Tổng thống Nicolas Maduro thăm một trung tâm huấn luyện quân sự ở El Pao, Venezuela, ngày 04/05/2019. |
Tựa chính của các tuần báo Pháp kỳ này tập trung cho những vấn đề xã hội : những câu hỏi đặt ra xung quanh việc nghỉ hưu (Le Point), thụ tinh nhân tạo (L’Express), các liệu pháp mới để trị trầm cảm (L’Obs). Courrier International dành hồ sơ cho thủ tướng New Zealand, chạy tựa « Jacinda Ardern, một hiện tượng chính trị », còn báo Anh The Economist báo động « Xung đột Mỹ-Iran : Cả hai bên đều nên lùi bước ».
Đối lập Venezuela thất bại nhưng chưa thua
Về thời sự châu Mỹ la-tinh, Courrier International chơi chữ « Venezuela : Đối lập thất bại nhưng chưa thua ».
Lời kêu gọi của thủ lãnh Juan Guaido, thúc giục quân đội lật đổ chế độ
của ông Nicolas Maduro đã không mang lại hiệu quả, dù có được một số tác
động. Cuộc chơi đã tàn chăng ? Theo tờ báo, tất cả tùy thuộc vào sự so
găng giữa Washington và Matxcơva.
Tờ El Carabobeno ở Valencia ghi
nhận, Nicolas Maduro đến 12 tiếng đồng hồ sau mới xuất hiện và tuyên bố
vẫn đang nắm quyền. Sự trễ tràng này cho thấy tình hình không sáng sủa
cho ông.
Với đối lập, tổ chức đảo chính mà không được giới tinh
hoa hỗ trợ mạnh mẽ thì có thể nguy hiểm. Thách thức đối với Guaido là
vừa phải cố thúc đẩy dân chúng nổi dậy, vừa dựa vào các cuộc biểu tình
để giới tinh hoa quay sang phía mình. Tuy nhiên có nghịch lý ở chỗ, mục
tiêu của dân chúng thường là thay đổi hẳn chế độ, hướng về dân chủ,
nhưng điều này lại đe dọa giới tinh hoa.
Đêm 31/8 rạng sáng 01/09/1969, anh sĩ quan trẻ Mouammar Kadhafi đảo chính lúc quốc vương Senoussi đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. |
Courrier International trích dịch bài « Một trường hợp điển hình về đảo chính thất bại » của The New York Times,
đặt câu hỏi, yếu tố nào giúp một âm mưu đảo chính có thể xoay chuyển
một đất nước hoặc ngược lại ? Theo tờ báo Mỹ, trước hết là sự ủng hộ của
toàn thể giới tinh hoa trong nước.
New York Times nhắc
lại một sự kiện kỳ lạ tại Libya cách đây nửa thế kỷ. Suốt năm 1969 đã
liên tục có những tin đồn về một vụ đảo chính. Đến tháng Chín, người ta
thấy một số xe quân sự bao vây các tòa nhà chính phủ và trung tâm thông
tin, một thông cáo ngắn đưa ra cho biết chế độ quân chủ đã sụp đổ. Các
đơn vị quân đội, tin rằng cấp trên làm đảo chính, đã kiểm soát phần còn
lại của đất nước mà không đổ một giọt máu. Các cường quốc nước ngoài vội
vàng công nhận chính quyền mới.
Một tuần sau, một trung úy lục
quân mới 27 tuổi cùng với vài chục sĩ quan cấp thấp tuyên bố đã tổ chức
vụ đảo chính. Anh ta tên là Muammar Kadhafi. Đã quá muộn đối với những
người Libya cho rằng mình bị lừa. Kadhafi trị vì đất nước trong suốt 42
năm sau đó.
Tờ báo dẫn lời chuyên gia Mỹ Naunihal Singh, nhận xét
Juan Guaido đã phạm một số sai lầm về chiến thuật, chẳng hạn kêu gọi
hành động trên Twitter. Truyền thống xưa nay cho thấy những người cầm
đầu đảo chính đều phát tuyên bố trên đài truyền hình và truyền thanh
quốc gia, như vậy mới thuyết phục được quần chúng là họ đã nắm quyền
kiểm soát. Ông Guaido cũng kêu gọi các lãnh đạo quân đội đứng về phía
mình, chứng tỏ ông đang thiếu sự hỗ trợ. Thay vì nói : « Chúng tôi sẽ chiến thắng nếu có sự ủng hộ của các bạn », lẽ ra phải khẳng định « Chúng tôi đã chiến thắng ! »
|
The Economist đặt vấn đề « Liệu có thể đánh bật chế độ độc tài của Maduro bằng con đường ngoại giao hay không ? »
Đảo
chính bất thành, nhưng ông Maduro biết rằng những rắc rối còn lâu mới
chấm dứt. Hôm 2/5, ông xuất hiện tại một căn cứ quân sự ở Caracas, đòi
hỏi binh lính hô to những khẩu hiệu tỏ lòng trung thành. Sau đó tướng
Padrino López, bộ trưởng Quốc phòng phát biểu : « Họ cố gắng mua chúng tôi, cứ như chúng tôi là lính đánh thuê… ». Ống
kính truyền hình cho thấy một nét sợ hãi thoáng qua trên khuôn mặt
Nicolas Maduro. Dường như đây là lần đầu tiên ông tổng thống nghe được
lời thú nhận này. Phải chăng vị bộ trưởng thực sự có liên lạc với đối
lập để lật đổ Maduro, như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói ?
Một
điều chắc chắn là giám đốc tình báo (Sebin), tướng Manuel Cristopher
Figuera đã trở cờ, thả nhà đối lập Leopoldo López. Tướng Figuera đã rời
Venezuela, dường như sang Porto Rico. Hôm 7/5, phó tổng thống Mỹ Mike
Pence tuyên bố đã dỡ bỏ trừng phạt đối với ông Figuera, đề nghị biện
pháp tương tự đối với các quan chức cao cấp để cổ vũ họ quay sang chống
lại Maduro ; đồng thời đe dọa các thành viên Quốc hội lập hiến bù nhìn
của Maduro.
Tuy
nhiên cả cây gậy lẫn củ cà rốt của Mỹ dường như không có mấy tác động.
Nếu can thiệp quân sự có thể mang lại rủi ro lớn, nên khả thi nhất có lẽ
là tác động vào các nước đang ủng hộ ông Maduro, đặc biệt Nga và Cuba.
Tuần
trước tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập về chủ đề Venezuela với đồng
nhiệm Nga Vladimir Putin, ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ gặp đồng nhiệm
Sergei Lavrov ở Sotchi ngày 14/5. Đối với Cuba, Hoa Kỳ siết cấm vận như
một cách trừng phạt, bên cạnh đó cho biết « sẽ làm việc với La Habana về những thay đổi ở Venezuela ». Nhóm Lima – đa số là các nước châu Mỹ la-tinh – thông báo « sẽ có những biện pháp cần thiết để Cuba tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp cho Venezuela ».
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern thăm Christchurch ngày 26/04/2019. |
New Zealand : Nữ thủ tướng lãnh đạo đất nước bằng trái tim
Về châu Âu, hồ sơ của Courrier International hoan nghênh « Jacinda Ardern, làm chính trị theo một cách khác ». Thái
độ gương mẫu của nữ thủ tướng New Zealand sau các vụ khủng bố ở
Christchurch khiến bà chiếm trang nhất của báo chí các nước. Ở tuổi 38,
bà là biểu tượng cho một cung cách làm chính trị thực tế và đầy tình
thương, khác hẳn với những tuyên bố đao to búa lớn.
Trong bài xã luận mang tựa đề « Lãnh đạo bằng trái tim »,Courrier International nhắc lại, hồi đầu năm 2018, tuần báo đã đặt câu hỏi : « Macron, Trudeau, MBS, Ardern…những người trẻ lên nắm quyền, liệu họ có thay đổi được thế giới ? ».
Mười sáu tháng sau, chỉ có một mình Jacinda Ardern của New Zealand gây
được tiếng vang. Các cải cách của Macron (Pháp) bị bế tắc trong ngõ cụt
Áo Vàng, Trudeau (Canada) vấp phải xì-căng-đan, Ben Salmane (Ả Rập Xê
Út) lộ rõ là nhà độc tài.
Vụ khủng bố vào hai đền thờ Hồi giáo tại
Christchurch làm 50 người chết hồi tháng Ba đã khiến New Zealand chiếm
những hàng tít đầu thời sự, và thủ tướng Jacinda Ardern phải chịu đựng
gánh nặng. « Một trong những điều mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ
phải làm, và hy vọng chẳng bao giờ phải làm, là phát biểu nhân danh một
quốc gia đang chịu tang ». Dù vậy bà đã phải làm điều ấy, theo một cách đã làm cả thế giới đánh giá cao.
Tấm
ảnh bà ôm chầm lấy một phụ nữ Hồi giáo là thân nhân của một nạn nhân,
an ủi một cách chân thành…đã gây xúc động. Bên cạnh đó, bà cương quyết
sửa đổi luật về vũ khí, chỉ trích các đại gia internet đã để cho bọn
khủng bố tuyên truyền, từ chối nhắc đến những kẻ sát nhân : « New Zealand không cho bọn chúng một cái gì cả, kể cả cái tên ! ». Một tờ báo Anh sau đó chạy tựa : « Các lãnh tụ xứng tầm là có thật ».
Đây
không phải là lần đầu tiên Jacinda Ardern thu hút sự chú ý của báo chí
quốc tế. Bà là thủ tướng dân cử thứ hai trong lịch sử, sau bà Benazir
Bhutto ở Pakistan, sinh con trong nhiệm kỳ. Jacinda tạo ra sự khác biệt
vì bà lãnh đạo đất nước bằng trái tim, trong khi các đồng nhiệm chọn lựa
quyền lực. Tuy nhiên theo The Guardian, không dễ dàng gì bắt chước được, nếu không thực sự có tình yêu thương tha nhân.
Thành phố Berehove của Ukraina, nơi nổ ra xì-căng-đan passport Hungary. |
Cũng tại châu Âu, L’Express nói về « Các cử tri ma của Viktor Orban ».
Chính quyền Hungary đề nghị cấp hộ chiếu cho hàng triệu người gốc Hung
đang sống tại Ukraina, Slovakia và Serbia. Liệu chính sách này sẽ mang
lại kết quả trong cuộc bầu cử ngày 26/5 sắp tới hay không ?
Mới
sáu tháng trước, không có mấy người Ukraina có thể chỉ ra được ngôi làng
hẻo lánh Berehove trên bản đồ, nhưng nay địa điểm này đang là trung tâm
căng thẳng với nước láng giềng Hungary. Đó là do xuất hiện một video
quay lén, cho thấy cảnh một nhóm người Ukraina nhận passport Hung, tuyên
thệ và hát quốc ca Hungary. Lãnh sự Hung tươi cười dặn dò nên giữ kín
việc này.
Chưa đầy hai tuần sau, chính quyền Kiev đã trục xuất vị
lãnh sự này về Budapest, yêu cầu không cấp bất cứ hộ chiếu Hungary nào
trên lãnh thổ nước mình – Ukraina vốn không chấp nhận hai quốc tịch.
Thủ
tướng Viktor Orban, lên cầm quyền từ 9 năm trước, với lời hứa bảo vệ
quyền lợi cho tất cả người Hung. Đối với 10 triệu dân trong nước, tất
nhiên, nhưng kể cả 2 triệu người gốc Hung đang sống tại Slovakia,
Rumani, Serbia, Ukraina – một cộng đồng xuất xứ từ đế quốc Áo-Hung cũ.
Hiện nay có 1 triệu kiều dân đã được nhập tịch Hungary, trong đó có trên
120.000 người ở miền đông Ukraina. Đảng cầm quyền Fidesz hy vọng số
lượng cử tri quan trọng này sẽ góp phần giúp giành thắng lợi trong cuộc
bầu cử châu Âu.
Để bảo vệ lợi ích của thiểu số người gốc Hung tại
Ukraina, một đảng mới được ra đời mang tên KMKSZ. Tương tự đối với các
đảng RMDS ở Rumani, VNS ở Serbia, SMK-MKP ở Slovakia, tất cả đều có một
điểm chung là ủng hộ chính sách của ông Orban. Đối lập ở Budapest tố cáo
chính phủ thành lập những đảng ma ở nước ngoài để tìm chiến thắng khi
bầu cử.
Marton Gyonggyosi, phó chủ tịch đảng cực hữu Jobbik khẳng
định hồi bầu cử Quốc Hội tháng 4/2018, đảng Fidesz đã thuê nhiều chuyến
xe buýt chở đầy người Ukraina sang Hungary bỏ phiếu, những cử tri này
đều đăng ký địa chỉ ma. Kết quả là tại một ngôi làng vùng biên, tỉ lệ cử
tri đi bầu vượt quá…146%, và ứng cử viên của Fidesz đã thắng !
Chống luật dẫn độ, Hồng Kông ngày 28/04/2019 lại tràn ngập những chiếc dù vàng như hồi năm 2014. |
Hồng Kông : Đi về đâu để trốn làn sóng đỏ ?
Liên quan đến châu Á, trong bài « Hồng Kông, sự chuyển đổi đáng buồn » do Courrier International trích dịch từ báo Đức Deutsche Welle,
một nhà báo người Hoa lưu vong nhấn mạnh đến nỗi lo về ảnh hưởng ngày
càng lớn của Bắc Kinh lên đặc khu này. Đó cũng là lý do khiến hôm
28/04/2019, có đến 130.000 người dân Hồng Kông ồ ạt xuống đường chống
lại dự luật cho phép dẫn độ sang Hoa lục.
Tác giả Trường Bình
(Chang Ping) thổ lộ, những ai từng sống trong nền chính trị tối tăm của
Trung Quốc luôn tìm kiếm ánh sáng từ bên ngoài. Từ sau đợt di tản trong
thập niên 50 - đông đảo người dân chạy sang Hồng Kông để tránh chế độ
cộng sản - đặc khu luôn là ngọn đèn pha gieo hy vọng cho hàng ngàn hàng
vạn người đang tuyệt vọng ở Hoa lục, như một tia chớp trên bầu trời vần
vũ mây đen. Năm 1989, thời điểm xảy ra vụ Thiên An Môn, vô số món tiền
quyên góp từ Hồng Kông tràn ngập.
Nhưng 20 năm sau, khi Trường
Bình bị từ chối cấp visa để vào Hồng Kông làm tổng biên tập tờ Dương
Quang Thời Vũ (Yangguang Shiwu - iSun Affairs), ông « thấy bóng dáng của một Hồng Kông tự do xa dần ». Rồi mười năm nữa trôi qua, giờ đây « chiếc bóng ấy quay lại, cho thấy một bộ mặt đã thay đổi, trở nên gớm ghiếc ».
Bi
kịch của các nhà đấu tranh trong phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn năm
2014 (trong đó bốn thủ lãnh bị lãnh án tù giam hôm 24/4), là điều vẫn
diễn ra hàng ngày tại Hoa lục. Hồng Kông ngày càng giống Trung Quốc :
báo chí không còn nói về những người hùng này. Ngay cả khi nói chuyện
riêng, người ta cũng tránh nhắc tên họ, như ngày nay ở Hoa lục những cái
tên như Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) vẫn bị
tránh né.
Nếu trước đây, người biểu tình Hồng Kông chỉ bị khởi tố vì « tụ tập đông người bất hợp pháp », thì nay lần đầu tiên tội danh « âm mưu phá hoạt trật tự công cộng »
được sử dụng để tống giam các thủ lãnh phong trào dân chủ. Mới đây ông
Lâm Vinh Cơ (Lam Wingkee), người đã can đảm đứng ra tố cáo vụ bắt cóc
các chủ nhà xuất bản Đồng La Loan (Causeway Bay Books), quyết định di
tản sang Đài Loan, trước mối đe dọa từ luật dẫn độ. Ông khẳng định chưa
bao giờ nghĩ rằng mình, một công dân Hồng Kông, lại có ngày phải chạy
trốn : « Hồng Kông bị nhấn chìm quá nhanh ! »
Nhà báo
Trường Bình cay đắng đặt câu hỏi, hôm qua người dân Hoa lục phải trốn
chạy sang Hồng Kông, hôm nay người Hồng Kông đi tị nạn ở Đài Loan, còn
ngày mai, người dân Đài Loan phải lưu vong đến chốn nào ?
Về mặt lịch sử, mục điểm sách của Le Point giới thiệu cuốn « Những người cánh tả chuyên chối bỏ sự thật » của nhà sử học Thierry Wolton, nói về hiện tượng những trí thức thiên tả không muốn nhìn nhận tội ác của các chế độ cộng sản.
Tác
giả chua chát nhận xét, không có một phiên tòa Nuremberg (Nümberg) nào
cho chủ nghĩa cộng sản, như đối với phát-xít Đức trước đây. Liên Xô tự
sụp đổ, không có ai bị xét xử, và khác với nước Đức hậu quốc xã, Nga
không hề thu thập bất kỳ thứ gì về ký ức cộng sản. Trong khi NKVD (an
ninh Liên Xô) cũng đã từng dùng các xe khí độc sát hại những người đối
lập trong thời kỳ 1937-1938. Mao Trạch Đông tuyên bố « Phân nửa dân số chết cũng chẳng sao »,
và kết quả là 38 triệu người dân Trung Quốc đã chết vì đói và lao động
khổ sai. Thế nhưng không ít trí thức thiên tả lại cố giảm thiểu những
tội ác hoặc bóp méo sự kiện, khi nói về lịch sử Trung Quốc, khối xô-viết
cũ hay Cam Bốt.
Có thể kể : nhà triết học Régis Debray cho rằng các trại cải tạo gu-lắc là « tuyên truyền của phương Tây »,
phe trốt-kít ủng hộ vô điều kiện ông Hồ Chí Minh, nhà xã hội học cực tả
Serge Thion luôn bênh vực kịch liệt Khmer Đỏ…Riêng triết gia Alain
Badiou hết sức tiếc nuối việc Khmer Đỏ bại trận trước quân đội Việt Nam,
trong bài viết đăng trên Le Monde năm 1979 mang tựa đề « Campuchia sẽ chiến thắng ».
Mãi đến năm 2012, ông Badiou mới chịu nhìn nhận sai lầm. Nhà sử học
Thierry Wolton lo ngại các thế hệ trẻ sau này quên đi những thảm họa của
thời kỳ xô-viết cũng như mao-ít, và coi chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc
của mọi cái xấu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.