mardi 14 mai 2019

Phạm Đỗ Chí - Thương chiến Mỹ-Trung: Khúc quanh mới và tác động


Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (T) trò chuyện với bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington ngày 10/05/2019.

Ý kiến nói làm ăn kinh tế chỉ là chiêu bài che cho giấc mộng bành trướng Đại Hán, trước còn rút gọn ở Á châu, nay muốn sang cả châu Phi, Trung Đông và sang cả châu Âu.

Suốt tuần qua, không chỉ các thị trường tài chính, mà gần như các giới làm chính sách toàn cầu đều theo dõi đến nghẹt thở cuộc thương nghị giữa hai phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc, mà cao điểm là lúc Phó Thủ tướng Lưu Hạc cầm đầu đoàn Trung Quốc sang họp chiều thứ năm xuyên bữa ăn tối 9/5.

Kết cục đến 12g đêm rạng sáng thứ Sáu 10/5 vẫn chưa có gì rõ rệt, khiến lệnh của Tổng thống Trump cho tăng hơn gấp đôi thuế quan lên 25% bắt đầu áp dụng cho 250 tỉ hàng nhập Trung Quốc (theo bảng tiêu chuẩn năm 2017) vốn bị thuế 10% trước đây. Trong khi đó, các cố gắng thương nghị vẫn tiếp tục vào buổi sáng cho đến chiều thứ Sáu, nhưng không kết quả cụ thể nào có thể đạt được lúc đoàn Trung Quốc ra về, mặc dù với cái siết tay chặt từ biệt của đại diện thương mại Lighthizer mong "hẹn ngày tái ngộ". Rõ ràng nét mặt của ông Lưu Hạc rất thân thiện, cho thấy về căn bản có lẽ ông thuộc nhóm "cải tổ" muốn làm hơn để đạt kết quả, nhưng lần này ông không có quyền nhiều, mất đi danh tước "special envoy" của các lần trước, phải về bẩm báo với Chủ tịch Tập lấy quyết định.

Chuyện "lật kèo" xảy ra giờ chót?

Mọi người thất vọng và tất nhiên đều hỏi tại sao, khi trước đó vài tuần thị trường chứng khoán toàn cầu đã lên mạnh, kỳ vọng sẵn vào kết quả tất nhiên của "đình chiến" tháng 5. Nhưng không ai có thể cho giải thích rõ hơn là vài dòng "tuýt" của chính Tổng thống Trump, khi ông hạ lệnh sẵn từ tối Chủ nhật ngay trước đó, là ông Tập đã "lật kèo" giờ chót, bỏ hẳn các thỏa thuận đã có sẵn trong bản nháp thương thảo dài và qui mô đã đạt được từ cuộc thương nghị marathon hai bên qua lại từ trên hai tháng nay.

Lý do là giờ chót ông Tập nghe tin đồn đoán (?) từ D.C. là ông Joe Biden nay sẽ là ứng cử viên Dân chủ sáng giá và có thể thắng ông Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Như vậy nếu Trung Quốc kiên trì đợi ông Biden thắng cử, thể hiện chính sách "quen nhường nhịn" từ thời cựu Tổng thống Obama đã nổi bật với thành tích để Trung Quốc lấn sân Mỹ trên trường quốc tế, cả về chính trị và kinh tế, thì Trung Quốc sẽ không phải nhường nhịn nhiều?

Thêm vào đó, báo giới Mỹ cũng cho ra lý luận khác là có thể Trung Quốc suy đoán sai về tình hình kinh tế vĩ mô Mỹ. Từ nhiều tháng nay ông Trump đã không ngớt chỉ trích Chủ tịch FED Powell, đã suy đoán sai về tình hình lạm phát xứ Mỹ nên tăng lãi suất 6 lần từ khi ông Trump cầm quyền (cho tới tháng 12/2018), và có thể gây khó khăn cho mức tăng trưởng đang đà mạnh của kinh tế Mỹ - nhất là chỉ còn độ một năm nữa là chính thức mở màn mùa tranh cử tổng thống. Giới tiên đoán "mò" ở Trung Quốc đã dựa vào điểm này để cho rằng ông Trump biết nền kinh tế Mỹ đang suy yếu gì đó nên tăng áp lực cho ông Powell và FED giảm lãi suất, và từ đó cho rằng ông Trump dễ nhường ông Tập hơn để nhanh chóng đi đến một thỏa thuận thương mại mới.

Bé cái nhầm, như chúng tôi sẽ thảo luận ngắn dưới đây về hiện trạng kinh tế Mỹ! Và dù có bối rối trăm bề với các tấn công nội bộ quen thuộc của các thành viên đảng DC qua hậu chuyện báo cáo Mueller và các tờ khai thuế cá nhân của ông Trump từ nhiều năm, của giới truyền thông "chính thống" từ đầu mùa tranh cử năm ngoái, của các đấng trí thức phe tả, của giới trẻ mê Xã hội Chủ nghĩa do Bernie Sanders và Ocasio Alexander-Cortez trình diễn đang dấy lên như một mốt "thời thượng" bên Mỹ…Tổng thống Trump có vẻ vẫn giữ nguyên được bản lãnh đối phó của mình! Nếu không may vì vấn đề sức khỏe ở tuổi 75 trước các áp lực cá nhân kinh khủng như vậy cho một cá nhân, ông còn hy vọng đi tiếp—nhất là khi ban vận động tranh cử 2020 sơ khởi cho ông, tuyên bố đã quyên được 30 triệu đô la!

Nhắc chuyện cũ: Cú "lật kèo" của Bắc Hàn?

Giải thích này nếu đúng, không khỏi làm nhiều người nhớ lại chuyện tương tự với thất bại của cuộc thương nghị Mỹ-Bắc Hàn cuối tháng 2 vừa rồi ở Hà Nội. Lúc đó, giả thuyết "lật kèo giờ chót" cũng xảy ra với lãnh tụ Kim Jong Un, khi các bản dự thảo gần như sẵn sàng để được ký vào buổi trưa ngày 28/2, sau bữa tiệc trưa thịnh soạn đã được dọn sẵn ở khách sạn Metropole. Bất thần các màn hình TV chiếu tin tức Tổng thống Trump nổi giận bỏ tiệc đó và sửa soạn chuyến bay thẳng về Mỹ ngay trưa hôm đó, sau cuộc họp báo ngắn nói lý do là ông Jong Un "đòi Mỹ bỏ hết cấm vận như điều kiện tiên quyết", thay vì một lộ trình ("road map") bỏ cấm vận và các bước phi hạt nhân hóa mà viên chức hai bên đã đồng ý trước, chỉ đợi ký.

Cùng buổi trưa đó đã rộ lên tin đồn ở Hà Nội trong một số giới quan sát viên hay nhà báo "chầu rìa", là có "tin giờ chót từ Bắc kinh khuyên ông Jong Un nên lên gân làm khó ông Trump", vì Trump đang ở thế yếu (?) ở ngay thủ đô Mỹ với các dân biểu Dân chủ đang "hạch tội" tổng thống Mỹ cùng lúc với các lời khai nhạy cảm về ông Trump của luật sư riêng là ông Cohen. Suy đoán sai lúc đó là Tổng thống Trump đang bối rối (sau cả đêm mất ngủ xem TV diễn tiến buổi họp Quốc hội Mỹ "kết tội" mình!) và sẽ cần đạt đến một "deal" với ông Kim Jong-un ở bất cứ giá nào! Kết quả sau cùng cho thấy Trump là tay có bản lãnh, bước ra khỏi buổi họp và thản nhiên bay về nhà, chấp nhận "no deal" vì không cần gì cả, và được chính giới D.C. ủng hộ với quyết định sáng suốt không vội vã này!

Còn lại Bắc Hàn với nuối tiếc ngẩn ngơ, vì mất đi cơ hội để được bỏ cấm vận dần và có cơ hội được Nam Hàn và thế giới tiếp tay giúp phục hồi nền kinh tế, bỏ dần tham vọng "cường quốc nguyên tử". Tiếp theo là với các tin mất mùa năm nay, và một báo cáo khẩn của tổ chức FAO (Lương Nông Thế Giới) về nạn thiếu lương thực có thể xảy ra cho 10 triệu người trên dân số 25 triệu của Bắc Hàn, cho thấy một quyết định sinh tử cho vận mạng đất nước mình không thể dựa vào các suy đoán hay bình luận chính trị thiếu căn cứ, dù nó bắt nguồn từ đại cường Trung Hoa!

Do những điều kể trên, nhất là do suy đoán thiếu căn cứ của Trung Quốc với nền kinh tế Mỹ, chúng ta cần tìm hiểu thêm sự bế tắc của thương nghị Mỹ-Trung Quốc đang xảy ra trong tình hình kinh tế Mỹ thực sự ra sao và tương quan lực lượng cũng như mối quan ngại về nhau ra sao?

Kinh tế Mỹ sau hơn nửa nhiệm kỳ Trump đang ở đâu?

Kết quả tăng trưởng của kinh tế Mỹ cho quý 1/2019 đã đạt mức cao đáng ngạc nhiên là 3,2% (trên căn bản hàng năm); và mức thất nghiệp xuống còn 3,6% là kỷ lục thấp nhất từ gần 50 năm nay. Thêm vào đó, các thống kê cũng cho thấy năng suất công việc và lương bổng người Mỹ tăng cao, khi áp lực lạm phát được kiềm chế hiệu quả.

Tất nhiên các con số này khó phủ nhận kết quả cho chương trình của chính phủ Trump sau 2 năm và 3 tháng làm việc, và đã được bàn nhiều trong báo chí. Vài thành tố chi tiết thiếu ổn định như xuất siêu, hàng tồn kho, và chi tiêu của chính phủ địa phương đã giúp cho 2/3 của kết quả đó, do tiêu thụ tư nhân đóng góp tương đối thấp, chính phủ trung ương đóng cửa khá lâu làm mất đi 0,3% độ tăng trưởng, và số bán xe hơi thấp lấy đi 0,5% của tăng GDP. Nhưng cho 3 quý còn lại, các yếu tố này sẽ đảo ngược, nhất là vì mức tăng việc làm cũng như lương bổng mạnh sẽ giúp cho sức tiêu thụ tư mạnh hơn.

Điều đáng nói nhất cho thành công của chính sách kinh tế Mỹ trong 27 tháng qua (từ quý 1.2016 đến quý 1.2019) là độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân ("business investment") đã bù lại cho sự chững lại của khu vực bất động sản tư nhân (do chính sách thuế mới), thường được coi là xương sống của tăng trưởng Mỹ. Điều này cũng nói lên sự thành công đáng kể của chính sách giảm thuế của chính phủ Trump ban hành năm 2017, khác với lo ngại của nhiều chuyên viên theo khuynh hướng Dân chủ. Làm tăng nhanh đầu tư khu vực tư nhân là thành công nổi bật, tương phản với mức đầu tư yếu kém làm chậm tăng trưởng của thời ông Obama.

Điều đáng nói thêm cho quý 1.2019 là mặc dù tăng trưởng cao và việc làm lẫn lương bổng tăng mạnh, mức lạm phát chỉ tăng 0,8% cho quý này (theo số chi tiêu GDP), trái hẳn lo ngại của ông Powell và FED về lạm phát cả trong hai năm 2017-18 trước đây đã tăng dồn dập lãi suất cho đến tháng 12/2018 mới tạm ngưng và gây ra cơn sa sút chứng khoán nặng nề trong quý 4.2018 (trong khi FED đã không tăng lãi suất trong nhiều khoảng thời gian dài dưới các chính phủ Dân chủ, với hoàn cảnh kinh tế tương tự). Ông Trump mới đây lại lên tiếng yêu cầu FED giảm cả lãi suất để không làm suy yếu đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trước kỳ bầu cử 2020, nhất là khi không có áp lực lạm phát đáng kể, tất nhiên do cả mong muốn tái cử của ông! Đó là lý do chính yếu của việc ông Trump can thiệp vào chính sách FED, không phải do kinh tế Mỹ đang bị trì trệ như ông Tập hay các cộng sự đoán già đoán non, và lật kèo giờ chót trong đàm phán thương mại, như đã bàn ở trên!

Chính sách "Cờ vây" với Trung Quốc sẽ ra sao?

Chính sách tăng thuế quan từ hơn 10 tháng qua (sau đợt I áp dụng thuế quan 10% lên 250 tỉ đô la hàng nhập Trung Quốc) đã gây tác động không nhỏ cho kinh tế và chính trị Trung Quốc, và đã được nói đến ở nhiều diễn đàn. Tình hình chính trị nội bộ bất ổn; tăng trưởng GDP chỉ còn quanh mức 6%; chứng khoán đã sụt 25% trong năm 2018; mức dự trữ ngoại hối đã giảm từ 4.000 tỉ đô la xuống mức thấp 2.600 tỉ khoảng tháng 9-10.2018 và nay mới phục hồi lên mức 3.100 tỉ; hối suất đồng yuan đã thụt hẳn 6-8% lúc mấy tháng đầu tiên do các hãng và tư nhân rút tiền tháo chạy…Chính sách tăng thuế đợt II với thuế quan 25% vừa áp dụng sẽ gây nhiều ảnh hưởng nặng nề hơn.

Khi Trung Quốc trả đũa ngược lại với Mỹ, ước lượng GDP của Mỹ sẽ xuống khoảng 0,3-0,5% trong năm nay 2019. Nếu Mỹ áp dụng thuế quan lên cả 325 tỉ đô hàng nhập Trung Quốc còn lại, sẽ gây ảnh hưởng tăng giá cho khoảng 40% mặt hàng tiêu thụ ở Mỹ, và tác động này do kinh nghiệm từ 10 tháng qua ở Mỹ cũng không phải là cái gì khủng khiếp lắm! Vì Mỹ có thể thay bằng hàng nhập từ các nước khác. Và việc bù lỗ cho việc xuất khẩu nông sản, nhất là đậu nành, ở một vài tiểu bang chính yếu có thể thực hiện dễ dàng như từ gần một năm qua!

Thế cờ vây còn được áp dụng ngoài Biển Đông với các đoàn tuần hành hàng hải tự do được luật quốc tế cho phép. Trung Quốc có thể dọa các nước láng giềng nhỏ lân cận hay ASEAN với "sức mạnh hải quân" của mình! Nhưng lúc phải đối địch với liên minh quân sự Mỹ-Anh-Úc-Nhật, sức mạnh của một hàng không mẫu hạm cũ tái thiết mua của Nga và một đoàn tàu tuần duyên hay tầu ngầm mới trang bị của Trung Quốc có lẽ không đủ sức trả lời trong một cuối tuần!

Nhìn xa và quan trọng nhất, Mỹ sẽ thấy gì về chiến lược "Vành đai-Con đường" mà Trung Quốc vừa quảng cáo rầm rộ trong một Hội nghị quan trọng ở Bắc Kinh trong các ngày 24-26/4 vừa qua?

Vấn đề này cần một bài nhận định dài khi có đủ các chi tiết về đầu tư dự trù cũng như sách lược của Trung Quốc với từng đối tác. Nhưng một cách tổng quan, có thể tạm đưa ra vài nhận định sơ khởi sau:

'Vành đai-Con đường'… phá sản?

Sau tác động thương chiến Mỹ-Trung, kinh tế Trung Quốc chậm hẳn lại và đi vào khủng hoảng trong nước khi mức dự trữ ngoại tệ xuống thấp báo động, các hãng rút ra khỏi Trung Quốc, ngay cả các hãng nội địa đang chạy sang Việt Nam chẳng hạn; thất nghiệp trầm trọng lúc này là vấn đề chính trị ngắn hạn số 1 của ông Tập.

Nhưng trong lịch sử lâu dài của Trung Hoa, vấn đề nhân mãn vẫn mang tính truyền kiếp. Họ phải tìm cách và tìm đất để di dân sang các xứ khác. Làm ăn kinh tế chỉ là chiêu bài che cho giấc mộng bành trướng Đại Hán, trước còn rút gọn ở Á châu, nay muốn sang cả châu Phi, Trung Đông và sang cả châu Âu như Ý (tham gia do các khó khăn tài chính ngắn hạn của chính phủ đương thời, đi ngược lại ý muốn và quyền lợi lẫn nền văn hóa truyền thống của đại lục này!).

Để giải quyết, Trung Quốc chỉ có thể đi vào đầu tư hạ tầng vốn là điểm mạnh của Trung Quốc. Nhưng làm ở đâu khi đã có quá nhiều thành phố ma và khu kỹ nghệ bỏ hoang ở Trung Quốc. Chỉ duy nhất một chọn lựa: đầu tư ở nước ngoài và hay nhất là các nước lân cận cho mục đích địa chính trị.

Vấn đề thiếu vốn: Dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 tỉ đô trước thương chiến xuống ¼ còn 3.000 tỉ. Trung Quốc không còn đủ vốn để theo đuổi con đường tơ lụa cũ trong giấc mơ, dù khuynh đảo và hấp dẫn chính trị để kêu gọi "co-financing" từ các đối tác "chiến lược", bắt đầu bằng các "đàn em dễ bảo" láng giềng. Các nước này cũng được hấp dẫn bởi chiêu bài giá rẻ lúc đầu của các nhà thầu Trung Quốc, sau đó tăng dội vốn để tạo ra bẫy nợ và chiếm cứ một số cảng quan trọng như trường hợp Sri Lanka.

Các dự án lúc đầu sẽ được khai trương long trọng với du lịch rẻ tiền và sòng bài để hấp dẫn khách Á châu, nhưng rồi sẽ ế dần và thay bằng khách Tàu cần chỗ ăn chơi. Các thí dụ thất bại ê chề đã xảy ra ở hai khu du lịch ở Lào và Cambodia.

Trung Quốc đang quảng cáo sau 10 năm sẽ thấy kết quả lẫy lừng. Nhưng chắc chắn họ Tập không thể trụ trì 10 năm nữa! Nếu Tập đổ giữa chừng, lãnh tụ mới nào của Trung Quốc có điên khùng mà tiếp tục xây dựng hay khai thác các dự án đó? Ai sẽ nhận lãnh kết quả thất bại của những bãi hoang trong tương lai và núi nợ chồng chất?

Đó sẽ là 'Vành đai-Con đường'... phá sản chắc chắn.

Ai sẽ chịu trách nhiệm? Nhân dân phải đóng thuế trong các nước đối tác đã lỡ dại hứa hẹn hay ký kết với Trung Quốc trong hai ngày lễ hoành tráng vừa rồi!

May mắn chưa có tin gì là Việt Nam đã ký? Nhưng còn các đặc khu, các dự án lớn đường cao tốc, đường sắt hay phi trường trong dự định? Việt Nam sẽ may mắn thoát bẫy nợ này chăng?

TS PHẠM ĐỖ CHÍ (Bài đăng trên BBC ngày 12.05.2019)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.