(Người Việt 07/05/2019) Ngày Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, Tổng Thống
Donald Trump dọa nếu Bắc Kinh không nhượng bộ ông sẽ tăng thuế nhập cảng từ 10%
lên 25% trên $200 tỉ hàng hóa mua của Trung Quốc, bắt đầu từ Thứ Sáu. Ông dọa
thêm, sẽ còn đánh thuế 25% trên hơn $300 tỉ hàng hóa khác.
Trong ngày Thứ Hai, các thị trường chứng
khoán bên Tàu tụt xuống, các cổ phiếu mất đến 6% giá trị, số tụt giảm nặng nhất
trong ba năm qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng xuống,
nhưng nhẹ hơn vì nước Mỹ xuất cảng sang Tàu ít hơn Tàu bán sang Mỹ. Trong hai
ngày cổ phiếu 500 công ty Mỹ trong chỉ số S&P500 mất tổng cộng $500 tỉ.
Ngày Thứ Ba, Chỉ số DJ trên thị trường chứng khoán New York tụt 473 diểm, mất
1.8%, xuống nhiều nhất kể từ đầu Tháng Giêng năm nay.
Với gần 100 chữ viết trong thông điệp
Twitter, ông Donald Trump đã thách thức ông Tập Cận Bình, trước mắt bàn dân
thiên hạ.
Trong hai ngày, báo, đài của Trung Cộng
không đả động gì đến lời đe dọa của ông Trump. Tới ngày Thứ Ba, ông Tập Cận
Bình mới trả lời, qua một bài ý kiến của nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh. Họ viết
trên WeChat, một thứ giống như Tweeter ở bên Tàu, “Làm việc gì có ích lợi,
không ai đòi hỏi chúng tôi cũng làm. Cái gì không thuận lợi, thì dù anh đòi hỏi
cách nào, chúng tôi cũng không lùi bước.” Và kết luận bằng giọng điệu thách
thức: “Đừng ai nghĩ đến chuyện đó!”
Đúng là Trump và Tập đang gườm nhau trên
võ đài mậu dịch.
Chuyện gì đã gây nên tình trạng căng thẳng
này?
Donald Trump bắt đầu tăng thuế đánh trên
hàng nhập cảng từ Trung Quốc với mục đích giảm bớt thâm thủng mậu dịch của Mỹ,
hàng $400 tỉ mỗi năm đối với nước Tàu. Trung Cộng đã trả đũa, đánh thuế trên
hàng do Mỹ xuất cảng sang Tàu. Trong hai năm qua, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ
vẫn tăng thêm, không giảm.
Kể từ Tháng Mười năm ngoái, các cuộc
thương thuyết giữa hai nước diễn ra trên hai vấn đề chính. Trên một mặt trận, Mỹ
tiếp tục đòi Bắc Kinh phải nhập cảng hàng của Mỹ nhiều hơn để chấm dứt cuộc đấu
võ bằng quan thuế. Mặt trận thứ hai quan trọng hơn. Mỹ yêu cầu Tàu phải thay đổi
chính sách kinh tế. Phải mở cửa cho các công ty Mỹ làm ăn dễ dàng hơn, chấm dứt
việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước giúp họ cạnh tranh với các công ty Mỹ,
chấm dứt việc lấy trộm các “sản phẩm trí tuệ” như các kỹ thuật tân tiến của xí
nghiệp Mỹ.
Cuộc thương thuyết gần đây đã tiến bộ
trên cả hai mặt đó. Nhưng cho đến cuối tuần qua, hai bên bước đến một vấn đề mấu
chốt: Làm cách nào để kiểm chứng các hứa hẹn của chính quyền Trung Cộng, bắt buộc
họ phải thi hành nghiêm chỉnh?
Phía Mỹ muốn các biện pháp “trừng phạt” nếu
Bắc Kinh không giữ lời. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền
kỹ thuật của Mỹ, hay đối xử bất công với các công ty Mỹ, thì chính phủ Mỹ sẽ
đánh thuế nhập cảng trên hàng mua từ nước Tàu để trừng phạt, mà phía Tàu không
được phép đánh thuế trả đũa. Mỹ cũng muốn nước Tàu phải đặt ra những luật lệ mới
bảo vệ quyền sở hữu trên các “sản phẩm trí tuệ” thay vì chỉ thi hành các đạo luật
đang có, mà Mỹ đòi là không đủ mạnh. Đặc biệt, phía Mỹ yêu cầu phải ghi rõ các
điều này trong bản thỏa hiệp hai bên sẽ ký kết.
Đến chỗ đó thì Bắc Kinh không nhượng bộ.
Theo nhật báo South China Morning Post,
ông Tập Cận Bình không chấp nhận yêu cầu của Mỹ, Ông nói rằng: “Tôi sẽ là
người gánh tất cả hậu quả!”
Khi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc báo tin cho các
bộ trưởng trong chính phủ Mỹ biết, ông Trump nổi giận.
Nếu nhượng bộ, ông Tập Cận Bình lo sẽ có
những hậu quả nào?
Trước hết, Tập sẽ mất mặt. Người dân nước
Tàu sẽ hỏi tại sao nhượng bộ nhiều quá như thế? Trong bản thỏa hiệp, Mỹ chỉ nhượng
bộ một điều, là bãi bỏ thuế quan mới đánh. Còn Trung Cộng vừa phải xóa bỏ thuế,
lại vừa phải chịu thêm các điều kiện khác!
Giấc Mộng Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình
vẫn hô làm khẩu hiệu từ dăm năm nay đã kích thích tự ái dân tộc của người Trung
Hoa trong lục địa. Người dân đã nuôi dưỡng hình ảnh một Trung Quốc vĩ đại, sắp
vượt qua Mỹ quốc đến nơi rồi. Họ không nhìn thấy những yếu kém của kinh tế
Trung Quốc. Ngay cả Bộ Chính Trị đảng cũng vậy.
Trong phiên họp thường lệ vào Tháng Hai vừa
qua, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc không bàn gì đến vấn đề kinh tế, dù
cuộc chiến tranh mậu dịch đang tới hồi gay cấn. Người dân cũng không thấy cuộc
chạy đua tăng quan thuế với Mỹ ảnh hường đến đời sống hằng ngày của họ như thế
nào. Vì các báo, đài không được loan báo tin tức về số xuất cảng sang Mỹ tụt giảm.
Ngược lại, ở Mỹ thì ai cũng được nghe tin về hàng mua từ bên Tàu đã lên giá.
Tập Cận Bình đang sa chân vào cái bẫy do
chính mình dựng lên. Năm 2019 lại là một năm đặc biệt, đánh dấu nhiều biến cố
trong lịch sử Trung Quốc. Tháng Năm, ngày bốn là 100 năm Ngũ Tứ Vận Động. Tháng
Muời sẽ là lễ hội lớn, 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tình tự
dân tộc được khích động, đến ngày 4 Tháng Sáu người ta sẽ nhớ đến cuộc tàn sát ở
Thiên An Môn năm 1989, đúng 30 năm, nếu trong lòng bất mãn với chế độ. Tập Cận
Bình không rút chân ra khỏi cái bẫy này được.
Đúng lúc đó thì Donald Trump “tuýt” những
lời đe dọa “quyết chiến” và đặt ra những điều kiện phũ phàng!
Vì vậy Tập Cận Bình càng phải tỏ ra cứng
rắn!
Cả hai người, Trump và Tập Cận Bình đều
được lợi nếu ký kết một “thỏa ước đình chiến” trong cuộc chiến tranh mậu dịch
này. Nhưng hai người đang khóa tay khóa chân nhau, đẩy nhau tới bờ vực. Cả hai
không thể cho dân chúng thấy mình đã nhượng bộ đối thủ. Cả hai đều được phấn
khích về nền kinh tế nước mình, vẫn tăng trưởng dù đang tranh chấp. Cứ như vậy,
tại sao phải nhượng bộ, mất mặt.
Nếu nhìn thuần túy về kinh tế, Tập Cận
Bình cần một thỏa hiệp nhiều hơn Trump. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu vẫn vững mạnh.
Kinh tế Trung Quốc khá hơn trong mấy tháng vừa qua nhưng trên đường dài thì sẽ
bất lợi hơn nếu cuộc chiến tiếp diễn.
Nhưng đó là cách nhìn khách quan và trường
kỳ. Trong ngắn hạn, câu chuyện có thể khác.
Ông Trump sẽ phải tranh cử trong năm tới.
Ông Tập Cận Bình thì không. Nếu kinh tế mỗi nước đều xuống, thì dân Mỹ sẽ kêu
trời. Còn dân Tàu có muốn kêu cũng không được mở miệng.
Tổng Thống Donald Trump rất quan tâm đến
thị trường chứng khoán, ông vẫn coi thị trường lên là một thành quả nhờ ông mới
có. Nhưng người ta tiên đoán, nếu ông thực sự tăng thuế quan lên 25% như lời đe
dọa, chỉ số S&P500 sẽ tụt mất 2%; và nếu chiến tranh mậu dịch tiến đến hơn
nữa, S&P500 có thể mất 7% giá trị. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ tìm cách can ngăn
ông tổng thống.
Ngày Thứ Ba nhật báo The Wall Street
Journal mới viết trong bài quan điểm, nhắc nhở Tổng Thống Trump: “Ngày Chủ
Nhật, tổng thống mới viết trên Twitter rằng đánh thuế quan (trên hàng hóa Trung
Quốc) là một lý do khiến kinh tế Mỹ vững mạnh.” Nhưng tờ báo có khuynh hướng
Cộng Hòa viết tiếp, “điều này trái ngược với sự thật. Kinh tế vẫn tăng trưởng
mặc dù tăng thuế quan, nhưng số công việc làm trong các ngành chế tạo năm nay
đã giảm bớt một phần vì kinh tế nước Tàu tiến chậm hơn.”
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.