(Người Việt 16/05/2019) Shakespeare
trong “Romeo and Juliet” cho chàng Romeo nói với nàng Juliet rằng “Cái
tên nào có ý nghĩa gì! Bông hồng mang tên gì cũng thơm vậy!” (What’s in a name?
A rose by any other name would smell just as sweet!). Nhưng thật ra cái tên
có một tầm mức rất quan trọng.
Trên một phương diện nào đó nó cho thấy vị
thế của bố mẹ đứa bé trong xã hội. Ở một mức rộng lớn hơn nó cho thấy một phần
tính chất của đất nước mà họ sống. Thành ra vừa qua tại Anh khi cậu hoàng tử
Harry và cô hoàng tức Meghan đặt tên cho cậu con đầu lòng của họ là Archie thì
lập tức có dư luận xầm xì rằng đặt tên như vậy là không đúng. Archie là một cái
tên của tầng lớp hạ lưu không thể dùng cho một nhân vật hoàng tộc đứng hàng thứ
bảy trong bậc thang thừa kế ngai vàng nước Anh.
Nói chung, theo các nhà xã hội học, mỗi một
nhóm trong xã hội có khuynh hướng chọn một số tên thông dụng cho con mình.
Thành ra ở Mỹ chẳng hạn, các cộng đồng trắng và đen chọn lựa tên cho con mình rất
là khác biệt. Những tên thông dụng trong cộng đồng da trắng hầu như không được
thấy tại cộng đồng da đen và ngược lại.
Tại Anh cũng vậy, giữa tầng lớp thượng
lưu và dân lao động các tên lựa chọn cũng rất là khác nhau. Ngay cả nếu dùng
tên có cùng một gốc, mỗi một nhóm dùng một cách khác nhau. Lấy thí dụ cái tên Archie mà hoàng tử
Harry đặt cho cậu con. Nếu thay vì dùng “Archie” mà dùng nguyên gốc của
nó “Archibald” thì đã không có gì dị nghị cả.
Đối với dân chúng Anh và Mỹ không có luât
lệ nào cấm người ta dùng bất kỳ một danh từ nào để đặt tên con. Thành ra trong
thập niên 1960, tại New York có một ông tên là Robert Lane, có lẽ vì đẻ con nhiều
quá nên đặt tên đứa con thứ sáu là “Winner,” hy vọng rằng lớn lên nó sẽ
thành công trong đời. Nhưng sau đó bà vợ lại sinh ra đứa con thứ bảy. Ông bèn đặt
tên đứa út này là “Loser.”
Nhưng không ngờ cuộc đời trớ trêu, hai đứa
nhỏ lớn lên với hai cuộc đời khác hẳn. Loser Lane lớn lên, được học bổng đi học
tại Lafayette College tại Pennsylvania. Tốt nghiệp gia nhập cảnh sát New York
và dần dà trở thành thám tử (detective) và cuối cùng về hưu với cấp bậc thiếu
tá. Trong khi đó, người anh ông, Winner Lane, thì thành tích lớn nhất là chiều
dài của chuỗi các tội phạm mà anh ta làm, bao gồm khoảng ba chục lần bị bắt vì
tội cướp giật, chống cảnh sát và hành hung.
Nếu ông Robert Lane này sống ở Pháp thì
chắc chắn là không thể đặt tên con môt cách tùy tiện như vậy. Cách đây ít lâu,
một cặp vợ chồng Pháp muốn đặt tên đứa con gái là “Nutella.” Và tuy rằng
chính phủ Pháp kể từ năm 1993 đã nới lỏng quy luật đặt tên cho con, nhưng đặt
tên con bằng món đồ ăn thì hãy còn đi quá xa thành ra bị nhà nước hộ tịch từ chối.
Mặc dầu vậy, lúc gần đây, các bậc cha mẹ muốn đặt tên con là Chanel, Dior,
Britney và Beyonce đều được chấp nhận hết.
Những cuộc khảo sát mới tại Pháp cho thấy
trào lưu này phản ánh những thay đổi xã hội sâu đậm bên trong xã hội Pháp. Một
yếu tố là sự suy tàn trong ảnh huởng của giáo hội Công Giáo. Việc độc quyền tên
trẻ em của giáo hội được Napoleon vào năm1803 chính thức công nhận qua một sắc
lệnh rằng tất cả trẻ em sinh tại Pháp phải có tên hoặc là một vị thánh hoặc là
một nhân vật lịch sử.
Cách đây một thế kỷ chẳng hạn, cứ tám đứa
trẻ em gái sinh ra tại Pháp thì có một em tên là “Marie.” Nay thì tỉ lệ
này còn chưa đầy 1%. Theo Jerome Fouquet, tác giả của một trong những công
trình khảo cứu cho biết điều này phản ảnh “giai đoạn tận cùng của tiến trình
phi Cơ Đốc hóa” nước Pháp.
Nhưng với sự lùi bước của tôn giáo, văn
hóa “pop” Mỹ nhảy vào thay thế với các tên mới như Kevin, Jordan, và Dylan.
Những cái tên mới này theo một công trình nghiên cứu đã trở thành một dấu hiệu
phân cách giai cấp. Điều mỉa mai là chúng đặc biệt phổ biến tại những vùng mà
bà Marine Le Pen có sự ủng hộ mạnh nhất. Người đứng đầu chiến dịch tranh cử Nghị
Viện Châu Âu của đảng bà Le Pen là một cậu có tên là Jordan, 23 tuổi.
Tại Pháp, nơi mà các nhà kiểm tra dân số
không được thu thập các dữ liệu về chủng tộc và tôn giáo thì cái tên cũng là một
mốc cho thấy chủng tộc hoặc tôn giáo của người mang cái tên đó. Con số những em
bé mang tên Mohamed đã tăng lên gấp sáu lần kể từ 1960. Sự tồn tại của
những cái tên này bị cho là bằng chứng rằng sự hội nhập của những người di dân
mới đã thất bại. Bà Marine Le Pen chẳng hạn biện luận rằng những người dân Pháp
mới cần phải có một cái tên phù hợp với truyền thống Pháp.
Thế nhưng một cuộc khảo sát khác về tên
cho thấy rằng tiến trình hội nhập đã phản ánh được trung thực qua những cái
tên. Khảo sát này cho thấy tuy rằng những thế hệ di dân đầu tiên từ vùng Bắc
Phi sang Pháp vẫn đặt tên con theo truyền thống, tức là Mohamed hoặc
Karim chẳng hạn. Nhưng những đứa con của họ thì theo một chiều hướng rộng
hơn của xã hội Pháp. Tuy rằng không đặt tên con là Marie, nhưng Lina,
Mila hoặc Sarah đều tốt. Chúng là những tên quốc tế mà ai cũng có thể
nhận là của mình được.
LÊ MẠNH HÙNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.