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử nên phải chịu
thua thiệt mọi bề.
Không cần phát động ‘Make in Vietnam’,
chỉ cần mọi doanh nghiệp đều được cạnh tranh công bằng thì các doanh nghiệp tư
nhân sẽ vươn lên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và pháp triển xã hội.
Nhân lực đâu ra?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không
thể ngồi chờ giáo dục đổi mới với quãng thời gian có thể kéo dài đến tận 20
năm, theo ông "con người giỏi lên là do việc" và “để tìm được
người, phải nghĩ ra việc”.
Xin lấy họa sĩ, thợ vẽ và thợ sơn làm thí
dụ để bạn đọc dễ hình dung ra các khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia,
doanh nhân… những người đã và đang xây dựng một “Việt Nam hùng cường”.
Họa sĩ là người sáng tạo ý tưởng và nghệ
thuật. Người được mướn vẽ tranh theo ý tưởng người khác là thợ vẽ. Người thợ vẽ
khác người thợ sơn.
Cách suy nghĩ về quản lý nhân lực của Bộ
trưởng Hùng khó kiếm ra thợ vẽ, thường chỉ kiếm được thợ sơn. Mà thợ sơn cho
nhà nước cũng khó có tay nghề cao so với người thợ sơn trong thị trường tự do
luôn phải cạnh tranh và phải học hỏi để phục vụ tốt hơn.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng người thợ sơn
là thợ vẽ. Hết sức sai lầm khi nghĩ rằng người thợ vẽ là họa sĩ.
Trớ trêu thay ở Việt Nam người thợ sơn lại
được tô hồng thành họa sĩ. Khi người thợ sơn thực sự nghĩ mình là họa sĩ thì
đúng là định mệnh cho cả dân tộc. Bức tranh “Việt Nam hùng cường” hết sức
nguệch ngoạc cũng chỉ vì quan niệm sai lầm nói trên.
Người Việt hải ngoại
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Việt
Nam còn ‘sở hữu’ 5 triệu người Việt ở nước ngoài với số lượng không nhỏ những
trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ”.
Trang VOA vừa đưa tin Tiến sĩ Phạm Đại
Khánh, một nhà khoa học gốc Việt được Đại học George Washington trao giải thưởng
Arthur S. Flemming năm 2018 cho những thành tựu nghiên cứu về lý thuyết vận
hành không gian và liên lạc vệ tinh quân sự. Ông đã nhận 20 bằng sáng chế cho
các công trình nghiên cứu nói trên.
Tên một người Việt Nam nay được đưa vào
danh sách những khoa học gia danh tiếng thế giới như Neil Armstrong (người đầu
tiên đặt chân lên mặt trăng) hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.
Ông năm nay 48 tuổi, sinh trưởng ở miền
Nam, có cha phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị tù từ năm 1975 đến
năm 1984. Ông theo cha đi Mỹ theo diện HO, theo đuổi học hành và nhận bằng Tiến
sĩ Kỹ thuật Điện tại Đại học Notre Dame vào năm 2004. Sau đó ông vào làm cho
Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New
Mexico đến nay. Lễ trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 sẽ diễn ra vào
ngày 3/6/2019 sắp tới tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa
Kỳ.
Xin chúc mừng Tiến sĩ Phạm Đại Khánh và
chúc mừng Hoa Kỳ.
Thể chế chính trị và môi trường làm việc
tại Việt Nam không thích hợp với tầng lớp trí thức khoa học, nên ngay cả những
sinh viên được Hà Nội gởi đi du học đa số không về phục vụ đất nước. Nói rõ hơn
những trí thức, kỹ sư trong ngành công nghệ hiện đang sống ở nước ngoài là tài
sản là vốn quý của các nước họ, không thuộc quyền sở hữu của Hà Nội như Bộ Trưởng
Hùng lầm tưởng.
‘Make
in Vietnam’ thực sự là gì?
Bài viết trên trang Trí Thức Trẻ nhấn mạnh
“góc nhìn lạ” của Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bằng kết luận nguyên văn
như sau: “Bộ trưởng cho biết có thể có rất nhiều kỳ vọng về một bước ngoặt
ngay tức thì. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là sự ảo tưởng. Thành công không thể
đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như thế. Thậm chí, nếu có sự đột phá ngay
thì có thể sau đó, thoái trào cũng đến rất nhanh.
“Bộ trưởng nói rằng Diễn đàn chỉ tương tự
như một phát súng gợi cảm hứng cho sự thay đổi trong nhận thức từ cộng đồng
doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước để từ đó hình thành chiến lược. “Ông cũng gợi
ý về một sự thay đổi từ từ. Nếu Diễn đàn là tiếng súng hiệu từ vạch số 0, sự
thay đổi của doanh nghiệp và các cơ quan sẽ tiến dần từng bước đến giai đoạn bước
ngoặt. Bước chuyển này có thể đến chậm hơn nhưng hàm chứa sự tăng trưởng chắc
chắn và bền vững.”
Trong khi thế giới công nghệ đang cạnh
tranh ráo riết và biến chuyển rất nhanh thì ‘Make in Vietnam’ quả thực
là một sản phẩm sáng tạo của Hà Nội.
Vì chỉ có ở Hà Nội, mới có một Diễn Đàn cấp
Bộ, được Thủ Tướng và Bộ Trưởng khai mạc, với cả ngàn viên chức được mời tham dự,
tốn bao công quỹ quốc gia, tưởng chừng sẽ phát động một chiến lược nhằm thực hiện
giấc mơ “Việt Nam hùng cường”, nào ngờ ‘Make in Vietnam’ chỉ là một
“phát súng gợi cảm hứng”, còn đi tới, đi lui, đi lên, đi xuống, ai muốn đi
sao tùy cảm hứng.
NGUYỄN QUANG DUY 14.05.2019
Melbourne, Úc Đại Lợi
(Tác giả
gởi blog Thụy My)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.