Một giàn khoan dầu ở giếng Soroush của Iran trên vịnh Péc-xích. Ảnh tư liệu chụp ngày 25/07/2005. |
Các bài học cần rút ra từ ngày lễ Lao động 1/5 vừa
qua, ảnh hưởng của các nghiệp đoàn lên giới công chức, vụ những người
biểu tình đột nhập vào bệnh viện La Pitié-Salpétrière, các nhà hát Opéra
tại Pháp, sức mua....là tựa chính các báo Paris hôm nay. Về thời sự
quốc tế, tình hình Venezuela và Iran được bàn luận nhiều nhất.
Suy thoái, lạm phát đang chờ
Còn tại Trung Đông, Libération nhận định « Trừng phạt Iran : Phương pháp thô bạo của Trump », Les Echos nói về « Cú siết cuối cùng của Hoa Kỳ lên dầu lửa Iran », « Washington gia tăng áp lực lên Iran », theo Le Monde.
Hôm qua Hoa Kỳ thông báo không còn đặc miễn cho bất kỳ nước nào để mua
dầu của Iran. Sự bóp nghẹt này có thể làm lạm phát của Iran lên đến 37%
và tạo ra suy thoái ở mức kỷ lục.
Trong số 8 nước trước đây còn
được mua, Ấn Độ lập tức ngưng, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ suy nghĩ lại, còn
Đài Loan, Ý, Hy Lạp thì đã ngưng giao dịch trước đó. Bắc Kinh vốn mua
của Iran 580.000 thùng dầu/ngày trong năm ngoái, mạnh mẽ tố cáo
Washington, nói rằng không chấp nhận tuân lệnh Mỹ, nhưng Teheran chẳng
nhận được đơn đặt hàng nào trong tháng Năm của Trung Quốc cũng như các
nước khác.
Le Monde nhận định « Các phương tiện né tránh cấm vận giảm xuống nhiều đối với Teheran ».
Năm ngoái, toàn bộ các tàu hàng của Iran đều vô hiệu hóa hệ thống định
vị GPS từ vùng biển quốc gia cho đến eo biển Ormuz để chống theo dõi.
Nhiều vụ sang mạn dầu lửa ngoài khơi đã được ghi nhận tại vùng biển xung
quanh các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, xuất xứ dầu thô Iran được
che giấu bằng giấy tờ giả.
Tàu chở dầu đi qua eo biển Ormuz ngày 21/12/2018. |
Khó thể lén lút bán đến 1 triệu thùng dầu/ngày
Nhưng Abudi Zein, giám đốc công ty ClipperData chuyên nghiên cứu lượng giao dịch dầu lửa quốc tế khẳng định : «
Không dễ che giấu một lượng dầu quá lớn, Iran chỉ có thể xuất đi tối đa
350.000 thùng/ngày từ tháng Giêng đến tháng Hai năm 2019 ». Bà
Sara Vakhshouri, cựu giám đốc Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) cho
rằng ước tính trên vẫn còn quá cao, Teheran chỉ có khả năng xuất lậu
được khoảng 150.000 – 200.000 thùng. Đặc biệt là do mạng lưới vệ tinh và
ăng-ten theo dõi đã dày đặc thêm từ 5 năm qua. Việc xử lý khối lượng dữ
liệu được tự động hóa, và các hình ảnh vệ tinh ngày càng chính xác,
giúp ước tính được trọng tải của các tàu.
Cho đến năm 2015, Iran
bí mật chuyển dầu bằng đường bộ sang Thổ Nhĩ Kỳ và được trả bằng vàng để
né tránh chuyển ngân. Nay Teheran cũng có thể sử dụng cách tương tự với
miền nam Irak hay Azerbaizan, hoặc đưa dầu qua biển Caspi (Caspienne).
Nhưng làm thế nào nhận tiền mà không bị Mỹ phát hiện ? Một chuyên gia
nhận xét : « Iran luôn có thể lén bán dầu, nhưng cần phải bán được 1 triệu thùng mỗi ngày để có thể sống sót, như thế là quá nhiều ! ».
Nghĩa địa máy bay ở Mehrabad, thủ đô Iran. Ảnh chụp màn hình Google Maps. |
Cấm vận và nghĩa địa máy bay ở thủ đô Teheran
Trong
khi chính quyền khoe khoang đã chống chọi được trước các trừng phạt của
Mỹ, những chiếc phi cơ chờ đợi phụ tùng thay thế hay đã quá cũ nằm chen
chúc tại sân bay Mehrabad, ở thủ đô Iran. Libération mô tả tình trạng này trong bài viết « Ngay giữa Teheran, một nghĩa trang máy bay cồng kềnh ».
Từ
trên không nhìn xuống là cả một khung cảnh lộn xộn : những cánh máy bay
đan chéo nhau, mũi chiếc này đụng vào hông chiếc kia hoặc húc vào chiếc
khác…ngay cả dùng Google Maps cũng thấy được, chẳng cần hình ảnh vệ
tinh. Chúng phải nằm bẹp trên mặt đất do bị quốc tế cấm vận từ 40 năm
qua, và từ năm 2018 tổng thống Mỹ Donald Trump lại siết chặt thêm, cấm
bán phụ tùng máy bay cho Teheran.
Phát ngôn viên tổ chức hàng
không dân dụng Iran (OACI) nói với các nhà báo là số chuyến bay đã tăng
lên gấp 10, và số phi trường thì gấp đôi, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo.
Tuy nhiên theo Libération, số phi cơ bay được chỉ là 145/311
chiếc vì cũ kỹ, chúng trở thành nguy hiểm. Tỉ lệ hành khách tử vong lên
đến 1,89 trên 1 triệu người, trong khi mức trung bình của thế giới là
0,34.
Với hiệp định nguyên tử Iran, Mỹ cho phép Teheran được mua
máy bay và phụ tùng. Airbus đã bán được 118 chiếc trị giá 27 tỉ đô la
cho Iran Air, cho thuê thêm 29 chiếc với giá 17 tỉ đô la ; một số công
ty hàng không nhỏ hơn cũng đặt mua nhiều máy bay. Nay hầu như không có
chiếc nào được giao ngoài ba chiếc Airbus lúc đầu. Về phụ tùng, một công
ty Na Uy là Norwegian Air Shuttle đã có kinh nghiệm xương máu khi phải
hạ cánh khẩn cấp xuống Shiraz, miền nam Iran và phải nằm ở đó suốt hai
tháng trời chờ OFAC, cơ quan áp dụng cấm vận của Mỹ cấp giấy phép mới
sửa chữa được.
Thủ lãnh đối lập Juan Guaido nói chuyện với những người ủng hộ tại Caracas ngày 30/04/2019. |
Diễn biến cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela
« Tại Venezuela, Maduro chống chọi với cuộc tấn công mới của Guaido », đó là nhận xét của Le Monde. Trong khi đó, « Washington hy vọng lôi kéo được những người ủng hộ chế độ ».
Thủ lãnh đối lập Juan Guaido đã kêu gọi tham gia « cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử đất nước » vào ngày 1/5. Nhưng 24 giờ trước đó, ông gây bất ngờ khi tung ra « giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do »
chống Maduro, và đã không thành công. Ông Maduro đã chiến thắng, như
những người ủng hộ ông khẳng định, hay ngược lại, sự kiện này đã làm chế
độ thêm yếu đi và chia rẽ ?
Đặc phái viên của Le Monde
tại Caracas thuật lại, ngay từ rạng đông hôm thứ Ba 30/4, một video của
Juan Guaido đã xuất hiện trên các mạng xã hội. Ông đứng cạnh Leopoldo
Lopez, thủ lãnh chính trị uy tín đã bị kết án 14 năm tù, cùng với nhiều
vệ binh quốc gia vũ trang, gần một căn cứ quân sự ở La Carlotta, trung
tâm Caracas. Ông Lopez từ cuối năm ngoái được chuyển sang quản thúc tại
gia, và vừa được các quân nhân giải thoát. Những người lính đứng bên
cạnh đều đeo băng xanh, tỏ dấu hiệu đứng về phía chiến dịch Tự Do.
Các
nhà đối lập tin rằng thời khắc đã đến, các tướng lãnh đã bỏ rơi Maduro,
những lời kêu gọi xuống đường nở rộ trên các mạng xã hội. Trong nhiều
tiếng đồng hồ, tình hình vẫn lộn xộn : hơi cay, đạn cao su được bắn vào
đám đông, ông Nicolas Maduro không thấy xuất hiện. Métro không hoạt
động, nhiều trang web thông tin bị đóng. Trên Twitter, hình ảnh một xe
bọc thép của cảnh sát lao vào những người biểu tình gây lo sợ bạo động.
Đến chiều thì đã rõ : các tướng lãnh không theo phe đối lập. Leopoldo
Lopez và gia đình vào tị nạn tại đại sứ quán Chilê, sau đó sang tòa đại
sứ Tây Ban Nha. Buổi tối, mới thấy ông Maduro trên truyền hình.
Khung cảnh gần căn cứ không quân La Carlotta, Caracas ngày 30/04/2019. |
Maduro trụ lại được, nhưng ngờ vực bao trùm
Thông tín viên Le Monde tại Washington dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thêm : « Một chiếc máy bay đã đậu sẵn trên đường băng, Maduro đã định chạy trốn nhưng người Nga khuyên không nên ».
Theo những người thân cận của ông Guaido, thì« giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Tự Do »
dự kiến vào thứ Tư 1/5. Nhưng có thông tin là chế độ định bắt giam cả
hai thủ lãnh Guaido và Lopez, khiến họ phải tiến hành sớm hơn. Dường như
sự phối hợp với các nhà đối lập khác bị trục trặc. Maduro đe dọa trừng
trị những quân nhân phản bội. Còn phe đối lập cho rằng đã thắng khi
chính quyền không dám bắt giữ hai thủ lãnh.
Le Monde cho
biết các tướng lãnh đã do dự mất nhiều tiếng đồng hồ, còn các lãnh đạo ở
tỉnh thì buộc chế độ phải trả giá đắt cho sự trung thành của họ. Theo
Washington, liên lạc đã được thiết lập với nhiều tướng tá và nhân vật
quan trọng trong chính quyền, nhưng vào phút chót họ lại đổi ý. Nhà cựu
ngoại giao Nicolas Rojas nhận xét : « Maduro giờ đây nghi ngờ lòng
trung thành của các tướng và những người thân cận. Ông ta vẫn chống chọi
được nhưng không còn lãnh đạo nổi ».
Tại Paris, đại diện của
ông Guaido giải thích chiến lược là nhằm duy trì áp lực thường trực lên
chế độ, dần dà tranh thủ giới quân đội. Le Monde ghi nhận ý kiến của một người dân : « Kêu gọi tổng đình công tại một đất nước không làm việc, chẳng sản xuất được gì ? Thật vô nghĩa ! ». Ông tin rằng chỉ có can thiệp quân sự mới thay đổi được chính thể, và nhiều người Venezuela khác cũng chia sẻ quan điểm này.
Du khách Hàn Quốc chụp hình kỷ niệm tại vùng phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm, 01/05/2019. |
Vùng phi quân sự Triều Tiên sẽ thành khu du lịch
Về châu Á, đặc phái viên La Croix mô tả vùng phi quân sự Triều Tiên, vẫn còn là khu vực quân sự nhưng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái trong tương lai.
Hiệp
định quân sự liên Triều được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Bàn Môn
Điếm hồi tháng Chín năm ngoái dự kiến biến vùng phi quân sự (DMZ), biểu
tượng của cuộc chiến tranh lạnh, thành vùng đất hòa bình. Nhiều con
đường dã ngoại sẽ được mở ra từ nay cho đến mùa xuân, « du lịch sinh
thái » được thử nghiệm với một nhóm nhà báo quốc tế. Năm ngoái có sáu
triệu du khách đến thăm trong đó 40% là khách ngoại quốc, và văn phòng
du lịch Gyeonggi dự định xây dựng cáp treo, công viên giải trí. Họ cho
biết « Người miền Bắc không còn là kẻ thù », sau làn sóng hòa bình mới đây.
Tuy
vậy vẫn còn một triệu lính Bắc Triều Tiên ở phía bên kia, và gần
600.000 quân nhân (trong đó có 25.000 lính Mỹ) đóng ở phía Nam. Mối đe
dọa vẫn còn đó, dù không rõ rệt như trong quá khứ. Một hướng dẫn viên
chuyên nghiệp nhận xét : « Sau phép lạ kinh tế Hàn Quốc, chúng tôi cần phải hoàn tất phép lạ cuối cùng, đó là thống nhất đất nước ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190503-my-bop-nghet-ve-dau-lua-iran-vat-va-tim-cach-song-sot
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.